Chi phí cơ hội là gì? Ý nghĩa và công thức tính chi phí cơ hội
Chi phí cơ hội là gì?
Chi phí cơ hội là giá trị của những gì bạn bỏ lỡ khi lựa chọn một phương án khác. Chi phí cơ hội không chỉ được đo lường bằng tiền bạc mà còn bao gồm thời gian, công sức, cơ hội khác mà bạn đã bỏ qua.
Ví dụ: Gửi tiết kiệm 100 triệu đồng trong 5 năm với lãi suất đơn là 5%/năm, sau khi tất toán bạn sẽ nhận được số tiền gốc và lãi là 125 triệu đồng.
Chi phí cơ hội khi gửi tiết kiệm như sau:
- Bỏ qua các kênh đầu tư sinh lời khác với tỷ lệ lợi nhuận cũng như rủi ro cao như chứng khoán, bất động sản, kinh doanh…
- Có thể mất hết tiền lãi vì rút tiền trước hạn trong trường hợp cần tiền mặt gấp.
- Tỷ lệ lạm phát tăng làm ảnh hưởng giá trị thực của khoản tiền gửi.
Công thức xác định chi phí cơ hội
Chi phí cơ hội được tính toán theo công thức sau: OC=FO - CO.
Trong đó:
- OC: Chi phí cơ hội.
- FO: Lợi nhuận của phương án bạn bỏ lỡ.
- CO: Lợi nhuận của phương án bạn đã chọn.
Kết quả của phép tính chi phí cơ hội có thể là số dương hoặc số âm. Chi phí dương nghĩa là lợi ích mất đi cao hơn giá trị lợi ích thu được. Ngược lại, chi phí âm nghĩa là giá trị nhận được cao hơn, lựa chọn này tối ưu hơn.
Dưới đây là một ví dụ đơn giản về cách tính toán chi phí cơ hội trong kinh doanh:
Bạn có 100 triệu đồng và đang cân nhắc giữa hai lựa chọn đầu tư:
- Phương án 1: Mở một quầy cà phê nhỏ, dự kiến sẽ mang lại lợi nhuận 20 triệu đồng sau 1 năm.
- Phương án 2: Đầu tư vào một cửa hàng bánh ngọt, dự kiến mang lại lợi nhuận 15 triệu đồng sau 1 năm.
Nếu bạn chọn mở quầy cà phê, chi phí cơ hội sẽ được tính như sau:
- FO (lợi nhuận của phương án bỏ lỡ, cửa hàng bánh ngọt): 15 triệu đồng.
- CO (lợi nhuận của phương án đã chọn, quầy cà phê): 20 triệu đồng.
Vậy, chi phí cơ hội khi bạn chọn mở quầy cà phê là:
OC = FO - CO = 15 triệu - 20 triệu = -5 triệu đồng.
Kết quả cho thấy quyết định đầu tư vào quầy cà phê là lựa chọn tốt hơn trong trường hợp này.
Tìm hiểu thêm: Các hình thức đầu tư phổ biến hiện nay.
Ý nghĩa của chi phí cơ hội
Đối với cá nhân:
Hiểu biết về chi phí cơ hội giúp cá nhân nhận ra các giá trị mất đi và nhận được dựa trên nguồn lực sẵn có, năng lực bản thân và sở thích trước khi quyết định. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tài chính mà còn tác động đến chất lượng công việc và đời sống trong tương lai.
Ví dụ, nếu bạn quyết định theo học một khóa học kỹ năng kéo dài 3 tháng, bạn phải cân nhắc không chỉ chi phí khóa học mà còn cả thời gian và năng lượng mà bạn có thể dành cho các cơ hội khác như làm việc, thư giãn hoặc học các kỹ năng khác.
Đối với doanh nghiệp:
Doanh nghiệp phải hiểu rõ chi phí cơ hội để tối ưu hóa nguồn lực và đảm bảo lợi ích cao nhất. Việc đầu tư thêm nguồn lực vào một hoạt động sẽ làm tăng chi phí cơ hội, vì những nguồn lực này có thể được sử dụng cho các hoạt động khác.
Ví dụ, nếu một doanh nghiệp quyết định đầu tư thêm vào việc mở rộng sản xuất, họ phải cân nhắc rằng nguồn vốn và nhân lực có thể được sử dụng để phát triển sản phẩm mới hoặc cải thiện dịch vụ khách hàng. Những quyết định này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Phân loại chi phí cơ hội
Chi phí cơ hội được chia thành hai loại chính:
Chi phí cơ hội hiện hữu
Là chi phí dễ dàng xác định và đo lường trực tiếp, được thể hiện dưới dạng thanh toán bằng tiền. Đây là khoản tiền doanh nghiệp trả để sử dụng các nguồn lực đầu vào: Tiền lương, tiền thuê nhà, nguyên vật liệu thô. Ví dụ:
- Khi bạn mua một chiếc xe máy mới, chi phí hiện hữu của bạn là số tiền bạn có thể kiếm được nếu đầu tư số tiền đó vào một kênh khác như gửi tiết kiệm ngân hàng.
- Khi bạn quyết định đi du lịch thay vì đi làm thêm, chi phí cơ hội hiện hữu là số tiền lương bạn có thể kiếm được nếu đi làm.
Chi phí cơ hội tiềm ẩn
Đây là loại chi phí khó xác định, đo lường vì nó liên quan đến các lợi ích tiềm năng mà bạn sẽ bị mất khi lựa chọn một phương án. Ví dụ:
- Khi bạn dành thời gian học tập, chi phí cơ hội ẩn của bạn là số tiền bạn có thể kiếm được nếu đi làm thêm và lợi ích bạn nhận được khi trải nghiệm cuộc sống bên ngoài.
- Khi khởi nghiệp, chi phí tiềm ẩn gồm tiền lương bạn sẽ nhận được nếu làm cho công ty khác, cộng với sức lực và thời gian làm việc nhiều hơn so với 8 giờ/ ngày ở công ty.
Ngoài ra, chi phí cơ hội vẫn có thể được phân loại theo các tiêu chí khác như thời gian ngắn hạn hoặc dài hạn, mức độ chắc chắn, lĩnh vực kinh doanh hay đời sống cá nhân…
Hiểu chi phí cơ hội giúp bạn nhận ra giá trị thực sự của các lựa chọn, tối ưu hóa nguồn lực. Dù là cá nhân hay doanh nghiệp, việc hiểu đúng và áp dụng chi phí cơ hội sẽ dẫn đến những quyết định hiệu quả hơn.
Tìm hiểu thêm: Chi phí chìm là gì? Phương pháp quản lý tránh bẫy chi phí chìm