InfoFi là gì? Khi thông tin trở thành tài sản và thị trường trở thành trọng tài

InfoFi là gì?
InfoFi là mô hình tài chính hoá thông tin trong không gian Web3, nơi dữ liệu, sự chú ý và ảnh hưởng xã hội của người dùng được định giá và giao dịch như tài sản có giá trị.
Tương tự như các narrative trước đây như DeFi (tài chính phi tập trung) hay GameFi (game kết hợp tài chính), InfoFi kết hợp "Information" và "Finance" để thiết kế những cơ chế kinh tế xoay quanh thông tin và dữ liệu.

Mục tiêu của InfoFi là biến các yếu tố vô hình như dữ liệu thành một tài sản kinh tế. Đây không chỉ là một mô hình chia lại giá trị cho người đóng góp thông tin, mà còn mở ra một thị trường minh bạch để giao dịch thông tin.
Vì sao InfoFi nổi lên?
Có nhiều yếu tố hội tụ khiến InfoFi bùng nổ thành một narrative mới trong năm 2025. Trước hết, hệ sinh thái Web3 đang chứng kiến sự bùng nổ thông tin chưa từng có. Người dùng crypto không còn thiếu thông tin, mà trái lại đang bị quá tải trong biển dữ liệu, từ hàng nghìn token, dự án, đến vô số bài đăng, thảo luận và tin tức mỗi ngày.
Các công cụ tìm kiếm truyền thống như Google không thể hiểu được ngữ cảnh Web3, trong khi những dashboard kỹ thuật như Dune, Nansen hay Etherscan thì quá phức tạp với người dùng phổ thông.
Chính trong bối cảnh “ngập lụt thông tin” này, InfoFi nổi lên như một lời giải để cắt giảm nhiễu, tập trung vào thông tin thực sự quan trọng.
Khác với các hệ thống chỉ “hiển thị dữ liệu”, InfoFi xây dựng nên các agent hoặc search engine chuyên biệt cho Web3, giúp người dùng không cần dò tìm thủ công mà vẫn truy xuất được insight đúng lúc, đúng chỗ. Đây chính là cách InfoFi biến “quá tải thông tin” từ một thách thức trở thành cơ hội để tạo ra giá trị mới từ dữ liệu.

Một chất xúc tác quan trọng khác đến từ sự phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo trong giai đoạn 2023 - 2024. Các mô hình ngôn ngữ tự nhiên (NLP) như ChatGPT, Claude và Gemini không chỉ đơn giản hóa khả năng truy vấn bằng ngôn ngữ con người, mà còn mở ra cánh cửa xử lý dữ liệu phi cấu trúc ở quy mô chưa từng có.
Trước đây, phần lớn dữ liệu giá trị trong Web3, từ bình luận của cộng đồng, thảo luận trên diễn đàn DAO, đến các chuỗi bài viết phân tích chuyên sâu đều nằm ngoài tầm với của các công cụ truyền thống.
Nhưng với sức mạnh của NLP và AI, những gì từng là nhiễu loạn giờ đây có thể được thu thập, hiểu và biến thành insight. Khi cộng đồng bắt đầu hình dung việc kết hợp AI với dữ liệu on-chain để tạo ra tín hiệu thông minh, InfoFi nhanh chóng định hình như một giao điểm giữa blockchain, AI và dữ liệu.
Không chỉ là sự phát triển tự nhiên, InfoFi còn được thúc đẩy bởi tầm nhìn từ các nhà sáng lập nền tảng. Vào cuối năm 2024, Vitalik Buterin lần đầu công khai khái niệm “information finance” như một hướng đi tương lai.
Trong đó, ông mô tả các hệ thống DeFi có khả năng thu thập thông tin hữu ích từ hành vi thị trường, điển hình như mô hình prediction market, nơi người dùng được thưởng khi đưa ra dự đoán chính xác. Đây là bước chuyển từ "đặt cược vào kết quả" sang "khai thác trí tuệ tập thể như một tài sản".
Cuối cùng, xu hướng tái định nghĩa quyền sở hữu dữ liệu cá nhân đóng vai trò chất xúc tác. Sau nhiều năm bị khai thác bởi các nền tảng Web2 - nơi dữ liệu người dùng trở thành sản phẩm miễn phí, người dùng Web3 bắt đầu yêu cầu được nhận giá trị từ chính những đóng góp của họ.
InfoFi kế thừa tinh thần đó: token hóa sự chú ý, tín hiệu, nội dung và hành vi, trả lại quyền kiểm soát và phần thưởng cho người sở hữu thông tin.
InfoFi và Attention Market: Cùng điểm xuất phát, khác đích đến
InfoFi và Attention Market đều xuất phát từ một định hướng chung: dữ liệu và sự chú ý của người dùng là tài sản, không phải sản phẩm miễn phí.
Trong thế giới đó, người tạo ra giá trị dữ liệu sẽ là người nắm quyền lợi. Những hành vi thông tin như việc đăng bài, tương tác, chia sẻ, đưa ra nhận định chiến lược... đều có thể được token hoá.
Những hành vi này không chỉ được ghi nhận, mà còn có thể được quy đổi thành điểm số, token, hoặc quyền truy cập, tùy vào hệ thống mà chúng được triển khai.
Đọc thêm: Attention Market: Cỗ máy farm chú ý đang rút cạn uy tín KOL Web3
Tuy nhiên, chúng phục vụ hai logic cuối cùng khác nhau:
- Attention Market hoạt động dựa trên giá trị của sự chú ý. Ai thu hút nhiều lượt xem hơn, ai được nhiều người theo dõi hơn, người đó nhận phần thưởng lớn hơn. Mô hình này phù hợp với hệ sinh thái creator, influencer, nơi sự chú ý trở thành tiền tệ (attention = currency) và khuyến khích tối đa hoá phạm vi lan tỏa nội dung.
- Trong khi đó, InfoFi là nhánh phát triển rộng hơn và sâu hơn. Nếu Attention Market chỉ tập trung vào dòng chảy sự chú ý, thì InfoFi mở rộng phạm vi sang toàn bộ hệ sinh thái dữ liệu: từ thông tin on-chain, dữ liệu off-chain đến các tín hiệu định lượng hoặc hành vi tương tác ẩn.

Trong không gian này, nhiều phân tích chỉ ra rằng Polymarket là những "manh nha" đầu tiên của InfoFi, áp dụng prediction market cho các sự kiện có kết quả.
Nhưng xu hướng hiện tại đang tiến xa hơn: Kaito, Noise… không chỉ hỏi “điều gì sẽ xảy ra?”, mà đo lường “ai đang ảnh hưởng đến dòng chảy thông tin?”, “tín hiệu nào đang định hình narrative?”, “sự tin cậy và sức lan tỏa của người dùng đang thay đổi ra sao?", từ đó tạo ra các thị trường thông tin có thể giao dịch.
Một số dự án định hình nên “câu chuyện InfoFi”
Dù còn non trẻ về mặt khái niệm, InfoFi đã bắt đầu hình thành một hệ sinh thái rõ nét với sự góp mặt của các dự án tiên phong. Trong số đó, Bubblemaps là một trong những ví dụ điển hình, được ví như “lớp trí tuệ on-chain” của lĩnh vực này.
Ra mắt từ năm 2024, Bubblemaps cung cấp công cụ trực quan hóa dữ liệu blockchain dưới dạng bản đồ bong bóng, cho phép người dùng theo dõi dòng phân bổ token, hành vi ví, và các mối liên hệ tiềm ẩn giữa các thực thể trong dự án – những thông tin mà trước đây chỉ có thể tiếp cận qua phân tích kỹ thuật sâu.
Điều khiến Bubblemaps trở thành một dự án nổi bật trong xu hướng InfoFi không chỉ nằm ở tính năng hiển thị, mà ở khả năng chuyển hóa dữ liệu thô thành câu chuyện có ý nghĩa.
Trong một ví dụ nổi bật năm 2025, Bubblemaps đã phát hiện và cung cấp bảng dữ liệu về một cụm ví có dấu hiệu thao túng trong dự án LIBRA, và chỉ vài tiếng sau đó, LIBRA đã thực sự có hành vi "rug pull".
Đọc thêm: TRUMP, MELANIA, CAR, LIBRA: Giờ "rug pull" của tổng thống

Ví dụ tiếp theo phải đề cập đến là Kaito khi gắn kết hai dòng chảy thông tin và phần thưởng. Thông qua mô hình “Yaps-to-Earn”, người dùng có thể kiếm token KAITO bằng cách tạo nội dung chất lượng trên Twitter (X).
Tất cả được vận hành qua Kaito Connect – một thị trường attention market, nơi dự án có thể khởi chạy chiến dịch marketing, còn người tạo nội dung (yapper) được AI đánh giá dựa trên mức độ ảnh hưởng thực tế thay vì chỉ số ảo. Cơ chế này biến sự chú ý thành dòng vốn có thể điều phối được, thay vì phó mặc cho thuật toán mạng xã hội.

Nhưng chính tại đây, một vấn đề khác của InfoFi lộ diện: khả năng bị "game hóa". Khi phần thưởng được phân phối thông qua mô hình “Yaps-to-Earn”, sẽ luôn có rủi ro xuất hiện các hành vi spam, thổi phồng nội dung để tối ưu hóa phần thưởng, thay vì đóng góp thật sự cho cộng đồng.
Dù Kaito đã sử dụng AI để chấm điểm bài viết, bản thân thuật toán đánh giá ảnh hưởng vẫn chưa thoát khỏi thiên kiến và dễ bị thao túng.
Tóm lại, Kaito, Loud hay bất cứ giao thức InfoFi nào cũng đang đóng vai trò quan trọng trong việc định hình xu hướng này, nhưng sự nổi lên quá nhanh của các dự án này cũng đặt ra một câu hỏi lớn: Ai kiểm chứng người kiểm chứng?
Khi quá trình truy xuất thông tin và thưởng phạt đều nằm trong tay những mô hình AI hoặc hệ thống chấm điểm tập trung, rất có thể InfoFi sẽ gặp phải những vấn đề của Web2 dưới lớp vỏ Web3.
Dù vậy, InfoFi đang bổ sung một mảnh ghép quan trọng cho Web3: nếu DeFi là nền tảng chuyển hóa giá trị tài chính một cách phi tập trung, thì InfoFi là bước tiếp theo trong hành trình định giá dữ liệu.
Nhưng cũng giống như DeFi từng trải qua giai đoạn “DeFi Summer” với hàng loạt vụ hack và rug pull, InfoFi sẽ cần vượt qua bài kiểm tra: liệu sự thật có thể được đảm bảo bằng cơ chế thị trường?