AI Agent Framework: "Bàn tay phù thuỷ" đằng sau các AI Agent đình đám
Tại sao Agent Framework sẽ trở thành tâm điểm trong thế giới Web3?
Web3, với tính phi tập trung và khả năng bảo mật cao, đã nhanh chóng trở thành nền tảng lý tưởng để tích hợp với công nghệ AI. Tuy nhiên, việc đảm bảo AI hoạt động hiệu quả trong môi trường phi tập trung không phải là điều đơn giản.
Đây chính là lúc các Agent Framework xuất hiện, mang đến giải pháp quản lý, phát triển và triển khai các AI Agent trong các hệ sinh thái.
Agent Framework là một hệ thống phần mềm được thiết kế để xây dựng và vận hành các AI Agent - những thực thể tự động hóa có khả năng học hỏi, ra quyết định và thực hiện các tác vụ một cách tự chủ.
Các framework này đóng vai trò như một lớp nền tảng, cung cấp công cụ cần thiết giúp nhà phát triển triển khai Agent một cách linh hoạt và hiệu quả.
Từ việc xử lý dữ liệu, tự động hóa giao dịch đến quản lý tài sản on-chain, Agent Framework đã trở thành nhân tố cốt lõi trong việc thúc đẩy AI Agent hoạt động hiệu quả trên các mạng lưới phi tập trung.
Hiện nay, các framework như Eliza, G.A.M.E, RIG, ZerePy, Heurist và REI đã chứng minh được tiềm năng của chúng trong các hệ sinh thái với khả năng tương tác đa chuỗi, quản lý tài sản và tạo ra những ý tưởng mới trong lĩnh vực DeFi, Gaming hay SocialFi.
Tuy nhiên, mỗi framework lại mang một định hướng và lợi thế riêng, từ khả năng tương thích blockchain đến mức độ mở rộng tính năng qua các plugin, tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt trong việc trở thành bên dẫn đầu.
So sánh các Agent Framework phổ biến nhất
Báo cáo từ Messari cho thấy sự cạnh tranh giữa các Agent Framework hàng đầu, nơi mỗi nền tảng mang đến những đặc điểm và lợi thế riêng biệt.
Mỗi framework không chỉ là công cụ mà còn thể hiện một chiến lược phát triển độc đáo, từ khả năng tích hợp đến trọng tâm ứng dụng, đáp ứng đa dạng các nhu cầu trong thị trường.
Đầu tiên là Eliza Framework, vốn được sử dụng để tạo ra ai16z - một quỹ đầu tư tự vận hành hoàn toàn bằng AI - với khả năng quản lý mạng xã hội, tạo nội dung và đưa ra các quyết định đầu tư mà không phụ thuộc vào con người.
Framework này nổi bật với kiến trúc modular và hệ thống plugin mở rộng, cho phép tùy biến theo nhu cầu cụ thể. Với khả năng tương thích trên nhiều blockchain lớn (Solana, Sui, Aptos) và được tích hợp với các nền tảng xã hội như Twitter, Discord hay Farcaster, Eliza đã nhanh chóng trở thành lựa chọn cho các AI Agent trong lĩnh vực truyền thông mạng xã hội và Agent chuyên cho hoạt động giao dịch.
Dự án còn hợp tác với Đại học Stanford, sử dụng framework mã nguồn mở Eliza để nghiên cứu vai trò của AI trong Web3. Ngoài ra, các tính năng như NFT minting, webhooks Coinbase và hỗ trợ đa mô hình AI giúp Eliza duy trì tính linh hoạt và thu hút đông đảo cộng đồng phát triển. Tính đến thời điểm viết bài, Eliza trở thành repo (kho lưu trữ các file của dự án) thịnh hành nhất trên Github với hơn 2,400 lần “fork”.
Tiếp đến là G.A.M.E, framework đằng sau AI Agent launchpad Virtuals "làm mưa làm gió" thời quan qua. G.A.M.E tập trung vào ngành công nghiệp gaming với khả năng tạo ra các NPC (nhân vật không người chơi) thông minh và môi trường chơi động.
G.A.M.E sử dụng đồ thị tri thức và bộ nhớ dài hạn để nâng cao khả năng học hỏi và ra quyết định của các AI Agent. Phong cách low-code của framework này giúp các nhà phát triển không cần quá nhiều kiến thức kỹ thuật nhưng vẫn có thể tạo ra các Agent một cách dễ dàng.
Đặc biệt, mức tăng 200% số lượng request trong một tuần đã chứng minh sức hút của G.A.M.E như là framework được sử dụng phổ biến nhất trong những tuần cuối tháng 12/2024.
RIG với thiết kế nhẹ (lightweight) và portable (một loại phần mềm xách tay, có thể chạy mà không cần cài đặt vào máy tính) tập trung tối ưu hóa hiệu suất cho các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM). Framework này phù hợp với các tác vụ yêu cầu tính ổn định và khả năng xử lý khối lượng dữ liệu lớn.
Trong khi đó, ZerePy nhờ thiết kế đa lớp (multi-layer) và khả năng tích hợp Vector Stores như Pinecone đã trở thành giải pháp lý tưởng cho các giao dịch trustless (không cần trung gian) và cấp phép IP (quyền sở hữu trí tuệ), đặc biệt trong lĩnh vực NFT.
Heurist và REI cũng không kém phần nổi bật. Heurist với kiến trúc Modular và lightweight, tập trung vào chatbot đa nền tảng với chi phí thấp. REI với thiết kế đa lớp và hệ thống Oracle Bridge không chỉ hỗ trợ lưu trữ dữ liệu on-chain mà còn giúp AI Agent dễ dàng tích hợp với các nguồn dữ liệu bên ngoài để cải thiện hiệu suất hoạt động.
Mỗi framework đều đại diện cho một góc nhìn khác biệt về cách AI và blockchain có thể kết hợp để tạo ra giá trị. So sánh về các Framework trên không chỉ giúp làm rõ những ưu điểm của từng nền tảng mà còn cho thấy sự sáng tạo không ngừng trong hệ sinh thái Web3.
Tương lai nào cho các Agent Framework?
Xu hướng tích hợp AI vào blockchain đang lan rộng không chỉ trong Web3 mà còn lấn sân sang các lĩnh vực truyền thống. Eliza cùng mối quan hệ hợp tác với Stanford cho thấy sự quan tâm đến việc nghiên cứu AI trong DeFi. G.A.M.E với định hướng gaming và social media agent được định vị là nền tảng tiên phong trong việc tối ưu hóa trải nghiệm tương tác và giải trí.
Nhưng tương lai không chỉ toàn cơ hội. Những rào cản như rủi ro bảo mật, mức độ phức tạp trong việc tích hợp và tương thích đa chuỗi vẫn là những thử thách đáng kể. Thành công hiện tại của các Agent Framework sẽ không chỉ dựa vào công nghệ mà còn phụ thuộc vào mức độ chấp nhận từ cộng đồng nhà phát triển cũng như khả năng đáp ứng nhu cầu thực tế của người dùng.
Liệu Agent Framework có vượt qua mọi thách thức để trở thành trụ cột của thế giới Web3 hay sẽ chỉ là một trào lưu thoáng qua trong sự phát triển không ngừng của công nghệ?
Đọc thêm: Khi AI giao thoa với Blockchain | Đột phá thực sự hay chỉ là lý thuyết?