SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Stablecoin là gì? Stablecoin có vai trò gì trong crypto?

Bài viết sẽ là câu trả lời rõ nhất cho câu hỏi "Tại sao Stablecoin lại quan trọng trong Crypto". Cùng Coin98 Insights tìm hiểu những kiến thức cơ bản nhất về Stablecoin trong Crypto.
Avatar
Vy Bùi
Published Jun 12 2021
Updated May 30 2024
20 min read
stablecoin là gì

Stablecoin là gì?

Stablecoin là đồng tiền mã hóa được thiết kế để duy trì giá trị ổn định trong thị trường crypto, bằng cách gắn với một hoặc một nhóm tài sản ổn định hơn như tiền pháp định fiat, hàng hoá như vàng, bạc… hoặc các tài sản tiền điện tử khác.

Mục tiêu của stablecoin là giảm thiểu mức độ ảnh hưởng của biến động giá (volatility) trong không gian tiền điện tử, tạo ra một môi trường ổn định và đáng tin cậy để thúc đẩy quá trình được chấp nhận rộng rãi của crypto.

đồng stablecoin
Stablecoin là đồng tiền điện tử có giá trị ổn định và ít biến động.
advertising

Stablecoin giải quyết vấn đề gì?

Stablecoin giúp giải quyết vấn đề lớn nhất trong thị trường crypto, đó chính là sự biến động giá.

Thị trường tiền mã hoá vốn nổi tiếng nhờ những lợi ích vượt trội mà thị trường truyền thống không có: tính minh bạch, bảo mật cao và khả năng thanh toán không giới hạn trên toàn cầu.

Tuy nhiên, thị trường này hoạt động 24/7 mà không chịu sự quản lý hay điều tiết của các cơ quan nhà nước, dẫn đến một nhược điểm lớn là tính biến động cao. Giá token có thể giảm mấy chục phần trăm trong vòng một tuần, thậm chí vài ngày hoặc vài giờ.

biến động giá koku
Giá token KOKU biến động mạnh chỉ trong vài ngày. Nguồn: Coinranking

Chính vì vậy, sự biến động giá này đã nhiều lần dấy lên nghi ngờ rằng liệu tiền mã hoá thật sự có tiềm năng đầu tư, hay chỉ đơn giản là công cụ để đầu cơ?

Hơn nữa, dưới cương vị là những người tham gia vào một thị trường mới, mỗi vai trò còn phải đối mặt với những vấn đề khác nhau như:

  • Đối với nhà giao dịch hay nhà đầu tư, mặc dù họ có thể tham gia thị trường crypto với tâm lý sẵn sàng cho đặc thù “high risk, high return”, chấp nhận độ biến động lớn để đổi lại cơ hội lợi nhuận cao. Tuy nhiên, để thu về lợi nhuận họ phải trải qua quy trình chuyển đổi phức tạp và mất thời gian giữa crypto và fiat.
  • Đối với các cửa hàng hay công ty truyền thống, việc chấp nhận thanh toán bằng một tài sản crypto với độ biến động 20-30% giá trị trong một thời gian ngắn dường như là không thể.

Chính những điều này đã khiến việc tiền mã hoá được chấp nhận rộng rãi (mass adoption) trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Với sự xuất hiện của stablecoin, các vấn đề của thị trường crypto đã được giải quyết một cách hiệu quả.

Stablecoin giúp tách biệt đặc tính high risk, high return khỏi sự biến động thường xuyên của tiền mã hoá. Đồng thời, đặc tính “ổn định” cũng khiến stablecoin trở thành loại tiền mã hoá thích hợp hơn để lưu trữ và làm phương tiện trao đổi giá trị.

Đặc tính của stablecoin là gì?

  • Tính ổn định giá: Giá trị của stablecoin được gắn với tài sản khác để duy trì sự ổn định, nhờ đó phù hợp hơn để sử dụng làm phương tiện trao đổi và lưu trữ giá trị.
  • Biến động thấp: Giá trị của stablecoin luôn được đảm bảo quanh 1 USD với mức độ biến động rất thấp (khoảng 0-0.1%), điều này khiến nó trở thành tài sản trú ẩn hiệu quả đối với các nhà đầu tư crypto trong thời kì thị trường biến động mạnh.
  • Tính bảo mật và riêng tư: Các giao dịch liên quan đến stablecoin được xác thực và ghi lại bởi các node phân tán trên blockchain theo cách phi tập trung, giúp cho nó không thể bị thao túng hay giả mạo. Đồng thời tính riêng tư của người dùng cũng được đảm bảo vì quá trình giao dịch không yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như trong hệ thống ngân hàng.
  • Tính minh bạch: Thông tin về giao dịch stablecoin được công khai và minh bạch thông qua các blockchain explorer, cho phép người dùng kiểm tra dữ liệu giao dịch một cách dễ dàng.
  • Khả năng tiếp cận toàn cầu: Tương tự như những đồng tiền điện tử khác, các giao dịch stablecoin có thể được thực hiện ở khắp nơi trên thế giới một cách nhanh chóng, không bị giới hạn phạm vi hay phải thông qua các thủ tục rườm rà như với tiền fiat.
  • Khả năng lập trình: Stablecoin có thể được lập trình để thực thi hợp đồng thông minh, thúc đẩy những ứng dụng tài chính đổi mới và sáng tạo như thanh toán, cho vay, staking, farming…
đặc tính stablecoin
Đặc tính nổi trội nhất của stablecoin là tính ổn định và độ biến động thấp.

Phân loại Stablecoin

Hiện tại có năm loại stablecoin, bao gồm:

  • Fiat-backed Stablecoin: Stablecoin có giá trị được đảm bảo bởi tiền pháp định.
  • Commodity-backed Stablecoin: Stablecoin có giá trị được đảm bảo bởi hàng hoá như vàng, bạc, bất động sản…
  • Cryptocurrency-backed Stablecoin/Crypto-backed Stablecoin: Stablecoin có giá trị được đảm bảo bởi các tài sản tiền điện tử khác.
  • Algorithmic Stablecoin: Stablecoin có giá trị được đảm bảo thông qua thuật toán.
  • Hybrid Stablecoin: Stablecoin có giá trị được đảm bảo bằng cách kết hợp hai hay nhiều phương pháp trên như tiền pháp định, tiền điện tử, hàng hoá hoặc thuật toán.

Bên cạnh đó, một tổ chức cũng có thể phát hành nhiều loại stablecoin, điển hình là Tether đã phát hành 5 đồng token được bảo chứng bằng các loại tài sản khác nhau bao gồm:

  • Tether USD (USDT) là fiat-backed stablecoin, được bảo chứng bằng đồng Đô la Mỹ (USD).
  • Tether Gold (XAUT) là commodity-backed stablecoin, được bảo chứng bằng giá vàng.
  • Tether Euro (EURT) là fiat-backed stablecoin, được bảo chứng bằng đồng tiền chung châu Âu (EUR).
  • Tether MXN (MXNT) là fiat-backed stablecoin, được bảo chứng bằng đồng peso Mexico (MXN).
  • Tether Yuan (CNHT) là fiat-backed stablecoin, được bảo chứng bằng đồng nhân dân tệ Trung Quốc (CNH).
phân loại stablecoin
Phân loại các stablecoin trong thị trường crypto

Fiat-backed Stablecoin

Fiat-backed stablecoin là đồng stablecoin có giá trị được đảm bảo bằng một lượng dự trữ tiền mặt hoặc tương đương tiền mặt của một loại tiền tệ như USD (đồng đô la Mỹ), EUR (đồng tiền chung châu Âu), SGD (đồng đô la Singapore)...

Người dùng có thể quy đổi theo tỷ lệ 1:1 giữa đồng fiat-backed stablecoin và đồng tiền fiat được sử dụng để làm dự trữ.

Ví dụ: Khi người dùng quy đổi 1 USD với 1 USDT, có nghĩa là họ đang mint USDT trên chuỗi (on-chain) và đưa 1 đồng USD vào kho dự trữ của Tether.

Fiat-backed stablecoin sử dụng cách tiếp cận tương tự CeFi (tài chính tập trung), khi tiền của người dùng được nắm giữ off-chain bởi một tổ chức trung gian thứ ba.

Điều này có nghĩa là người dùng cần phải tin tưởng vào bên trung gian phát hành stablecoin chứ không phải các smart contract trên on-chain. Vì vậy, fiat-backed stablecoin còn được gọi là custodial stablecoin, centralized stablecoin.

Các tổ chức phát hành fiat-backed stablecoin phải đăng ký hoạt động ở một quốc gia cụ thể, đảm bảo tuân theo quy định và bị quản lý bởi cơ quan nhà nước của quốc gia đó.

Một số đồng fiat-backed stablecoin và các tổ chức phát hành phổ biến như:

  • Tether phát hành đồng Tether (USDT), Tether Euro (EURT)...
  • Circle phát hành đồng USD Coin (USDC).
  • First Digital phát hành đồng First Digital USD (FDUSD).
  • TrustToken phát hành đồng TrueUSD (TUSD).
fiat backed stablecoin
Quy trình phát hành fiat-backed stablecoin

Commodity-backed Stablecoin

Commodity-backed stablecoin có cách hoạt động tương tự như fiat-backed stablecoin. Điểm khác biệt nằm ở tài sản dự trữ của nó:

  • Fiat-backed stablecoin được gắn (peg) giá trị với các đồng fiat, điển hình nhất là USD.
  • Commodity-backed stablecoin được gắn (peg) giá trị với các loại hàng hoá như kim loại quý hiếm, bất động sản… điển hình nhất là vàng và bạc.

Phần lớn các commodity-backed stablecoin đều lấy giá trị của vàng làm peg. Một số đồng stablecoin tiêu biểu trong nhóm này bao gồm: Tether Gold (XAUT), Paxos Gold (PAXG), Digix Gold (DGX)...

Cryptocurrency-backed Stablecoin

Cryptocurrency-backed stablecoin là loại stablecoin có giá trị được đảm bảo bởi các tài sản tiền điện tử khác, ví dụ như native token của dự án, liquid staking token, fiat-backed stablecoin khác… Các tài sản này sẽ được dự trữ trong hợp đồng thông minh (smart contract) trên mạng lưới blockchain.

Do tiền điện tử có tính biến động cao, giá trị tài sản thế chấp cần thiết để tạo ra một stablecoin thường vượt quá 150% giá trị của stablecoin. Điều này đồng nghĩa với việc người dùng cần phải mở một vị thế nợ được thế chấp vượt mức (overcollateralized debt position) để mint một stablecoin.

Cơ chế này đóng vai trò như một biện pháp bảo vệ để chống lại tình trạng mất khả năng thanh toán cho các bên phát hành stablecoin.

crypto backed stablecoin
Quy trình mint cryptocurrency-backed stablecoin

Đồng stablecoin phổ biến và lớn nhất (theo vốn hoá) trong nhóm này là Dai (DAI). DAI là đồng stablecoin được phát hành bởi MakerDAO và được thế chấp bằng ETH dự trữ trong hợp đồng thông minh trên blockchain Ethereum.

Về cơ bản, với mỗi đồng DAI được minted ra trên thị trường thì sẽ có 1.5-1.6 USD giá trị tài sản được thế chấp trong Maker Vault. Nếu giá trị của tài sản thế chấp giảm xuống dưới ngưỡng tối thiểu (150%), tài sản đó sẽ bị thanh lý, làm giảm nguồn cung của DAI và đưa giá DAI trở lại mức giá peg.

Cách tiếp cận này giúp DAI luôn được đảm bảo bởi một lượng tài sản có giá trị lớn hơn tổng DAI được mint ra.

Ngoài DAI, còn có một số đồng cryptocurrency-backed khác như sUSD (SUSD), Liquity USD (LUSD), USDX Stablecoin…

Algorithmic Stablecoin

Algorithmic Stablecoin (hay stablecoin thuật toán) là loại stablecoin có sự ổn định dựa trên các thuật toán phức tạp, thay vì sử dụng tài sản thế chấp như các loại stablecoin khác. Thuật toán được mã hóa trong hợp đồng thông minh của stablecoin, cho phép nó hoạt động một cách độc lập và tự động mà không cần sự can thiệp của con người hay tổ chức nào.

Nhìn chung, algorithmic stablecoin có hai mô hình giữ giá chính bao gồm Rebase và Seigniorage.

algorithmic stablecoin
Algorithmic stablecoin có hai mô hình giữ giá.

Rebase: Giữ giá stablecoin bằng cách tăng giảm nguồn cung của chúng thông qua cơ chế mint và burn, đồng thời tự động điều chỉnh số dư trong tài khoản người dùng. Điều này có nghĩa là:

  • Nếu giá token tăng lên trên 1 USD, hợp đồng thông minh sẽ mint thêm token để tăng nguồn cung và tự động tăng số lượng stablecoin trong ví của người dùng.
  • Ngược lại, nếu giá token giảm xuống dưới 1 USD, hợp đồng thông minh sẽ đốt token và giảm số lượng stablecoin trong ví người dùng.
  • Ví dụ về stablecoin sử dụng cơ chế rebase là Ampleforth (AMPL).

Seigniorage: Giữ giá stablecoin bằng cách sử dụng hai hoặc nhiều token. Mô hình Seigniorage thường bao gồm: stablecoin (với mục tiêu được peg ở mức 1 USD) và đồng token thứ hai gọi là seigniorage token (đại diện cho quyền sở hữu và có thể biến động trên thị trường).

Sự ổn định của stablecoin sẽ được duy trì thông qua cơ chế mint và burn đồng seigniorage token, cụ thể:

  • Nếu giá của stablecoin tăng lên trên 1 USD, seigniorage token sẽ bị đốt để tạo ra nhiều stablecoin hơn, làm tăng nguồn cung stablecoin và giảm giá trị về lại 1 USD.
  • Ngược lại, nếu giá stablecoin giảm xuống dưới 1 USD, stablecoin sẽ bị đốt và chuyển đổi thành seigniorage token để giảm nguồn cung stablecoin, kích cầu và tăng giá trị stablecoin lên mức 1 USD.
  • Ví dụ về stablecoin sử dụng cơ chế seigniorage là Basis Cash (BAS), Neutrino USD (USDN), TerraUSD (UST).

Có thể thấy mô hình seigniorage sử dụng sự chênh lệch giá và cơ hội arbitrage để giữ giá stablecoin ổn định. Tuy nhiên, giá của stablecoin và seigniorage token sẽ có sự phục thuộc lẫn nhau, trong trường hợp giá trị của seigniorage token bị giảm quá nhiều và không thể hồi phục, stablecoin sẽ bị mất peg và có khả năng trở nên vô giá trị.

Điển hình là câu chuyện về việc UST mất peg và sự sụp đổ của LUNA.

Hybrid Stablecoin

Hybrid stablecoin là những stablecoin có giá trị ổn định được đảm bảo bằng sự kết hợp của hai hay nhiều phương tiện khác nhau như tiền fiat, tiền điện tử, hàng hoá hoặc stablecoin khác.

Một số ví dụ tiêu biểu của hybrid stablecoin là Frax (FRAX) và CUSD (CUSD).

Frax (FRAX) là đồng stablecoin trong hệ sinh thái Fraxchain, sử dụng cơ chế kết hợp giữa thuật toán mint, burn FRX và tài sản thế chấp là stablecoin USDT, USDC.

  • Tổng giá trị FRAX được tạo ra (mint) được đảm bảo phải bằng tổng giá trị của tài sản thế chấp và giá trị của FXS (số FXS sẽ bị đốt).
  • Khi FRAX được redeem, người dùng sẽ nhận lại tài sản thế chấp và lượng FXS tại giá trị tương đương (số FXS này được tạo ra).

CUSD (CUSD) là đồng stablecoin trong hệ sinh thái Viction, được phát hành bởi Stably và tài trợ bởi Ninety Eight. CUSD sử dụng tài sản thế chấp là tiền fiat (USD) và stablecoin (USDC), trong đó:

  • Tiền mặt và các khoản tương đương tiền chiếm 90%, bao gồm tiền gửi ngân hàng, trái phiếu ngắn hạn Mỹ, công cụ thị trường tiền tệ.
  • USDC chiếm 10%, nhằm tạo điều kiện mint và redeem CUSD qua USDC.

Các tài sản này sẽ được nắm giữ, giám sát bởi một người uỷ thác (trustee) uy tín do hệ thống chỉ định, nhằm đảm bảo lợi ích cho người sở hữu CUSD đã được KYC.

hybrid stablecoin cusd
Mô hình hoạt động của CUSD.

Rủi ro của Stablecoin

Mặc dù stablecoin được tạo ra với sứ mệnh mang sự an toàn và ổn định đến cho tài sản người dùng trong thị trường crypto đầy biến động, nhưng nó vẫn tiềm ẩn nguy cơ bị mất giá trị được cố định 1 USD, hay còn gọi là mất peg. Ngay cả đồng stablecoin lớn nhất thị trường, USDT cũng đã nhiều lần không thể duy trì giá trị 1 USD một cách bền vững.

Việc mất peg là một trong những rủi ro lớn nhất mà stablecoin phải đối mặt. Nó có thể đến từ nhiều lí do khách quan hay chủ quan khác nhau, có thể kể đến như:

  • Cơ chế giữ giá của stablecoin: Điển hình là đồng stablecoin thuật toán UST bị mất peg vào tháng 5/2022, rớt về giá 0.009 USD và hoàn toàn sụp đổ sau đó. UST sử dụng cơ chế giữ giá dựa trên việc giao dịch chênh lệch giá (arbitrage) của các nhà giao dịch độc lập, khiến giá trị của UST bị phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu thị trường đối với cả hai loại token LUNA và UST.
  • Bị ảnh hưởng bởi các sự kiện thiên nga đen trong thị trường: Điển hình như vụ việc sự sụp đổ đột ngột của sàn FTX và quỹ Alameda Research vào tháng 11/2022 đã làm lây lan sự tiêu cực lên toàn bộ thị trường, trong đó có sự sụt giảm giá trị của USDT trên các sàn giao dịch lớn, về mức 0.9939 USD. Tuy nhiên, giá USDT nhanh chóng quay về duy trì mức 1 USD ngay sau đó.
  • Bị ảnh hưởng bởi các vấn đề pháp lý liên quan đến tài chính truyền thống: Điển hình như vụ USDC bị mất peg lần đầu tiên và giảm xuống dưới mức 0.88 USD vào tháng 3/2023, khi Circle (công ty phát hành USDC) có liên quan đến sự kiện ngân hàng SVB sụp đổ. Việc này thậm chí còn kéo theo sự mất peg tạm thời của các đồng stablecoin khác như BUSD, DAI.
  • Sự mất cân bằng trong pool thanh khoản của stablecoin. Điển hình như vụ USDT mất peg và rơi về khoảng 0.9972 USD, khi xuất hiện lượng bán lớn USDT lên 3pool (USDT/USDC/DAI) trên Curve Finance, dẫn đến tỷ lệ USDT chiếm gần 75% trong pool và khiến tỷ giá USDT trở nên mất cân bằng trên thị trường. Lúc này USDT được giao dịch với khoảng 0.3% rẻ hơn so với USDC.

Tuy nhiên, việc các stablecoin bị mất peg tạm thời cũng mở ra cơ hội arbitrage cho những nhà giao dịch nhanh nhạy, mà phần lớn đều là những “cá voi” trong thị trường.

Theo Lookonchain, trong sự kiện USDC mất peg, ví 0xbcb7 có thể thuộc sở hữu của Justin Sun (CEO của Tron) đã rút 214.9 triệu USDT từ sàn Binance để quy đổi sang 75.5 triệu DAI và 103.3 USDC. Sau đó, anh đã thực hiện nhiều giao dịch và gửi lên sàn Coinbase, có thể với mục đích quy đổi ra tiền pháp định. Dựa theo những số liệu mà Lookonchain cung cấp, Justin Sun có thể thu được hơn 3.8 triệu USD từ cuộc khủng hoảng của USDC.

Các hình thức đầu tư Stablecoin

Trước khi nhắc đến xu hướng stablecoin, chúng ta cùng nhắc lại một chút về sự hình thành và phát triển của hệ sinh thái stablecoin từ những năm 2013 cho đến nay.

Có thể thấy trong hình phía dưới rằng stablecoin đã thật sự bùng nổ vào năm 2018 với hơn 36 dự án stablecoin liên tiếp được ra mắt trên thị trường. Cho đến hiện tại (31/12/2023), theo thống kê của CoinGecko (tại đây), thị trường đã có tổng 98 dự án stablecoin với sự thống trị của Tether (USDT), USDC (USDC) và Dai (DAI).

stablecoin 2013 2019
Sự gia tăng số lượng dự án stablecoin trong thị trường crypto giai đoạn 2013-2019.

Không chỉ là một kênh trú ẩn an toàn, stablecoin còn mang lại cho người dùng những cơ hội lợi nhuận tiềm năng khi tham gia DeFi. Dưới đây là một số cách để tạo ra lợi nhuận với stablecoin.

**Cần lưu ý rằng đây không phải là lời khuyên đầu tư. Bất cứ khoản đầu tư nào cũng chỉ nên dựa trên số vốn nhàn rỗi và không ảnh hưởng đến cuộc sống nếu bị mất.

Yield Farming

Yield Farming là việc sử dụng một cặp token để cung cấp thanh khoản trên các nền tảng hoặc giao thức DeFi, từ đó nhận được lợi nhuận dưới dạng phần thưởng farming.

Cặp token này có thể là stablecoin-stablecoin (ví dụ như USDT/USDC, DAI/USDC/USDT…) hoặc stablecoin-altcoin (ví dụ như STG/USDC, USDT/BNB…). Phương án thứ 2 thường đem lại lợi nhuận cao hơn, tuy nhiên cũng sẽ có rủi ro cao hơn bởi impermanent loss (tổn thất tạm thời) có thể xảy ra.

Một số nền tảng farm stablecoin: Curve Finance, PancakeSwap, Yearn Finance…

Staking

Staking là hành động giữ và khóa một lượng token nhất định trên các nền tảng để nhận được phần thưởng. Phần thưởng sẽ dựa trên công sức người dùng đã bỏ ra bao gồm: lượng coin stake & thời lượng stake.

Việc staking chỉ yêu cầu cung cấp một loại token, thay vì hai như yield farming, do đó nó sẽ an toàn hơn và lãi suất cho người dùng cũng sẽ thấp hơn.

Một số nền tảng stake stablecoin có thể kể đến như sàn Binance, Stargate Finance, Yearn Finance, dYdX, Compound…

Tham khảo thêm: Bí kíp tối ưu lợi nhuận khi stake coin.

Lending

Lending là hình thức người dùng sử dụng tài sản để cho những người khác vay với tỉ lệ lãi suất nhất định. Sau 1 khoảng thời gian, họ sẽ nhận lại được vốn gốc và lãi suất như thoả thuận ban đầu. Người đi vay ở đây có thể là những người dùng khác, hoặc các sàn giao dịch.

Người dùng có thể đem stablecoin đi cho vay trên các nền tảng hay giao thức cho vay (lending protocol) để kiếm lãi suất.

Người dùng có thể chọn cho vay trên nhiều nền tảng khác nhau như:

  • Nền tảng cho vay tập trung (CeFi): Binance, BlockFi, Gemini, Nexo…
  • Nền tảng cho vay phi tập trung (DeFi): MakerDAO, Oasis, Aave, Compound…
RELEVANT SERIES