MegaETH là gì? Dự án được đầu tư bởi Vitalik Buterin
MegaETH là gì?
MegaETH là dự án blockchain layer 2 được phát triển bởi đội ngũ MegaLabs. Mục đích của MegaETH là trở thành mạng lưới có thể sở hữu tốc độ giao dịch và hiệu suất ngang với các ứng dụng trên Web2, từ đó đáp ứng tất cả nhu cầu của nhà đầu tư và các dApp trên hệ sinh thái.
Hiện tại, MegaETH chỉ mới hoàn thành vòng gọi vốn Seed nên chưa ra mắt phiên bản testnet và tokenomics của dự án. Coin98 Insights sẽ cập nhật ngay khi có thông tin mới nhất.
Mô hình hoạt động của MegaETH
Theo đội ngũ dự án, nhu cầu giao dịch của người dùng và các dApp ngày càng nhiều, khiến đa phần blockchain từ layer 1 (Aptos, Solana…) cho tới layer 2 (opBNB, Arbitrum…) vẫn không thể đáp ứng đủ. Do đó, nhằm đáp ứng nhu cầu này, MegaETH phát triển theo hướng modular blockchain, với tác vụ duy duy nhất của mạng lưới là Execution (các tác vụ DA, consensus do Ethereum và EigenDA thực hiện).
Cấu trúc của MegaETH bao gồm ba thực thể chính là Sequencer, Prover và Full node:
- Sequencer: Là thực thể đóng vai trò sắp xếp giao dịch trên MegaETH và gửi xuống Ethereum. Tương tự như những layer 2 thông thường, MegaETH chỉ sử dụng một Sequencer tập trung. Nhưng Sequencer này yêu cầu cấu hình phần cứng rất cao (100 core, 4 TB Ram) và không có nhiệm vụ xác thực giao dịch, như các layer 2 khác.
- Prover: Là thực thể có nhiệm vụ tạo bằng chứng từ các giao dịch của Sequencer, thông qua mô hình *stateless validation scheme. Sau đó, Prover gửi các bằng chứng cho Full node.
- Full node: Là các thực thể có nhiệm vụ xác thực tính đúng đắn của các bằng chứng từ Prover. Cấu hình của Full node tương đối nhẹ, khi chỉ cần 8 core và 16 GB Ram.
Với cấu trúc trên, MegaETH chia nhỏ các tác vụ ở Full node, khiến hiệu suất mạng lưới có thể nhanh hơn và đồng thời giảm cấu hình, chi phí phần cứng.
Nhưng điểm nổi bật không nằm ở Full node, mà là Sequencer với cấu hình cao hơn nhiều lần so với những Layer 2 khác. Cấu hình càng cao, tốc độ xử lý giao dịch càng nhanh. Đồng thời, thực thể này không có nhiệm vụ xác thực khiến hiệu suất càng được tăng cao.
Tuy nhiên, theo chính đội ngũ dự án, mô hình này tồn tại nhược điểm là tính tập trung, khi phải phụ thuộc và một Sequencer duy nhất.
Đọc thêm: Sequencer là gì? Vai trò và hướng phát triển trong tương lai.
*Stateless validation scheme là giải pháp mở rộng cho Ethereum, cho phép các full node tham gia xác minh giao dịch mà không cần phải lưu trữ hay truy cập dữ liệu trước. Từ đó, giúp full node có thể giảm cấu hình phần cứng.
Ngoài ra, tại whitepaper của MegaETH cũng đề cập tới hiệu suất của MegaETH trong một môi trường lý tưởng. Cụ thể, với cấu hình phần cứng của Sequencer là 100 GB Ram SSD, thì MegaETH có thể đạt 14,000 TPS, một con số rất lớn so với những blockchain khác dù cấu hình Sequencer chưa đạt mức chuẩn của MegaETH.
Tuy nhiên, cũng trong whitepaper, MegaETH đang trong giai đoạn phát triển và vẫn gặp một số vấn đề như đồng bộ Sequencer với Full node, state root… Do đó, con số 14,000 TPS vẫn có thể thay đổi khi MegaETH ra mắt testnet.
Đội ngũ, nhà đầu tư và đối tác của MegaETH
Đội ngũ dự án
Đội ngũ đằng sau dự án MegaETH là MegaLabs, họ bao gồm:
- Shuyao Kong: Co-Founder và CBO tại MegaETH. Anh có nhiều năm kinh nghiệm trong blockchain khi làm việc tại các dự án lớn như Brave, Consensys, Decrypt…
- Lei Yang: Co-Founder và CTO tại MegaETH. Hiện chưa có nhiều thông tin về Lei Yang, ngoài việc anh đã có bằng tiến sĩ tại MIT CSAIL.
- Yilong Li: Co-Founder và CEO tại MegaETH. Anh cũng từng có bằng tiến sĩ tại đại học danh giá Stanford.
Nhà đầu tư và đối tác
Ngày 27/6/2024, MegaETH chỉ mới gọi vốn vòng Seed nhưng đã huy động thành công 20 triệu USD, dẫn đầu bởi Dragonfly Capital. Ngoài ra, vòng gọi vốn này còn có sự xuất hiện của một số nhà đầu tư thiên thần như Vitalik Buterin, Sreeram Kannan (Founder EigenLayer)...