NFT Staking - Sự kết hợp giữa Sưu tập số và lợi nhuận staking

NFT Staking là gì?
NFT Staking là quá trình khóa NFT vào một nền tảng hoặc giao thức blockchain để nhận phần thưởng, thường là các token hoặc lợi ích khác. Thay vì giữ NFT trong ví mà không có lợi ích kinh tế, người dùng có thể “staking” NFT để tạo ra nguồn thu nhập thụ động trong khi vẫn giữ quyền sở hữu tài sản đó.
Về cơ bản, bạn sẽ gửi NFT vào một hợp đồng thông minh trên blockchain và nhận lại thưởng. Thay vì chỉ giữ NFT trong ví như một món đồ sưu tầm, staking cho phép bạn kiếm được lợi nhuận từ tài sản kỹ thuật số đó, giống như việc staking tiền mã hóa trong DeFi.

NFT trước đây chủ yếu được coi là tài sản sưu tầm hoặc vật phẩm trong trò chơi. Tuy nhiên, với sự ra đời của NFT Staking, tài sản số này đã được nâng cấp thành một công cụ tài chính thực sự.
NFT Staking mang lại lợi ích cho cả người sở hữu NFT và các dự án blockchain. Người sở hữu tận dụng giá trị của NFT mà không cần bán chúng, tối ưu hóa tài sản của mình, tạo thu nhập thụ động. Trong khi đó, các dự án blockchain có thể sử dụng NFT staking để tăng cường tương tác với cộng đồng, khuyến khích người dùng tham gia lâu dài và tạo động lực phát triển.
Trong ApeCoin Staking, chủ sở hữu Bored Ape Yacht Club (BAYC) và Mutant Ape Yacht Club (MAYC) stake NFT để nhận APE token, biến NFT thành nguồn thu nhập thụ động trong hệ sinh thái Yuga Labs.
Theo báo cáo từ Ape Foundation, trong ngày đầu tiên mở staking (12/12/2022), hơn 30 triệu USD giá trị APE đã được stake. Điều này cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng đối với hoạt động này.
Cách NFT Staking hoạt động - hai mô hình phổ biến
NFT Staking cho phép người sở hữu NFT khóa tài sản kỹ thuật số vào các nền tảng hoặc giao thức blockchain để nhận phần thưởng. Tùy vào cách hoạt động và mục đích phát triển, NFT Staking hiện nay thường được triển khai theo hai mô hình chính:
Mô hình thứ nhất: Các bên thứ ba tích hợp dịch vụ Staking
- Các nền tảng bên thứ ba cung cấp dịch vụ staking NFT, hoạt động độc lập với các dự án phát hành NFT.
- Người dùng có thể stake NFT từ nhiều bộ sưu tập khác nhau để nhận phần thưởng, thường là token của nền tảng hoặc NFT mới.
- Các nền tảng này đóng vai trò trung gian, giúp tối ưu hóa tiện ích và lợi ích từ NFT.
Tuy nhiên, đổi lại các sự tiện lợi bên trên thì phần thưởng thường không gắn chặt với hệ sinh thái nội bộ của NFT gốc, làm giảm giá trị độc quyền của bộ sưu tập. Ngoài ra, còn phát sinh phí dịch vụ hoặc phí giao dịch, làm giảm lợi nhuận tổng thể cho người dùng.
Nhìn chung, mô hình này phù hợp với người dùng mới và các nhà đầu tư thích sự linh hoạt, an toàn khi staking.
Binance NFT
Binance NFT Marketplace tích hợp tính năng staking NFT cho một số bộ sưu tập nổi bật như Bored Ape Yacht Club (BAYC) hoặc Mutant Ape Yacht Club (MAYC). Người dùng chỉ cần gửi NFT của mình vào nền tảng và nhận phần thưởng là token gốc hoặc NFT khác.
Lợi ích:
- Tiện lợi, an toàn nhờ hệ thống bảo mật cao của Binance.
- Đa dạng lựa chọn bộ sưu tập NFT để stake.
Đọc thêm: Hướng dẫn sử dụng Binance NFT Marketplace.

MOBOX
MOBOX kết hợp DeFi và NFT để cung cấp dịch vụ staking cho MOMO NFT. Người dùng stake NFT và nhận MBOX token, sau đó có thể sử dụng token này trong hệ sinh thái GameFi của MOBOX hoặc giao dịch trên thị trường.
Lợi ích:
- Tăng cường tính thanh khoản và tiện ích của NFT của dự án.
- Tạo thu nhập thụ động cho người sở hữu.
Mô hình thứ hai: Dự án tự phát triển sản phẩm Staking NFT
- Các dự án tự phát triển sản phẩm staking riêng nhằm gia tăng tiện ích và giá trị của NFT trong hệ sinh thái của mình.
- Việc staking thường đi kèm với các lợi ích như phần thưởng token gốc, quyền truy cập các tính năng đặc biệt hoặc ưu đãi khác.
- Mục tiêu chính là phát triển hệ sinh thái NFT và giữ chân cộng đồng lâu dài.
Cũng phải xem xét thêm một khía cạnh khác, thanh khoản của các dự án này thường thấp hơn so với các bên thứ ba, vì NFT chỉ có thể stake trong hệ sinh thái của dự án.
Ngoài ra, người dùng còn đối mặt với rủi ro cao hơn khi các vấn đề bảo mật hoặc sụp đổ dự án có thể xảy ra.
Có thể thấy, mục đích chính của loại mô hình này sẽ tập trung vào việc gia tăng giá trị nội tại của bộ sưu tập NFT và phù hợp với nhà đầu tư dài hạn, tin tưởng vào tiềm năng phát triển của dự án.
ApeCoin Staking - Bored Ape Yacht Club (BAYC)
Hệ sinh thái BAYC phát triển tính năng staking thông qua nền tảng ApeCoin Staking, cho phép người sở hữu Bored Ape Yacht Club (BAYC) và Mutant Ape Yacht Club (MAYC) stake NFT để nhận phần thưởng là APE token.
Cơ chế hoạt động:
- Người sở hữu NFT gửi tài sản vào hợp đồng thông minh của nền tảng ApeCoin.
- APE token sẽ được phân phối dựa trên thời gian và số lượng NFT stake.
Lợi ích:
- Người sở hữu NFT tạo thu nhập thụ động thông qua APE token.
- Hệ sinh thái BAYC giữ chân cộng đồng và tạo động lực phát triển dự án.

CyberKongz - Bananas Token (BANANA)
CyberKongz, một bộ sưu tập NFT nổi tiếng, phát triển cơ chế staking NFT để người sở hữu có thể nhận phần thưởng là BANANA token.
Cơ chế hoạt động:
- Mỗi Genesis CyberKongz NFT tạo ra 10 BANANA token mỗi ngày khi được stake.
- BANANA token có thể được sử dụng để nâng cấp NFT hoặc tham gia vào các hoạt động khác trong hệ sinh thái.
Lợi ích:
- Tăng tính tiện ích và giá trị cho bộ sưu tập CyberKongz.
- Khuyến khích cộng đồng nắm giữ NFT lâu dài.
Ứng dụng của NFT Staking trong Crypto
NFT staking ngày càng phổ biến trong các lĩnh vực như trò chơi blockchain, DeFi và metaverse. Trong trò chơi blockchain, người chơi có thể staking các vật phẩm hoặc nhân vật NFT để nhận phần thưởng và tăng giá trị sử dụng của tài sản.
Vào ngày 12/12/2022, Ape Foundation ra mắt tính năng staking cho ApeCoin, cho phép người dùng stake APE hoặc NFT từ Bored Ape Yacht Club (BAYC) và Mutant Ape Yacht Club (MAYC) để nhận phần thưởng. Chỉ trong ngày đầu tiên, hơn 30 triệu USD giá trị APE đã được stake. Điều này cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng đối với việc staking, đặc biệt khi có sự kết hợp giữa NFT và token gốc của hệ sinh thái.
Hơn nữa, việc ra mắt tính năng staking đã ảnh hưởng tích cực đến giá trị của ApeCoin. Sau khi thông tin về việc mở staking được công bố, giá APE tăng hơn 31%, đạt mức 4.15 USD.
Trong DeFi, NFT staking được tích hợp vào các giao thức để cung cấp phần thưởng, tạo thanh khoản hoặc hỗ trợ các hoạt động tài chính khác. Trong metaverse, NFT staking thường liên quan đến đất đai ảo hoặc các tài sản kỹ thuật số khác, tạo ra giá trị và quyền lợi cho người dùng.
Ngoài ra, việc sử dụng NFT làm tài sản thế chấp trong các giao thức DeFi giúp người dùng vay vốn hoặc tham gia các hoạt động tài chính khác, mở rộng khả năng sử dụng của NFT trong hệ sinh thái tiền mã hóa.
Đối với các dự án blockchain, NFT staking giúp tăng cường tương tác và xây dựng cộng đồng mạnh mẽ. Bằng cách khuyến khích người dùng khóa NFT, dự án có thể giảm áp lực bán, ổn định thị trường và tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững.
Tuy nhiên, người tham gia cần hiểu rõ về cơ chế hoạt động, lợi ích và rủi ro để tận dụng tối đa cơ hội mà NFT staking mang lại. Do đó, việc nghiên cứu kỹ lưỡng và lựa chọn nền tảng uy tín là cần thiết để tối ưu hóa lợi ích từ hoạt động này.
Thách thức và rủi ro của NFT Staking
Mặc dù có nhiều lợi ích, NFT staking cũng đối mặt với một số thách thức. Một trong những rủi ro lớn nhất là sự phụ thuộc vào giá trị của NFT và token phần thưởng. Giá trị của NFT và các token thưởng nhận được từ hoạt động staking có thể biến động mạnh do bản chất thị trường tiền mã hóa. Khi thị trường giảm, lợi nhuận từ việc staking có thể không đủ bù đắp khoản lỗ từ sự giảm giá của NFT hoặc token thưởng.
CyberKongz Genesis NFT: Chủ sở hữu nhận 10 BANANA token mỗi ngày khi staking. Tuy nhiên, trong giai đoạn thị trường lao dốc năm 2022, giá BANANA token giảm từ 80 USD vào tháng 9/2021 xuống còn 2 USD vào tháng 6/2022, làm giảm đáng kể lợi nhuận thực tế.
BAYC - ApeCoin Staking: Giá APE token từng đạt đỉnh 26 USD vào tháng 4/2022 nhưng đã giảm xuống khoảng 1.5 - 2 USD vào đầu năm 2023. Điều này khiến lợi suất staking giảm mạnh và ảnh hưởng đến lợi ích của nhà đầu tư.
Thêm vào đó, staking NFT yêu cầu người dùng khóa tài sản trong một khoảng thời gian, đồng nghĩa với việc họ không thể sử dụng hoặc giao dịch NFT trong thời gian này. Điều này có thể gây ra mất cơ hội khi giá trị của NFT tăng lên hoặc xuất hiện cơ hội giao dịch hấp dẫn.

Theo báo cáo của NonFungible.com, trong quý 2/2023, khối lượng giao dịch NFT trên thị trường giảm đến 38%, cho thấy thanh khoản của NFT đang gặp khó khăn trong bối cảnh thị trường suy thoái. Nếu người dùng khóa NFT vào staking trong thời gian này, họ sẽ mất cơ hội thoát khỏi thị trường khi giá giảm.
Thậm chí, người dùng cũng sẽ phải đối mặt với các rủi ro tồn tại trong lỗ hổng hợp đồng thông minh hoặc bị tấn công. Tháng 3/2022, nền tảng TreasureDAO trên Arbitrum bị hack, khiến hơn 100 NFT từ bộ sưu tập nổi tiếng như Smol Brains bị đánh cắp, ước tính thiệt hại hơn 1.4 triệu USD.
NFT Staking mang lại cơ hội lớn để tạo thu nhập thụ động và gia tăng giá trị sử dụng của NFT. Tuy nhiên, các rủi ro như biến động giá, thanh khoản thấp, lỗ hổng bảo mật và rủi ro dự án là những yếu tố mà người dùng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tham gia.
Để hạn chế rủi ro và tối ưu hóa lợi ích từ NFT Staking, nhà đầu tư nên:
- Nghiên cứu dự án kỹ lưỡng và lựa chọn các nền tảng staking uy tín.
- Theo dõi thị trường để đánh giá biến động giá NFT và token thưởng.
- Kiểm tra bảo mật hợp đồng thông minh trước khi khóa NFT vào các nền tảng.
Bằng cách hiểu rõ rủi ro và lợi ích, người dùng có thể đưa ra quyết định sáng suốt, tận dụng đúng tiềm năng mà NFT Staking mang lại trong hệ sinh thái crypto.
Xem thêm: DYOR là gì? Các nguồn thông tin để tự nghiên cứu Crypto hiệu quả.