Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Bonding Curve: Vũ khí mới của Binance trong cuộc đua thanh khoản

Bonding Curve đang trở thành vũ khí chiến lược mới của Binance trong cuộc đua thanh khoản với Hyperliquid, vừa tạo cơ hội kiếm lời sớm, vừa ẩn chứa rủi ro FOMO và sụp đổ giá. Hiểu đúng để không là người cuối cùng “ôm bom”.
nghianq
Published a day ago
16 min read
binance bonding curve

Bonding Curve là gì? Các loại đường cong phổ biến

Bonding Curve (đường cong liên kết) là cơ chế định giá động cho token, sử dụng công thức toán học để liên kết trực tiếp giữa giá và cung lưu thông của token. Nói cách khác, Bonding Curve được lập trình trong smart contract, cho phép giá token tự động tăng khi có người mua (cung tăng) và giảm khi người bán thoát ra (cung giảm).

Điểm mạnh của cơ chế này là tạo thanh khoản liên tục: người dùng có thể mua/bán token mọi lúc, vì smart contract luôn sẵn sàng mint hoặc đốt token theo đường cong đã thiết lập. Bonding Curve về bản chất là một dạng AMM sơ cấp, thay thế hoàn toàn vai trò sổ lệnh và nhà tạo lập thị trường truyền thống trong giai đoạn niêm yết sớm.

bonding curve
Bonding Curve dạng tuyến tính và hàm mũ. Nguồn: Binance Academy

Có nhiều dạng Bonding Curve khác nhau, trong đó hai dạng phổ biến nhất là tuyến tính (linear) và hàm mũ (exponential).

Với Bonding Curve tuyến tính, giá token tăng theo tỷ lệ cố định mỗi khi nguồn cung tăng. Mỗi token được mint thêm sẽ làm giá tăng một mức nhất định.

Ví dụ: nếu token khởi điểm với giá 1 BNB, mỗi token mới mint ra sẽ cộng thêm 0.1 BNB vào giá. Người đầu tiên mua với giá 1 BNB, người thứ hai mua 1.1 BNB, người thứ ba 1.2 BNB, và tiếp tục tăng đều. Mô hình này giúp giá tăng từ tốn, dễ dự đoán, phù hợp cho các dự án cần thu hút người tham gia giai đoạn đầu mà không gây biến động mạnh.

Với Bonding Curve hàm mũ, giá token tăng theo hàm số mũ khi cung tăng, tức tốc độ tăng giá càng lúc càng nhanh. Giai đoạn đầu giá rẻ để khuyến khích người mua sớm, nhưng càng về sau giá tăng rất nhanh theo tốc độ mua vào.

Ví dụ: nếu token khởi điểm với giá 1 BNB, token thứ hai có thể có giá khoảng 1.105 BNB, token thứ ba giá 1.221 BNB. Mô hình này mang lại lợi nhuận cao cho người mua sớm, nhưng đi kèm rủi ro cao. Nếu giá sập đột ngột, người mua muộn có thể bị mắc kẹt ở giá rất cao.

Dù dưới dạng nào, điểm chung của Bonding Curve là ưu tiên người tham gia sớm. Người mua đầu thường có giá rẻ nhất và có thể bán lại với giá cao hơn khi cầu tăng. Toàn bộ quá trình diễn ra minh bạch, có thể dự đoán, không phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường đặt lệnh rời rạc như mô hình sổ lệnh truyền thống.

Một ví dụ nổi bật là Pump.fun trên Solana. Nền tảng này cho phép bất kỳ ai cũng có thể tạo meme coin và bán theo đường cong đã lập trình sẵn trong smart contract, khóa ngay 80% nguồn cung vào thanh khoản trên curve, không cần cung cấp thanh khoản thủ công. Chỉ trong vài tháng, Pump.fun xử lý hơn 11 triệu token, thu về hơn 800 triệu USD phí giao dịch, cho thấy tiềm năng tự động hóa thanh khoản và định giá token bằng mô hình Bonding Curve.

Đọc thêm: Phân tích Pump.fun: Bệ phóng dành cho memecoin

Cách Binance triển khai Bonding Curve trong Binance Alpha TGE

Binance Alpha ra mắt vào cuối 2024, được định vị như “phòng chờ” của các token tiềm năng trước khi niêm yết chính thức trên sàn. Tại đây, người dùng có thể mua các token Alpha, đồng thời tích lũy Alpha Points – hệ thống điểm thưởng đánh giá mức độ hoạt động người dùng, làm điều kiện tham gia các airdrop và TGE độc quyền.

Để tăng sức hút cho Binance Alpha, giữa tháng 7/2025, Binance phối hợp cùng launchpad Four.meme triển khai mô hình TGE dựa trên Bonding Curve ngay trên Binance Wallet. Mục tiêu của mô hình này là cung cấp thanh khoản sớm, định giá token theo nhu cầu thị trường thay vì giá cố định, đồng thời tạo sự khác biệt so với ICO/IEO truyền thống.

Cơ chế Bonding Curve TGE trên Binance Alpha

Trong sự kiện TGE, người dùng đủ điều kiện (ví dụ đủ 211 Alpha Point) sẽ sử dụng BNB để đăng ký mua token mới qua trang sự kiện trên Binance Wallet. Giá token không cố định, mà tăng dần theo đường cong đã thiết lập sẵn. Càng nhiều người mua, giá token càng tăng.

Điểm khác biệt của Bonding Curve trên Binance Alpha là token được phép giao dịch ngay trong phiên TGE. Người mua sớm có thể bán lại token cho người đến sau qua chính smart contract bonding curve trong sự kiện, tạo ra một thị trường nội bộ trong thời gian TGE, giúp token có thanh khoản sớm trước khi niêm yết chính thức. Người mua sau vẫn có cơ hội tham gia nếu người mua trước đó bán ra, thay vì “chốt cứng” như IEO.

Bốn giai đoạn TGE Bonding Curve trên Binance Alpha

Giai đoạn 1 – Đăng ký mua (Submission): Người dùng đặt lệnh mua bằng BNB theo nguyên tắc ai đến trước được mua trước, giá khởi điểm thấp và tăng dần theo đường cong mỗi khi có lệnh mới được khớp. Lệnh mua không được hủy, BNB sẽ bị khóa trong suốt sự kiện.

Giai đoạn 2 – Khớp lệnh động (Dynamic Fulfillment): Khi tổng lượng mua chạm ngưỡng tạm thời, người dùng vẫn có thể tiếp tục đặt lệnh. Lệnh sẽ chỉ được khớp khi có người khác bán lại token trong phiên, duy trì tính liên tục cho sự kiện ngay cả khi nguồn cung token tạm thời “cháy hàng”.

Giai đoạn 3 – Đếm ngược & Kết thúc: TGE chỉ diễn ra trong khung thời gian cố định. Khi hết thời gian, Binance ngừng nhận lệnh mới, hoàn trả BNB nếu có lệnh chưa khớp hoặc dư thừa. Giá cuối cùng của token được xác định ngay tại điểm dừng trên đường cong.

Giai đoạn 4 – Mở khóa & Giao dịch trên Alpha: Token được mở khóa và có thể được chuyển nhượng. Binance niêm yết token trên khu vực Binance Alpha, cho phép người dùng giao dịch tự do, thường với cặp USDT hoặc BNB. Mức giá khởi điểm sẽ là mức giá kết thúc TGE.

Lý do Binance áp dụng mô hình này

Việc yêu cầu người dùng sở hữu Alpha Points giúp Binance hạn chế bot, lọc những người tham gia thực sự hoạt động trong hệ sinh thái. Đồng thời, sử dụng BNB làm phương tiện thanh toán trong TGE thúc đẩy nhu cầu nắm giữ BNB, gián tiếp hỗ trợ hệ sinh thái Binance. Người dùng cũng có cảm giác phải “tham gia sớm” để không bỏ lỡ một sự kiện TGE được định giá minh bạch và có thể giao dịch token ngay.

Case study điển hình là dự án Hyperion (RION). Dự án DEX trên Aptos này đã trở thành dự án đầu tiên thử nghiệm Bonding Curve TGE trên Binance Alpha vào ngày 16/07/2025. Sự kiện diễn ra trong 2 giờ, dành riêng cho người dùng có đủ Alpha Point.

Người mua sớm đã có thể bán token ngay trong phiên cho người mua muộn, khi giá tăng nhanh dọc đường cong, tạo hiệu ứng FOMO mạnh. Có người dùng đã phải bỏ tới 300 USD để sở hữu lượng token trị giá 315 USD.

Sau TGE, RION được niêm yết trên Binance Alpha, chính thức giao dịch tự do với giá khởi điểm phản ánh nhu cầu thực. Đây là bước thử quan trọng để Binance thăm dò mô hình Bonding Curve trước khi mở rộng sang các meme coin hoặc dự án SocialFi, gaming mới.

Đọc thêm: Binance Alpha Point: Miếng phô mai trên bẫy chuột

Lợi ích cho người dùng Binance Alpha khi tham gia Bonding Curve

Thanh khoản sớm trước khi niêm yết, không lo kẹt BNB

Khác với ICO/IDO buộc nhà đầu tư phải chờ niêm yết mới có thể giao dịch, Bonding Curve TGE trên Binance Alpha cho phép người dùng mua bán token ngay trong phiên TGE. Token có thể được giao dịch ngay, mở ra cơ hội lướt sóng sớm nếu người dùng mua ở giá thấp đầu sự kiện và bán ra khi giá tăng.

Mỗi đợt Bonding Curve TGE thường chỉ kéo dài vài giờ, đồng nghĩa BNB cam kết chỉ bị khóa trong thời gian rất ngắn. Nếu lệnh mua không được thực hiện đầy đủ, phần BNB dư được hoàn trả ngay sau khi sự kiện kết thúc.

Nhanh tay sẽ có lợi nhuận lớn

Nếu dự án được cộng đồng quan tâm, hiệu ứng FOMO có thể đẩy giá tăng nhanh ngay trong phiên TGE. Nhiều token meme coin triển khai bonding curve đã từng ghi nhận mức tăng giá hàng chục lần trong thời gian ngắn nhờ cơn sốt cộng đồng.

Giá công bằng, minh bạch

Nhờ cơ chế giá tăng tự động theo hàm số công khai, Bonding Curve loại bỏ cảnh “cá mập” mua toàn bộ suất ở giá thấp rồi xả hàng khi niêm yết. Ai cũng có thể tính toán được giá mua tùy theo thời điểm tham gia, tránh tâm lý mù mờ khi đấu giá hoặc chờ list.

Nhiều cơ hội tham gia nhưng ưu tiên người dùng trung thành

Bonding Curve cho phép người mua sớm bán token trong phiên TGE, tạo cửa tham gia cho người đến sau ngay cả khi suất token ban đầu đã hết, thay vì giới hạn cứng “bán hết là dừng”. Đồng thời, yêu cầu Alpha Point cao để đủ điều kiện tham gia TGE đảm bảo ưu tiên người dùng trung thành, hạn chế bot và những tay “săn vé”.

Rủi ro khi tham gia Bonding Curve trên Binance Alpha

Đầu tiên, rủi ro FOMO và mua đỉnh rất rõ rệt. Bonding Curve khuyến khích mua sớm với giá thấp, nhưng khi giá tăng nhanh mà không có “cơ chế phanh” nào, tâm lý sợ bỏ lỡ dễ khiến người đến sau mua ở vùng giá cao ngay trước khi dòng tiền dừng lại. Nếu cầu đột ngột giảm, giá có thể lao dốc nhanh như cách giá tăng, khiến người mua muộn lỗ nặng chỉ sau vài phút.

Thứ hai, thanh khoản sau TGE không được đảm bảo. Trong phiên TGE, smart contract đảm bảo người dùng có thể mua bán theo đường cong, nhưng sau sự kiện, token có thể rơi vào tình trạng ít người giao dịch, spread giá lớn, holder dễ mắc kẹt nếu dự án không thu hút cộng đồng.

Thứ ba, người tham gia phải chấp nhận rủi ro khóa vốn tạm thời. Khi đặt lệnh mua, BNB bị khóa trong suốt phiên TGE, không thể hủy giữa chừng, tạo rủi ro “trở tay không kịp” khi có tin xấu làm cho giá BNB giảm đột ngột.

Thứ tư, người dùng phải phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống máy tính của sàn Binance về việc khớp lệnh. Xảy ra tình trạng người dùng đặt lệnh mua từ sớm nhưng bị lỗi “not response”, đến khi mua được thì giá đã ở mức rất cao. Điều này đặt ra câu hỏi về tính minh bạch: liệu sàn có khớp lệnh “của sàn” trước, còn lệnh của người dùng thì để sau?

binance alpha zkj koge

Cuối cùng, rủi ro dự án kém chất lượng hoặc scam luôn tồn tại. Người dùng nếu chủ quan nghĩ “token lên Binance dù ở khu Alpha chắc sẽ an toàn” thì cần thận trọng: Binance Alpha không đảm bảo cho chất lượng dự án, chính Binance cũng nhấn mạnh đây là khu vực rủi ro cao. Một ví dụ điển hình là token ZKJ dù giữ giá ở vùng 1 - 2 USD suốt nhiều năm và có mặt trên Binance Alpha, nhưng đã giảm hơn 80% chỉ trong một ngày.

Bonding Curve và tương lai niêm yết: Thay thế IDO/ICO truyền thống?

Sự xuất hiện của Bonding Curve đang đặt ra câu hỏi: Liệu đây có phải là hướng đi tương lai cho niêm yết và phân phối token, thay thế mô hình IDO/ICO truyền thống?

Bonding Curve mang lại nhiều lợi thế so với IDO/ICO kiểu cũ: giá linh hoạt theo nhu cầu thị trường, thanh khoản tức thì trong quá trình mở bán, phân phối công bằng hơn vì khi ai mua nhiều thì giá sẽ tăng, tạo cơ hội cho người đến sau tiếp cận ở mức giá mới.

Trong khi đó, IDO/ICO thường định giá cố định hoặc đấu giá, sau đó list sàn với thanh khoản ban đầu thấp, dễ biến động mạnh, hoặc dễ xảy ra tình trạng “chợ đen” trước khi niêm yết.

Tuy nhiên, Bonding Curve cũng có nhược điểm. ICO/IDO đơn giản, dễ hiểu, nhà đầu tư biết giá rõ ràng, dự án huy động được số vốn cụ thể. Với Bonding Curve, kết quả huy động vốn luôn khó đoán: nếu đường cong quá dốc, dự án có thể chỉ bán được ít token trước khi giá lên cao, nhà đầu tư chùn bước.

Ngoài ra, ICO/IDO phù hợp nếu dự án muốn phân bổ token cho cộng đồng sớm, tạo dư địa tăng giá khi list sàn hoặc phân phối theo suất ưu đãi cho đối tác chiến lược. Ngược lại, Bonding Curve thiên về thị trường tự do, phù hợp với những dự án cộng đồng, meme, GameFi…, nơi giá token được quyết định bởi tâm lý và nhu cầu cộng đồng.

Tương lai khó có chuyện loại bỏ hoàn toàn ICO/IDO, mà sẽ đa dạng hóa mô hình niêm yết. Bonding Curve có thể trở thành lựa chọn chủ yếu của các dự án muốn gây quỹ cộng đồng, còn các dự án nền tảng, hạ tầng vẫn sẽ ưu tiên cách bán truyền thống.

Nếu Bonding Curve chứng minh hiệu quả trong việc thu hút thanh khoản, biến thể “Bonding Curve Offering (BCO)” có thể trở thành tiêu chuẩn mới cạnh tranh trực tiếp với ICO/IDO. Việc Binance tham gia Bonding Curve đã phần nào tiêu chuẩn hóa mô hình này, mở đường cho các sàn khác quan tâm và áp dụng.

Binance và cuộc đua với Hyperliquid

Sự tham gia của Binance vào Bonding Curve cũng là cách ứng phó với làn sóng cạnh tranh từ các nền tảng mới như Hyperliquid.

Hyperliquid ra đời trong giai đoạn 2023 - 2024, nhanh chóng trở thành điểm đến của cộng đồng meme coin nhờ niêm yết hợp đồng tương lai meme coin nhanh, đòn bẩy cao, thu hút dòng tiền “đánh sóng”. Từ lúc Hyperliquid còn chưa có smart contract (trước khi ra mắt HyperEVM), nền tảng này đã triển khai sản phẩm Hypurr Fun cho phép tạo token và bonding curve tùy chỉnh ngay trên chuỗi, dù vẫn xử lý bonding off-chain.

Bên cạnh đó, các meme coin như TRUMP, JELLYJELLY, PUMP từng có khối lượng giao dịch trên Hyperliquid vượt nhiều sàn tập trung, tạo “hiệu ứng niêm yết” mới khiến Binance chịu áp lực giữ chân trader. Về tổng thể, khối lượng giao dịch hợp đồng vĩnh cửu (perpetual) hàng tháng trên Hyperliquid đang tăng dần, đạt 216 tỷ USD so với 1.91 nghìn tỷ USD của Binance (theo số liệu tháng 6/2025), tương ứng tỷ lệ khối lượng giữa hai sàn là 12%.

hyperliquid binance volume
Khối lượng perpetual trên Hyperliquid đã bằng 12% so với Binance. Nguồn: The Block

Trước xu hướng này, Binance hiểu không thể ngăn cản việc “chảy máu thanh khoản”. Giải pháp được sàn đưa ra là sản phẩm Binance Alpha với Bonding Curve TGE. Sản phẩm mới cho phép Binance tạo ra một chuỗi quy trình khép kín 4 tầng: TGE → Alpha trading → Futures → Spot. Không phải token nào cũng qua đủ các tầng, nhưng quy trình này cho phép Binance kiểm soát toàn bộ vòng đời token, từ thử nghiệm đến khi trưởng thành.

Việc tích hợp giao dịch on-chain ngay trong Alpha giúp người dùng ở lại trong ứng dụng Binance thay vì sang DEX, giữ chân người dùng trong hệ sinh thái CeFi với trải nghiệm gần giống DeFi. Đây có thể coi là một bước “DeFi hoá trong lòng CeFi” của Binance: trải nghiệm pump nhanh, thường xuyên list token mới, nhưng vẫn quản lý tập trung, có thương hiệu và cảnh báo rủi ro.

RELEVANT SERIES