Đánh giá Canto Network - EVM Chain nổi bật trên Cosmos
Trong bối cảnh Ethereum và các Layer 2 của Ethereum vẫn đang chiếm toàn bộ spotlight của thị trường, các dự án Layer 1 khác sẽ ít được chú hơn, đặc biệt là những Layer 1 mới ra mắt. Dù vậy, điều này cũng mang lại cơ hội cho các nhà đầu tư có nhiều không gian hơn để tìm kiếm gem - hệ sinh thái tiềm năng chưa được nhiều người biết tới.
CANTO đã tăng ~3.75 lần kể từ thời điểm 1/1/2023, khối lượng giao dịch trên DEX của Canto cũng đã từng tăng 200% trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, liệu hệ sinh thái mới này có thể cạnh tranh với các dự án hiện tại?
Canto DEX has had $63.2 million in trading volume over the past 24 hours, a 201.15% increase from the previous day and it is now the 6th most popular DEX by trading volume on our Volume Dashboard pic.twitter.com/XSMAeSqOtC
— DefiLlama.com (@DefiLlama) January 25, 2023
Canto Network nhận được sự chú ý
Không có những thông báo gọi vốn lớn, không tổ chức những đợt airdrop ồn ào, cũng chưa thiết lập Foundation đứng sau dự án, native token CANTO của blockchain phân bổ chủ yếu qua cộng đồng thông qua staking, liquidity mining. Sau giai đoạn phân phối ban đầu, CANTO có mức tăng trưởng khá ấn tượng cho thấy nhu cầu sử dụng nhất định.
Canto Network vốn là một blockchain Layer 1 được xây dựng trên hệ sinh thái của Cosmos. Khác với các chain khác trên Cosmos chỉ có thể giao tiếp với nhau qua mạng lưới ibc, Canto Network còn là một evm-chain, điều này cho phép người dùng có thể tương tác qua lại với Ethereum và các EVM-chain khác.
Từ nguồn lực của 2 hệ sinh thái lớn nhất hiện tại là Ethereum và Cosmos, Canto kế thừa bảo mật của cơ chế đồng thuận tendermint và sử dụng thêm lớp EVM-layer từ Cosmos-SDK. Canto Network xác định mục tiêu chính là phát triển dịch vụ DeFi minh bạch, phi tập trung, dễ tiếp cận và MIỄN PHÍ.
Xem thêm: Canto Network là gì?
Để thực hiện những mục tiêu trên, đội ngũ Canto cung cấp cho người dùng trên hệ sinh thái các sản phẩm DeFi cơ bản hoàn toàn miễn phí, sau đó mở rộng nhóm dự án này trở thành cơ sở hạ tầng công cộng miễn phí - Free Public Infrastructure (FPI). Đây là cách tiếp cận khá mới và chưa có dự án blockchain L1 nào thực hiện.
Network Metrics
Bắt đầu khởi chạy từ tháng 8/2022, sau hơn 6 tháng hoạt động Canto đang có hơn 106 triệu USD giá trị TVL. Vào thời điểm đầu tháng 3/2023, dự án đạt ATH về TVL khi đạt mức 203 triệu USD. Nếu so sánh với các chain khác, con số này vẫn còn khá khiêm tốn. Tuy nhiên, xét các blockchain trên Cosmos, Canto đã đạt vị trí thứ 4/23 chain được thống kê bởi DefiLlama chỉ với 14 protocol đang hoạt động.
Về mạng lưới của Canto, các chỉ số chưa thật sự nổi bật. Tính đến tháng 3/2024 Canto Network thực hiện hơn 3 triệu giao dịch và có 165,000 ví hoạt động. Cụ thể hơn:
- Tổng số lượng ví: 164,921
- Tổng số lượng giao dịch: 3,220,063
- Số lượng giao dịch trung bình mỗi ngày: 15,333
- Thời gian hoàn thành 1 block trung bình (avg block time): ~6 giây
- Số lượng validator: 144
Số lượng người dùng trên Canto còn ít, do đó số lượng giao dịch mỗi ngày cũng hạn chế. Với block time ở mức ~6 giây, Canto chỉ đạt được hiệu suất ngang với các blockchain đời cũ như Polkadot, Cronos, cũng như các blockchain khác trên Cosmos.
Con số này thua nhiều EVM chain khác như Avalanche, Fantom, Polygon cũng như các blockchain L2 của Ethereum như Arbitrum, Optimism… Ở khía cạnh này, Canto sẽ rất khó cạnh tranh vì các L2 mới như zkSync Era, StarkNet sẽ ngày càng nhanh hơn và tối ưu hơn về chi phí.
Số lượng giao dịch và số ví hoạt động hàng ngày trên Canto đã từng tăng mạnh vào đầu tháng 2, cùng thời điểm tăng trưởng của token CANTO cho thấy dự án cũng đã nhận được sự chú ý từ cộng đồng. Tuy nhiên, Canto lại chưa thể giữ chân được người dùng ở lại hệ sinh thái.
Hệ sinh thái hiện tại
Với việc giới thiệu mô hình Free Public Infrastructure (FPI), Canto cung cấp các sản phẩm cơ bản của DeFi hoàn toàn miễn phí. Điều này giúp Canto Network có một hệ sinh thái đủ mảnh ghép cơ bản ngay từ đầu nhưng có phần khép kín, các sản phẩm của Canto chiếm sóng toàn bộ hệ.
Các sản phẩm của Canto cung cấp bao gồm:
- Canto Decentralized Exchange (DEX)
- Canto Lending Market (CLM)
- Canto Unit of Account (NOTE token)
- Canto Bridge
Trong đó, chỉ riêng 2 sản phẩm Canto DEX và Canto Lending Market đã chiếm 103/107 triệu USD giá trị TVL, cho thấy hệ sinh thái đang phụ thuộc vào sản phẩm của đội ngũ Canto, chưa có nhiều builder tham gia đóng góp.
Các dapp hiện tại tập trung vào 2 mảnh chính là DEX và Lending, mới có thêm sự xuất hiện của nhóm Yield Aggregator song có thể thấy đây mới chỉ là một hệ sinh thái DeFi cơ bản, non trẻ.
Về Bridge, tới thời điểm viết bài đã có 545 triệu USD tài sản được người dùng bridge từ Ethereum sang Canto, trong đó chủ yếu là USDC, USDT và WETH. Khối lượng bridge cho thấy người dùng từ Ethereum cũng đã khá quan tâm tới Canto, tuy nhiên khối lượng bridge đã giảm mạnh từ cuối tháng 3.
Ngoài các sản phẩm cơ bản cung cấp bởi Canto, đã có một dự án đáng chú ý mới xuất hiện là Velocimeter. Velocimeter là phiên bản mở rộng sang Canto Network của Velodrome - dự án AMM lớn nhất trên Optimism.
Velodrome áp dụng và nâng cấp cơ chế ve(3;3) được khởi xướng bởi Andre Cronje, từ đó chiếm vị trị số 1 trên Optimism. Token VELO cũng có tăng trưởng đáng kinh ngạc ~10x từ đầu năm 2023.
Velocimeter cũng được kế thừa cơ chế ve(3;3) thông qua việc lock token quản trị FLOW. Khác với các AMM khác, yield từ Velocimeter dành cho người cung cấp thanh khoản (LP) chỉ đến từ sự phát thải FLOW, trading fee từ một pool sẽ được dành cho những người tham gia vote cho pool tương ứng.
Ngoài trading fee, các protocol còn áp dụng thêm một khoản incentive (bribes) gồm nhiều loại tài sản như ETH, FLOW, NOTE… để thưởng trực tiếp người dùng vote cho pool đó. Ý tưởng này là để khuyến khích FLOW holder vote cho các pool thanh khoản tạo ra doanh thu cho dự án thay vì phí phạm FLOW vào các pool có khối lượng giao dịch thấp.
Ve(3;3) đang có dấu hiệu quay trở lại, nhiều dự án sử dụng model này để tối ưu thanh khoản. Trong đó, Velodrome có thể nói là dự án thành công nhất, vì vậy Velocimeter cũng rất đáng chú ý, nhất là trong bối cảnh hệ sinh thái có ít dự án được build bởi đội ngũ bên ngoài Canto.
Xem thêm: Ve(3,3) đang quay trở lại và những điểm nhà đầu tư cần chú ý
Ngoài ra, trên Canto cũng xuất hiện khá nhiều dự án NFT, chủ yếu là các bộ sưu tập (NFT collectible), đồng thời đã có một dự án tên miền Canto (DNS For Canto). NFT Marketplace lớn nhất trên Canto hiện giờ là Alto. Đây cũng là một dự án free public, miễn phí toàn bộ phí giao dịch và nhà sáng tạo tự quyết định phí bản quyền trên mỗi giao dịch.
Dù đã là NFT Marketplace lớn nhất nhưng Alto có khối lượng giao dịch không mấy ấn tượng. Do đó, đầu tư NFT trên Canto sẽ là một hình thức đầu tư mang tính rủi ro cao.
Một số ưu và nhược điểm của Canto
Canto Network có hướng tiếp cận người dùng khá đặc biệt thông qua các dịch vụ DeFi miễn phí. Không chỉ miễn phí trên các ứng dụng được phát triển bởi đội ngũ dự án, Canto còn phát triển thêm một cơ chế là Contract Secured Revenue - CSR Fee Sharing.
Cơ chế này cho phép các dự án chia sẻ phần trăm phí gas khi user tương tác với mạng lưới thông qua smart contract. Từ đó, khuyến khích các dự án khác build trên Canto miễn phí phí giao dịch cho người dùng.
Dù mục đích khá giống với tiêu chí hoạt động của Canto, tuy nhiên việc các dự án có nhiều tính sáng tạo từ bỏ phí giao dịch để đổi lấy một phần phí gas sẽ là khá bất khả thi, việc này cũng có thể ảnh hưởng tới model hoạt động của dự án. Các dự án cũng có thể viết code không được tối ưu hoá để nhận nhiều phí gas từ người dùng hơn, ảnh hưởng tiêu cực tới trải nghiệm người dùng.
Các DeFi protocol do Canto cung cấp hoàn toàn miễn phí nhưng cũng có điểm trừ. Canto DEX chỉ có một phiên bản, không thể update và cũng không được quản trị. Các protocol đều không có token, không thể thực hiện các chương trình liquidity mining thu hút thanh khoản, trách nhiệm này lại dồn cho token L1 là CANTO.
CANTO vừa được sử dụng để trả thưởng staking cho các validator, vừa được sử dụng làm phần thưởng cho các chương trình liquidity mining (LM) trên các protocol. Điều này khiến cho CANTO có mức lạm phát cao, do đó đã khá nhiều đề xuất quản trị (proposal) về việc giảm mức phát thải của CANTO và giảm phần thưởng từ LM.
Ngoài ra, Canto có một vài điểm cho thấy nguồn lực dự án đang có phần hạn chế. Twitter dự án chỉ được chạy bởi một contributor do đó nội dung chủ yếu là các bài retweet. Canto cũng không sử dụng một logo chính thức và xuyên suốt trên các kênh media, cho thấy dự án chưa đầu tư về branding. Thậm chí, đã có những thành viên trong cộng đồng châm biếm điều này.
i mean. canto does not have an official logo. soooooo…. ok? pic.twitter.com/EPxebccGK8
— scott➕ (@scott_lew_is) April 3, 2023
Tổng kết
Canto có mục tiêu hoạt động rõ ràng và khác biệt, tuy nhiên động lực phát triển duy nhất của hệ sinh thái hiện tại đang nằm ở sự tăng giá của token. Điều này chỉ phục vụ mục đích trong ngắn hạn do CANTO sẽ có mức lạm phát cao. Canto cũng cần các dự án sáng tạo mới xây dựng trên hệ sinh thái này, đồng thời áp dụng model chia sẻ phí gas để khuyến khích các dự án.