Block Reward là gì? Phân biệt Block Reward và Staking Reward
Block Reward là gì?
Block reward là phần thưởng mà thợ đào nhận được khi họ thêm một khối mới vào blockchain. Đây là phần thưởng quan trọng để duy trì động lực cho những người tham gia đóng góp cho mạng lưới, đảm bảo rằng blockchain hoạt động ổn định và an toàn.
Phần thưởng này thường xuất hiện trong các hệ thống sử dụng cơ chế đồng thuận Proof of Work (PoW). Mức thưởng khác nhau tùy theo từng blockchain và sẽ thay đổi theo thời gian.
Ví dụ: Trong mạng lưới Bitcoin, ban đầu mỗi khối mang lại phần thưởng là 50 BTC, nhưng con số này giảm dần sau mỗi lần halving (chia đôi phần thưởng).
Cách thức hoạt động của Block Reward
Trong các blockchain sử dụng cơ chế PoW, khi thợ đào giải quyết thành công bài toán băm để tạo ra một khối mới, họ nhận được phần thưởng là một lượng Bitcoin mới được tạo ra và các khoản phí giao dịch trong khối đó. Các block reward giúp thúc đẩy các thợ đào đầu tư vào sức mạnh tính toán để bảo mật mạng lưới.
Trong hệ thống PoW, mục tiêu chính của block reward là bù đắp cho năng lượng và tài nguyên mà các thợ đào đã bỏ ra để giải các bài toán mã hóa phức tạp. Điều này cũng giúp duy trì tính bảo mật của mạng lưới bằng cách yêu cầu sự cống hiến từ những người tham gia.
Phần thưởng khối đến từ hai nguồn chính:
- Phần thưởng cố định từ việc tạo ra khối mới: Đây là phần thưởng chính của block reward, được tạo ra mỗi khi một khối mới được thêm vào blockchain. Chúng được trả dưới dạng đồng coin của blockchain.
- Phí giao dịch: Đây là phần phí mà các người dùng phải trả để giao dịch của họ được xác nhận. Phí giao dịch sẽ được cộng dồn lại và trao cho thợ đào như một phần của phần thưởng khối. Mặc dù thường chiếm một phần nhỏ so với phần thưởng khối, nhưng giá trị của chúng có thể tăng lên theo thời gian khi số lượng giao dịch tăng.
Một trong những yếu tố quan trọng trong cơ chế block reward là sự kiện halving – sự kiện giảm một nửa phần thưởng sau mỗi khoảng thời gian nhất định. Với Bitcoin, halving diễn ra sau mỗi 210,000 khối, tương đương với khoảng 4 năm. Điều này có nghĩa là phần thưởng block cho thợ đào sẽ giảm một nửa mỗi lần sự kiện halving xảy ra, với mục đích kiểm soát lượng cung tiền và giảm tốc độ lạm phát.
Ví dụ với Bitcoin:
- Phần thưởng ban đầu của Bitcoin khi mạng lưới ra đời là 50 BTC cho mỗi khối.
- Sau lần halving đầu tiên năm 2012, phần thưởng giảm xuống còn 25 BTC.
- Tiếp tục giảm xuống 12.5 BTC sau halving năm 2016.
- Phần thưởng là 6.25 BTC sau sự kiện halving năm 2020.
- Phần thưởng tiếp tục giảm còn 3.125 BTC tại chu kỳ halving năm 2024.
Đọc thêm: Bitcoin halving là gì? Tác động của halving đến thị trường.
Khi phần thưởng block giảm, thợ đào phải đối mặt với việc lợi nhuận từ việc đào giảm theo. Nếu giá của Bitcoin không tăng đủ để bù đắp cho sự sụt giảm phần thưởng, một số thợ đào có thể rời bỏ mạng lưới, dẫn đến giảm hashrate (tổng sức mạnh tính toán).
Đồng thời, khi chi phí đào coin trở nên quá cao, chỉ những tổ chức lớn có tiềm lực tài chính mới có thể tiếp tục duy trì hoạt động. Điều này có thể dẫn đến sự tập trung hóa, làm giảm tính phi tập trung, đồng nghĩa với việc giảm tính bảo mật của blockchain và dễ bị tấn công hơn.
Về dài hạn, khi số lượng coin mới sinh ra từ block reward giảm dần (do cơ chế halving hoặc do giới hạn cung), phí giao dịch sẽ trở thành nguồn thu chính cho thợ đào. Điều này có thể dẫn đến việc tăng phí giao dịch trên các blockchain như Bitcoin và chúng gây khó khăn cho người dùng khi thực hiện các giao dịch nhỏ lẻ trên mạng lưới.
Block Reward và Staking Reward
Việc phân biệt giữa block reward và staking reward là rất quan trọng vì hai khái niệm này thường được sử dụng một cách lẫn lộn. Dù cả hai loại phần thưởng này đều khuyến khích người dùng tham gia vào việc bảo mật mạng lưới, sự khác biệt của chúng không chỉ nằm ở cách thức phân phối phần thưởng mà còn liên quan đến các yếu tố cơ bản như việc quản lý cung tiền, bảo mật mạng lưới và sự bền vững dài hạn của đồng coin của mạng.
Staking reward xuất hiện trong các hệ thống Proof of Stake (PoS) hoặc Delegated Proof of Stake (DPoS), nơi mà người dùng không phải "đào" khối bằng sức mạnh tính toán mà thay vào đó "đặt cược" (stake) một lượng coin của họ vào mạng lưới.
Những người tham gia staking được gọi là validator. Họ được chọn ngẫu nhiên dựa trên lượng tiền họ stake để xác minh giao dịch và tạo ra các khối mới. Khi hoàn thành, các validator sẽ nhận được staking reward, thường là một phần phí giao dịch hoặc phần thưởng dưới dạng đồng tiền mã hóa.
Điều đáng chú ý là, khác với block reward, staking reward không được tạo ra thông qua khai thác mà đến từ việc phí giao dịch trong mạng lưới được phân phối lại cho những người tham gia staking.
Tóm gọn một số điểm khác biệt chính giữa block reward và staking reward:
Nguồn gốc phần thưởng: Trong PoW, block reward được tạo ra mỗi khi một khối mới được thêm vào blockchain, còn trong PoS, staking reward đến từ việc chia sẻ phí giao dịch mà người dùng trả khi thực hiện giao dịch trên mạng lưới.
Phương thức nhận thưởng: Block reward trong PoW yêu cầu thợ đào phải giải các bài toán phức tạp để thêm khối vào blockchain. Trong khi đó, staking reward được trao cho các validator đã stake một lượng coin và tham gia vào việc xác minh giao dịch.
Mục đích: Block reward nhằm khuyến khích thợ đào đầu tư vào sức mạnh tính toán và tiêu thụ năng lượng để duy trì bảo mật cho mạng lưới. Trong khi đó, staking reward khuyến khích người dùng giữ lại đồng coin của họ và bảo vệ mạng lưới thông qua staking.
Đọc thêm: Đào coin kiếm bao nhiêu 1 tháng?