Ponzi là gì? Tại sao nhiều nhà đầu tư crypto vẫn sập bẫy ponzi?
Ponzi là gì?
Ponzi là hình thức lừa đảo tài chính mà người đứng đầu hứa hẹn trả lãi suất cao cho nhà đầu tư, nhưng thực tế, lãi suất này được lấy từ tiền của người mới tham gia. Mô hình ponzi (ponzi scheme) sụp đổ khi kẻ đứng đầu bỏ trốn hoặc hàng loạt nhà đầu tư yêu cầu rút tiền.
Trong thị trường crypto, ponzi là một trong những hình thức scam phổ biến và gây tổn thất nghiêm trọng lên đến hàng tỷ USD của nhà đầu tư như OneCoin, BitConnect, FTX…
Vì sao mô hình ponzi “dễ” xảy ra trong thị trường crypto?
Thuật ngữ “Ponzi” lần đầu xuất hiện vào năm 1920, được đặt tên theo kẻ lừa đảo khét tiếng người Ý “Charles Ponzi”. Ông ta đã lừa đảo hơn 15 triệu USD từ hàng ngàn nạn nhân trên khắp nước Mỹ từ phi vụ kinh doanh tem phiếu.
Kể từ đó, mô hình ponzi trở nên nổi tiếng và diễn ra trên khắp mọi nơi như: siêu lừa đảo Bernard Madoff với quy mô lên đến 20 tỷ USD, Stanford (tỷ phú người Mỹ) đã lừa hơn 30,000 người với khoảng 7 tỷ USD...
Khi đến với crypto, con số thiệt hại từ các dự án lừa đảo theo mô hình ponzi tăng mạnh theo thời gian, dù thị trường này chỉ mới tồn tại 15 năm.
Theo dữ liệu từ Ponzi Tracker, năm 2022 đã có hơn 60 kế hoạch ponzi bị cáo buộc với tổng số tiền lừa đảo lên đến 3,25 tỷ USD, riêng crypto, con số này đã tăng gần 200% từ 907 triệu USD lên 2,57 tỷ USD.
Vậy đâu là lý do khiến mô hình đa cấp ponzi dễ xảy ra trong crypto?
- Đặc tính bảo mật: Thị trường tiền điện tử được ví như “thiên đường của kẻ ẩn danh” bởi đặc tính bảo mật thông tin của người dùng. Điều này khiến kẻ lừa đảo dễ dàng thực hiện hành vi của mình mà không bị truy xuất thông tin.
- Chưa được sự công nhận bởi chính phủ: Hầu hết chính phủ các quốc gia đều chưa công nhận và có hành lang pháp lý rõ ràng đối với thị trường crypto. Vì vậy, khi người dùng rơi vào bẫy của các dự án lừa đảo ponzi, họ gần như bị mất trắng tài sản.
- Thị trường còn mới và non trẻ: Do đó, kiến thức về thị trường vẫn liên tục cập nhật và cũng chưa được phổ biến, dẫn đến việc các nhà đầu tư tham gia thị trường với tâm lý FOMO chứ chưa trang bị đầy đủ kiến thức. Sự thiếu kinh nghiệm và kỳ vọng về lợi nhuận cao khiến nhà đầu tư dễ dàng rơi vào các mô hình lừa đảo ponzi.
Tại sao nhiều người vẫn sập bẫy ponzi?
Phần lớn các cá nhân đầu tư vào thị trường crypto với mục đích tìm kiếm lợi nhuận và đa phần thường quan tâm đến 2 vấn đề:
- ROI (Return of Investment) hay còn gọi là tỷ suất hoàn vốn, đại diện cho số lợi nhuận nhà đầu tư có thể thu về từ khoản vốn ban đầu. Tỷ lệ ROI có ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định đầu tư của người tham gia. Nếu ROI cao, người tham gia thường có xu hướng dễ dàng mở rộng danh mục đầu tư, ngược lại khi ROI thấp, nhà đầu tư sẽ có tâm lý “dè dặt” để đưa ra quyết định. Thông thường các dự án lừa đảo ponzi sẽ đưa ra mức ROI cao để thu hút nhà đầu tư rót vốn.
- Tỷ lệ rủi ro khi thực hiện khoản đầu tư đó. Khi tỷ lệ rủi ro quá cao, các nhà đầu tư có thể mất một phần hoặc toàn bộ khoản đầu tư của mình, khi đó ROI sẽ có giá trị âm.
Về bản chất, bất cứ khoản đầu tư nào cũng mang tỷ lệ rủi ro nhất định. Đặc biệt với mô hình lừa đảo ponzi, tỷ lệ rủi ro là rất cao. Nhưng do ROI được hứa hẹn quá hấp dẫn nên nhiều nhà đầu tư vẫn bị sập bẫy mà thường bỏ qua tỷ lệ rủi ro.
Vòng đời hoạt động của mô hình Ponzi
Đa phần các vụ lừa đảo theo mô hình ponzi thường diễn ra trong 4 giai đoạn chính, bao gồm: bắt đầu, mở rộng, bão hoà và sụp đổ.
Ở giai đoạn bắt đầu, kẻ lừa đảo ponzi lên kế hoạch về cơ hội đầu tư hoặc mô hình kinh doanh giả định, đồng thời liên tục quảng cáo chúng đến nhiều người với cam kết lợi nhuận cao nhưng rủi ro thấp.
Tiến tới giai đoạn mở rộng, kẻ lừa đảo sử dụng tiền của nhà đầu tư tới sau để trả lợi nhuận cho người tham gia trước. Lúc này, các nhà đầu tư sẽ bị hấp dẫn khiến họ tiếp tục tái đầu tư và thu hút người mới.
Giai đoạn thứ ba bão hoà diễn ra khi số lượng nhà đầu tư mới dần ít hơn và dòng tiền bắt đầu chậm lại.
Cuối cùng là giai đoạn sụp đổ. Đây là lúc nhà đầu tư dần nhận thấy điểm bất thường hoặc không còn nhận được lợi nhuận như cam kết khiến họ yêu cầu rút tiền hàng loạt. Khi sự việc xảy ra ra, kẻ lừa đảo thường biến mất cùng toàn bộ số tiền của người tham gia.
Lấy ví dụ vụ việc OneCoin bị cáo buộc là dự án lừa đảo ponzi năm 2017 để minh họa cho các giai đoạn trên:
Giai đoạn đầu tiên, OneCoin tự giới thiệu là một doanh nghiệp tiền điện tử, với công nghệ khác biệt so với Bitcoin. Mô hình kinh doanh chính của dự án là bán khóa học công nghệ và OneCoin cam kết 5% tổng doanh thu sẽ được trả cho những người tham gia nếu họ tuyển dụng được người mới.
Kế hoạch này dần mở rộng và chuyển sang giai đoạn phát triển khi dự án kiếm được 4,3 tỷ USD từ hơn 3,5 triệu người tham gia trong khoảng 2014 đến 2016.
Năm 2016, OneCoin tiến tới giai đoạn bão hoà khi dòng tiền đổ vào OneCoin bắt đầu chậm lại vì nhiều nhà đầu tư đặt nghi vấn về mô hình kinh doanh thật sự. Sự nghi ngờ bắt đầu lan rộng dẫn đến hành động rút tiền hàng loạt của nhà đầu tư. Cuối năm 2016, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ bắt đầu bắt đầu nhập cuộc điều tra.
Cuối cùng, vào tháng 10/2017, OneCoin bị cáo buộc lừa đảo theo hình thức ponzi vì sản phẩm không có thật, đồng thời các khóa học cũng dính án đạo văn. Dự án sụp đổ, kẻ đứng đầu OneCoin bỏ trốn cùng toàn bộ số tiền của nhà đầu tư.
Tóm lại, vòng đời hoạt động của ponzi sẽ diễn ra theo đúng trình tự trên và sụp đổ là điều không thể tránh khỏi. Do đó, việc nắm rõ từng giai đoạn của một kế hoạch ponzi là điều cần thiết, giúp người dùng có thể xác định và đề phòng trước lời hứa “lợi nhuận cao cùng rủi ro thấp”.
Các sự kiện ponzi trong thị trường crypto
Bên cạnh những sự kiện ponzi nổi bật ở thị trường truyền thống như siêu lừa đảo Bernard Madoff hay tỷ phú lừa đảo Stanford... trong thị trường crypto cũng chứng kiến những dự án lừa đảo ponzi gây chấn động toàn cầu.
Một số vụ lừa đảo ponzi nổi tiếng trong crypto có thể kể đến như:
FTX - Sự sụp đổ của đế chế lớn thứ 2 thị trường crypto
FTX là sàn giao dịch tiền điện tử được thành lập bởi CEO Sam Bankman-Fried. Trước khi gặp phải hàng loạt cáo buộc và phá sản, FTX có khối lượng giao dịch lớn thứ 2 toàn cầu tại thời điểm năm 2022. Sự kiện FTX lừa đảo ponzi được tóm tắt như sau:
Đầu tiên, năm 2019, FTX giới thiệu đến người dùng là sàn giao dịch tiền điện tử và phát hành token FTT để thu hút vốn đầu tư (theo hình thức đầu tư ICO).
Sau đó, FTX liên tục quảng bá thông qua các chiến dịch marketing lớn bé. Những chiến dịch của FTX thường hợp tác với người nổi tiếng và hứa hẹn nhà đầu tư mua token FTT có thể kiếm lợi nhuận lên đến 100 lần (tại đây).
Các chiến dịch đã thật sự có hiệu quả khi ngày càng nhiều khách hàng mở tài khoản trên FTX để mua token FTT, đến tháng 1/2022, công ty đạt giá trị 32 tỷ USD.
Tuy nhiên, sự phát triển của FTX đã chấm dứt vào tháng 11/2022 khi CoinDesk xuất bản một bài báo nói rằng Alameda Research – công ty liên kết với FTX đã sử dụng nguồn tiền đầu tư của người dùng cho các hoạt động không rõ ràng. Thông qua báo cáo, nhiều nhà đầu tư hiện phát rằng tất cả lãi suất họ nhận được là tiền của người tham gia trước đó.
Cuối cùng, tòa án Mỹ vào cuộc để tiến hành điều tra. Ngày 2/11/2023, Sam Bankman-Fried bị cáo buộc với 7 tội lừa đảo. Theo Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC): “FTX đã sử dụng tiền của nhà đầu tư để phục vụ cho các mục đích cá nhân và tài trợ cho cho các chiến dịch quảng cáo để tiếp tục thu hút nhà đầu tư mới.”
Sau khi vụ việc diễn ra, FTX đã thông báo ngừng hoạt động rút tiền. Điều này dẫn đến việc nhiều nhà đầu tư không thể lấy về tiền vốn ban đầu với con số thiệt hại ước tính lên đến 1,9 tỷ USD cùng một loạt các hậu quả liên quan khi FTX phá sản.
BitConnect, dự án “siêu lừa đảo” theo mô hình Ponzi
Bên cạnh sự kiện FTX, một dự án có biệt danh “siêu lừa đảo” mang tên BitConnect cũng đã gây tổn thất 2 tỷ USD của hàng loạt nhà đầu tư.
Trước đó, vào cuối tháng 11/2016, một dự án mang tên BitConnect ra mắt nhà đầu tư Việt Nam và tiếp cận người dùng dưới hình thức gọi vốn ICO, thông qua token BCC. Hơn 1 triệu token BCC đã được bán ra với mức giá khoảng 1.84 USD.
Sau 6 tháng hoạt động, ngày 10/6/2017, token BCC đạt mức giá khoảng 59.24 USD, tăng trưởng hơn 50 lần kể từ thời điểm ra mắt. Điều này dẫn đến hàng loạt nhà đầu tư bắt đầu FOMO và tham gia vào thương vụ này.
Tuy vậy, ngày 4/1/2018, BitConnect bất ngờ nhận được lệnh dừng khẩn cấp từ Uỷ Ban Chứng khoán Texas, với cáo buộc tổ chức này có những hoạt động liên quan tới mô hình ponzi.
Ngay sau đó, trang web của BitConnect liên tiếp thông báo bảo trì, khiến quyền rút tiền của người dùng bị hạn chế. Cuối cùng, ngày 16/01/2018, BitConnect thông báo dừng hoạt động và biến mất cùng toàn bộ số tiền của nhà đầu tư.
Tìm hiểu thêm về vụ việc BitConnect lừa đảo tại đây:
Dấu hiệu nhận biết mô hình Ponzi
Mô hình ponzi đã tồn tại hơn 100 năm và xuất hiện dưới nhiều hình thức ở khắp mọi nơi trên thế giới. Tuy vậy, hình thức lừa đảo ponzi thường có những dấu hiệu nhận biết như:
- Lợi nhuận đầu tư cao đi cùng rủi ro thấp: Thực tế, bất kỳ hành động đầu tư nào đều có tỷ lệ rủi ro nhất định. Trong trường hợp của OneCoin, người dùng đã có thể nhận biết được đây là dự án ponzi từ giai đoạn mà OneCoin cam kết trả lợi nhuận khủng nhưng lại không có rủi ro.
- Tỷ suất lợi nhuận ổn định: Không có thị trường tài chính nào đảm bảo lợi nhuận ổn định. Ví dụ: Gửi tiết kiệm ngân hàng là hình thức đầu tư an toàn, nhưng lợi nhuận vẫn có thể biến động do nhiều yếu tố như cung cầu, tình hình kinh tế...
- Sản phẩm/chiến lược kinh doanh mơ hồ: Kẻ lừa đảo ponzi thông thường tập trung vào tâm lý thay vì lên kế hoạch kinh doanh cụ thể và chi tiết. Do đó, bất kỳ dự án nào không thể chứng minh hoạt động kinh doanh hay sản phẩm, dịch vụ rõ ràng, chắc chắn là lừa đảo!
Cách phòng tránh lừa đảo Ponzi
Trong thị trường truyền thống, chính phủ các quốc gia đã đưa ra nhiều quy định để xử phạt những dự án lừa đảo tiền của nhà đầu tư, các khung hình phạt tùy theo mức độ vi phạm.
Tuy nhiên, thị trường crypto chưa có quy định và khung pháp lý rõ ràng. Vì vậy, dưới góc độ cá nhân, nhà đầu tư vẫn nên lưu ý một số cách để hạn chế rủi ro bị “sập bẫy” ponzi.
Thứ nhất, luôn cẩn trọng trước những cơ hội trên trời rơi xuống. Bất kỳ cơ hội đầu tư nào cũng có những rủi ro đi kèm, nguyên tắc high risk - high return hầu như đúng trong tất cả các thị trường.
Thứ hai, luôn đặt ra nghi vấn và tìm hiểu thật kỹ thông tin (Do Your Own Research) trước khi ra quyết định đầu tư, tránh việc đầu tư vội vàng theo sự kêu gọi từ KOL, người thân, gia đình.... Hãy là nhà đầu tư thông thái và hiểu rõ những cơ hội mình tham gia bằng cách: tìm hiểu whitepaper, nghiên cứu thông tin dự án, đội ngũ, công nghệ…
Cuối cùng, hãy trang bị kiến thức trước khi thực sự đầu tư vào một mô hình hay sản phẩm nào đó. Đừng vì quảng cáo về lợi nhuận hay những lời mời chào hấp dẫn khiến bạn bị FOMO mà quyết định đầu tư.
Trên đây chỉ là một số lưu ý có thể giúp nhà đầu tư hạn chế rủi ro gặp phải dự án ponzi. Do đó, nhà đầu tư hãy luôn sưu tầm những cách hiệu quả khác để bảo vệ bản thân mình.
Một số câu hỏi thường gặp về Ponzi
Crypto có phải là mô hình đa cấp ponzi không?
Không! Có vài người cho rằng crypto là mô hình ponzi, tuy nhiên đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm.
Với mô hình ponzi, lãi suất người tham gia nhận được dựa trên nguồn vốn của nhà đầu tư mới, trong khi đó, lợi nhuận nhà đầu tư kiếm được từ crypto đến từ việc tham gia nhiều hoạt động khác nhau như giao dịch, staking, farming, mining…
Lừa đảo ponzi có giống hình thức lừa đảo kim tự tháp (pyramid scheme) không?
Về bản chất, ponzi và mô hình kim tự tháp đều là hành vi lừa đảo tài chính bằng cách lấy tiền của nhà đầu tư sau trả cho nhà đầu tư trước, cùng cam kết về mức lợi nhuận lớn.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai mô hình trên là việc yêu cầu nhà đầu tư bỏ tiền. Nếu như mô hình đa cấp ponzi chỉ yêu cầu nhà đầu tư bỏ tiền ra để nhận về lợi nhuận, mô hình kim tự tháp yêu cầu nhà đầu tư phải trả một khoản phí hoặc mua sản phẩm mới được tham gia.
Lừa đảo ponzi thường tồn tại trong bao lâu?
Thời gian mô hình này hoạt động phụ thuộc hoàn toàn vào nhà đầu tư. Nếu còn nhà đầu tư mới tham gia, mô hình sẽ còn hoạt động.
Đọc thêm: 19 hình thức lừa đảo nổi bật trong crypto.