Những điều về market markers không phải ai cũng biết
‘Kẻ săn mồi’ trên thị trường
Hiểu đơn giản, MM (market markers - MM) cung cấp thanh khoản để giúp tài sản có thể giao dịch được trên thị trường, đảm bảo rằng nếu người dùng cố gắng mua hoặc bán một đồng coin trên một sàn giao dịch cụ thể, thì thường họ có thể làm được.
“Mọi người nói chung có cái nhìn tiêu cực về việc tạo lập thị trường”, Wesley Pryor, người sáng lập công ty MM Acheron Trading nói. “MM được xem là kẻ săn mồi, tuy nhiên họ là một trong những thành phần quan trọng nhất để hệ sinh thái tài sản kỹ thuật số có thể vận hành. Ai cũng cần một MM để tham gia thị trường”.
Tuy nhiên, các MM xấu cũng có thể thao túng giá token, thổi phồng khối lượng giao dịch và thực hiện bơm và bán phá giá.
Nhiều dự án crypto đã thuê các MM đẩy các thông số về hiệu suất hoạt động của mình bằng các chiến lược như “wash trading” (các thực thể giao dịch cùng một tài sản liên tục qua lại để tạo ảo tưởng về khối lượng giao dịch). Ở các thị trường truyền thống, đây là hành vi thao túng thị trường bất hợp pháp khi đánh lừa nhà đầu tư về nguồn cầu của một tài sản cụ thể.
Dữ liệu về mức độ wash trading trong crypto rất khan hiếm. Năm 2019, Bitwise có một báo cáo nổi tiếng cho rằng 95% khối lượng trên các sàn giao dịch không được pháp luật điều chỉnh đều là giả. Một nghiên cứu gần đây hơn của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) của Mỹ vào tháng 12/2022 cho thấy con số này đã giảm xuống khoảng 70%.
Ngoài ra, một số MM thậm chí còn “đâm” các dự án thuê mình bằng cách bán khống (short) token của họ.
Đọc thêm: Market Maker (MM) là gì? Sự khác biệt giữa MM & AMM trong Crypto.
Hai loại nhà tạo lập thị trường
Có hai loại MM chính: MM sàn giao dịch và MM token. MM sàn giao dịch giúp tạo môi trường giao dịch ổn định, có thanh khoản cho một sàn giao dịch crypto cụ thể.
Trong khi đó, MM token thường có sự tham gia của các nhà phát hành token. Mục tiêu chính của họ là đảm bảo tính thanh khoản cho một token cụ thể, đặc biệt trong giai đoạn đầu của token hoặc trong thời gian token có khối lượng giao dịch thấp.
Kiểu tạo lập thị trường này có thể giúp các token mới có được sức hút và nổi bật trong một thị trường đông đúc. Tuy nhiên, thường điều mà các dự án phát hành token hy vọng nhận được từ MM lại mâu thuẫn với thứ mà các MM hợp pháp cung cấp.
“Thông thường, dự án nghĩ MM ở đó để tạo khối lượng giao dịch, tăng giá token và thực hiện bơm và bán phá giá. Nhưng điều này hoàn toàn không đúng”, Jelle Buth - đồng sáng lập của MM Enflux nói.
Buth giải thích rằng vai trò của MM là khiến tài sản có khả năng giao dịch bằng cách cung cấp tính thanh khoản và duy trì sổ lệnh (order book) lành mạnh, trong đó chứa tất cả lệnh mua và bán của một tài sản.
Bằng cách đặt lệnh ở cả hai phía sổ lệnh, các MM đảm bảo luôn có tình trạng khớp lệnh cho các lệnh đến, điều này giúp nâng tính thanh khoản của tài sản.
Các MM đề nghị mua (bid) và bán (ask) một tài sản ở các mức giá khác nhau. Sự khác biệt giữa hai mức giá này được gọi là chênh lệch (spread).
Mức chênh lệch hẹp hơn thường cho thấy thị trường có tính thanh khoản cao hơn, trong khi mức chênh lệch rộng hơn cho thấy tính thanh khoản kém hơn và chi phí giao dịch cao hơn.
Chênh lệch giá mua và giá bán hẹp thường đi kèm độ sâu thị trường cứng, chỉ số lượng lệnh mua và bán sẵn có ở các mức giá khác nhau trong sổ lệnh tại một thời điểm nhất định.
Độ sâu thị trường cũng có thể đánh giá khả năng của một tài sản trong việc hấp thụ các lệnh lớn mà không có sự thay đổi đáng kể về giá. MM được kỳ vọng sẽ duy trì tính thanh khoản mà không hy sinh lợi nhuận.
MM tốt và MM xấu
Có hai mô hình kinh doanh chính cho các dự án phát hành token: mô hình dịch vụ, nơi các MM nhận được các khoản thanh toán cố định để tạo môi trường giao dịch có tính thanh khoản và mô hình quyền chọn mua và cho vay (loan and call option).
Với mô hình quyền chọn mua và cho vay, các MM sử dụng token vay từ khách hàng của mình trong hoạt động tạo lập thị trường. Đồng thời họ cũng nhận được một quyền chọn mua (call option) đối với các token đó — chỉ khả năng mua các token đó ở mức giá thoả thuận trước khi thoả thuận đáo hạn.
Wesley Pryor của Acheron Trading cho biết, những thoả thuận quyền chọn mua và cho vay này là nơi hầu hết hoạt động tạo lập thị trường “ký sinh” xảy ra.
Với quyền chọn mua, các MM được bảo vệ bởi sự tăng giá của tài sản mà họ đang tạo lập thị trường. Nếu tài sản được giao dịch ở mức giá cao hơn, họ có thể sử dụng quyền chọn mua để mua tài sản ở mức giá thấp hơn và bán ngay để kiếm lời.
MM sẽ thu lợi khi thổi giá một tài sản khi nó bắt đầu giao dịch và sau đó bán khống tài sản đó từ mức giá nó được thổi phồng.
“Họ sẽ đứng bên lề, để tài sản tăng giá tự nhiên khi giao dịch tại thời điểm thị trường mở cửa lúc ban đầu và không cung cấp bất kỳ thanh khoản nào ở mức giá mở cửa”, Pryor nói. “Họ chờ thị trường tăng đột biến, điên cuồng và FOMO. Sau đó, họ bước vào và bắt đầu bán khống tài sản đó”.
“Tôi không nói rằng các MM luôn làm như thế, nhưng họ có động cơ để giao dịch một cách không trong sạch và thao túng thị trường nhằm thu lợi nhiều nhất, thay vì tạo ra một thị trường hoặc môi trường giao dịch lành mạnh”, Jelle Buth của Enflux nói thêm.
Thay đổi hình ảnh về nhà tạo lập thị trường
Một số ý kiến cho rằng các sàn giao dịch đã góp phần khuyến khích sự phát triển của các MM xấu. Để một token được niêm yết, sàn giao dịch đưa ra các yêu cầu bất thành văn, trong đó dự án phải vượt quá một khối lượng giao dịch hàng ngày nhất định. Điều này tạo động cơ để dự án nhờ các MM bơm thổi khối lượng giao dịch của mình.
Beke của Kairon Labs gọi chiến thuật này “rõ ràng là phi đạo đức”, và ông từ chối xem các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như vậy là “nhà tạo lập thị trường”. Ông cho biết thêm rằng các khách hàng tiềm năng thường bày tỏ thất vọng khi công ty ông không cung cấp dịch vụ bơm giá và khối lượng giao dịch.
Tuy nhiên, Asal Alizade, người đứng đầu mảng vận hành tại công ty tư vấn Web3 Blocklogica, cho biết các sàn giao dịch cũng rất cảnh giác với sự thao túng.
“Ở các sàn giao dịch hàng đầu, nếu dự án không duy trì các yêu cầu và không thể đáp ứng khối lượng giao dịch tối thiểu trong một khoảng thời gian cụ thể hoặc không đáp ứng các điều khoản và điều kiện của sàn giao dịch đó và cho thấy các hành vi phi đạo đức như bơm và bán phá giá token hoặc thao túng giá, thì token của dự án sẽ bị hủy niêm yết”, Alizade nói.
“Các sàn giao dịch hàng đầu sẽ không chỉ kiểm tra các tài liệu pháp lý của token, bao gồm giấy phép và ý kiến pháp lý mà còn xem xét cộng đồng của dự án và đánh giá nội lực của cộng đồng này, bao gồm cả các kênh trên mạng xã hội của dự án”.
Jobbe-Duval của Coinwatch cho biết các MM nên làm một số điều để giúp xóa bỏ nhận thức tiêu cực mà nhiều người có về họ.
Ông đề xuất các MM có thể giúp khách hàng của mình chấm dứt hợp đồng dễ dàng hơn nếu MM hoạt động không hiệu quả và đồng ý minh bạch hơn trong báo cáo cũng như cách họ quản lý các khoản vay token.
Còn theo quan điểm của công ty MM Acheron, cách để tránh các hoạt động tạo lập thị trường xấu là thiết lập một tiêu chuẩn minh bạch trong toàn ngành. Công ty có kế hoạch thực hiện điều này bằng cách cung cấp cho khách hàng dữ liệu thời gian thực về các hoạt động tạo lập thị trường của mình, cũng như đưa ra hợp đồng không yêu cầu các bên liên quan giữ bí mật các điều khoản của thỏa thuận.
“Chúng tôi cấp quyền truy cập theo thời gian thực các chỉ số hiệu suất thanh khoản của mình cho bất kỳ dự án nào đang hợp tác với chúng tôi, bất kể cơ cấu tài chính như thế nào”, Pryor của Acheron nói.
Gaevoy của Wintermute đồng ý rằng “thoả thuận không yêu cầu giữ bí mật các điều khoản sẽ là một bước phát triển tuyệt vời”. Tuy nhiên ông phản bác điều này không có nghĩa là các MM nhìn chung phải minh bạch hơn.
Theo Gaevoy, không phải lúc nào MM cũng là người quyết định về sự minh bạch trong hoạt động của mình. “Nếu họ cung cấp tính thanh khoản cho một giao thức, tôi cho rằng việc tiết lộ chi tiết về thoả thuận tùy thuộc vào giao thức đó”, ông nói.