Crypto có bull-run không nếu kinh tế suy thoái?
Mối quan hệ khăng khít giữa thị trường crypto và nền kinh tế toàn cầu
Đại dịch Covid-19 xảy ra đã chứng minh rằng thị trường crypto không miễn nhiễm với nền kinh tế toàn cầu. Khi thị trường crypto trưởng thành, nó trở nên gắn bó hơn với thị trường tài chính truyền thống.
Đặc biệt, với sự tham gia ngày càng tăng từ các tổ chức tài chính và nhà đầu tư truyền thống thông qua các quỹ Bitcoin ETFs và Ethereum ETFs, thị trường crypto lại càng bị ảnh hưởng sâu sắc từ nền kinh tế vĩ mô.
Thị trường crypto cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ các chính sách tiền tệ của Mỹ, chẳng hạn:
- Lãi suất: Mọi hành động về lãi suất từ FED đều ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, bao gồm cả thị trường crypto. Lãi suất thấp làm tăng nhu cầu với tài sản rủi ro cao và lợi nhuận cao như crypto và ngược lại.
- Nới lỏng/ Thắt chặt định lượng: Các chính sách tiền tệ nới lỏng hay thắt chặt định lượng của FED ảnh hưởng đáng kể đến giá của thị trường crypto. Điển hình là giá Bitcoin giảm mạnh vào năm 2018, trùng với thời điểm cắt giảm bảng cân đối kế toán của FED, trước khi tăng 1,000% vào 2020, trùng với thời điểm nới lỏng định lượng của FED.
- Cung tiền: Các chính sách tiền tệ ảnh hưởng đến cung tiền cũng ảnh hưởng đến thị trường crypto. Cụ thể, cung tiền và thanh khoản dồi dào sẽ giúp dòng tiền chảy trong các thị trường tài chính nhiều hơn, bao gồm cả thị trường crypto.
Nhìn chung, thị trường crypto không được miễn trừ khỏi những thay đổi của kinh tế vĩ mô, ngay cả khi thị trường này được dẫn dắt chủ yếu bởi công nghệ và tâm lý thị trường. Mối quan hệ này ngày càng mạnh mẽ hơn khi các nhà đầu tư truyền thống chuyển sang crypto. Rủi ro lây lan giữa thị trường tài chính truyền thống và crypto đã và đang hiện hữu.
Ảnh hưởng của suy thoái kinh tế đến thị trường crypto
Suy thoái kinh tế đang là một trong những mối lo ngại chính của các nhà đầu tư thời gian gần đây. Một số yếu tố báo hiệu suy thoái kinh tế là:
- Lãi suất cao: FED đã giữ mức lãi suất cao trong thời gian dài, khiến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trở nên khó ngăn. Lãi suất cao ở Mỹ cũng ảnh hưởng lớn đến nền tài chính của các quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt khi các nhà đầu tư thực hiện các giao dịch carry trade.
- Tình hình chính trị căng thẳng: Cuộc chiến giữa Israel và Hamas có thể khiến các quốc gia khác tham chiến, bao gồm cả Iran - nước sản xuất dầu thô lớn thứ 7 thế giới (năm 2022) và Saudi Arabia - nước có trữ lượng dầu lớn nhất nhì thế giới. Điều này có thể khiến giá dầu tăng cao, từ đó lạm phát gia tăng, khiến FED giữ mức lãi suất cao lâu hơn nữa, tác động xấu đến toàn bộ thị trường tài chính.
- Chỉ số xác suất suy thoái của FED NY: Vào tháng 4/2024, xác suất suy thoái ngụ ý của Fed NY là 70.85%. Đây là mức khá cao trong lịch sử. Con số này đạt 59.9% vào năm 1974, thời điểm xảy ra suy thoái kinh tế giai đoạn 1973-1975.
- Chỉ số căng thẳng tài chính FSI: Chỉ số căng thẳng tài chính toàn cầu FSI dương vào tháng 3/2020, khi Bitcoin giảm hơn 40% vào 1 ngày. Chỉ số này âm vào tháng 6/2020, theo sau bởi 1 đợt bull run mạnh mẽ của thị trường crypto và chuyển sang dương vào giữa năm 2022 khi cuộc xung đột Nga - Ukraina làm tăng áp lực lạm phát và tăng kỳ vọng tăng lãi suất. Hiện nay, FSI đã chuyển sang trạng thái dương kể từ giữa tháng 3/2023 sau khi nhiều ngân hàng ở Mỹ phá sản.
Nếu suy thoái xảy ra, tất cả các loại tài sản tài chính, bao gồm cả crypto, đều chứng kiến đợt bán tháo khi các nhà đầu tư tìm kiếm thanh khoản. Ngoài ra, sức mạnh đồng Đô la có thể tăng cao khiến giá tài sản crypto giảm.
Tuy nhiên, về trung hạn, khi cơn hoảng loạn lắng xuống, các nhà đầu tư có thể tìm đến crypto như một loại tài sản trú ẩn an toàn nhờ đặc tính phi tập trung, không bị ràng buộc bởi bất kỳ quốc gia hay chính phủ nào, giúp thổi bùng lại đợt tăng giá của thị trường crypto.
Tìm hiểu thêm: Các nguyên nhân khiến nền kinh tế suy thoái.
Tạm kết
Thị trường crypto hiện bị tác động mạnh mẽ bởi thị trường tài chính truyền thống. Có nguy cơ suy thoái rõ ràng và một cuộc khủng hoảng thanh khoản tiềm ẩn đang rình rập. Vì mối quan hệ khăng khít với thị trường tài chính truyền thống, nếu kinh tế suy thoái, cung tiền giảm, nhà đầu tư hoảng loạn, các thị trường tài chính truyền thống lao dốc, thị trường crypto cũng có thể giảm mạnh.
Nhưng về trung hạn, thị trường crypto có thể trở thành nơi trú ẩn cho các nhà đầu tư khi cơn hoảng loạn đã qua đi. Việc giá Bitcoin tăng mạnh sau khi các ngân hàng ở Mỹ phá sản vào tháng 3/2024 là minh chứng rõ ràng nhất cho việc này.