Elon Musk và 'cú búng tay Thanos' thay đổi Twitter
Trong làn sóng sa thải ồ ạt của các công ty công nghệ lớn, Coin98 Insights giới thiệu một góc nhìn cận cảnh về câu chuyện ra đi của hơn 3,000 nhân viên Twitter — những người đã góp phần xây dựng nền tảng trở thành một không gian thiết yếu với cộng đồng crypto. Cuộc thanh trừng của Musk có thể là một đề tài gây tranh cãi từ nhiều góc độ: tàn nhẫn với người lao động nhưng cần thiết với chính nền tảng này.
Elon Musk và bàn tay vua Midas
Vào tháng 4/2022, Elon Musk mua 9.2% cổ phần của Twitter, biến ông trở thành cổ đông lớn nhất công ty và được đề nghị một ghế trong hội đồng quản trị. Luke Simon, Giám đốc kỹ thuật cấp cao của Twitter, đã hào hứng vô cùng.
Elon Musk là kỹ sư và nhà khoa học xuất sắc, nổi danh có bàn tay vua Midas với những công ty ông ấy lãnh đạo
Luke viết trên Slack
Twitter từng nằm dưới trướng của Jack Dorsey — người nổi tiếng với việc tham gia các khóa tu thiền dài hơi, nhịn ăn 22 tiếng/ngày, đi bộ 8 km đến văn phòng và để lại việc điều hành Twitter hàng ngày cho một số cấp phó đáng tin cậy. Đối với Simon và những người như anh, thật khó để không nghĩ rằng tiềm năng của Twitter đang bị lãng phí.
Trong những ngày đầu thành lập vào khoảng năm 2012, Twitter được xem là nơi của những tiếng nói tự do. Đó là thời gian nền tảng được ghi nhận đã khuếch đại phong trào Mùa xuân Ả Rập và phong trào chống bất bình đẳng kinh tế Occupy Wall Street.
Khoảnh khắc đó, trùng hợp với sự trỗi dậy của Facebook và YouTube, đã truyền cảm hứng cho những tầm nhìn không tưởng về việc các mạng xã hội có thể thúc đẩy dân chủ trên khắp thế giới.
Twitter đã lèo lái đà phát triển này để trở thành một trong những công ty quan trọng nhất lĩnh vực công nghệ. Nó là nỗi ám ảnh thường trực đối với những người đang làm việc hoặc chỉ đơn thuần quan tâm đến chính trị, thể thao và báo chí khắp thế giới. Thông thường, nền tảng đi đầu trong các tin tức nóng và biến những kẻ vô danh thành nhân vật chính. Những thiếu hụt về mặt lợi nhuận của nó đã được bù đắp bằng sức ảnh hưởng.
Không ai hiểu cách vũ khí hóa ảnh hưởng đó tốt hơn Donald Trump, người vào năm 2016 đã góp phần dọn đường cho mình vào Nhà Trắng bằng cách khai thác sự đả kích và căm ghét thông qua tài khoản Twitter @realDonaldTrump. Việc nhiều người đồng ý với nhau rằng nền tảng là một “cống nước thải” đã khiến định giá của nó giảm đi rất nhiều. Bob Iger, CEO của Disney, đã rút khỏi cuộc đấu thầu mua lại Twitter, nói rằng “sự trái khoáy” trên Twitter thật không thể tin nổi.
Sau cuộc bầu cử và thỏa thuận thất bại, Twitter đã đại tu các chính sách kiểm duyệt nội dung, bổ sung nhân sự cho đội ngũ bảo đảm tính an toàn và tin cậy trên nền tảng, đồng thời cam kết thúc đẩy “các cuộc trò chuyện lành mạnh”. Một lần nữa, nó sẽ không bao giờ để một “bạo chúa” sử dụng bản thân mình cho mục đích gieo rắc bất hòa và gia tăng phân cực xã hội.
Ngày 6/1/2021, sau khi Donald Trump thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, một đám đông người ủng hộ ông đã tấn công Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ. Hai ngày sau cuộc bạo loạn, Twitter đã cấm Trump vì nhận thấy hậu quả của việc phát biểu không kiểm soát và quyết định rằng điều đó không đáng.
Đây là phiên bản Twitter khiến Elon Musk khó chịu đến mức ông tin rằng mình phải mua nó. Theo quan điểm của Musk, vào năm 2022, công ty đã mục nát — chiều theo những ý thích bất chợt của các chính phủ và giới truyền thông tự do. Nó âm thầm cấm những người theo trường phái bảo thủ, đàn áp các diễn ngôn hợp pháp về COVID và loại các quan chức được bầu ra khỏi nền tảng một cách chọn lọc. Nhân vật nào có thể khôi phục thời hoàng kim của Twitter tốt hơn người dùng giàu có nhất của nó?
Giống như Trump, Musk biết cách sử dụng Twitter để biến mình thành trung tâm cuộc trò chuyện. Những dòng tweet liên tục, không kiêng dè, vi phạm mọi quy tắc nền tảng của ông đã làm nức lòng người hâm mộ, khiến những kẻ ghét ông căm phẫn và biến ông trở thành người được theo dõi nhiều thứ hai trên Twitter.
Ít nhất 50% số tweet của tôi được viết trên bệ toilet. Điều đó mang lại cho tôi niềm an ủi
Musk tweet vào một tối cuối năm 2021
Musk đề nghị mua lại Twitter với mức giá cao ngất ngưởng: 44 tỷ USD. Động thái này khiến những nhân viên như Simon thích thú — những người vốn bực bội với bầu không khí thoải mái quá đà của Twitter.
Các nhân viên khác lưu tâm đến mô-típ đen tối trong sự nghiệp của Musk — sự coi thường của ông trong các mối quan hệ lao động, nhiều vụ kiện cáo buộc quấy rối tình dục và phân biệt chủng tộc tại các công ty của ông. Họ nhận thấy sự quan tâm của Musk đối với Twitter rất đáng ngại. Trên Slack, một giám đốc sản phẩm đáp lại sự nhiệt tình của Simon dành cho Musk với nỗi hoài nghi:
Tôi hiểu quan điểm của anh, nhưng là một kẻ mê Thần thoại Hy Lạp từ nhỏ, tôi thấy cần chỉ ra rằng câu chuyện đằng sau cú chạm của vua Midas không hề tích cực. Nó là lời cảnh báo về những gì chúng ta sẽ mất khi chỉ chăm chăm vào sự giàu có.
Nhận xét này đã trở thành lời tiên tri.
Theo hơn hai mươi nhân viên hiện tại và trước đây của Twitter, kể từ khi mua công ty vào tháng 10/2022, Musk thiếu quan tâm rõ rệt đến những con người và quy trình đã tạo ra món “đồ chơi” mới của mình. Ông thanh trừng hàng nghìn nhân viên, đưa ra các chính sách khiến một số người ủng hộ trung thành nhất của mình tức giận. Những cá nhân còn ở lại Twitter chủ yếu rơi vào hai phe: những người bị mắc kẹt vì nhu cầu chăm sóc sức khỏe và visa hoặc những “kẻ đánh thuê” lạnh lùng hy vọng thăng tiến trong hoàn cảnh chao đảo quyền lực.
Ngày nay, Musk trở nên nổi tiếng với những phát biểu ông ngăn chặn hơn là những thứ ông cho phép. Ông đã đình chỉ các nhà báo vì tweet các đường link liên quan đến trình theo dõi máy bay phản lực của ông, hay hạn chế người dùng liên kết với tài khoản của họ trên Instagram và Mastodon trong thời gian ngắn.
Trong ba tháng, Musk cũng đã phá hủy phần lớn giá trị vốn chủ sở hữu của Twitter và một phần đáng kể tài sản của mình. Ông nói rằng công ty có thể tuyên bố phá sản, và những sao nhãng đến từ việc điều hành của Musk với Twitter đã khiến cổ phiếu Tesla lao dốc, khiến ông thiệt hại 200 tỷ USD.
Nếu “tiếng nói tự do” là nhiệm vụ Musk đặt ra với nền tảng, điều ngược lại được áp dụng tại nơi làm việc của Twitter. Ý kiến bất đồng hoặc phê bình kết thúc bằng những đợt sa thải nhanh chóng. Musk đã thay thế văn hóa cũ của Twitter bằng văn hóa của riêng mình, nhưng không rõ liệu phiên bản mới này có tồn tại được hay không khi công ty còn rất ít người và doanh thu giảm mạnh.
Như một nhân viên đã nói vào tháng 12/2022: “Chỗ này xong đời rồi”.
Khóc nức nở trong nhà vệ sinh vì tin đồn bị sa thải
Vào ngày 26/10/2022, một kỹ sư — hãy gọi bà ấy là Alicia — ngồi trong phòng họp bằng kính ở San Francisco để cố gắng giải thích về công nghệ của Twitter cho Elon Musk.
Ông sẽ chính thức mua lại công ty sau hai ngày nữa, và Alicia cùng một nhóm nhỏ đồng nghiệp đáng tin cậy được giao nhiệm vụ phác thảo cách thức hoạt động của cơ sở hạ tầng cốt lõi Twitter. Nhưng Musk, người đang ngồi cách Alicia hai ghế với khuỷu tay chống lên bàn, trông có vẻ buồn ngủ. Khi ông nói chuyện, đó là để đặt câu hỏi về chi phí. Twitter chi bao nhiêu cho các trung tâm dữ liệu? Tại sao mọi thứ lại đắt đỏ như vậy?
Alicia đã quá mệt mỏi với những trò của Musk. Trong nhiều tháng, ông đã đổi ý xoành xoạch về việc mua lại công ty nơi bà làm việc hơn một thập kỷ. Ông từng cố gắng huỷ bỏ thỏa thuận, nhưng Twitter đâm đơn kiện và tòa án cho biết họ sẽ mời ông ra toà nếu việc mua lại không hoàn tất trước ngày 28/10. Musk nhượng bộ. Vì vậy, họ ở đây, cố gắng cho Musk thấy thứ mà ông sắp mua, và tất cả những gì ông muốn nói đến là tiền.
“Tốt thôi”, Alicia nghĩ. "Nếu Musk muốn biết về tiền, tôi sẽ cho anh ta toại nguyện”.
Bà bắt đầu giải thích theo hướng kỹ thuật về hiệu quả của trung tâm dữ liệu Twitter, tò mò muốn xem liệu Musk có hiểu không. Thay vào đó, ông ngắt lời. “Tôi đã viết các chương trình C vào những năm 90”, ông nói. “Tôi hiểu máy tính hoạt động như thế nào”.
Trước khi Twitter được mua lại, Alicia đã biết nền tảng có vấn đề. Phải mất một thời gian dài để có được sự ủng hộ trên các dự án và giao tiếp giữa các nhóm nói chung rất kém. Nhưng nó hoạt động với một “tình trạng hỗn loạn tử tế” mà qua đó bất kỳ ai cũng có thể tác động đến hướng đi của sản phẩm. “Bạn không cần những người ở vị trí cao hơn cho phép bạn làm gì đó”, Alicia nói. “Đó thực sự là một tổ chức từ dưới lên”.
Không giống một số đồng nghiệp của mình, Alicia không chống lại Musk theo phản xạ. Bà tôn trọng những gì ông đã làm tại các công ty của ông và hy vọng với tư cách một người xem mình là kỹ sư, Musk sẽ hỗ trợ công việc đòi hỏi khía cạnh kỹ thuật cao của bà. Nhưng ngày hôm đó Musk có mối quan tâm khác. Ông nói rằng Twitter nên ngay lập tức chuyển sang video.
Chúng ta thực sự có thể tạo video dạng dài và thu hút những người sáng tạo nội dung giỏi nhất bằng cách cung cấp cho họ nội dung hay hơn YouTube
Elon Musk
Các kỹ sư trong phòng đồng ý rằng việc thêm hỗ trợ cho video dạng dài là khả thi về mặt kỹ thuật, nhưng công việc của họ là xây dựng — không phải chiến lược hay marketing. Có vẻ như Musk không hiểu cơ cấu tổ chức cơ bản của một công ty mạng xã hội; cứ như thể một tay giàu có mua một nhà hàng và nói với đầu bếp rằng anh ta muốn thêm một phòng ăn mới. Thế thì Musk có muốn nói chuyện với nhóm sản phẩm truyền thông không?
Ngay sau đó, David Sacks, một nhà đầu tư mạo hiểm và bạn của Musk, người đã tư vấn cho ông về thương vụ mua lại, bước vào phòng. Sacks từng làm việc với Musk tại PayPal và sau đó lãnh đạo công ty mạng xã hội Yammer được bán cho Microsoft với giá 1.2 tỷ USD.
“David, cuộc họp này quá kỹ thuật đối với anh”, Musk nói, xua tay để đuổi Sacks. Không nói một lời, Sacks quay người bước ra ngoài, để lại các kỹ sư — những người không nhận được bất kỳ sự quan tâm nào từ Musk về vấn đề kỹ thuật — há hốc mồm.
Ngày hôm sau, Alicia và các đồng nghiệp tập trung tại quán cà phê thuộc trụ sở Twitter ở San Francisco để dự tiệc Halloween được lên kế hoạch từ lâu. Căn phòng trang trí bằng những quả bí ngô thu nhỏ và mạng nhện giả. Các nhân viên đã cố gắng tận hưởng không khí ngày lễ, nhưng có tin đồn Musk lên kế hoạch cắt giảm 75% nhân sự. Mọi người đang khóc nức nở trong nhà vệ sinh. Buổi tối hôm đó, khi ra khỏi văn phòng, Alicia đi ngang qua giám đốc sản phẩm của Twitter, Jay Sullivan. “Kết thúc rồi”, ông nói. Thỏa thuận đã được chốt trong lúc bữa tiệc diễn ra.
Chỉ mất vài giờ trước khi có tin đội ngũ điều hành của Twitter đã mất chức. CEO Parag Agrawal bị loại cùng với Vijaya Gadde, người đứng đầu mảng chính sách và Ned Segal, Giám đốc tài chính. Họ biết trước điều gì đang chờ mình nên đã không đến văn phòng. Sean Edgett, tổng cố vấn, cũng bị sa thải; ông có mặt để bàn giao và được hộ tống ra khỏi tòa nhà một cách không mấy duyên dáng trong bữa tiệc Halloween.
Những ngày xung quanh việc mua lại trôi qua trong khung cảnh khó tưởng tượng. Musk thông báo việc tiếp quản của mình bằng cách mang một chiếc bồn rửa mặt vào văn phòng: “Entering Twitter HQ — let that sink in!” (181.2 nghìn lượt tweet lại, 43.6 nghìn lượt quote tweet, 1.3 triệu lượt thích.) Một đội xe Tesla trong bãi đậu xe. Lực lượng an ninh của Musk đứng ngoài phòng họp bằng kính như thể bảo vệ lãnh đạo một quốc gia đang phát triển.
Entering Twitter HQ – let that sink in! pic.twitter.com/D68z4K2wq7
— Mr. Tweet (@elonmusk) October 26, 2022
Con trai 2 tuổi của Musk, X Æ A-Xii, chập chững đi quanh tầng hai, thỉnh thoảng lại khóc.
Cú búng tay Thanos
Vào ngày đầu tiên Musk nắm quyền, ngày 28/10, các kỹ sư Twitter nhận được tin nhắn: Ông chủ muốn xem code của họ. Các nhân viên được hướng dẫn “in ra 50 trang code mà họ đã thực hiện trong 30 ngày qua” và sẵn sàng đưa nó cho Musk xem trực tiếp. Các kỹ sư hốt hoảng bắt đầu lùng sục khắp văn phòng để tìm máy in. Nhiều thiết bị không hoạt động vì không được sử dụng trong hai năm đại dịch. Nhưng cuối cùng việc này bị huỷ bỏ.
Tuy nhiên, Musk vẫn cần tìm ra trong số 7,500 nhân viên của Twitter, ai là người cần thiết để duy trì hoạt động của nền tảng — và ai có thể bị sa thải. Vào 10 giờ đêm hôm đó, các nhà quản lý được yêu cầu “xếp hạng” nhóm của mình, một phương pháp đánh giá phổ biến nhưng lạnh lùng buộc các nhà quản lý chỉ định những người làm việc kém nhất.
Amir Shevat, người quản lý nền tảng dành cho nhà phát triển của Twitter và từng lãnh đạo các nhóm lớn tại Amazon, Google và Microsoft, đã rất bối rối. “Nếu tôi có được danh sách đó, có lẽ tôi sẽ ném nó vào sọt rác vì nó hoàn toàn vô dụng”, Shevat nói.
Trong lúc đó, các nhà quản lý và nhân viên cấp cao khác bắt đầu nhận điện thoại vào đêm muộn từ các phụ tá của Musk. “Ai là người giỏi nhất trong nhóm của bạn?” “Ai hay chỉ trích? Ai thiên về kỹ thuật?” - họ hỏi.
Các quản lý cũng phải đối mặt những câu hỏi đầy lo lắng từ nhân viên:
“Liệu tôi có còn việc làm ở đây không?”
Không ai trả lời được. Tờ New York Times đưa tin (tại đây) rằng một giám đốc kỹ thuật đã nôn vào thùng rác sau khi được yêu cầu cắt giảm hàng trăm nhân sự.
Vào ngày 3/11, các nhân viên nhận được một email không có chữ ký từ “Twitter” thông báo rằng thời điểm sa thải đã bắt đầu. Đến 9 giờ sáng hôm sau, mọi người sẽ biết liệu mình có còn việc làm hay không.
Đêm đó, hàng trăm nhân viên đã tập trung tại một kênh Slack để đăng emoji lời chào và trái tim màu xanh lam — thể hiện tình đoàn kết dành cho những người sắp bị sa thải và những người vô cùng muốn rời đi nhưng bị yêu cầu ở lại. Một người đã đăng meme hình Thanos từ bộ phim Avengers: Infinity War — siêu ác nhân tiêu diệt một nửa sinh vật sống trong vũ trụ chỉ với một cú búng tay.
Đến sáng, 50% nhân viên (hơn 3.000 người) đã mất việc.
Đọc thêm: Đồng nghiệp quanh tôi đang biến mất - câu chuyện buồn của ngành công nghệ
Elon Musk và những vết sẹo
Những khoảnh khắc hỗn loạn của thể chế luôn là cơ hội cho ai đó, và tại Twitter người đó là giám đốc sản phẩm Esther Crawford. Trước khi nền tảng được mua lại, Crawford tập trung vào các sản phẩm giúp người sáng tạo kiếm tiền từ tài khoản Twitter và một sản phẩm cho phép người dùng hiển thị NFT trên hồ sơ. Khi Musk đến, cô bắt đầu tìm kiếm một vai trò lớn hơn, thuyết phục ông về các cách để cải thiện Twitter.
Kết quả, Crawford được giao nhiệm vụ khởi chạy lại sản phẩm Twitter Blue. Tính năng này cho phép người dùng trả 8 USD để được xác minh (verified), và Musk hy vọng sẽ giúp công ty thoát khỏi việc phụ thuộc các nhà quảng cáo. Hai người từng dẫn dắt dự án đã bị sa thải khiến Crawford trở thành một trong những lãnh đạo sản phẩm nổi bật nhất của công ty. “Tôi thấy đau lòng vì quá trình này đã buộc nhiều người giỏi phải rời Twitter, nhưng công việc kinh doanh không có lãi và cần phải cắt giảm mạnh để tồn tại, bất kể ai là chủ sở hữu công ty”, cô viết trên Slack.
Hiện tại, để verified — một dấu kiểm màu xanh cho thấy tài khoản được xác thực — người dùng phải được nhân viên tại Twitter chấp thuận. Ban đầu, Musk đề xuất tính phí 20 USD/tháng nhưng giảm xuống 8 USD sau khi nhà văn nổi tiếng về thể loại kinh dị Stephen King tweet với 7 triệu người theo dõi của mình:
20 USD/tháng để giữ dấu kiểm xanh của tôi à? Đ** m*, họ nên trả tiền cho tôi mới phải
Đội ngũ phụ trách việc đảm bảo tính tin cậy và an toàn của Twitter đã biên soạn một tài liệu dài bảy trang nêu rõ những nguy cơ liên quan đến xác minh có trả phí. Điều gì ngăn người ta mạo danh các chính trị gia hoặc thương hiệu? Họ xếp hạng rủi ro nằm ở mức cao nhất, nhưng Musk và nhóm của ông từ chối thực hiện các biện pháp phòng ngừa có thể làm trì hoãn việc ra mắt.
Hệ thống xác minh trả phí của Twitter Blue được công bố vào ngày 5/11. Gần như ngay lập tức, các tài khoản giả mạo được xác minh đã tràn ngập nền tảng. Hình ảnh Mario giơ ngón tay giữa trông giống như tài khoản Nintendo chính thức đã tồn tại hơn một ngày. Một tài khoản giả danh nhà sản xuất thuốc Eli Lilly đã tweet rằng giờ đây insulin sẽ miễn phí; giám đốc điều hành công ty đã xin Twitter gỡ tweet đó xuống.
Vài ngày sau khi tính năng này ra mắt, Twitter quyết định đóng cửa nó. Yoel Roth, người đứng đầu nhóm đưa ra những lời cảnh báo bị phớt lờ, đã từ chức.
Sai lầm của Musk để lại vết sẹo sâu. Twitter Blue được khởi động để giúp nền tảng chuyển doanh số bán hàng từ quảng cáo sang xác minh. Nhưng trong khi theo đuổi một dòng tiền mới tương đối ít ỏi, Musk đã đốt cháy hoạt động kinh doanh quảng cáo của công ty - nguồn mang lại phần lớn doanh thu hàng tỷ USD. Thảm họa Blue đã đẩy nhanh làn sóng các nhà quảng cáo từ bỏ nền tảng này, bao gồm cả Eli Lilly.
Twitter chảy máu
Twitter tiếp tục chảy máu dòng tiền, đến mức Musk đã ngừng thanh toán các hóa đơn của nó. Chủ nhà của một trong những không gian của công ty ở San Francisco đã đâm đơn kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại và đe dọa chấm dứt hợp đồng. Twitter có kế hoạch bán đấu giá nội thất văn phòng vào đầu năm nay.
Chưa hết, vào đêm Giáng sinh, Twitter đột ngột đóng cửa một trung tâm dữ liệu ở Sacramento, một trong ba khu vực phục vụ của công ty; nó cũng tuyên bố sẽ thu hẹp đáng kể quy mô một trung tâm dữ liệu ở Atlanta. Trong vòng vài giờ, Twitter đã phải chuyển lượng lớn lưu lượng truy cập đến các trung tâm dữ liệu còn lại, đe dọa sự ổn định của nền tảng. Các kỹ sư phải vật lộn để duy trì dịch vụ. Sự cố ngừng hoạt động thỉnh thoảng lại xảy ra, nghiêm trọng nhất là vào tháng Một này, khi nền tảng bị gián đoạn trong hơn 12 giờ đối với người dùng ở Úc và New Zealand.
Bản thân Musk cũng không khá khẩm hơn. Vào năm 2022, cổ phiếu Tesla bắt đầu giao dịch ở mức gần 400 USD. Đến tháng Chín, giá cổ phiếu của nó đã giảm 25% và tiếp tục giảm mạnh sau khi Musk mua Twitter và kết thúc năm ở mức 123 USD. Các nhà đầu tư đang van nài Musk từ bỏ, nhân viên Tesla cũng vậy. Như một người trong nhóm của Musk đã nói:
“Cái này thì liên quan quái gì đến xe hơi chứ?”
Musk tuyên bố ông chỉ có ý định trở thành CEO của Twitter trong thời gian ngắn. Với những thiệt hại ông đã gây ra trong ba tháng — cho công ty và tài sản của chính mình — những người theo dõi không thể không tự hỏi ông sẽ đợi thêm bao lâu nữa?
Tuy nhiên, có một điểm sáng trong toàn bộ câu chuyện mua lại Twitter: sự cải thiện đều đặn về kiến trúc kỹ thuật của chính nền tảng. Từng chút một, Musk cho biết, cơ sở hạ tầng nổi tiếng mong manh của Twitter đang được cải thiện.
Ở khía cạnh nào đó, Musk đã được minh oan. Twitter bây giờ kém ổn định hơn, nhưng nền tảng vẫn sống sót và hoạt động ngay cả khi phần lớn nhân viên đã ra đi. Ông đã hứa sẽ điều chỉnh quy mô của công ty cồng kềnh này, và đúng là bây giờ nó hoạt động với số lượng nhân viên tối thiểu.
Theo NY Mag, để phát triển Twitter lên tầm cao mới, Musk phải nhận thức được thứ ông đã góp phần phá huỷ: văn hóa công ty đã xây dựng Twitter thành một trong những mạng xã hội có ảnh hưởng nhất thế giới, các chính sách cố gắng giữ an toàn cho nền tảng và sự tin tưởng của người dùng, cũng như những tin tức nóng hổi và các trò đùa kỳ quặc. Đây là những giá trị vốn có của Twitter.