Phoenix (PHB) là gì? Cơ sở hạ tầng tập trung lĩnh vực AI
Phoenix là gì?
Phoenix là blockchain cơ sở hạ tầng tập trung vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Dự án phát triển giao thức Computation Layer và giải pháp Phoenix Oracle, cho phép nhà phát triển thực thi các dApp có thể tích hợp các tác vụ phức tạp của AI một cách đơn giản, mức phí thấp nhưng hiệu suất cao.
Sản phẩm của Phoenix
Phoenix Layer 1
Phoenix Layer 1 là nền tảng blockchain được thiết kế theo tiêu chuẩn doanh nghiệp (enterprise-grade)* và tương thích với máy ảo EVM. Phoenix Layer 1 cho phép các dApp được xây dựng trên nền tảng có thể xử lý các tác vụ AI yêu cầu khối lượng tính toán phức tạp (computationally-intensive) một cách nhanh chóng.
AlphaNet là dApp đầu tiên được xây dựng trên Phoenix Layer 1.
Đối với người dùng, Phoenix cung cấp 3 tính năng chính: stake, bridge và swap:
- Stake: Cho phép người dùng gửi token PHB V2 vào mạng lưới và uỷ quyền (delegate) cho các node validator để nhận về mức APY. APY không cố định mà được chia thành các cấp bậc, phụ thuộc vào số lượng người dùng stake.
- Bridge: Cho phép chuyển đổi token từ các mạng lưới khác về Phoenix. Tại thời điểm viết bài, tính năng này chưa được hỗ trợ.
- Swap: Cho phép người dùng hoán đổi token PHB V1 thành token PHB V2 theo tỷ lệ 100:1.
*Enterprise-grade: Cho phép các dApp xây dựng trên Phoenix Layer 1 có thể sử dụng trong môi trường doanh nghiệp với các đặc điểm như khối lượng dữ liệu cần xử lý lớn, khả năng tương thích cao…
Điểm nổi bật chính của Phoenix Layer 1 là sử dụng cơ chế đồng thuận DPOS kết hợp với thuật toán PBFT và hàm VRF nhằm cải thiện khả năng bảo mật, nâng cao hiệu suất tổng thể của mạng lưới. Trong đó:
- DPOS (Delegated Proof of Stake): Cơ chế đồng thuận hoạt động theo hình thức Proof of Stake, tuy nhiên cho phép người dùng có thể uỷ quyền đến các node validator để nhận APY.
- PBFT (Practical Byzantine Fault Tolerance): Thuật toán đồng thuận giúp mạng lưới có thể hoạt động ngay cả khi có một số node validator bị lỗi, bị tấn công... PBFT quy định để một giao dịch được xác nhận phải có sự đồng thuận (quorum) từ hơn 2/3 số validator trong mạng lưới.
- VRF (Verifiable Random Function): Hàm thuật toán được sử dụng để chọn ngẫu nhiên các node validator nhưng vẫn đảm bảo tính đúng đắn trong hệ thống. Điều này giúp quá trình chọn validator cho người dùng uỷ quyền diễn ra công bằng và minh bạch.
Computation Layer
Computation Layer (SkyNet) là lớp điện toán được thiết kế với mục tiêu mở rộng khả năng tính toán của các tác vụ phức tạp trong AI để tích hợp vào các dApp nhằm cải thiện trải nghiệm người dùng.
Giao thức cho phép nhà phát triển có thể xây dựng dApp hiệu quả, tiết kiệm chi phí thông qua việc mở rộng quy mô tính toán của các tác vụ sau:
- Deep learning (học sâu): Một nhánh trong kỹ thuật học máy của AI. Kỹ thuật sử dụng hệ thống mạng nơ-ron nhân tạo để học cách thực hiện các tác vụ như nhận dạng hình ảnh, giọng nói… Mục tiêu của deep learning là mô phỏng cách thức hoạt động của não bộ con người.
- Predictive analytic (phân tích dự đoán): Kỹ thuật sử dụng xử lý dữ liệu quá khứ và hiện tại để dự đoán các sự kiện trong tương lai. Phân tích dự đoán có thể sử dụng cho các mục đích như dự báo doanh số, phát hiện gian lận…
- Large language models - LLM (mô hình ngôn ngữ lớn): Cho phép xử lý nhiều loại ngôn ngữ khác nhau. Một số tác vụ của LLM có thể kể đến như dịch thuật, tóm tắt văn bản…
- Federated learning (học tập liên kết): Kỹ thuật cho phép các thiết bị khác nhau có thể học tập dựa trên một mô hình chung mà không cần chia sẻ những dữ liệu riêng tư. Mô hình này phù hợp với các ứng dụng yêu cầu dữ liệu cần được bảo mật cao.
- AI edge computing (điện toán biên AI): Mô hình giúp xử lý dữ liệu phân tán thay vì gửi đến trung tâm dữ liệu tập trung.
Một số dApp đã được xây dựng trên SkyNet bao gồm: Horizon protocol, Phoenix LLM, Phoenix GenAI và Hypermatrix.
Phoenix Oracle
Phoenix Oracle là giải pháp cung cấp khả năng xác minh các loại dữ liệu trừu tượng (abstract-level) cho các dApp áp dụng công nghệ AI.
Điều này có nghĩa là Phoenix Oracle có thể xác minh nhiều loại dữ liệu bất kể định dạng của chúng như raw data (dữ liệu thô), structured data (dữ liệu có cấu trúc), schema (sơ đồ), AI model (mô hình AI)…
Giống như bản chất của oracle là đảm bảo tính chính xác và toàn vẹn của dữ liệu, Phoenix Oracle cũng được thiết kế để đảm bảo mục đích này.
Ví dụ: Đối với các dApp sử dụng kỹ thuật federated learning trong việc chia sẻ và học hỏi dữ liệu, họ có thể sử dụng giải pháp Phoenix Oracle để đảm bảo xác minh tính chính xác và toàn vẹn của nguồn thông tin liên quan.
Đọc thêm: Khi AI giao thoa với Blockchain - Đột phá thực sự hay chỉ là lý thuyết?
Thông tin về PHB Coin
- Token Name: Phoenix
- Ticker: PHB
- Blockchain: BNB Chain
- Token Standard: BEP-20
- Contract: 0x0409633a72d846fc5bbe2f98d88564d35987904d
- Token type: Updating
- Total Supply: 64,000,000 PHB
- Circulating Supply: 48,271,468 PHB
Nhà đầu tư và đối tác của Phoenix
Nhà đầu tư
Theo thông tin từ nền tảng, Phoenix được hậu thuẫn bởi những cái tên nổi bật như Binance, Apex Technologies, FLC, Tencent Cloud…
Đối tác của Phoenix
Phoenix đã thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược với 4 dự án, bao gồm: Apex Technology, FLC, Tensor và Bobber.com.
Dự án tương tự Phoenix
Một số dự án tương tự Phoenix làm về mảnh ghép AI áp dụng blockchain như:
- Grass: Giao thức làm về web scraping, cho phép người chia sẻ băng thông cho các công ty phát triển công nghệ AI để kiếm lợi nhuận thụ động.
- Aperture Finance: Nền tảng AI sử dụng công nghệ intent centric để đơn giản hoá quá trình thực hiện giao dịch trên sàn DEX của người dùng.