SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Sự trỗi dậy và lụi tàn của FTX - "Cơ đồ" 32 tỷ USD "hóa tay không"

Làm thế nào một đế chế từng được định giá 32 tỷ USD lại sụp đổ chỉ trong vỏn vẹn 7 ngày? Hãy cùng tìm hiểu lý do với bài viết sau của Coin98 Insights.
Avatar
vytran
Published Dec 01 2022
Updated Jun 19 2024
21 min read
sự sụp đổ của ftx

Năm 2019, FTX ra đời trong chuyến công tác của Sam Bankman-Fried (Sam) tại Hong Kong. Đây là thời điểm đánh dấu sự ra đời của sàn giao dịch tiền điện tử lớn thứ hai thị trường crypto thời điểm đó, sự phát triển của FTX được cho là không thua kém gì Binance - sàn đứng top 1 thị trường lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, tuyên bố phá sản của FTX vào ngày 11/11 đã làm ảnh hưởng đến hơn 134 tổ chức liên quan và khiến cả cộng đồng crypto sững sờ.

Bối cảnh ra đời của FTX

Để bắt đầu câu chuyện, chúng ta nên biết một chút về Sam Bankman Fried, người sáng lập FTX.

Năm 2014, anh tốt nghiệp đại học MIT danh giá với tấm bằng Cử nhân vật lý và bắt đầu làm việc tại Jane Street Capital - một trong những quỹ đầu tư định lượng và nhà tạo lập lớn trong thị trường truyền thống.

Để được nhận vào làm việc tại đây, ứng viên phải có bộ óc nhanh nhạy xuất chúng, vì thế nơi đây là sân khấu trình diễn của các “cao thủ” Toán học hay thạc sĩ Vật lý và khoa máy tính tài ba.

Năm 2017, Sam quyết định rời khỏi Jane Street Capital sau ba năm làm việc và thành lập Alameda Research, một quỹ đầu tư định lượng tập trung vào các lớp tài sản crypto.

Ban đầu, công ty hoạt động dựa trên một ý tưởng rất đơn giản: Mua Bitcoin giá rẻ ở Mỹ, bán lại với giá cao ở Nhật và các thị trường khác ở châu Á, chỉ cần lặp lại việc giao dịch chênh lệch giá như vậy, công ty của Sam đã kiếm được cực kỳ nhiều lãi.

Nhưng tham vọng của anh không chỉ dừng lại ở đó. Chưa tròn hai năm sau khi Alameda ra đời, vào năm 2019, Sam đã thành lập sàn giao dịch FTX trong chuyến công tác tại Hong Kong. Lúc đó sàn chỉ có 20% khả năng thành công vì lúc bấy giờ thị trường đã bị “thống trị” bởi những đối thủ cực kỳ đáng gờm như Binance và Coinbase.

Việc Sam ra mắt sàn giao dịch mới này đã khiến nội bộ Alameda “lục đục”, bởi vì mặc dù công ty hoạt động có lãi nhưng họ lại đang cực kỳ thiếu nhân lực.

Thế nhưng FTX đã làm được. Khối lượng giao dịch trên sàn ngày càng tăng và sàn được xếp hạng là nơi có khối lượng (volume) giao dịch nằm trong top các sàn lúc bấy giờ.

Để đạt được thành tựu này, Alameda, với khoảng 20 nhân viên, đã đóng một vai trò không nhỏ tại FTX. Họ là nhà cung cấp thanh khoản chính, chiếm một nửa khối lượng trên sàn giao dịch này.

Tuy nhiên, để tập trung phát triển FTX, Sam đã lùi xuống và nhường lại vị trí CEO Alameda Research cho hai người đồng hành của mình là Caroline Ellison và Sam Trabucco.

ví trí ceo alameda research
Caroline Ellison và Sam Trabucco
advertising

Thời kỳ hưng thịnh của “đế chế” FTX dưới tay Sam

Trong lúc đó, FTX tiếp tục hành trình huy động vốn của mình. Từ tháng 6/2021 đến đầu năm 2022, FTX đã huy động được hơn 1.8 tỷ USD từ một số quỹ đầu tư nổi tiếng như:

  • Sequoia Capital: Quỹ đầu tư mạo hiểm sở hữu nhiều công ty kỳ lân nhất (quản lý 85 tỷ USD).
  • SoftBank Vision Fund: Tập đoàn của Son Masayoshi - tỷ phú công nghệ Nhật Bản với phương châm “liều ăn nhiều”
  • BlackRock: Công ty quản lý tài sản hàng đầu thế giới (quản lý 10,000 tỷ USD)
  • Tiger Global: Qũy quản lý 125 tỷ USD
  • Và nhiều cái tên khác như Temasek Holdings, Paradigm, Lightspeed…

Vòng đầu tư này đã nâng định giá của FTX lên 32 tỷ USD và biến Sam trở thành tỷ phú công nghệ trẻ tuổi nhất lúc bấy giờ.

Ở đỉnh cao danh vọng cộng với nguồn tài chính dồi dào, FTX đã không ngần ngại “chi mạnh tay” cho các hoạt động marketing, đơn cử như bỏ ra 135 triệu USD để có quyền đặt tên một sân vận động thể thao tại Miami thành FTX Arena, quay quảng cáo với Tom Brady và Lary David, chi 1.4 tỷ USD trong thương vụ mua lại Voyager.

Ngoài marketing, Sam còn rất tích cực trong các vấn đề chính trị và vận động hành lang. Anh đã quyên góp hơn 40 triệu USD cho Đảng Dân chủ (phe Tổng thống Biden) và trở thành nhà tài trợ lớn lớn thứ hai trong chiến dịch tranh cử năm 2020 của tổng thống, nhờ đó, Sam cũng đã gặp gỡ rất nhiều chính trị gia và giới cầm quyền ở Mỹ.

sam hầu tòa

Nhưng crypto không phải là cái tên được giới cầm quyền yêu thích. Đơn cử như việc Binance, sàn giao dịch crypto số 1 thế giới, đã gặp thất bại vô số lần khi thương thảo giấy phép kinh doanh với chính quyền và những nhà làm luật.

Vậy mà giờ đây, Sam, một nhân vật mới 29 tuổi, đại diện cho một sàn crypto mới ra đời được 3 năm, lại có cơ hội tham gia phiên điều trần của Quốc hội để biện luận về tài sản kỹ thuật số vào thời điểm đó.

Đặc quyền này của Sam đã thu hút sự chú ý của truyền thông, khiến hình ảnh FTX ngày càng tốt đẹp và trở nên “thần thánh” trong mắt cộng đồng. Hầu hết mọi người đều tin FTX chính là kỳ lân tương lai và sẽ sánh ngang với những “đế chế” như Apple hay Facebook trong thị trường truyền thống.

sam được ví von như mark zuckerberg
Sam từng được ví von như Mark Zuckerberg

Thế nhưng, đằng sau vỏ bọc hào nhoáng đó là rất nhiều dây nhợ lằng nhằng trong bộ máy quản trị của FTX, lỗ hổng của họ ngày càng âm thầm lớn dần, cho đến khi…

Cú sụp đổ chớp nhoáng trong 7 ngày

Ngày 2/11, CoinDesk, một trang thông tin nổi tiếng trong lĩnh vực crypto bất thần công bố Báo cáo tài chính của Alameda.

Theo bản báo cáo này, tài sản hiện có của Alameda vào khoảng 14.6 tỷ USD, nhưng trong đó có đến 8 tỷ là tài sản đi vay, cùng một lượng lớn FTT, token do chính FTX phát hành.

Ngoài ra, SRM và SOL là hai token chiếm tỉ trọng lớn tiếp theo trong bản báo cáo tài chính này. Trong rất nhiều đồng coin có thanh khoản yếu mà mình đang nắm giữ, Alameda chỉ có 134 triệu USD tài sản tương đương tiền mặt (hay tài sản đang có thanh khoản cao nhất).

Sau “quả bom” của CoinDesk, Caroline - CEO lúc đó của Alameda đã im lặng và từ chối bình luận.

diễn biến sự việc sam và cz
Diễn biến sự việc giữa CEO FTX, Sam và CZ

4 ngày sau, Caroline lên tiếng phân trần rằng Alameda vẫn còn 10 tỷ USD tài sản chưa được CoinDesk ghi nhận trong bản báo cáo.

Nhưng tình hình được đẩy lên cao trào khi CZ, CEO Binance, bất ngờ thông báo bán toàn bộ số FTT họ đã đầu tư vào FTX trong năm 2019, lúc đó trị giá khoảng 584 triệu USD.

CZ và Sam từng không ít lần công khai đối đầu, nên có thể xem đây là một động thái bột phát từ phía CZ vì trước đó ông đã khá “bất bình” với việc Sam “chơi sau lưng” các đối thủ bằng cách thúc đẩy các luật có thể gây hại cho Binance và thị trường DeFi.

sbf và cz timeline
Timeline sự việc giữa SBF và CZ

2022 là năm “kinh hoàng” của thị trường crypto với những cơn khủng hoảng của Terra - Luna cho đến 3AC cùng sự sụp đổ của những tay chơi lớn khác, với đó cộng đồng dường như ngày càng trở nên cảnh giác hơn với những sự kiện nhạy cảm này.

Và FTX không phải trường hợp ngoại lệ, công bố của CZ như đã “châm thêm dầu vào lửa”, khiến hàng loạt nhà đầu tư tháo chạy khỏi sàn, đầu tiên là các quỹ lớn và các nhà tạo lập thị trường, kế đến là những nhà đầu tư nhỏ lẻ. Họ cảnh giác cao độ và âm thầm cố gắng chuyển tiền ra khỏi FTX càng nhanh càng tốt.

Trong tình hình đó, Caroline lên tiếng đáp trả CZ rằng Alameda sẵn sàng mua lại tất cả số FTT mà Binance dự định bán, đích thân Sam cũng lên tiếng trấn an cộng đồng. Nhưng tất cả những nỗ lực đó vẫn chưa đủ, chỉ trong vòng 72 giờ, tổng cộng đã có hơn 6 tỷ USD tài sản bị rút ròng khỏi sàn giao dịch FTX.

wu blockchain news

Tình hình ngày càng tồi tệ khi FTT rớt khỏi mốc 22 USD, mốc mà Alameda thông báo sẽ mua lại lượng FTT của CZ thông qua hình thức OTC để củng cố niềm tin của người dùng vào thanh khoản của FTX. Alameda cũng bỏ ra 140 triệu USD để "đặt tường" phòng thủ cho FTT tại mức giá 14 USD, nhưng số tiền này vẫn chưa đủ.

hsaka news
Tường phòng thủ cho giá FTT

Giá FTT tiếp tục lao dốc và tình trạng hoảng loạn đã thực sự xảy ra khi FTX thông báo dừng hoạt động rút tiền.

ftx thông báo ngưng rút tiền
FTX thông báo ngừng hoạt động rút tiền

Các nhà đầu tư bắt đầu tuyệt vọng vì không thể nào rút được tiền, nạn nhân trong đó còn bao gồm các quỹ lớn và nhà tạo lập thị trường.

Ngày 8/11, Binance thông báo có thể sẽ mua lại FTX. Với mối hiềm khích giữa hai người đứng đầu hai sàn giao dịch lớn nhất thị trường, thông tin bất ngờ này không khỏi khiến cộng đồng đặt ra nhiều nghi vấn.

binance thông báo mua ftx
Đoạn công bố từ Sam

CZ nói rằng thông báo bán FTT của ông không phải để đẩy FTX đến “bước đường cùng”. Ông cho biết tối ngày 8/11, Sam đột nhiên gọi điện cho mình, ông chỉ nghĩ Sam muốn thực hiện việc mua bán lượng FTT này thông qua OTC để ngăn thị trường trở nên tiêu cực hơn. Nhưng đó lại là một cuộc gọi điện “cầu cứu” từ Sam.

Trước khi gửi tín hiệu đến Binance, Sam đã vô vọng tìm kiếm cơ hội từ các tỷ phú ở Wall Street và Silicon Valley cũng như vô số bên khác, bao gồm cả Justin Sun và OKX, với hy vọng gọi được 1 tỷ USD.

Justin Sun đã thực hiện một phần “giải cứu” khi thông báo sẽ hỗ trợ FTX chuyển các đồng token hệ Tron như TRX, BTT, JST, SUN sang Huobi. Ngay lập tức, coin của hệ Tron trên sàn FTX đã tăng 400%-800%

Tuy nhiên, cộng đồng thắc mắc không biết Justin Sun có thực sự muốn giúp đỡ các nạn nhân hay không? Hay anh chỉ thừa “nước đục” để kéo người dùng về Huobi và liên kết với FTX để giảm bớt khoản nợ hàng tỷ USD của sàn.

Cụ thể, Justin bán token hệ Tron cho những người bị kẹt tiền trên FTX với giá cao gấp 4-8 lần thị trường, để khi họ rút token ra chuyển đến sàn Huobi, khoản nợ của FTX cũng sẽ giảm đi 4-8 lần do người dùng đã chấp nhận thiệt hại để có thể rút được những đồng tiền cuối cùng trên sàn.

token hệ tron
Token hệ Tron thời điểm xảy ra sự việc

Nhưng sau khi thực hiện thẩm định Due Diligence, Binance nhận ra “chiếc hố” của FTX đã vượt ngoài tầm kiểm soát của mình nên đã quyết định từ bỏ thoả thuận. Với vị thế là sàn giao dịch số 1 trên thị trường, cái “lắc đầu” của Binance dường như là dấu chấm hết cho “đứa con tinh thần” của Sam

“Bãi chiến trường” mà FTX để lại quá khủng khiếp

Theo thông tin từ Wall Street Journal, để đảm bảo hoạt động rút tiền của khách hàng, FTX sẽ phải cần tới 8 tỷ USD. Điều này cho thấy khi thị trường đi xuống, FTX và Alameda đã thua lỗ rất nhiều và họ đã “rút ruột” đến 8 tỷ USD tiền gửi của người dùng trên sàn.

Chuyện gì đến cũng phải đến, ngày 11/11, FTX thông báo nộp đơn xin bảo hộ phá sản, đây là “dấu chấm hết” cho một đế chế từng trị giá nhiều tỷ USD.

Số lượng chủ nợ được đề cập trong đơn phá sản của FTX lên đến hơn 100,000 người (nhiều khả năng bao gồm những người dùng gửi tiền lên sàn) cùng hơn 130 công ty con khác. Nghĩa vụ nợ lúc này họ phải gánh chịu rơi vào khoảng 10 đến 50 tỷ USD.

Các nhà đầu tư của FTX, bao gồm Sequoia Capital, Lightspeed Venture Partners và SoftBank, rất có thể sẽ mất gần hết hoặc toàn bộ các khoản đầu tư của mình. Ngoài ra còn có nhiều nạn nhân “xấu số” khác (bảng dưới).

các bên thiệt hại do ftx 1
Các bên liên quan bị thiệt hai (hình 1)
các bên thiệt hại do ftx 2
Các bên liên quan bị thiệt hại (hình 2)

Bên cạnh đó, hệ sinh thái Solana cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Các bạn có thể tìm hiểu mức độ ảnh hưởng của FTX lên hệ sinh thái này qua bài viết sau: Hệ lụy dây chuyền của FTX đến Solana

“Tôi chưa từng thấy công ty nào lại thất bại hoàn toàn về mặt quản lý như vậy. Sự vắng bóng các thông tin tài chính, quyền lực tập trung trong tay một nhóm nhỏ thiếu kinh nghiệm quản lý, cộng với lối suy nghĩ ngây thơ và mang tính thoả hiệp của họ đã dẫn đến một tình huống chưa từng có tiền lệ”, John J.Ray III, CEO mới của FTX cho biết.

John J.Ray III là người có kinh nghiệm giải quyết nhiều vụ bê bối phá sản của các tập đoàn lớn trong lịch sử, bao gồm vụ sụp đổ lịch sử của công ty năng lượng Enron. Thế nhưng với ông, có vẻ Enron vẫn chưa là gì so với FTX.

Tại sao Alameda và FTX đi đến hồi kết?

Thứ nhất: Cá thì lớn mà hồ thì bé (Big fish, little pond).

Trong thời kỳ đầu crypto còn nhiều hỗn loạn, không có nhiều tay chơi lớn cũng như những người thật sự hiểu những điều đang vận hành bên trong thị trường. Alameda, cùng một số nhà tạo lập thị trường may mắn khác đã giành được lợi thế “lão làng” trong mảnh đất này, họ đã tung hoành và kiếm được lợi nhuận khổng lồ mà hầu như không có sự cạnh tranh đáng kể nào.

Nhưng khi thị trường ngày càng phát triển, các đối thủ trong thị trường tài chính truyền thống bắt đầu “nhảy vào” nhiều hơn, và Alameda không còn là quỹ đầu tư định lượng duy nhất nữa, họ bắt đầu phải đối mặt với những nhà tạo lập thị trường như Tower, XTX và nhiều cái tên “khó nhai”  khác.

Quá trình cạnh tranh khốc liệt này sẽ dần đào thải những đối thủ lỗi thời, chậm chạp và ít có sự cải tiến. Có thể Alameda thắng được các retail trader, nhưng họ khó lòng địch lại những nhà tạo lập thị trường mới nổi khác đang có tiềm lực mạnh. Từ đó có thể thấy vị thế và hoạt động làm ăn của Alameda bắt đầu suy giảm.

Thứ hai: Định giá của FTX phụ thuộc một phần vào nguồn thanh khoản hiện tại của sàn.

Thực tế thanh khoản của FTX rất tốt - chỉ xếp sau Binance, tuy nhiên, nguồn thanh khoản này chủ yếu đến từ Alameda, có thể nói họ chính là cỗ máy thanh khoản của FTX, cùng với những nhà tạo lập khác đang hoạt động tại FTX để kiếm lợi nhuận từ chênh lệch giá.

2021 là năm giúp rất nhiều quỹ giao dịch giàu lên và điều này đồng nghĩa với việc cuộc chơi không còn dành riêng cho Alameda, chính họ cũng phải rất nỗ lực để đấu với các nhà tạo lập khác ngay trên chính “sân nhà” của mình. Chỉ cần sai “một li”, ngay lập tức những bên khác sẽ “thu lợi một dặm” từ cái sai của họ. Nhiều nguồn tin nội bộ cho biết thực tế Alameda đã thua lỗ rất nhiều từ những giao dịch sai lầm.

Nhưng tại sao Alameda không dừng lại dù biết cách hoạt động của mình đang mất ưu thế? Như đã nhắc ở trên, nguyên nhân là vì họ đảm nhiệm hầu hết thanh khoản của FTX, nếu họ dừng lại, thanh khoản của FTX sẽ sụp đổ. Vì thế, dù Alameda có “đốt tiền” hàng ngày thì FTX vẫn phải tiếp tục bơm tiền vào quỹ để cố giữ cho vòng lặp chạy trơn tru.

vòng lặp giữa ftx và alameda
Vòng lặp giữa FTX và Alameda

Alameda chỉ thực sự thu được nhiều lãi nếu họ là con cá lớn duy nhất trong một chiếc hồ nhỏ

(nhưng hồ giờ đã lớn hơn và cá lớn cũng đã xuất hiện nhiều hơn).

Thứ ba: Sự sụp đổ của FTX không chỉ đơn thuần là do những khoản nợ và khoản thế chấp quá độ của họ.

Vì việc FTT giảm sẽ chỉ làm FTX rơi vào khủng hoảng chứ chưa tới mức khiến họ sụp đổ hoàn toàn như vậy. Sự sụp đổ này đến từ những nguyên nhân sâu xa hơn vốn đã cắm rễ lâu ngày trong bộ máy vận hành của Alameda và FTX.

Sam, Caroline hay Sam Trabuco từng làm việc tại quỹ định lượng danh giá như Jane Street hay SIG nhưng không có nghĩa họ sẽ quản lý doanh nghiệp giỏi hay không bao giờ mắc sai lầm. FTX thậm chí còn không có CFO (Giám đốc Tài chính), một ví trí rất quan trọng ở bất kỳ doanh nghiệp nào, đặc biệt trong môi trường biến động giá khủng khiếp như crypto.

Có thể nói, sự sụp đổ của FTX đến từ những những lỗ hổng tài chính và vận hành lâu ngày không được vá lại, và lỗ hổng này ngày càng to hơn khi FTX dùng tiền của người dùng để đắp vào những khoản lỗ của Alameda.

Đầu tư mạnh cho marketing để đánh bóng lớp vỏ bên ngoài (trong khi nội bộ lại lộn xộn), thiếu tính tổ chức trong cách vận hành doanh nghiệp, khẩu vị đầu tư quá rủi ro, thế chấp đòn bẩy quá lớn, giao dịch và chuyển tiền của người dùng qua cửa sau và rất nhiều lý do khác đã đưa FTX đến kết cục hôm nay.

Động thái từ Binance

Trước những hậu quả nghiêm trọng do FTX gây ra từ việc thiếu minh bạch thông tin, CZ đã kêu gọi các sàn CEX đưa ra Proof of Reserve với ý định công khai minh bạch tài sản của người dùng. Đến nay, không tính Binance, có 6 sàn khác xác nhận tham gia là Gate.io, Kucoin, Bitget, Huobi, OKX và Poloniex.

động thái từ binance
CEX Proof of assets. Nguồn: DefiLlama

CZ cũng đề ra 6 nguyên tắc cho các sàn CEX, bao gồm:

  • Không mạo hiểm đem tiền người dùng đi đầu tư
  • Không bao giờ sử dụng token gốc làm tài sản thế chấp
  • Minh bạch bằng chứng lưu giữ tài sản
  • Đảm bảo có nguồn dự trữ mạnh
  • Tránh dùng đòn bẩy quá mức
  • Tăng cường và thực thi các giải pháp bảo mật

Binance còn bỏ thêm 1 tỷ USD vào SAFU, quỹ bảo hiểm của Binance để bảo vệ người dùng khỏi các sự cố không mong muốn, ngoài ra họ cũng lập Recovery Fund (Quỹ phục hồi) để cố gắng giảm bớt những hệ lụy mà FTX để lại.

Lời kết

Hậu quả FTX để lại vô cùng lớn, gây ảnh hưởng diện rộng trên toàn bộ thị trường, bao gồm việc làm giá token sụt giảm, người dùng mất tiền, các VC chịu tổn thất… Sự sụp đổ của sàn giao dịch này đã kéo theo những “cú ngã” liên hoàn của các tên tuổi lớn trong thị trường như Sequoia, Multicoin, Genesis Trading, BlockFi, Solana và hàng chục thể chế lớn nhỏ khác.

Ngoài ra, FTX và Alameda Research còn có sự hậu thuẫn của rất nhiều thế lực trong giới tài chính truyền thống. Thế nên sự sụp đổ của đế chế FTX có thể sẽ khiến các nhà đầu tư này thay đổi góc nhìn về crypto. Họ có thể sẽ hoài nghi và khó khăn hơn trước khi ra quyết định đầu tư vào thị trường.

Bên cạnh đó, những nỗ lực vận động hành lang của Sam và FTX trong giới chính trị Mỹ có vẻ đã trở nên vô ích và trong tương lai sẽ càng khó để thuyết phục các nhà lập pháp tin vào crypto.

Sau sự kiện FTX, CZ đã gửi cho toàn bộ nhân viên Binance đoạn tin nhắn sau:

“Việc FTX ‘ngã ngựa’ không phải là điều tốt cho bất cứ ai trong thị trường. Đừng bao giờ xem đó là “chiến thắng" của chúng ta. Sau lần này, niềm tin của người dùng bị phá hủy trầm trọng, chính quyền sẽ ngày càng khó khăn hơn với các sàn giao dịch, giấy phép kinh doanh sẽ ngày càng khó để có được hơn, và chúng ta, đang được cho là sàn giao dịch lớn nhất, sẽ hứng chịu ‘mũi dùi’ nặng nề hơn từ phía các nhà lập pháp. Nhưng đó là điều Binance hiện tại phải đối mặt, chúng ta hãy chuẩn bị sẵn sàng để đứng nơi đầu gió.”

Đây có phải là dấu chấm hết thật sự cho FTX chưa? Hãy cùng đón chờ những diễn biến mới và động thái của các nhà lập pháp trong thời gian tới!

RELEVANT SERIES