SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Staking là gì? Kiến thức Staking Coin cho người mới bắt đầu

Staking là gì? Staking cần lưu ý những thông số nào? Làm thế nào để có lợi nhuận cao nhất khi Staking Coin?
Avatar
Viet
Published Oct 31 2020
Updated May 20 2024
18 min read
thumbnail

Staking là gì?

Staking là hành động giữ và khóa một lượng coin nhất định để nhận được phần thưởng. Lượng coin này có thể được khóa trong ví tiền điện tử hoặc các nút của một dự án Blockchain trong một khoảng thời gian. Phần thưởng sẽ dựa trên công sức người dùng đã bỏ ra bao gồm: lượng coin stake và thời lượng stake.

staking là gì trong crypto
Staking là gì?

Chú ý: Một số người thường dịch stake hay staking là "đặt cược". Tuy nhiên, cách dùng này không hoàn toàn chính xác. Vì vậy, Coin98 Insights sẽ dùng đúng thuật ngữ "stake" hoặc "staking" để cách trình bày ngắn gọn và đúng bản chất nhất.

Xem thêm: Restaking là gì? Ý tưởng staking sáng tạo dành cho Ethereum

advertising

Phân loại Staking

Staking trong cơ chế đồng thuận Proof of Stake (PoS)

Với cơ chế đồng thuận Proof of Stake, người dùng stake coin để đảm bảo, chứng minh năng lực xử lý giao dịch và tạo khối của mình, đồng thời nhận được phần thưởng (gồm phần thưởng khối và phí giao dịch) với công sức bỏ ra. Việc staking này tác động trực tiếp tới mạng lưới Blockchain.

Ví dụ điển hình là các dự án Blockchain Platform như TomoChain, IOST, OneLedger (OLT), WAX, Tron (TRX)...

staking trong pos

Lưu ý: PoS là cơ chế đồng thuận nói chung và tổng quát nhất của hình thức “staking coin để thực hiện nhiệm vụ". Ngoài ra, nó còn nhiều biến thể khác như PoSV, DPoS… đều hoạt động dựa trên việc staking coin.

Trong bài viết này, Coin98 Insights sẽ sử dụng thuật ngữ PoS để nhắc tới các cơ chế đồng thuận sử dụng hình thức staking coin này.

Staking để nhận Reward

Gần giống như hình thức gửi tiết kiệm, người dùng sẽ dùng token của mình để stake vào trong hệ sinh thái của dự án. Việc staking này không trực tiếp tham gia vào việc xác thực các giao dịch hay bất cứ nhiệm vụ gì liên quan tới các hoạt động trong mạng lưới.

Trên thực tế, nó mang ý nghĩa giống như lock nhiều hơn. Người dùng lock càng lâu thì nhận được phần thưởng reward càng nhiều.

Ví dụ: Stake KCS trên sàn (hold) để nhận thưởng thêm KCS. Lượng KCS làm phần thưởng được lấy từ lợi nhuận thu được của sàn chứ không phải từ việc tạo khối mới hay phí giao dịch.

KCS là ERC-20 Token trên Ethereum và việc Staking KCS không có bất kỳ tác động nào tới mạng lưới Blockchain của Ethereum.

Lợi ích của Staking: Ai là người hưởng lợi?

Đối với người tham gia staking (Staker)

  • Tạo nguồn thu nhập thụ động và tăng số lượng coin: Thay vì để trên các sàn giao dịch hay ví, bạn có thể đưa vào stake và nhận thêm số coin. Tất nhiên, việc này sẽ phù hợp với người muốn hold đồng coin lâu dài.
  • Tiết kiệm chi phí so với cơ chế PoW: Để tham gia Staking hay trở thành Nodes, Masternodes, bạn phải thoả mãn một số điều kiện của dự án như số lượng coin, cấu hình máy...Tuy nhiên, bạn không cần thật nhiều máy tính để chạy Nodes mà gần như chỉ cần 1 máy và cài đặt 1 lần. Điều này khác biệt và tiết kiệm hơn nhiều so với PoW.
  • Tính an toàn: Việc staking được thực hiện an toàn vì có bản backup.Đồng thời, trước khi chính thức staking, bạn có thể tính toán tỉ lệ lợi nhuận, thời điểm được unlock, hay mất bao lâu để nhận được coin nếu muốn un-stake giữa chừng.

Đối với các dự án

Lợi ích của việc Staking đối với các dự án bao gồm:

  • Staking trong PoS chính là hình thức để các Blockchain nền tảng tạo tính phi tập trung cho mạng lưới của họ. Quyền lực và sức mạnh của mạng lưới lúc này sẽ được chia cho những người tham gia (Node, Masternodes...).
  • Tận dụng được nguồn lực bên ngoài cùng tham gia vận hành mạng lưới thông qua các Nodes.
  • Tạo động lực (Incentives) tham gia mạng lưới: Việc tham gia stake và nhận được phần thưởng sẽ giúp những người tham gia duy trì hoạt động của họ.
  • An toàn cho mạng lưới: Để thực hiện các vụ tấn công, các hacker phải nắm giữ sức mạnh 51% của mạng lưới. Việc phân tán sức mạnh đó ở các nodes khác nhau sẽ khiến cho việc gom sức mạnh của chúng để tạo các cuộc tần công là điều gần như bất khả thi.
  • Tác động phần nào tới giá cả của coin, Coin98 Insights sẽ phân tích rõ hơn ở phần dưới.

Các rủi ro khi Staking là gì?

Staking là hình thức đầu tư đem lại lợi nhuận đều đặn, nhưng chúng cũng có những rủi ro nhất định:

Trong suốt thời gian Staking, lượng coin tham gia stake bị khoá lại. Vì thế, bạn sẽ không thể thực hiện bất kỳ việc mua/bán hay trading nào với lượng coin này.

Việc un-stake sẽ khiến bạn không đạt được phần thưởng như mong muốn ban đầu. Đồng thời nhà đầu tư mất cơ hội vì phải mất một khoảng thời gian để nhận lại số coin đã mang đi stake.

Không phải lúc nào Staking cũng có lời: Rủi ro lớn nhất bạn có thể gặp phải là giá coin down.

Ví dụ: Bạn stake 1,000 coin X (giá $0.1/X) với lãi suất là 30%/năm. Tới khi bạn nhận lãi thì tổng số coin nhận được sẽ là 1,300 coin X. Nhưng nếu giá chỉ còn $0.07/X thì tổng giá trị lúc này còn $91 đô la (thấp hơn $100 đô la đầu tư ban đầu).

Tác động của Staking tới giá đồng coin

Một số tác động tới nguồn cung và lưu thông mà bạn có thể thấy ngay: Lượng coin mang đi stake sẽ bị lock trong khoảng thời gian đó. Có nghĩa là số coin này không thể tham gia lưu thông, mua bán trên các sàn giao dịch. Vì vậy, nó khiến cho lượng coin lưu thông trên thị trường giảm đi.

Về cơ bản, khi lượng cung trong thị trường giảm đi tức là độ khan hiếm của nó tăng lên, nó sẽ làm cho giá tăng. Đây là quy luật cung cầu cơ bản.

Chúng ta hãy lấy 1 ví dụ cụ thể như sau với đồng TOMO:

  • Ngày 10/12/2018, TomoChain công bố chương trình cho các ứng viên chạy Masternode.
  • Ngày 14/12/2018, TomoChain chính thức ra mắt Mainnet và cho phép các Masternode stake đồng TOMO coin. Đồng thời cho các người dùng khác voting cho các Masternode này.
  • Ngày 08/08/2019, đang có 39,851,005 TOMO (chiếm 64.5% tổng lưu thông trên thị trường) đang được stake để tham gia vào cơ chế đồng thuận PoSV. Giá TOMO tăng tới 300% trong khoảng thời gian từ lúc bắt đầu cho phép Staking.

Chính vì Staking có khả năng làm tăng giá coin, nên nhiều dự án mặc định áp dụng cơ chế này để “chiều” lòng cộng đồng. Dần dần, giá coin cũng không còn tăng nữa, nên mọi người chỉ xem đây là hình thức tương tự gửi tiết kiệm.

Các thông số cần chú ý khi Staking Coin

Tỉ lệ lạm phát

Trong Staking của cơ chế PoS, phần thưởng cho các staker đến từ 2 nguồn là phí giao dịch và block mới được sinh ra. Tức là, sẽ có lượng coin mới được sinh ra đưa vào thị trường sinh ra lạm phát. Và tỉ lệ này ảnh hưởng trực tiếp tới lượng lưu thông và giá của đồng coin đó.

Thời gian lock

Đây là thời gian mà coin bị lock. Thông thường, thời gian này staker có thể chọn ngay từ đầu. Ví dụ: 1 tháng, 3 tháng, hay 1 năm... Sau khoảng thời gian này bạn mới có thể nhận lại lượng coin đã tham gia stake.

Với các Node hoặc MasterNode tham gia stake thường xác định lock luôn trong suốt thời gian làm Node. Trong thời gian ấy, họ nhận reward làm nguồn thu.

Thời gian unlock

Phần lớn, các staker đều có thể un-stake trước khi kết thúc quá trình staking. Tuy nhiên, bạn sẽ không thể nhận lại coin ngay lập tức mà thường sẽ phải mất 1 khoảng thời gian nhất định.

Các dự án tạo ra quy tắc này để việc un-stake không ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của mạng lưới và họ có thời gian xử lý nếu lượng coin un-stake quá lớn.

Ví dụ: Trong TomoChain, các voter cho Masternode nếu muốn unstake sẽ nhận được sau 48h. Còn đối với Masternode muốn dừng hoạt động, họ sẽ chỉ nhận được TOMO sau 30 ngày.

Lãi suất Staking

Đây có lẽ là thông số được quan tâm nhiều nhất. Nó là tỉ lệ lãi bạn được nhận sau 1 khoảng thời gian Staking. Con số này càng lớn thì lượng coin nhận được sau khi stake càng nhiều.

Số lượng tối thiểu để tham gia stake

Đây là lượng coin tối thiểu để 1 user có thể bắt đầu tham gia staking. Tuỳ vào từng dự án mà con số này có thể khác nhau.

Ví dụ: TomoChain yêu cầu 100 TOMO, Decred (DRC) cần tối thiểu 5 DRC để bắt đầu Staking.

Độ tuổi coin

Là khoảng thời gian coin được đem vào stake cho đến lúc nó có thể tham gia việc Staking chính thức (thời gian mà coin bắt đầu sinh lời). Tuỳ vào từng dự án, thời gian này có thể từ vài giờ tới vài ngày.

Weight (Độ tuổi coin và số lượng coin)

Weight bao gồm độ tuổi coin và số lượng coin. Ở đây bạn có thể hiểu nó như sức nặng của coin.

Giá trị Weight này càng cao (lượng coin càng lớn và thời gian coin tham gia stake càng lâu) thì khả năng giành được quyền xử lý giao dịch và tạo khối càng lớn. Vì vậy, nó ảnh hưởng trực tiếp tới reward (phần thưởng) mà bạn sẽ nhận được trong tương lai.

Làm thế nào để tối ưu lợi nhuận khi Staking?

Xác định phương pháp phù hợp

Đầu tiên là phân loại theo nhu cầu và lượng coin nắm giữ:

Với những người có số lượng coin nhỏ (không đủ làm một Node hoặc Masternode):

  • Phương án tốt nhất là tham gia voting, hoặc Staking vào các Node đã có sẵn để nhận reward từ Nodes đó. Hình thức này bao gồm Staking ngay trên ví hoặc trên một số sàn hỗ trợ.
  • Nếu xác định hold lâu dài thì việc Staking sẽ giúp họ kiếm thêm một lượng coin trong khoảng thời gian đó.

Với những người tích trữ số lượng coin lớn:

  • Họ cũng có thể áp dụng cách trên nếu muốn linh hoạt trong quá trình lock coin. Hoặc có thể ứng cử làm các Node hoặc Masternodes trực tiếp tham gia xử lý giao dịch và tạo khối.
  • Cách này sẽ giúp người staker nhận nhiều reward hơn. Nhưng tất nhiên cũng sẽ yêu cầu cao hơn về cài đặt và kết nối phần cứng.

Các bước thực hiện

Với cả 2 nhóm trên, bạn cần thực hiện các bước sau:

  • Bước 1: Chọn loại coin có cơ chế Staking. Tất nhiên, trước khi chọn bạn cần xem xét các thông số nhắc tới ở phần trên, để cân đối với nhu cầu, khoản vốn, kỳ vọng và mong muốn lãi suất của mình.
  • Bước 2: Cài đặt ví hoặc cấu hình máy tính để chuẩn bị cho việc Staking.
  • Bước 3: Nạp coin vào ví/máy tính hoặc sàn để bắt đầu Staking. Đối với các ví lạnh, bạn phải luôn đảm bảo ví này được kết nối với môi trường mạng 24/7.
  • Bước 4: Chờ coin "trưởng thành" và bắt đầu nhận lãi.

Lưu ý: Để tối ưu lợi nhuận khi staking, bạn cần đặc biệt chú ý đến các thông số: Lãi suất, lạm phát của coin, giá coin, weight.

Top đồng coin staking có lợi nhuận tốt nhất (Cập nhật tháng 5/2024)

Đầu tiên là top 5 dự án có giá trị tài sản được khóa lại nhiều nhất: Ethereum (ATH), Solana (SOL), Cardano (ADA), Avalanche (AVAX), Sui (SUI) - theo bảng xếp hạng của stakingreward.com ngày 20/5/2024.

Đây là danh sách được sắp xếp bao gồm các dự án Blockchain nền tảng sử dụng cơ chế PoS và các dự án xây dựng trên nền tảng Blockchain khác. Nhưng cũng cho phép người dùng stake để nhận reward (Profit Share).

đồng coin staking có lợi nhuận nhiều nhất

Ngoài 5 đồng coin phía trên, bạn cũng có thể tham khảo thêm một số đồng coin được staking nhiều hiện nay như: Aptos (APT), BNB Chain (BNB), Tron (TRX),...

Xem thêm: Hướng dẫn chi tiết cách stake C98 trên Coin98 Staking

Xu hướng Staking trong tương lai

Staking để cạnh tranh Node, Masternode

Xu hướng này rất rõ ràng và đang diễn ra. Rất nhiều Blockchain nền tảng ra mắt gần đây đã sử dụng cơ chế đồng thuận Staking.

Việc cạnh tranh xảy ra chủ yếu với những người muốn tham gia giữa các vị trí Nodes hoặc Masternodes trong mạng lưới Blockchain. Còn với những người chỉ cần Staking vào các nodes này và nhận thưởng thì đơn giản hơn rất nhiều.

Các dịch vụ Staking bên thứ 3

​Tại đây, những người sở hữu coin có thể gửi coin của họ tới Staking Pool của các bên thứ 3 này. Họ sẽ dùng lượng coin đó để ứng cử thành 1 node trong mạng lưới Blockchain và trả thưởng tương ứng với những người tham gia đóng góp.

Ví dụ như: stakewith.us, stake.capital, P2P.org, mycontainer...

stakewithus staking coin

Dự án mở khóa thanh khoản

Dễ thấy nhược điểm của Staking sẽ làm bạn bị giam vốn trong suốt thời gian stake. Do đó, có rất nhiều dự án ra đời để giải quyết tình trạng này.

Không phải cái tên đầu tiên trong lĩnh vực này, nhưng Lido là dự án nổi tiếng nhất với việc hỗ trợ Stake ETH 2.0. Người dùng có thể nhận lại được tài sản tương ứng là stETH trong khi vẫn có thể gửi ETH vào Stake. stETH vẫn có thể được giao dịch, vay mượn bình thường, chỉ có điều không phải chỗ nào cũng chấp nhận stETH.

Trong khoảng 2021 - 2022, các dự án bắt đầu tập trung đấu giá cho Parachain trên Kusama và Polkadot. Điều này đòi hỏi phải khóa một lượng rất lớn KSM và DOT. Từ đó hình thành nên các dự án hỗ trợ mở khóa thanh khoản cho KSM và DOT như cách Lido làm với ETH, đó là Stafi.

Sự nâng cấp của Staking

Từ năm 2021, Staking không chỉ đơn giản là gửi coin vào, giảm lưu thông, nhận lãi suất, mà còn được phát triển ra nhiều phiên bản khác nhau:

veCRV

veCRV, hay ve- Model, bắt nguồn từ Curve. Cụ thể, người dùng gửi CRV vào Curve và nhận về veCRV. Tuy nhiên, người gửi có thể điều chỉnh thời gian khóa. Thời gian khóa lâu tương ứng quyền quản trị lớn, và ngược lại.

Điểm đặc trưng của mô hình này, đó là người có veCRV được quyền biểu quyết lạm phát CRV vào Pool cụ thể. Điều này khuyến khích người dùng gửi tiền vào đó để Farm. Cùng với đó, token trong Pool cũng có thanh khoản cao.

Mô hình này sau đó được nhiều bên sử dụng như InsurACE, Trader Joe, Astroport…

Staking nhận doanh thu

Mô hình này đơn giản là thay vì nhận token lạm phát, dự án sẽ phân chia doanh thu (một phần hoặc tất cả) cho ai Staking. Hai ví dụ điển hình là mô hình xSUSHI và LP Staking.

Với xSUSHI, người dùng khóa token để nhận doanh thu từ dự án. Còn LP Staking là người dùng cung cấp thanh khoản cho Pool trên DEX, sau đó lấy LP Token đem đi Stake để nhận phí giao dịch hoặc token dự án. Hành động này được gọi là Liquidity Farming.

Các câu hỏi thường gặp về Staking?

Tìm hiểu về Staking ở đâu?

stakingrewards.com là trang tổng hợp số liệu của pool staking khác. Bạn có thể vào đây để check các thông tin về lãi suất, thời gian stake, số lượng tối thiểu, đồng thời so sánh được các pool staking với nhau.

Ngoài ra, hiện tại các sàn đã có luôn một chuyên mục về Staking, bạn có thể vào đó để tìm hiểu tài sản nào đang được hỗ trợ Staking trên sàn, APR, thời gian khóa,…

Làm thế nào để so sánh phần thưởng staking coin?

Bạn có thể truy cập trực tiếp vào website của dự án mà mình muốn Staking để tìm thông tin. Hoặc bạn có thể lên trang stakingreward.com để tìm kiếm.

Cấu hình máy như thế nào để Staking coin?

Mỗi một đồng coin lại yêu cầu 1 cấu hình phần cứng khác nhau để Staking. Tuy nhiên, việc cần 1 máy tính với VPS riêng để Staking thường dành cho các Node hoặc Masternode.

Còn với các nhà đầu tư nhỏ lẻ muốn linh hoạt lượng coin của mình, mà vẫn muốn tham gia stake thì bạn không cần phải quá quan tâm tới cấu hình máy vì có thể stake ngay trên các ví hoặc sàn.

Nếu không muốn stake mà rút coin ra có được không?

Bạn hoàn toàn có thể un-stake giữa chừng. Tuy nhiên, việc un-stake sẽ khiến bạn không nhận được reward đầy đủ. Đồng thời, bạn sẽ phải mất 1 khoảng thời gian nhất định để lấy lại đủ số lượng coin đã stake.

Có nên mua VPS để stake?

Có. Bạn nên dùng giải pháp VPS để Staking ổn định hơn và dễ dành quyền xử lý giao dịch, tạo khối hơn.

Giải pháp này phù hợp với những người muốn Staking số lượng lớn để thành Node, Masternode.

Staking Pool là gì? Người có số lượng coin ít nhưng vẫn muốn stake để kiếm lời thì làm thế nào?

Staking Pool được hiểu là nhiều người có thể cùng tham gia đóng góp lượng coin của họ vào trong Pool đó để trở thành 1 Node hay 1 Masternode.

Khi các Nodes hay Masternodes này chính thức hoạt động trong mạng lưới, phần thưởng sẽ được chia lại 1 phần cho những người tham gia Pool kể trên. Lượng phần thưởng họ nhận được sẽ tỉ lệ với lượng coin Staking.

Nhưng dần, Staking Pool có thể được hiểu rộng hơn là những dự án phi tập trung hỗ trợ Staking như Lido hay Stafi như đã đề cập ở trên.

RELEVANT SERIES