Blockchain “giải cứu” AI khỏi Big Tech?

AI trong lòng bàn tay Big Tech
AI (trí tuệ nhân tạo) đang thay đổi cuộc sống con người với khả năng học hỏi từ dữ liệu và đưa ra quyết định, tuy nhiên một số ít gã khổng lồ công nghệ với quyền kiểm soát AI đang gây ra mối đe doạ lớn.
Theo khảo sát vào năm 2024 của Pew Research Center, 64% người Mỹ tin mạng xã hội ảnh hưởng tiêu cực tới quốc gia hơn là tích cực. 78% cho rằng các nền tảng này sở hữu quá nhiều quyền lực và tác động lớn đến chính trị. Ngoài ra, 83% nghĩ các công ty mạng xã hội cố tình kiểm duyệt quan điểm chính trị họ không đồng tình.
Điển hình là ý kiến chỉ trích OpenAI - ban đầu được thành lập với tinh thần mã nguồn mở với hoạt động phi lợi nhuận, nhằm tạo ra đối trọng với Google. Nhưng giờ đây, nó đã trở thành công ty khép kín với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận và gần như hoàn toàn bị Microsoft kiểm soát.
Sứ mệnh minh bạch hoá AI
Với tính chất phi tập trung, blockchain hứa hẹn thay đổi cục diện, đảm bảo lợi ích từ AI được phân bổ rộng rãi hơn, thay vì chỉ nằm trong tay một số ít tập đoàn lớn.
Công nghệ blockchain mang đến loạt công cụ giúp giải quyết những thách thức cơ bản mà AI đang đối mặt như tính minh bạch và khả năng tương tác độc lập.
“Công nghệ sổ cái phân tán của blockchain đảm bảo dữ liệu từ các AI Agent luôn nhất quán và chính xác trên tất cả node trong mạng lưới. Do đó hạn chế tối đa nguy cơ dữ liệu bị sai lệch hoặc bị can thiệp trái phép. Đây là môi trường cần thiết để AI đưa ra những quyết định chính xác và đáng tin cậy hơn”, Victor Zhang - đồng sáng lập và CEO của Smart Token Labs, nói.
Công nghệ sổ cái phân tán của blockchain đảm bảo dữ liệu từ các AI Agent luôn nhất quán và chính xác trên tất cả node trong mạng lưới
Cũng theo Victor Zhang, “tính bất biến của blockchain đảm bảo rằng tất cả hành động và dữ liệu của AI Agent đều được ghi lại vĩnh viễn và có thể kiểm toán, thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình”.
Cùng quan điểm trên, Rajarshi Gupta – trưởng bộ phận Machine Learning tại Coinbase, cho rằng một dịch vụ API có thể hỗ trợ các bên sở hữu dữ liệu và nhà phát triển AI lưu trữ mã hash kèm timestamp (dấu thời gian) cho toàn bộ dataset và model.
“Với cách làm này, chúng ta có thể bảo đảm tính toàn vẹn, ghi chép đầy đủ nhật ký phát triển model và dữ liệu đầu vào, cho phép theo dõi toàn bộ vòng đời của AI, đồng thời dễ dàng cung cấp thông tin cho bên kiểm toán độc lập hoặc các cơ quan quản lý”, Rajarshi Gupta nói.
Ngoài ra, tính chất phi tập trung của blockchain cho phép các AI tự đưa ra và thực hiện quyết định mà không có sự kiểm soát từ tổ chức trung gian, giúp nâng cao tính tin cậy và linh hoạt.
Bên cạnh đó, khả năng xử lý micropayment (thanh toán vi mô) của blockchain mang đến một phương thức giao dịch an toàn cho các dịch vụ AI. “Blockchain có thể hỗ trợ thanh toán vi mô bằng stablecoin với phí cực thấp khi người dùng tương tác với các mô hình AI tạo sinh”, các chuyên gia từ Coinbase nhận định.
Không dừng lại ở đó, hợp đồng thông minh – những thỏa thuận được thực thi tự động, giúp AI vận hành độc lập mà không cần con người can thiệp. Nhờ hợp đồng thông minh, AI có thể tương tác với các dApp, tham gia giao dịch phức tạp và thực thi quy tắc đã được lập trình trước.
Theo Victor Zhang, hợp đồng thông minh có thể “tự động hóa quy trình phân phối thanh toán, kiểm soát quyền truy cập dữ liệu và giải quyết tranh chấp” trong các AI marketplace.
Crypto thúc đẩy sáng tạo AI
Trong mô hình phát triển phần mềm mã nguồn mở truyền thống, người đóng góp (contributor) thường không có động lực tài chính rõ ràng. Thị trường crypto đã thay đổi điều này bằng cách tạo ra phần thưởng dưới dạng token, khuyến khích nhà phát triển đóng góp vào các dự án AI nguồn mở.
Một ví dụ điển hình là Bittensor, nơi miner có thể kiếm token TAO khi cung cấp đầu ra chính xác nhất cho các truy vấn của validator trong quá trình phát triển mô hình machine learning. Cách tiếp cận này không chỉ mang lại lợi ích cho người đóng góp mà còn giúp xây dựng chuỗi giá trị bền vững, không phụ thuộc vào các mô hình tập trung đóng kín.
Blockchain cũng mở ra thị trường phi tập trung dành cho các AI agent, nơi nhà phát triển có thể chia sẻ, bán và kiếm tiền từ sáng tạo của mình một cách minh bạch và an toàn.
"Native token có thể được sử dụng để thực hiện giao dịch và khuyến khích sự tham gia trong marketplace", Victor Zhang nói. Một số nền tảng nổi bật trong lĩnh vực này bao gồm Fetch.ai, SingularityNET và Ocean Protocol.
Tự ra giá cho tài nguyên AI
Bằng cách mở rộng quyền truy cập vào sức mạnh tính toán, blockchain giúp giải phóng AI khỏi sự kiểm soát tập trung, đồng thời tạo ra một hệ sinh thái công bằng và bền vững hơn.
Phát triển AI đòi hỏi lượng tài nguyên khổng lồ, bao gồm dữ liệu quy mô lớn và sức mạnh tính toán cao. "Các mô hình AI nền tảng yêu cầu tài nguyên tính toán và dữ liệu vượt quá khả năng của bất kỳ cá nhân nào", Daniel Barabander – giám đốc pháp lý của Variant Fund, nói. Điều này tạo ra một nan đề về tài nguyên.
Các mô hình AI mã nguồn mở truyền thống gặp khó khăn trong việc tiếp cận các tài nguyên này do chi phí quá cao. Crypto đang thay đổi cuộc chơi bằng cách khuyến khích nhà cung cấp tài nguyên tham gia mạng lưới thông qua mô hình phần thưởng token.
Ví dụ điển hình là Bitcoin, sử dụng token để khuyến khích miner cung cấp sức mạnh tính toán, giúp mạng lưới trở nên an toàn và chống lại giả mạo. Tương tự, nhiều dự án AI cũng đang áp dụng mô hình này để huy động tài nguyên tính toán và dữ liệu từ cộng đồng.
Chẳng hạn, Render Network là một marketplace phi tập trung cung cấp sức mạnh tính toán, giúp các tổ chức mở rộng quy mô AI mà không cần đầu tư hạ tầng lớn.
Một dự án khác là Akash Network đang xây dựng một "supercloud" phi tập trung, kết hợp cloud riêng tư và công khai, cung cấp quyền truy cập không cần cấp phép vào các GPU. "Akash là nơi duy nhất bạn có thể tiếp cận GPU H100 mà không cần xin phép, với mức giá do chính bạn đặt ra", Greg Osuri - CEO của Akash Network, khẳng định.
Những nền tảng này đang giải quyết vấn đề "GPU divide" - nơi một số ít công ty lớn nắm quyền truy cập vào các chip mạnh nhất, khiến các nhóm nhỏ khó cạnh tranh.
Mạng lưới phi tập trung không chỉ giúp phân bổ tài nguyên công bằng hơn mà còn giúp hệ thống AI “chống chịu những sự kiện thảm khốc như tấn công hạt nhân”, theo Jacob Steeves, đồng sáng lập Bittensor.
Đọc thêm: Top các dự án GPU trong crypto nổi bật
Bảo vệ quyền riêng tư trong thế giới AI
AI cần lượng dữ liệu khổng lồ để hoạt động hiệu quả, nhưng điều này cũng đặt ra nhiều lo ngại về quyền riêng tư. Blockchain với cơ chế bảo mật và riêng tư sẵn có mang đến những giải pháp đột phá để giải quyết vấn đề này.
Một trong những công nghệ nổi bật là Zero-Knowledge Proofs (ZKPs) – cho phép xác minh dữ liệu mà không cần tiết lộ thông tin bên trong. Đây là chìa khóa giúp người dùng tin hệ thống AI không lạm dụng hoặc bán dữ liệu cá nhân của họ.
Chẳng hạn, dự án Venice.ai áp dụng phương pháp này bằng cách lưu trữ lịch sử hội thoại ngay trên trình duyệt của người dùng, đồng thời mã hóa mọi yêu cầu để đảm bảo không máy chủ nào có quyền truy cập vào toàn bộ cuộc hội thoại hoặc danh tính người dùng.
Bên cạnh đó, theo Victor Zhang, các giải pháp decentralized identity (DID) có thể giúp xác minh danh tính của AI Agent và người dùng mà không làm lộ thông tin cá nhân, nhờ đó “ngăn chặn truy cập trái phép và đảm bảo giao tiếp an toàn trong hệ sinh thái AI”.