SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Quyền sở hữu trí tuệ (IP) trong Web3

Thị trường tài sản trí tuệ (IP) toàn cầu là một lĩnh vực khổng lồ, với giá trị ước tính lên đến hàng nghìn tỷ USD. Gần đây, IP trong lĩnh vực Web3 đã bắt đầu thu hút sự chú ý, đặc biệt là qua các bộ sưu tập NFT.
Avatar
Duy Nguyen
Published Aug 15 2024
Updated Aug 18 2024
10 min read
ip trong web3

Khi giá trị IP trong Web3 ngày càng tăng

Quyền sở hữu trí tuệ (Intellectual Property - IP) là quyền hợp pháp bảo vệ các sáng tạo trí tuệ, bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, phát minh, thiết kế, biểu tượng, tên gọi và hình ảnh được sử dụng trong thương mại.

Với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường crypto và lĩnh vực Web3, ngày càng nhiều chất xám được đầu tư vào lĩnh vực này, dẫn đến nhu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ngày càng trở nên quan trọng. Những nhóm dự án muốn có lợi thế cạnh tranh hoặc tạo giá trị kinh tế từ các sáng tạo trí tuệ của mình có thể tận dụng IP trong quá trình phát triển.

Vai trò của IP

Một minh chứng cho tầm quan trọng của IP là trường hợp của Uniswap và giấy phép bản quyền. Sau khi Uniswap ra mắt phiên bản V2, nhiều dự án đã sao chép mã nguồn của họ, dẫn đến sự suy giảm người dùng, thanh khoản và khối lượng giao dịch trên sàn.

Để ngăn chặn việc này tái diễn, Uniswap đã đăng ký giấy phép bản quyền cho mã nguồn phiên bản V3, qua đó ngăn cản các dự án lớn công khai sao chép mã nguồn này. Điều này đã giúp Uniswap duy trì được thị phần của mình.

IP cũng đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực NFT. Giá trị của NFT không chỉ phụ thuộc vào chất lượng hình ảnh hay sự gắn kết của cộng đồng, mà còn ở tiềm năng kinh tế mà chúng có thể tạo ra. Việc có quyền sử dụng nội dung của NFT cho mục đích thương mại hoặc phi thương mại thay vì chỉ sở hữu một token có thể gia tăng đáng kể giá trị của NFT.

sản phẩm dựa trên hình ảnh nft
Một vài sản phẩm dựa trên hình ảnh NFT

Đặc điểm của IP

Nhiều loại chủ thể có thể đăng ký IP. Chẳng hạn, trong trường hợp của Uniswap V3, chủ thể ở đây là mã nguồn. Bản quyền khi đăng ký thuộc sở hữu trực tiếp của Uniswap Labs. Nếu một dự án muốn sử dụng mã nguồn này, họ cần được sự đồng ý từ Uniswap Labs.

Một ví dụ khác là nội dung của NFT (hình ảnh, âm thanh…). Sở hữu một NFT không đồng nghĩa với việc sở hữu quyền sở hữu trí tuệ của nó. Nếu chủ sở hữu NFT không nắm rõ và sử dụng nội dung của NFT cho mục đích thương mại mà không có sự cho phép, họ có thể gặp phải các vấn đề pháp lý liên quan đến bản quyền. Một số trường hợp đáng chú ý bao gồm:

  • SpiceDAO đã chi gần 3 triệu USD để mua bản thảo chưa phát hành của bộ phim "Dune", sau đó sản xuất một loạt phim hoạt hình dựa trên bản thảo này và cố gắng bán cho một nền tảng streaming, dẫn đến vấn đề pháp lý.
  • Hermes kiện một họa sĩ vì sử dụng hình ảnh của thương hiệu để bán các bộ sưu tập NFT.
  • Nike kiện StockX vì bán NFT mang đặc điểm thương hiệu của Nike mà không được cấp phép.

Tùy thuộc vào đối tượng, các điều khoản liên quan đến IP sẽ khác nhau. Người dùng hoặc dự án khi sở hữu hoặc có ý định phát triển dựa trên một đối tượng đã đăng ký IP cần hiểu rõ các điều khoản liên quan. Những dự án muốn phát triển sản phẩm liên quan cũng cần nghiên cứu kỹ thị trường để xác định đối tượng có tiềm năng giá trị tốt nhất.

Với sự phát triển của Web3 và giá trị mà nó mang lại, vấn đề liên quan đến IP ngày càng được chú trọng. Phần dưới đây sẽ trình bày về bức tranh IP trong Web3 hiện nay.

advertising

Bức tranh IP trong Web3 hiện tại

ip trong web3
Các dự án tập trung vào nhánh IP trong web3

Nhìn vào bức tranh hiện tại, hầu hết các dự án hiện tại nhắm đến mảng IP đều phát triển xoay quanh NFT. Điều này không khó hiểu khi ta nhìn vào các ví dụ truyền thống, nơi những chủ thể như nhân vật truyện tranh hay phim ảnh thường có sức ảnh hưởng rộng rãi và mang lại nguồn thu lớn cho những bên sở hữu IP.

ip
Doanh thu từ việc bán sản phẩm liên quan tới IP của các công ty. Nguồn: Statista

Các bộ sưu tập NFT thường khá cởi mở trong việc xử lý IP. Hầu hết các bộ sưu tập NFT hàng đầu đều cho phép người sở hữu sử dụng hình ảnh NFT cho mục đích thương mại hoặc phi thương mại. Nguyên nhân một phần là do giá trị IP của các dự án này vẫn chưa cao, một phần nữa là do tính mở vốn là bản sắc của thị trường crypto.

ip nft
Điều khoản IP của các bộ sưu tập NFT hàng đầu - Nguồn: Xu hướng tiếp theo của NFT Collection

Xét ở góc độ sản phẩm, số lượng các dự án liên quan đến IP hiện vẫn còn ít và hầu hết đang trong giai đoạn phát triển. Những ý tưởng nổi bật đang được triển khai bao gồm:

  • Phát triển giá trị IP: Pudgy Penguins, Azuki, Doodles…
  • Phát triển hạ tầng dành cho IP: Abstract, Aura Network…
  • Phát triển sản phẩm hỗ trợ giao dịch IP: OverpassIP

Phát triển giá trị IP 

Các dự án theo hướng này chủ yếu là  các bộ sưu tập NFT. Số lượng các bộ sưu tập với hàng chục nghìn NFT xuất hiện đã khiến thị trường trở nên bão hòa. Nếu các dự án NFT muốn tiếp tục phát triển cần có sự đổi mới. Một số dự án đã bắt đầu tạo ra các sản phẩm mới dựa trên nội dung NFT nhằm gia tăng giá trị IP.

Ví dụ về những dự án phát triển giá trị IP có thể kể tới như:

  • Pudgy Penguins mở bán đồ chơi dựa trên hình ảnh NFT. Dự án đã bán được hơn 1 triệu sản phẩm trị giá hơn 10 triệu USD trong năm đầu tiên.
  • Azuki đang phát triển phim anime có chủ đề xoay quanh các nhân vật sở hữu sức mạnh nguyên tố.
  • Doodles đang phát triển phim cartoon với sự hợp tác của nhiều ca sĩ nổi tiếng.
nft ip

Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm trong các lĩnh vực liên quan, các sản phẩm hiện tại còn khá đơn giản và mất nhiều thời gian phát triển hơn so với các sản phẩm truyền thống.

Phát triển sản phẩm hỗ trợ giao dịch IP

Việc tách biệt sản phẩm và IP thành hai đối tượng riêng biệt, giống như trong các lĩnh vực truyền thống, đã mở ra cơ hội cho một hình thức kinh tế mới. Sản phẩm tiên phong trong việc giao dịch IP là OverpassIP, được phát triển bởi đội ngũ Pudgy Penguins. OverpassIP là sàn giao dịch cho phép chủ sở hữu NFT cho các đối tượng khác (nhãn hàng, thương hiệu, hộ kinh doanh,...) thuê IP của NFT. Khi sản phẩm được tạo ra từ IP đó sinh lợi nhuận, một phần doanh thu sẽ được chia lại cho chủ sở hữu NFT.

Tìm hiểu thêm: OverpassIP - Cầu nối IP giữa Web3 và Web2.

dự án ip nft

Hiện tại, từ số lượng IP được thuê và chi phí thuê, có thể thấy nhu cầu sử dụng IP từ NFT vẫn còn thấp.

Phát triển hạ tầng dành cho IP

Việc phát triển mạng lưới cho một nhu cầu chuyên biệt đang trở thành xu hướng trong thị trường crypto và điều này cũng đúng với mảng IP.

Một vài cái tên có thể kể tới như:

  • Abstract: Được phát triển bởi Ignoo (công ty đứng sau bộ sưu tập Pudgy Penguins). Dự án sử dụng giải pháp ZK Rollup để xây dựng L2 Ethereum, tập trung vào ứng dụng khách hàng trong các mảng IP, SocialFi, NFTs, DeFi,...
  • Story Protocol: Blockchain layer 1 được tối ưu cho cấu trúc dữ liệu phức tạp như IP. Những nhà sáng tạo có thể đăng ký IP như một loại tài sản và đặt ra các điều kiện về bản quyền và các mức giá tương ứng thông qua smart contracts
  • Aura Network: Mạng lưới được phát triển bằng Cosmos SDK và sẽ có các công cụ để các nhãn hàng và chủ sở hữu IP có thể mang tài sản của mình lên các nền tảng web3.

Các mạng lưới phục vụ riêng cho nhu cầu liên quan đến IP vẫn đang trong giai đoạn phát triển và cần thêm thời gian để đánh giá hiệu quả.

Tiềm năng và thách thức trong việc phát triển giá trị IP trong web3

Mặc dù đang bắt đầu thu hút sự chú ý, lĩnh vực IP trong thị trường crypto và lĩnh vực web3 vẫn còn khá mới mẻ. Hiện chưa có nhiều dự án tập trung phát triển mảng này, chủ yếu do giá trị IP trong crypto hiện tại chưa đủ mạnh. Phát triển giá trị IP sẽ là một mảnh ghép quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của các hạ tầng liên quan.

Xây dựng giá trị IP đòi hỏi các dự án phải đầu tư nhiều công sức trong giai đoạn đầu, nhằm thu hút sự quan tâm và ủng hộ rộng rãi. Khi một bộ sưu tập NFT đạt được lượng người hâm mộ đủ lớn, nhu cầu sử dụng nội dung để sản xuất sản phẩm và phát triển hạ tầng sẽ tăng lên.

Sự phát triển của NFT có khả năng kéo theo sự phát triển của các sản phẩm liên quan đến IP. Việc các bộ sưu tập NFT chuyển hướng để tăng cường nhận diện thương hiệu là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, với những sản phẩm còn đơn giản và mất nhiều thời gian để phát triển như hiện nay, sẽ khó để chúng chiếm được thị phần đáng kể trong lĩnh vực IP truyền thống.

Dù vậy, Web3 là một lĩnh vực mới, đầy tiềm năng và cơ hội. Các dự án NFT nói riêng và những dự án phát triển liên quan đến IP nói chung không nhất thiết phải đi theo con đường của Web2. Thay vào đó, họ có thể tận dụng những lợi thế mà Web3 mang lại để tạo ra các sản phẩm đột phá.