Review phim: "Đừng tin ai: Săn lùng vua tiền mã hóa" & "Kẻ lừa đảo trên Tinder"
*Đây là series “Eye2Ear” review sách/podcast/phim/trang thông tin nổi bật về tiền điện tử.
Mới đây, hệ sinh thái Solana bị tấn công khiến hơn 5.2 triệu USD bốc hơi từ hơn 7,900 ví Solana, theo công ty phân tích blockchain Elliptic. Tai hoạ của Solana xảy ra chỉ vài ngày sau khi Nomad - một giao thức cầu nối (bridge) để chuyển token qua các blockchain khác - bị mất gần 200 triệu USD trong một vụ khai thác lỗ hổng bảo mật. Trong năm nay, hơn 1 tỷ USD đã bị đánh cắp từ các bridge, theo một báo cáo vào tháng 6 của Elliptic.
Trong thế giới tiền điện tử, các vụ tấn công và lừa đảo đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”, khiến niềm tin của các nhà đầu tư bị xâu xé tơi tả. Những dòng mã trong blockchain vận hành không cần niềm tin, nhưng người dùng cần đặt lòng tin vào những người đứng sau các dự án tiền điện tử.
Nhưng niềm tin đó sẽ ra sao khi người sáng lập dự án bạn đầu tư giả chết để cuỗm sạch tiền? Hay trong một diễn biến khác, người bạn trao gửi yêu thương và cả rất nhiều tiền, hoá ra là một ông hoàng lừa đảo đa quốc gia?
Hai bộ phim “Trust No One: The Hunt for the Crypto King” (Tạm dịch: Đừng tin ai: Săn lùng vua tiền mã hóa) và “The Tinder Swindler” (Tạm dịch: Kẻ lừa đảo trên Tinder) sẽ cho bạn câu trả lời.
“Đừng tin ai: Săn lùng vua tiền mã hóa”: Tiền và Tội
Bộ phim tài liệu giật gân này của Netflix khám phá cái chết bí ẩn của người sáng lập Quadriga CX, Gerry Cotten và 250 triệu USD bốc hơi cùng anh ta vào năm 2018.
Cotten được khắc hoạ là một anh chàng thân thiện, vui vẻ với dáng dấp “mọt sách” quyến rũ. CEO của Quadriga CX đã đầu tư vào Bitcoin ngay trước thời điểm tiền điện tử bùng nổ. Chỉ trong vài năm, một Bitcoin từ giá 100 USD tăng vọt lên 27,000 USD. Cotten thành công giòn giã, mua du thuyền, sắm máy bay cho đến khi thị trường bước vào thời kì sụp đổ không tránh khỏi.
Với cú lao dốc chết người này, khách hàng bắt đầu hoảng sợ khi thấy mình không thể truy cập số tiền gửi trên nền tảng. Sau đó, người sáng lập chết bất đắc kì tử trong một hoàn cảnh đáng ngờ, kéo theo sau là một “gánh xiếc” truyền thông.
Một số người dùng Quadriga mất tiền tin Cotten đã giả chết để biến mất trước mắt họ trong một vụ “lừa đảo thoát hàng” (exit scam) động trời. Những người này hội họp trên kênh Telegram và lập thành đội thám tử nghiệp dư điều tra vụ án.
Một người với cái tên QCXINT, mặc đồ ngụy trang để bảo vệ danh tính và lập luận bằng một giọng nói méo mó. Một người khác nhấn chìm kênh YouTube của mình với các giả thuyết. Trong khi những người này lùng sục manh mối trên mạng xã hội và nhắn tin trao đổi với nhau, đạo diễn Luke Sewell đã sử dụng ánh sáng mờ và các kỹ thuật sân khấu để tạo cảm giác kịch tính và hấp dẫn.
Bộ phim khiến khán giả có ảo tưởng các sự kiện đang dần được hé lộ trong thời gian thực, vì thế không thuyết âm mưu, sự thật nửa vời hay những lời đồn đoán vô căn cứ nào được đính chính vì lý do đúng đắn hay đạo đức.
Một phút trước, bộ phim khiến khán giả tin Cotten vẫn chưa chết; anh ta chỉ đơn giản là bỏ trốn dưới một cái tên mới với gương mặt mới ở một đất nước mới. Một phút sau, bộ phim nghiêng về giả thuyết vợ của Cotten đã đầu độc anh để ẵm trọn số tiền. Ở một thời điểm khác, nó phác thảo hồ sơ một đối tác kinh doanh mờ ám của Cotten là Michael Patryn, quá khứ tù tội đã biến ông trở thành nghi phạm ngay lập tức.
Xuyên suốt bộ phim, “Trust No One” đặt ra những câu hỏi về mối quan hệ giữa lòng tham, chủ nghĩa tư bản, công nghệ và lòng tin. Tuy truy lùng kẻ đã đánh cắp tiền của mình, nhưng liệu có phải chính những nhà đầu tư này đã “đồng loã” trong việc tạo ra một con “quái vật” như Gerald Cotten? Họ bị mê hoặc bởi hình ảnh sai lệch trên mạng xã hội mà Cotten đã cẩn thận xây dựng; sức hấp dẫn của việc cưỡi trên làn sóng tiền điện tử tước đi cảm giác thận trọng và tò mò cơ bản của họ.
Niềm tin trộn lẫn lòng tham về một cuộc đổi đời nhanh chóng trở thành một chuyến săn lùng hung hăng đầy thuyết âm mưu.
“Kẻ lừa đảo trên Tinder”: Ponzi tình cảm
Bộ phim tài liệu “The Tinder Swindler” của Netflix không có bất kỳ trò gian lận tiền điện tử nào, nhưng nhân vật trung tâm của phim - Simon Leviev - hoàn toàn giống một kẻ lừa đảo trong các vụ “romance scam” tiền điện tử. Xây dựng lòng tin bằng tình cảm, hứa hẹn về lợi nhuận từ những khoản tiền điện tử béo bở và lợi dụng sự cả tin ngây thơ của nhiều người trong số chúng ta - đây là chiêu bài hoàn hảo của những kẻ lừa đảo thế hệ mới trên ứng dụng hẹn hò.
Trong một bộ phim tài liệu có thật như “The Tinder Swindler”, những sự kiện khó tin của nó giống như bước ra từ một tác phẩm hư cấu hoàn toàn. Một phụ nữ kể về việc bước vào câu chuyện tình ái với một người đàn ông tự xưng là Simon Leviev cô gặp trên ứng dụng hẹn hò.
Buổi hò hẹn đầu tiên của họ bắt đầu tại một khách sạn năm sao và dẫn tới một chuyến du lịch ngẫu hứng trên một chiếc trực thăng riêng. Cuộc tình tiến triển đến một thời điểm cô cảm giác như mình đang ở trong “một bộ phim kinh dị”.
Với tiêu đề rõ ràng của bộ phim, không có gì quá đáng khi tiết lộ rằng Leviev, người tự nhận là con trai một nhà buôn kim cương tỷ phú, không phải là chàng bạch mã hoàng tử giàu có, hào hoa như hình ảnh anh ta xây dựng trên mạng. Leviev là một kẻ bị kết án tên thật là Shimon Hayut.
Khán giả không thích gì hơn việc thưởng thức một trò lừa (miễn họ không phải nạn nhân). Bộ phim đã nắm gọn tâm lý đó khi phơi bày và mổ xẻ từng lớp trong trò Ponzi tình cảm và bày tỏ lòng trắc ẩn với những người bị lừa
Chúng ta bắt đầu với Cecilie, một người tự nhận mình là một “chuyên gia Tinder”. Cô bị cuốn vào vòng xoáy trong thế giới của Leviev. Anh gửi cho cô những bó hồng lộng lẫy, bay đến tận quê nhà cô để viếng thăm và yêu cầu cô chuyển đến sống cùng anh. Sau đó, một đêm, Leviev gửi cho cô những bức ảnh và video của anh và người vệ sĩ lấm lem máu. Anh bảo họ đang gặp rắc rối, bị kẻ thù đe dọa và đột nhiên không thể truy cập vào tài khoản chứa số tiền kếch xù của mình. Cecilie đã phải vay tín dụng 25,000 USD từ gần mười ngân hàng để “giúp đỡ” Leviev, theo yêu cầu của anh.
Tiếp theo đó là Pernilla, một phụ nữ Thụy Điển có vẻ thực tế hơn Cecilie một chút. “Tôi nghĩ: Chúa ơi, lại một anh chàng kim cương khác,” cô kể về phản ứng của mình lúc nghe Leviev giới thiệu thân thế.
Pernilla không bị mê mẩn bởi vẻ quyến rũ của Leviev, ít nhất không phải về mặt tình cảm, nhưng họ trở thành bạn bè. Cô dành một mùa hè hoang dại du lịch khắp châu Âu với vị tỉ phú và bạn gái khi đó của anh, một người mẫu Nga. Đến khi mối đe dọa từ kẻ thù khiến Leviev không thể truy cập vào tiền của mình thì kịch bản cũ với Cecilie lại diễn ra y hệt với Pernilla.
Cả hai người phụ nữ không ai lấy lại được tiền. “Chỉ một cú quẹt Tinder có thể thay đổi cuộc đời bạn mãi mãi,” đúng như Pernilla nói, với tổn thất tài chính và tinh thần mà nạn nhân những vụ “romane scam” nhận lãnh, cuộc đời họ sẽ không bao giờ còn như cũ.
Bộ phim mở ra nhiều tầng nội dung: việc tìm kiếm tình yêu từ ứng dụng hẹn hò, những kẻ lừa đảo tình cảm trên internet và sức hút của những kẻ lừa đảo này khi tung ra miếng mồi khó cưỡng: tình và tiền.