SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Liệu CBDC sẽ phổ biến trong tương lai?

Nhìn vào lịch sử nhân loại, khái niệm về tiền liên tục được phát triển và thay đổi về mặt hình thức trong suốt quá trình tồn tại. Trong những năm gần đây, thế giới đang xôn xao loại tiền mới đang được các NHTW phát triển, với mục đích mở rộng thêm nhiều lợi ích của việc thanh toán không tiếp xúc, đó chính là CBDC.
Avatar
linhha
Published Feb 06 2023
Updated Mar 01 2023
11 min read
thumbnail

Tại sao các Ngân hàng Trung ương quốc gia lại “hào hứng” với CBDC? 

CBDC (Central Bank Digital Currency) hay còn được biết đến là tiền tệ kỹ thuật số do Ngân hàng Trung ương (NHTW) của một quốc gia hoặc lãnh thổ có chủ quyền phát hành và đảm bảo. Hiện CBDC được phân thành 2 nhóm, bao gồm: CBDC bán buôn (Wholesale CBDC) và CBDC bán lẻ (Retail CBDC). Mỗi quốc gia sẽ lựa chọn nhóm CBDC cùng cách triển khai khác nhau, nhưng phổ biến nhất vẫn là triển khai trên công nghệ blockchain.

cbdc blockchain
Công nghệ Blockchain được ứng dụng trong triển khai CBDC.

Công nghệ blockchain ra đời cùng với sự phát triển của thị trường crypto, khiến người dân bày tỏ niềm quan tâm hơn nữa đối với các xã hội không tiền mặt. Với sự xuất hiện của CBDC, nếu người dân sử dụng ít giấy bạc hơn, họ vẫn được đảm bảo tiếp cận với tiền ở NHTW. Qua đó, CBDC cũng đưa cho các NHTW công cụ mới để thực hiện chính sách tiền tệ và giữ ổn định nền kinh tế.

Để dần thích nghi với nhu cầu trên toàn thế giới, NHTW của mỗi quốc gia bắt đầu đẩy mạnh nghiên cứu và triển khai sử dụng CBDC. Theo công cụ giám sát của Hội đồng Đại Tây Dương, có đến 119 quốc gia (chiếm 95% GDP toàn cầu) đang tiến hành những hoạt động liên quan đến loại tiền kỹ thuật số được NHTW đảm bảo như nghiên cứu, chứng minh tính khả thi (PoC), thực nghiệm…Trong đó, có 11 quốc gia đã ra mắt CBDC và 17 nước đang ở giai đoạn thực nghiệm. Nổi bật nhất là Trung Quốc với mục tiêu mở rộng thí điểm trên toàn lãnh thổ đất nước và đặt kỳ vọng có hơn 300 tỷ USD giao dịch với CBDC chỉ trong năm 2023. 

Các quốc gia đang tăng cường hoạt động trong nghiên cứu CBDC ở nhiều mức độ, do mỗi quốc gia có những yếu tố thúc đẩy khác nhau. Chúng tôi hy vọng việc nghiên cứu, thử nghiệm và triển khai CBDC sẽ được tăng cường trong tương lai. Thành công của eNaira của Nigeria có thể sẽ thúc đẩy sự phát triển của CBDC ở các quốc gia hướng đến tài chính toàn diện.

Haydn Jones, Chuyên gia về Blockchain và crypto thuộc PwC Vương quốc Anh. 

cbdc map
Bản đồ CBDC vào tháng 2/2023. Nguồn: Atlantic Council

Thực tế kể từ năm 2014, CBDC đã được nghiên cứu và phát triển rất sớm tại một số quốc gia. Ví dụ như Ecuador đã khởi động dự án có tên “Dinero electrónico” (tiền mã hóa) cho phép cá nhân thanh toán di động thông qua hệ thống do NHTW quốc gia này giám sát. Tiếp đó, trong những năm 2016 - 2018, các quốc gia như Singapore, Canada, Nhật Bản, Thụy Điển…cũng đã khởi động dự án của riêng mình. 

cbdc canada
Jasper - dự án CBDC đầu tiên của Ngân hàng Trung ương Canada. Nguồn: CoinDesk

Tuy nhiên khi giai đoạn đại dịch COVID 19 ập đến, mối quan tâm về CBDC đã được tăng lên đáng kể vì nhiều lý do. Đầu tiên, nguyên nhân về vấn đề tiếp xúc và lo ngại giấy bạc có thể là phương tiện lây nhiễm tiềm năng đã khiến nhiều người thay đổi thói quen thanh toán của bản thân. Người dùng dần chuyển từ thanh toán tiền mặt chuyển sang sử dụng tài sản kỹ thuật số và thương mại điện tử. 

Thứ hai, đại dịch cũng cho ta thấy sự kém hiệu quả của thị trường thanh toán bán lẻ, cụ thể trong việc phân phối các gói kích thích kinh tế. Những lợi ích tiềm năng của CBDC sẽ trở thành một sự bổ sung cần thiết cho lĩnh vực tiền tệ. 

cbdc china yuan
Người dân Trung Quốc thanh toán bằng e-CNY. Nguồn: Reuters

Dựa trên các nền tảng công nghệ của blockchain như sổ cái phân tán (DLT), khả năng theo dõi giao dịch…cùng sự uy tín của các NHTW, CBDC có nhiều tiềm năng mang đến lợi ích dài hạn cho người dùng. Khi các quốc gia triển khai CBDC, người dùng sẽ có thêm lựa chọn trong vấn đề thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy sự thuận tiện và hạn chế được nhiều rủi ro hơn so với khi sử dụng giấy bạc. 

Nếu CBDC của quốc gia phát hành được sử dụng rộng rãi trong nước, chúng sẽ giúp gia tăng vị thế của đồng tiền pháp định và có thể mở đường cho những hình thức thanh toán xuyên biên giới. Hiện Trung Quốc - đất nước đang có vị thế dẫn đầu trong phát triển CBDC đang cùng các quốc gia như Thái Lan, Hong Kong, Nhật Bản...tham gia dự án Inthanon-LionRock Project để thử nghiệm thanh toán CBDC xuyên biên giới qua công nghệ blockchain.

“CBDC có khả năng là phương tiện thanh toán và trở thành tiêu chuẩn toàn cầu. Chúng tôi tin rằng việc bắt đầu thử nghiệm ở giai đoạn này là một bước hoàn toàn cần thiết". 

Shinichi Uchida, Giám đốc điều hành Ngân hàng Nhật Bản. 

Qua đó, CBDC có thể trở thành một trong những giải pháp giúp thúc đẩy tài chính toàn diện và hạn chế các hoạt động phi pháp như rửa tiền, trốn thuế, tài trợ khủng bố, tham nhũng… Nhìn vào bức tranh chung của thế giới, công cuộc nghiên cứu CBDC của các quốc gia không chỉ nhắm đến cân bằng kinh tế, mà còn thể hiện những toan tính chính trị song song với lợi ích từng đất nước. 

Trong năm 2023, nhiều quốc gia sẽ chuyển từ giai đoạn nghiên cứu sang thử nghiệm, hứa hẹn có những biến động nhất định về sự phát triển CBDC. Đặc biệt nếu phía Mỹ tham gia mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực CBDC, chắc chắn sự cạnh tranh giữa các quốc gia sẽ càng trở nên gay cấn.

Theo Quỹ tiền tệ IMF, USD chiếm 60% dự trữ ngoại tệ và 90% giao dịch trên thị trường ngoại hối có liên quan đến đồng tiền này. Trong khi đó, đất nước đã thí điểm rộng rãi e-CNY như Trung Quốc chỉ có dự trữ ngoại hối khiêm tốn hơn với 2%. Ngay cả trong thị trường crypto, mô hình Fiat-backed đang chiếm phần lớn, hầu hết đều được neo giá với đồng USD. 

cbdc halminton
Tốc độ giao dịch trong dự án Hamilton của Mỹ so với e-CNY của Trung Quốc. Nguồn: Atlantic Council

Ý tưởng về đồng USD kỹ thuật số đã có từ lâu, tuy nhiên vào tháng 3/2022, Tổng thống Joe Biden mới ban hành lệnh nghiên cứu CBDC. Trong khi đó, đối thủ trên mọi mặt trận kinh tế là Trung Quốc đã có gần một thập kỷ đi trước đất nước cờ hoa về mảng CBDC. Để bắt kịp vị thế dẫn đầu của đất nước tỷ dân, đòi hỏi Mỹ phải thật sự đầu tư vào nghiên cứu và phát triển CBDC.

"Tiền mặt đang trên đà biến mất trong nền kinh tế ở một số quốc gia….Việc sử dụng tiền mặt đã giảm mạnh và sẽ có ngày người ta không còn dùng đến tiền mặt, ngay cả ở Mỹ”. 

Eswar Prasad, giáo sư chính sách thương mại tại trường đại học Cornell

Stablecoin và CBDC có phải đối đầu nhau?

Với sự tham gia của CBDC trong vòng xoay tài chính, tương lại của hệ sinh thái stablecoin - loại tài sản crypto được neo giá 1:1 với tiền pháp định đang được đặt dấu hỏi lớn.

CBDC có thể sẽ không cung cấp mức độ quyền riêng tư được như tiền fiat hoặc các loại coin/token. Vì trên lý thuyết, các NHTW có quyền truy cập vào tất cả dữ liệu khách hàng dựa trên hoạt động của CBDC, trong khi blockchain làm cho tất cả các giao dịch có thể theo dõi được nhưng chúng không bị ràng buộc với danh tính trong thế giới thực của người dùng. Do đó, một số ý kiến trong thị trường crypto cho rằng, sử dụng CBDC sẽ đánh mất đi tính tự do cùng quyền riêng tư còn stablecoin vẫn đem lại đầy đủ những giá trị trên. 

“Miễn là môi trường pháp lý vẫn thuận lợi cho các stablecoin như Circle (USDC), không có lý do gì chúng ta nhất thiết phải cần đến CBDC. Tôi cũng nghĩ rằng Chính phủ Hoa Kỳ sẽ điều tiết mạnh mẽ ngành công nghiệp tư nhân hơn là cạnh tranh trực tiếp với nó và điều tương tự cũng xảy ra với stablecoin”.

 Adam Miller, Giám đốc điều hành của MIDAO.

cbdc usdc
Các stablecoin như USDC liệu có được "song hành" cùng CBDC hay sẽ bị siết chặt pháp lý?

Theo ông Yi Gang - Thống đốc NHTW Trung Quốc, đồng e-CNY (CBDC của xứ sở gấu trúc) đang được định vị như giải pháp thay thế cho tiền mặt và quyền riêng tư là một trong những vấn đề được đặt lên hàng đầu. Ông Yi mô tả, dữ liệu sẽ được mã hóa và lưu trữ, các thông tin cá nhân luôn ẩn danh và không chia sẻ với bên thứ ba. Người dùng tại Trung Quốc cũng có thể thực hiện các giao dịch ẩn danh với ví điện tử chuyên dụng. 

Chúng tôi cho rằng, tính ẩn danh và minh bạch không phải là trắng hay đen mà có nhiều sắc thái cần được cân nhắc. Đặc biệt, hệ thống cần đạt được sự cân bằng chính xác giữa việc bảo vệ quyền riêng tư cá nhân và chống lại các hoạt động bất hợp pháp

Yi Gang, Thống đốc NHTW Trung Quốc

Stablecoin lẫn CBDC đều được sử dụng như một dạng lưu trữ giá trị và để tạo điều kiện cho giao dịch xuyên biên giới. Với bản chất là tiền cơ sở, CBDC thuộc tầng dưới và không cạnh tranh trực tiếp với các loại tiền có lãi suất khác. Tuy nhiên, CBDC được phát triển dựa trên công nghệ blockchain nên vẫn là đồng tiền điện tử. Do đó, khả năng xung đột của stablecoin với mục tiêu phát triển của CBDC luôn luôn hiện diện.

cbdc stablecoin pyramid

CBDC được phát hành bởi NHTW - “nơi sinh” sẽ đưa giá trị pháp lý của tài sản lên tầm cao hơn. Do đó, đang có nhiều đồn đoán rằng các nước sẽ siết chặt quy định pháp lý về crypto để mở đường cho loại tiền tệ mới này (ví dụ như Trung Quốc), stablecoin chắc chắn sẽ bị ảnh hướng ít nhiều. CBDC và stablecoin có thể tồn tại song song trong tương lai hay không, còn tùy thuộc vào mức độ hạn chế của luật pháp đối với stablecoin và tỷ lệ chấp nhận CBDC.

Hiện tại, định hướng đặt ra của các quốc gia về CBDC khá rõ ràng, nhưng không phải ai cũng tin rằng, chúng ta sẽ đi đến một thế giới nơi hoạt động giao dịch loại tiền này thực sự phổ biến. Do đó, đòi hỏi nỗ lực và đổi mới liên tục từ phía các NHTW để không chỉ phù hợp với người dùng mà còn đảm bảo sự bền vững đối với hệ thống kinh tế quốc gia.

Đọc thêm Trung Quốc hạn chế crypto nhưng dẫn đầu trong cuộc đua về CBDC.

RELEVANT SERIES