SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

'Đồng nghiệp quanh tôi đang biến mất' - câu chuyện buồn của ngành công nghệ

Làn sóng sa thải trong giới công nghệ lẫn crypto dấy lên lo ngại cho mọi công ty trên thị trường. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội và thách thức rất lớn cho các nhà tuyển dụng.
Avatar
linhha
Published Jan 11 2023
Updated Jun 07 2023
14 min read
thumbnail

"Hôm nay là một trong những ngày khó khăn nhất trong sự nghiệp của tôi khi Meta đang trải qua đợt sa thải đầu tiên trong lịch sử và điều đó ảnh hưởng đến tôi nhiều hơn tôi nghĩ". "Tôi đã từng rất thực tế rằng con người đến rồi đi, không ai là không thể thay thế và cuộc sống vẫn tiếp diễn. Nhưng hôm nay, nhìn thấy nhiều bạn bè và đồng nghiệp thân yêu của tôi bị ảnh hưởng bởi việc sa thải, trái tim tôi thắt lại và mắt tôi rưng rưng".

Đó là những dòng đầu tiên trong bài đăng công khai trên Linkedln của Quỳnh Trang, Giám đốc truyền thông khu vực APAC của Meta, công ty mẹ Facebook vào những ngày cuối năm 2022. 
 
"Tôi thức dậy với trái tim nặng trĩu và ngay khi kiểm tra workchat của mình và thấy nhiều hồ sơ đã bị hủy kích hoạt, tôi nhận ra mọi thứ đã trở thành sự thật. Những người ngồi cạnh tôi và đối diện tôi không còn ở đó, tất cả các cuộc trò chuyện nhóm nội bộ nhanh chóng trở nên im lặng". 

"Ước gì email đó không đến, ước gì chúng ta không phải trải qua một hành trình vắt kiệt cảm xúc như vậy, ước gì không ai phải ra đi như thế này nhưng mọi chuyện vẫn xảy ra".

Chia sẻ của Quỳnh Trang là một lát cắt nhỏ trong bức tranh sa thải lớn của toàn ngành công nghệ. Ở bên kia quả địa cầu, nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn cũng đã và đang bắt đầu quá trình đầy đau đớn này theo nhiều cách khác nhau. 

Bữa tiệc hồng

Andrew Yeung, trưởng nhóm sản phẩm của một công ty công nghệ ở Mỹ, vừa tổ chức tiệc cho khoảng 1,000 nhân viên công nghệ ở trung tâm thành phố Manhattan. Điều này gợi nhớ các “pink slip party” trong thời kỳ khủng hoảng tài chính 2008.

“Bữa tiệc pink slip” - cơ hội để những người vừa bị sa thải và những nhà tuyển dụng giao lưu, kết nối với nhau, đã trở nên phổ biến trong thời kỳ bùng nổ dot-com. 

coin98
Pink slip chỉ thông báo cho nghỉ việc được in trên giấy màu hồng. Ảnh: Deviantart.

Với tình trạng layoff (sa thải hàng loạt) đang diễn ra trong lĩnh vực công nghệ, nhiều người cho rằng những “bữa tiệc màu hồng” có thể đang quay trở lại.

Sau khởi đầu gập ghềnh với đại dịch vào năm 2020, các công ty công nghệ đã hưởng lợi từ sự bùng nổ chi tiêu cho thương mại điện tử và làm việc từ xa, kéo theo làn sóng tuyển dụng rầm rộ.

Nhưng bây giờ, mọi thứ đã khác. 

Vào tháng 11/2022, toàn ngành công nghệ đã cắt giảm 52,771 nhân sự, nâng tổng số người bị sa thải trong năm ngoái lên 80,978 - theo công ty tư vấn Challenger, Grey & Christmas. Đây là con số cao nhất tính theo tháng kể từ khi công ty bắt đầu lưu dữ liệu vào năm 2000.

Giá cổ phiếu của các công ty công nghệ hàng đầu như Alphabet (công ty mẹ của Google), Meta, Microsoft, Tesla... đều sụt giảm rất mạnh trong năm qua. Công ty mẹ của Facebook đang cắt giảm 11,000 việc làm, đây là đợt sa thải lớn đầu tiên trong lịch sử của công ty mạng xã hội này. Amazon và Salesforce u ám hơn, họ tiếp tục sa thải nhân viên vào đầu năm 2023, chỉ sau kỳ nghỉ Giáng sinh năm cũ. 

Dù iPhone mang về nhiều lợi nhuận, Apple vẫn tạm dừng tuyển dụng nhiều vị trí ngoài lĩnh vực nghiên cứu và phát triển. Trong khi đó, Intel đang cắt giảm việc làm và giảm chi tiêu cho các nhà máy mới trong nỗ lực tiết kiệm 3 tỷ USD vào năm tới, họ cũng hy vọng con số này sẽ là 10 tỷ USD vào năm 2025. Bloomberg đưa tin rằng số lượng nhân viên bị sa thải có thể lên tới hàng nghìn.

Thế giới crypto cũng không đứng ngoài cơn lốc này khi các công ty trong ngành đã sa thải khoảng 23,600 nhân viên tính đến ngày 9/12/2022, tiêu biểu là Coinbase, Kraken. Theo một báo cáo của CoinGecko vào tháng 11/2022, số lượng nhân viên bị sa thải trong crypto chiếm 4% so với toàn ngành công nghệ.

Mặc dù con số này có vẻ khả quan nhưng CoinGecko cũng đưa ra cảnh báo: “Với sự sụp đổ của FTX kể từ ngày 2/11/2022 và tác động trên diện rộng của nó đối với không gian tiền điện tử vẫn đang diễn ra, các đợt sa thải trong ngành có thể tiếp diễn trong những tháng tới”.

Dù đã cắt giảm hơn 20% nhân sự vào tháng 8/2022, mới đây Genesis tiếp tục sa thải thêm 30% nhân viên và có nguy cơ nộp đơn phá sản. Theo Reuters, hai lần cắt giảm trong vòng chưa đầy nửa năm của Genesis đến từ những áp lực về chi phí. 

Galaxy Digital - công ty dịch vụ tài chính tiền điện tử do tỷ phú Michael Novogratz thành lập, đang xem xét loại bỏ tới 20% lực lượng lao động. Kế hoạch có thể thay đổi nhưng con số cuối cùng sẽ nằm trong khoảng từ 15% - 20%. Cổ phiếu của Galaxy đã giảm mạnh hơn 80% trong năm ngoái, một phần nguyên nhân đến từ xu hướng giảm giá của tiền điện tử.

Trong diễn biến khác, người phát ngôn của Huobi xác nhận rằng công ty sẽ cắt giảm 20% nhân sự, tuy nhiên thông tin về việc tiền thưởng và phúc lợi bị cắt giảm là không chính xác. “Tỷ lệ sa thải vào khoảng 20% nhưng sẽ được thực hiện tinh gọn. Việc tái cơ cấu này mục đích để thực hiện chiến lược thương hiệu, tối ưu hóa cấu trúc và đưa sàn trở lại vị thế top 3 trên thị trường”, người phát ngôn của Houbi nói.

Bong bóng tuyển dụng đã đến lúc vỡ 

Giải thích cho làn sóng sa thải quy mô lớn, các công ty công nghệ và crypto dẫn ra lý do “mở rộng quá mức” và “nền kinh tế đang xấu đi”. 

Trong một lá thư gửi nhân viên Facebook, Mark Zuckerberg viết: “Tôi đã quyết định tăng đáng kể các khoản đầu tư của chúng ta. Không may chúng đã không diễn ra theo cách tôi mong đợi”.

Brian Armstrong - CEO của Coinbase cảm thấy bị cuốn vào vòng xoáy tuyển dụng khi thị trường phát triển chóng mặt. “Trong năm 2021, chúng tôi đã tuyển dụng quá nhiều”, anh chia sẻ trong một podcast vào cuối năm ngoái.

Theo New York Times, chính các công ty đã góp một phần lý do vào việc cắt giảm nhân sự này. Khi tận hưởng lợi nhuận tăng vọt và tin rằng thời kỳ bùng nổ do đại dịch sẽ tiếp diễn, các công ty đã tích cực mở rộng bằng cách tích trữ nguồn tài nguyên đắt đỏ và gây tranh cãi nhất trong lĩnh vực kinh doanh phần mềm: nhân tài.

coin98
Thị trường bull-bear tạo nên "lòng tham" nhân sự.

Từ lâu các công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon đã xem việc tuyển dụng không chỉ đơn thuần là lấp chỗ trống. Cuộc chiến nhân tài khốc liệt trong ngành cho thấy các công ty như Google và Meta đang giành được những người giỏi nhất và thông minh nhất, dẫn đến việc phình to đội ngũ nhân viên. Bây giờ tình hình này đang khiến ngành công nghệ “khó tiêu”.

“Khi thời cơ rủng rỉnh, bạn sẽ có sự dư thừa, theo sau đó là sự lạc quan và tình trạng tuyển dụng quá mức”, Josh Wolfe, một nhà đầu tư tại Lux Capital, nói. “Trong 10 năm qua, lượng tiền mặt dồi dào đã dẫn đến việc tuyển dụng dồi dào”.

Meta, công ty có mức định giá vượt quá 1 nghìn tỷ USD, đã tăng gấp đôi số nhân viên lên 87,314 người trong ba năm qua. Vào năm 2020-2021, Robinhood, ứng dụng giao dịch chứng khoán, đã mở rộng lực lượng lao động gấp gần sáu lần.

Các công ty crypto cũng tăng cường tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu tệp khách hàng mới. Theo The Block Research, kể từ năm 2019, số lượng nhân sự trong ngành đã tăng từ 18,200 lên 82,542. Trong đó, nhân sự thuộc mảng Trading/Brokerage chiếm tỷ lệ cao nhất với hơn 50%, đặc biệt là các sàn CEX. Đơn cử như Binance đã tăng từ 650 nhân viên vào năm 2019 lên 6,650 hay Coinbase tăng lên 4,000 nhân sự trong cùng khoảng thời gian.

coin98

Những cơn hoảng loạn kiểu “có phải chúng ta đang ở trong bong bóng” ngành công nghệ trong thập kỷ qua chỉ tồn tại một thời gian ngắn, sau đó là sự quay trở lại nhanh chóng của một thời kỳ thậm chí còn tốt hơn. Tuy nhiên, nhiều người tin rằng suy thoái hiện tại sẽ kéo dài hơn do các yếu tố kinh tế vĩ mô đã tạo ra nó. 

Trong thập kỷ qua, lãi suất thấp đã đẩy các nhà đầu tư vào các tài sản rủi ro hơn nhưng mang lại lợi nhuận cao hơn. Những nhà đầu tư này đánh giá cao tốc độ tăng trưởng nhanh hơn lợi nhuận và “thưởng” cho các công ty chấp nhận rủi ro lớn.

Trong những năm gần đây, các công ty công nghệ và crypto đã “đáp lại” dòng tiền từ các nhà đầu tư bằng cách đổ tiền vào việc mở rộng thông qua bán hàng và marketing, tuyển dụng, mua lại và các dự án thử nghiệm. Lượng vốn dư thừa đã khuyến khích các công ty tăng thêm nhân viên.

“Áp lực là chỉ cần tiêu tiền đủ nhanh để có thể phát triển đủ nhanh và hợp lý hoá khoản đầu tư mà các VC muốn thực hiện”, Eric Rachlin - đồng sáng lập Body Labs, một công ty phần mềm trí tuệ nhân tạo được Amazon mua lại, cho biết. 

Mở rộng số lượng nhân viên cũng là cách để các quản lý thăng tiến trong sự nghiệp. “Thu hút thêm người vào nhóm dễ hơn là yêu cầu mọi người làm việc cật lực hơn”, Rachlin nói thêm.

Trước đây, nhân viên công nghệ và crypto có thể nhanh chóng thay đổi công việc hoặc tự đứng vững nếu họ bị cắt giảm vì có quá nhiều vị trí còn trống, nhưng theo lời Rachlin thì: “Tôi không biết trong làn sóng sa thải này mọi người có thể làm được điều đó không”.

Hậu cắt giảm, công ty làm gì với người “sống sót”?

Việc sa thải không chỉ ảnh hưởng đến những người ra đi mà cả những người ở lại. 

Khoảng 70% “những người sống sót sau đợt sa thải” cho biết động lực làm việc của họ đã bị giảm sút, theo khảo sát của BizReport (tại đây) vào cuối tháng 11/2022. Ngoài ra, 66% nói rằng họ cảm thấy phải làm việc quá sức kể từ khi cắt giảm việc làm và 1/3 những người ở lại tin rằng trong tương lai mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn với công ty.

Để xoa dịu tâm lý tiêu cực đó, các chuyên gia cho rằng các lãnh đạo cần truyền đạt mục tiêu và kế hoạch ngắn hạn của tổ chức thật rõ ràng với các nhà quản lý tuyến đầu.

“Tạo cho nhân viên niềm tin rằng quyết định sa thải không phải là hành động bột phát của công ty”, Mark Dollins - chủ tịch North Star Communications Consulting, công ty tư vấn tập trung vào phát triển nhân tài, cho biết. “Và khi chúng ta đi đến cuối trạng thái này - kết quả của việc tái cấu trúc hoặc sa thải, chúng ta sẽ ở một nơi tốt hơn”.

Để tránh phản ứng căng thẳng từ đội ngũ nhân viên ở lại sau đợt sa thải - những người đã cảm thấy quá tải - các chuyên gia cho rằng các lãnh đạo cũng nên cho nhân viên biết họ sẽ cần những bộ kỹ năng nào và cách để đạt được chúng, cũng như truyền đạt điều đó một cách rõ ràng. 

Sam Caucci, người sáng lập kiêm CEO của nền tảng đào tạo lực lượng lao động 1Huddle cho biết: “Nhân viên sẽ không phàn nàn về những điều này trong phòng nghỉ nữa, họ sẽ đem chúng lên TikTok”.

Cơ hội cho các nhà tuyển dụng

Giữa làn sóng sa thải ồ ạt, các nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội. Họ nhanh chóng chỉ ra rằng những thành công nổi tiếng trong thập kỷ qua - các công ty như Airbnb, Uber, Dropbox - đã được tạo ra sau cuộc Đại suy thoái. Margaret O'Mara, giáo sư lịch sử tại Đại học Washington, nói với Bloomberg rằng Google đã trỗi dậy từ đống tro tàn của cuộc khủng hoảng dot-com năm 2000 sau khi tuyển được rất nhiều kỹ sư bị sa thải ở nơi khác. 

“Tôi thấy rằng sự thay đổi thị trường này có thể mở ra thời kỳ hoàng kim để các công ty khởi nghiệp thu hút những tài năng hàng đầu”, Rich Liu, giám đốc doanh thu của Everlaw, công ty cung cấp phần mềm kiện tụng dựa trên đám mây, nói. “Đó là sự mất mát lớn cho các big-tech nhưng các công ty khởi nghiệp lại được lợi”.

Các nhà tuyển dụng nói với CNBC rằng thị trường việc làm công nghệ vẫn cạnh tranh, dù hiện tại người lao động nhận được ít lời mời hơn so với trước đây. “Bây giờ việc giữ chân nhân viên cũng dễ dàng hơn vì họ không nhận được 17 cuộc gọi mỗi ngày từ các nhà tuyển dụng,” Barry Padgett, CEO của nền tảng dữ liệu khách hàng Amperity nói.

Còn Dave Merkel, CEO công ty an ninh mạng Expel cho biết công ty quy mô 470 nhân viên của ông đang lên kế hoạch tuyển dụng hơn 50 vị trí trong những tháng tới. “Thời điểm này trong năm thường không quá bận rộn đối với các nhà tuyển dụng của chúng tôi, nhưng hiện tại họ đang làm việc hết công suất do một lượng lớn ứng viên đổ về”, Merkel nói.

Trong crypto, Ripple Labs vẫn đang tuyển dụng bất chấp tình hình thị trường ảm đạm. David Schwartz, CTO của công ty đã gửi lời nhắn cho các nhân viên của FTX rằng: “Ripple luôn luôn tuyển dụng”.

RELEVANT SERIES