SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Hạ cánh mềm là gì? Tác động của hạ cánh mềm đến nền kinh tế

Một trong những ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách khi lạm phát tăng cao là đạt được hạ cánh mềm (soft landing). Vậy hạ cánh mềm là gì? Nó có tác động như thế nào đến nền kinh tế?
Avatar
Thanh Uyen
Published 2 days ago
7 min read
soft landing là gì

Hạ cánh mềm là gì?

Hạ cánh mềm (soft landing) là thuật ngữ trong kinh tế học dùng để mô tả giai đoạn giảm tốc độ tăng trưởng của một nền kinh tế hoặc một ngành công nghiệp mà không rơi vào suy thoái. Khái niệm này bắt nguồn từ ngành hàng không, khi máy bay hạ cánh êm ái mà không gặp bất kỳ sự cố nào.

Đối với nền kinh tế, hạ cánh mềm trở nên cần thiết khi nền kinh tế trở nên quá nóng, lạm phát tăng cao. Các ngân hàng trung ương lúc này cần phải can thiệp để đạt được hạ cánh mềm, chủ yếu thông qua việc tăng lãi suất, kiểm soát tín dụng hoặc các chính sách tiền tệ khác. Nếu thành công, hạ cánh mềm có thể giúp kinh tế tăng trưởng chậm lại, lạm phát giảm, nhu cầu nhà ở, tiêu dùng và đầu tư được cải thiện, thị trường lao động duy trì ổn định hoặc có thể được cải thiện.

Đối với một ngành hay lĩnh vực nào đó, hạ cánh mềm đề cập đến sự tăng trưởng chậm lại nhưng không suy thoái. Chẳng hạn, một ngành có thể đang suy giảm nhẹ về doanh thu, sản lượng nhưng vẫn duy trì hoạt động ổn định, không bị phá sản hoặc sa thải hàng loạt.

Ở Việt Nam, thuật ngữ hạ cánh mềm không quá phổ biến như ở các nước phương Tây nhưng khái niệm này vẫn được sử dụng trong các cuộc thảo luận kinh tế chuyên sâu. Vào tháng 5/2024, Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng cho biết Nghị quyết 43 được ban hành vào đầu 2022 đã giúp Việt Nam đạt được hạ cánh mềm.

hạ cánh mềm là gì
Hạ cánh mềm (soft landing) là việc giảm tốc độ tăng trưởng nhưng không suy thoái
advertising

Soft landing tác động đến nền kinh tế như thế nào?

Hạ cánh mềm mang lại nhiều tác động tích cực nếu được thực hiện thành công. Một quốc gia đạt được hạ cánh mềm thường có những dấu hiệu tích cực về mặt kinh tế như:

  • Kinh tế tăng trưởng ổn định: Hạ cánh mềm giúp duy trì mức tăng trưởng GDP dương và ổn định. Nền kinh tế không còn tăng trưởng quá nóng nhưng cũng không rơi vào suy thoái.
  • Lạm phát được kiểm soát: Một trong những mục tiêu chính của hạ cánh mềm là kiểm soát lạm phát, giữ nó ở mức thấp và ổn định, thường khoảng 2% đối với các nước phát triển như Mỹ, Anh, Canada, New Zealand. Điều này giúp duy trì sức mua và sự ổn định giá cả trong nền kinh tế.
  • Tỷ lệ thất nghiệp thấp: Một nền kinh tế hạ cánh mềm sẽ giữ được tỷ lệ thất nghiệp thấp, tạo ra cơ hội việc làm ổn định cho người lao động.
  • Thị trường tài chính ổn định: Hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính vẫn hoạt động ổn định, có khả năng chịu đựng các cú sốc kinh tế. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển và đầu tư lâu dài.

Ngoài ra, hạ cánh mềm giúp củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người tiêu dùng vào nền kinh tế. Khi các nền kinh tế lớn như Mỹ hoặc Trung Quốc thành công trong việc hạ cánh mềm, nó giúp ổn định thương mại quốc tế và thúc đẩy sự phát triển kinh tế toàn cầu.

Cú “hạ cánh mềm” lịch sử của nền kinh tế Mỹ

Một trong những sự kiện nổi bật về hạ cánh mềm là vào giai đoạn 1994-1995 tại Mỹ. Đây là lần duy nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đạt được hạ cánh mềm thành công trong suốt 12 chu kỳ tăng lãi suất của mình.

Trong giai đoạn này, FED đã tăng lãi suất từ 3% lên 6% nhằm làm chậm đà tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát mà không đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Kết quả là nền kinh tế Mỹ đã tránh được tình trạng quá nóng, tiếp tục tăng trưởng ổn định với tỷ lệ thất nghiệp thấp và lạm phát được kiểm soát.

fed hạ cánh mềm 1994
FED đạt được hạ cánh mềm vào năm 1994-1995. Nguồn: ST. Louis FED

Có nhiều yếu tố giúp FED đạt được mục tiêu hạ cánh mềm thành công vào năm 1994-1995, bao gồm:

  • Kinh tế Mỹ tăng trưởng bền vững và không quá nóng: FED kịp thời điều chỉnh lãi suất khi nhận thấy dấu hiệu lạm phát gia tăng mà không tạo ra những cú sốc lớn cho nền kinh tế.
  • Lạm phát tương đối thấp: Mức lạm phát ổn định đã giúp FED có không gian để tăng lãi suất mà không gây ra tác động quá mạnh đến nền kinh tế.
  • Thị trường lao động mạnh mẽ: Tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp, khoảng 5-6%, do đó FED có thể tăng lãi suất mà không gây ra ảnh hưởng đáng kể đến thị trường lao động.
  • Cân bằng giữa chính sách tiền tệ và tài khóa: Vào những năm 1990, chính sách tài khóa của chính phủ Mỹ tương đối ổn định, giúp nền kinh tế hấp thụ các cú sốc mà không gây ra suy thoái.
  • Không có cú sốc kinh tế lớn: Vào năm 1995, không có những cú sốc kinh tế toàn cầu lớn như khủng hoảng tài chính hoặc sự bất ổn chính trị nghiêm trọng. Điều này giúp FED duy trì được một môi trường kinh tế tương đối bình ổn để thực hiện các chính sách tiền tệ.
  • Niềm tin của thị trường: FED dưới thời Alan Greenspan đã xây dựng được lòng tin mạnh mẽ từ thị trường tài chính. Chính sách tăng lãi suất được truyền thông rõ ràng và dự đoán trước, giúp thị trường chuẩn bị và điều chỉnh theo mà không gây hoảng loạn.

Ở những lần tăng lãi suất khác, các yếu tố như thị trường lao động bất ổn và xung đột trong chính sách tiền tệ đã khiến FED gặp khó khăn trong việc đạt được hạ cánh mềm. Chẳng hạn, trong giai đoạn 2007-2009, lãi suất tăng trong khi thị trường lao động không ổn định đã khiến kinh tế suy thoái khi tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 10%, các chỉ số tài chính như Dow Jones và SP500 giảm trên 50%, GDP giảm 4.3%. Ngoài ra, việc FED tăng lãi suất bất ngờ mà không báo trước cũng dẫn đến những phản ứng tiêu cực như bán tháo tài sản và suy thoái thị trường.

Hạ cánh mềm đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chính sách tiền tệ và tài khóa, cùng với các yếu tố kinh tế thuận lợi. Nếu các yếu tố này không đồng bộ, quá trình điều chỉnh có thể không thành công, dẫn đến suy thoái kinh tế hoặc tăng trưởng chậm lại đột ngột.

Đọc thêm: Chính sách tiền tệ là gì? Ảnh hưởng của nới lỏng và thắt chặt tiền tệ.

RELEVANT SERIES