Bitcoin - Con đường thống trị của vị vua Crypto
Để đạt 50 triệu người dùng…
Điện thoại mất 50 năm, truyền hình mất 22 năm, 19 năm cho internet và Bitcoin là gần 7 năm.
Bitcoin với sự tăng trưởng mạnh mẽ về giá trị (đạt hơn 1 nghìn tỷ đô vốn hóa thị trường trong tháng 2/2021), đã và đang chứng minh vị thế độc tôn của mình trong giới Crypto. Không chỉ dừng ở đó, vị vua Crypto đã tạo ra cả một hệ sinh thái xung quanh mình như các sàn giao dịch, ngân hàng, các hệ thống vay và cho vay,...
Ở bài viết phía dưới, mình sẽ: (1) đánh giá sự thay đổi của Bitcoin, từ một tài sản đầu cơ của các nhà đầu tư nhỏ lẻ sang một loại “vàng điện tử” được săn đón bởi hàng loạt tổ chức tài chính, (2) vị vua của Crypto sẽ đưa chúng ta đến đâu trong những năm tới, (3) những khó khăn mà Bitcoin phải đối mặt?
Bài viết được tham khảo từ report của Citi GPS venture, quỹ đã định giá BTC là tài sản đáng đầu tư khi trị giá vốn hóa của đồng tiền này chỉ ở mức 6.2 tỷ đô. Do đó, mình nghĩ đây là nguồn thông tin đáng để chúng ta quan tâm.
From Zero to Hero
Bị chỉ trích là một loại tài sản được đánh giá có độ rủi ro và biến động lớn, thậm chí nhiều nơi còn ví von Bitcoin là trò lừa thế kỷ. Nhưng đồng tiền kỹ thuật số này vẫn phát triển đến độ mà không ai có thể ngờ tới.
Chỉ trong thời gian vài năm, từ một loại tài sản gần như vô giá trị và chỉ được giao dịch giữa những cá nhân nhỏ lẻ, Bitcoin trở thành một trong những loại tài sản giá trị cao, có thời điểm vốn hóa thị trường của BTC đạt hơn 1,500 tỷ đô. Nếu coi Bitcoin là một công ty thì trị giá của công ty đó đã vượt qua hàng loạt những tên tuổi hàng đầu như Google, Facebook,..
Góc Newbie: Bitcoin (BTC) là gì? Hướng dẫn toàn tập về đầu tư Bitcoin cho người mới bắt đầu
Số liệu cho thấy lượng địa chỉ ví lưu trữ Bitcoin đang ngày càng tăng với số lượng thu mua ngày càng nhiều. Điều này chỉ ra rõ một nhu cầu thực sự dành cho Bitcoin như một loại tài sản giá trị chứ không chỉ dừng lại ở hình thức đầu cơ.
Bên trái: %BTC được hold theo thời gian. Bên phải: số địa chỉ ví hold hơn 1,000 BTC
Lý giải cho sự tăng trưởng không tưởng của Bitcoin có thể kể đến từ “câu chuyện” đằng sau loại tài sản này.
Bitcoin tăng trưởng theo từng thời kỳ và ở mỗi thời kỳ đều có một “câu chuyện” đằng sau giúp tài sản này dần thu hút được một lượng lớn người quan tâm.
- Khởi đầu là một sản phẩm của công nghệ blockchain, một công nghệ đột phá giúp việc thanh toán trở nên đơn giản và minh bạch hơn.
- Tiếp đó là một loại tiền tệ giúp lưu trữ giá trị.
- Và hiện tại Bitcoin là một loại tài sản khan hiếm với nguồn cung cố định và đang liên tục giảm dần, một loại “vàng kỹ thuật số”.
Không chỉ dừng lại ở đó, Bitcoin ngày càng được chấp nhận rộng rãi và đồng tiền này có thể được sử dụng làm phương tiện thanh toán tại một số lượng lớn địa chỉ trên thế giới. Có thể kể đến như Tesla, Microsoft, Twitch,... Có thể nói rằng đồng tiền này đang và sẽ nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các tổ chức đầu tư.
Một kỷ nguyên mới
Cho dù còn nhiều hạn chế, nhưng Bitcoin và blockchain đã mang tới một cuộc cách mạng trong nền tài chính nói chung, mạng lưới Bitcoin là mạng lưới thanh toán toàn cầu đầu tiên trên thế giới. Chúng không có biên giới, không bao giờ đóng cửa, không thuộc quyền sở hữu của bất kỳ một bên nào và ai cũng có quyền truy cập mọi lúc, mọi nơi. Khả năng cao, Bitcoin sẽ không dừng lại và tiếp tục có những “câu chuyện” đằng sau.
Sau đây là một vài dự đoán về những điều mà Bitcoin có thể mang lại trong những năm sắp tới.
Hưởng lợi từ việc ứng dụng rộng rãi công nghệ blockchain
Bitcoin là cơ sở cho những phát triển sau này trong giới Crypto như mạng lưới Ethereum và đặc biệt là DeFi - trend lớn nhất tại thời điểm hiện tại.
Là một loại “vàng kỹ thuật số” với độ khan hiếm cao, là cảm hứng cho việc thúc đẩy sự kết hợp trong hệ sinh thái. Tuy nhiên trong tương lai, Bitcoin khả năng sẽ quay trở lại với mục đích thực sự của mình - cung cấp một hệ thống thanh toán toàn cầu thuận tiện và minh bạch.
Những cải tiến bây giờ trong giới Crypto không phải là vô nghĩa, chúng đang góp phần hoàn thiện vai trò của Bitcoin trong tương lai mà khả năng cao đồng tiền này sẽ được sử dụng để thực hiện việc giao dịch trên phạm vi toàn cầu.
Chuyển dịch từ con đường thanh toán truyền thống sang mạng lưới thanh toán toàn cầu
Paypal chính là minh chứng rõ ràng nhất cho việc này, người dùng có thể sử dụng Bitcoin để thanh toán cho bất kỳ ai trong mạng lưới 345 triệu người dùng của Paypal. Hệ thống đảm bảo cho việc người nhận vẫn sẽ nhận về fiat, người thanh toán chỉ cần chọn thanh toán bằng Bitcoin và PayPal sẽ lo phần còn lại.
Các loại stablecoin và tài sản Crypto sẽ có thêm nhiều ứng dụng mới
Stablecoin là một phần quan trọng trên mạng lưới, chúng đáp ứng nhu cầu sở hữu một loại tài sản ổn định và là thước đo để đánh giá độ biến động của tài sản on-chain. Số lượng “in” stablecoin đã và đang tiếp tục tăng trưởng chóng mặt.
Bên cạnh đó, stablecoin hiện tại đang dần được chấp nhận để thanh toán ngoài đời. Ngoài ra cánh cổng fiat <> crypto là một giải pháp đang được chú ý và tập trung phát triển, tất cả nhằm giúp người dùng nhận về một lãi suất tốt hơn và chống lại được lạm phát.
Sẽ có thêm các loại stablecoin cho các mạng lưới riêng
Khác với USDT hay USDC, các đồng stablecoin trên các mạng lưới riêng (ví dụ tiêu biểu là DIEM của Facebook) sẽ không được validate bởi các thợ đào như trên mạng lưới Ethereum. Thay vào đó các thành viên trong mạng lưới của DIEM sẽ validate (Spotify, Uber, Lyft, facebook,..). Điều này giúp tối thiểu chi phí thậm chí bỏ hẳn chi phí liên quan.
Ví dụ tiếp, Facebook và các thành viên trong mạng lưới có thể thưởng DIEM cho người sử dụng dịch vụ của mình, từ đó số chi phí kiếm được từ người dùng sẽ để chi trả cho việc thanh toán truyền thống.
Các nước sẽ chấp thuận và phát hành các đồng tiền kỹ thuật số
Hàng loạt nước trên thế giới đang tham gia vào cuộc đua phát triển đồng tiền kỹ thuật số của nước mình, việc này sẽ tác động tích cực đến việc chấp nhận sử dụng các loại tài sản số, hạ thấp độ thống trị của đồng Dola.
Thúc đẩy các bước tiến thương mại
Và để tổng kết lại tất cả những ý trên sẽ có tác động và ý nghĩa như thế nào trong tương lai, mình sẽ lấy một ví dụ để giúp anh em hiểu rõ hơn.
Ví dụ: Anh em có một mạng lưới tư (private network) để thực hiện việc mua bán cà phê. Cả bên xuất khẩu và bên nhập khẩu đều tham gia vào mạng lưới và tạo ra token COFFEE để thực hiện giao dịch trong mạng lưới.
Tuy nhiên khi hoàn thành giao dịch bên xuất khẩu cafe ở Brazil muốn đồng tiền của mình, nhà xuất khẩu Việt Nam muốn nhận VND, nhà nhập khẩu ở Mỹ lại muốn nhận USD và nhà nhập khẩu ở Ý muốn nhận Euro. Lúc này thay vì phải tạo một rổ chứa các loại tiền tệ hoặc bắt buộc phải quy đổi đồng tiền, sẽ đơn giản hơn nhiều nếu các bên đều đồng ý nhận lại đồng Bitcoin.
Quy trình:
- Bên nhập khẩu giám sát, khi hàng đã về, họ deposit Bitcoin vào mạng lưới tư và đào ra token COFFEE.
- COFFEE sẽ được chuyển vào địa chỉ ví của đối tác. Họ có thể đốt chúng và đổi lại Bitcoin.
- Số Bitcoin đó có thể được dùng cho việc thanh toán các chi phí khác hoặc đổi về đồng fiat của địa phương.
Đây chính là ví dụ mô tả về ứng dụng cuối của Bitcoin, đánh dấu cho việc thành công đi đến Mainstream của loại tài sản này.
Những chướng ngại cần phải vượt qua
Môi trường chưa thật sự hấp dẫn cho các tổ chức tài chính
Dòng tiền từ các nhà đầu tư tổ chức là dòng tiền lớn và có thể coi là bền nhất hiện tại. Tuy nhiên hiện tại môi trường on-chain vẫn chưa thực sự hấp dẫn cho các tổ chức tài chính.
Hiệu quả sử dụng vốn
Các giao dịch hiện tại hầu hết đều yêu cầu có tài sản trước và thường có tỷ lệ thế chấp cao hơn giá trị tài sản (over-collateralized)
Một lượng lớn nhà đầu tư tổ chức yêu cầu đòn bẩy cao hơn và sẵn sàng bỏ một lượng lớn tiền nếu nhu cầu của mình để đáp ứng.
Vấn đề về bảo hiểm và lưu ký
Các tổ chức tài chính lớn thường yêu cầu có một bên thứ ba để lưu ký (custody) tài sản của mình. Bên đó có trách nhiệm đảm bảo tài sản của khách hàng và bồi thường thiệt hại nếu có sự cố xảy ra. Như anh em thấy điều này đi ngược lại bản chất của blockchain và các ví hiện tại - “your keys your coins”.
Một vấn đề khác nữa là sự bảo hiểm cho tài sản, họ cần một độ chắc chắn khi đầu tư tiền của bản thân và khách hàng, và những tổ chức có sự đảm bảo tốt thường thu hút khách hàng hơn các bên còn lại. Các dự án bảo hiểm on-chain hiện tại cung cấp sản phẩm tương đương nhưng chi phí còn khá cao và chưa được kiểm chứng ở quy mô lớn.
Vấn đề bảo mật
Hiện tại chúng ta đang bắt đầu chứng kiến hiệu ứng snowball từ các nhà đầu tư tổ chức, khi càng nhiều tổ chức tham gia thị trường lại khiến nhiều tổ chức khác tự tin hơn và tham gia theo.
Đây là một việc tốt nhưng ngược lại nếu một bên gặp sự cố, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các bên còn lại (tưởng tượng nếu Microstrategy bị hack tài sản trị giá hơn tỷ đô BTC sẽ ảnh hưởng thế nào đến các bên khác).
Các nhân tố khác
Ngoài ra còn rất nhiều vấn đề khác ảnh hưởng đến mạng lưới hiện tại như độ minh bạch của Tether (USDT), tác động xấu của việc đào Bitcoin tới môi trường, các luật cấm liên quan, sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đồng tiền số khác và sự dịch chuyển thị trường,...
Đọc thêm: Bitcoin sập - Thị trường sập & Quá trình hồi phục tạo đỉnh mới.
Lời kết
Nhà triết học Schopenhauer từng nói “Mọi sự thật đều phải trải qua ba giai đoạn. Bước 1 là một trò đùa, bước 2 bị kịch liệt phản đối, bước ba là được chấp nhận”. Bitcoin đánh dấu một sự đột phá, một công nghệ mới mà có thể ảnh hưởng tới bất kỳ ai trên toàn thế giới.
Các nhà đầu tư tổ chức đã bắt đầu lựa chọn tham gia và hỗ trợ Bitcoin, chính phủ cũng đang phải chịu áp lực để phát hành đồng tiền số. Có thể rất sớm nữa thôi, Bitcoin sẽ hoàn toàn thay đổi thế giới mà ta từng biết, và bản thân những thành tựu mà Bitcoin làm được trong thập kỷ vừa qua cũng đã đủ gây sửng sốt với bất cứ một ai.