Stablecoin: Vẽ lại bản đồ thanh toán số toàn cầu
Giải pháp thanh toán toàn diện cho doanh nghiệp và cá nhân
Những ứng dụng của stablecoin đang giúp kết nối thế giới, mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp đa quốc gia và người lao động xa xứ.
Gửi kiều hối
Đây là ứng dụng nổi bật nhất của stablecoin. Bạn có người thân ở nước ngoài muốn gửi tiền về? Thay vì phải thông qua các kênh chuyển tiền truyền thống với chi phí cao và thời gian chờ đợi lâu, người dùng có thể sử dụng stablecoin để chuyển tiền gần như tức thời với mức phí rẻ hơn đáng kể.
Theo báo cáo của a16z crypto (2024), việc gửi 200 USD từ Mỹ đến Colombia bằng stablecoin chỉ tốn phí chưa đến 0.01 USD, trong khi nếu dùng các kênh truyền thống thì có thể mất tới 12.13 USD.
Thanh toán B2B xuyên biên giới
Các doanh nghiệp giờ đây không còn phải đau đầu với những thủ tục rườm rà và chi phí đắt đỏ khi thanh toán quốc tế. Stablecoin giúp việc thanh toán giữa các doanh nghiệp ở các quốc gia khác nhau trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn bao giờ hết.
“Stablecoin đang nổi lên như một lựa chọn tối ưu để xây dựng các hệ thống thanh toán mạnh mẽ trên nền tảng blockchain. Chúng không chỉ giúp việc chuyển kiều hối trở nên dễ dàng hơn mà còn góp phần đơn giản hóa đáng kể các giao dịch xuyên biên giới”, báo cáo của Coinbase Institutional (2024) cho biết.
Thay vì mất vài ngày, thậm chí cả tuần để tiền đến được tay đối tác, bạn có thể hoàn tất giao dịch chỉ trong vài phút, 24/7/365, nhờ vào stablecoin.
Nhu cầu đối với stablecoin đang rất cao, đặc biệt ở các thị trường mới nổi, thể hiện qua việc các doanh nghiệp ở 17 quốc gia đang phải trả trung bình 4.7% phí để tiếp cận loại tiền tệ kỹ thuật số này.
Chi trả lương toàn cầu
Với sự phát triển của xu hướng làm việc từ xa, việc chi trả lương cho nhân viên ở khắp nơi trên thế giới trở nên phức tạp. Stablecoin giải quyết vấn đề này bằng cách cung cấp một phương tiện chi trả lương nhanh chóng, minh bạch và có chi phí thấp.
“Thay vì trả lương bằng tiền pháp định, người sử dụng lao động có thể đổi tiền sang FDUSD rồi thanh toán vào tài khoản lương on-chain của từng nhân viên. Sau đó, nhân viên có thể đổi FDUSD thành CBDC (tiền kỹ thuật số quốc gia) tại quê nhà”, Vincent Chok - sáng lập First Digital nói.
Tránh lạm phát nội tệ
Mỗi người dân ở một quốc gia luôn phải nắm giữ một khoản tiền mặt để chi trả cho giao dịch hàng ngày. Tuy nhiên, đối với người dân ở Argentina, việc nắm giữ đồng nội tệ ARS đã trở thành "cơn ác mộng" khi lạm phát đạt mốc 143% vào năm 2023.
Tại các quốc gia Mỹ Latin như Argentina, stablecoin neo giá với đồng đô la Mỹ (như USDC, USDT) đang nổi lên như một giải pháp thay thế đồng nội tệ, và đang chiếm tới hơn 60% khối lượng giao dịch crypto của người dùng nhỏ lẻ.
Khối lượng giao dịch stablecoin trên Bitso, sàn crypto hàng đầu khu vực Mỹ Latin, đã tăng vọt tương ứng với những đợt giảm giá của đồng nội tệ Argentina, đặc biệt là sau “gói kích thích kinh tế” khiến giá trị đồng ARS giảm tới 50%.
Thương mại điện tử
Các nền tảng thương mại điện tử cũng đang dần tích hợp stablecoin để thanh toán và giải quyết các giao dịch của người bán hàng. Việc này giúp tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian thanh toán và tạo ra một trải nghiệm mua sắm liền mạch hơn.
Nghiên cứu của Deloitte cho thấy 85% người bán hàng tin rằng thanh toán bằng tiền kỹ thuật số sẽ trở nên phổ biến trong vòng 5 năm tới. Tương tự, thanh toán không tiếp xúc, thường sử dụng điện thoại thông minh, dự kiến sẽ tăng trưởng hơn 210% trong 5 năm tới.
Những xu hướng này sẽ giúp hàng triệu người tiêu dùng trên toàn thế giới dễ dàng sử dụng tiền tệ kỹ thuật số cho các giao dịch trực tuyến và trực tiếp, khi ví kỹ thuật số dần trở thành phương thức lưu trữ, chi tiêu và trao đổi giá trị phổ biến hơn.
Stablecoin “vượt mặt” thanh toán truyền thống ở điểm nào?
Tốc độ, chi phí hay khả năng tiếp cận là những lợi thế của thanh toán bằng stablecoin mà phương thức truyền thống khó sánh được.
Chuyển tiền ngay lập tức
Các hệ thống thanh toán truyền thống như SWIFT thường mất vài ngày để hoàn tất giao dịch quốc tế, trong khi stablecoin có thể hoàn tất giao dịch gần như tức thời.
Ước tính của CEBR (Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế & Kinh doanh - Vương quốc Anh) cho thấy việc sử dụng stablecoin có thể giúp giảm thời gian thanh toán từ 3-6 ngày. Điều này đặc biệt quan trọng trong thế giới kinh doanh, nơi tốc độ và hiệu quả là yếu tố cốt lõi.
Chi phí rẻ
Các hệ thống thanh toán truyền thống thường đi kèm nhiều loại phí khác nhau, bao gồm phí giao dịch, phí chuyển đổi ngoại tệ và phí của các bên trung gian. Trong khi đó, stablecoin có thể giảm thiểu đáng kể các chi phí này.
Như đã đề cập, gửi tiền bằng stablecoin có thể tiết kiệm đến 99% phí so với các kênh truyền thống. Đây là lợi thế để stablecoin thâm nhập vào các giao dịch nhỏ lẻ và thị trường mới nổi.
Ai cũng có thể tiếp cận
Bất kỳ ai có kết nối internet đều có thể sử dụng stablecoin, không phân biệt địa lý, thu nhập, hay tình trạng tài khoản ngân hàng. Điều này tạo ra cơ hội tiếp cận các dịch vụ tài chính cho hàng triệu người chưa có tài khoản ngân hàng trên toàn thế giới.
"Do chi phí và sự phức tạp khi tuân thủ các quy định toàn cầu về KYC (xác minh danh tính) và AML (chống rửa tiền), nhiều ngân hàng không cung cấp tài khoản cho những người có thu nhập thấp.
Ở các quốc gia như Philippines và Indonesia, hơn một nửa dân số trưởng thành không có tài khoản ngân hàng. Do đó, stablecoin đã trở thành phương thức để xây dựng nền tảng tài chính cá nhân", Vincent Chok của First Digital nói.
Tính minh bạch và khả năng lập trình
Các giao dịch stablecoin được ghi lại trên blockchain - một sổ cái công khai và minh bạch. Điều này giúp tăng cường tính minh bạch và khả năng kiểm toán của giao dịch so với các hệ thống ngân hàng truyền thống.
Bên cạnh đó, stablecoin còn có thể được lập trình để tự động thực hiện các giao dịch khi các điều kiện nhất định được đáp ứng. Tính chất này mở ra nhiều ứng dụng sáng tạo trong tương lai, từ hợp đồng thông minh đến hệ thống thanh toán tự động.
Nhà sáng lập của First Digital hình dung một tương lai nơi “nhạc sĩ sáng tác nhạc dưới dạng NFT, và mỗi khi có người tải nhạc xuống, tiền bản quyền sẽ được trả về ví của tác giả bằng stablecoin”.
Tương lai của thanh toán toàn cầu?
Thị trường stablecoin đã chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng, với tổng giá trị vốn hóa đạt 210 tỷ USD vào cuối năm 2024, tăng 61% so với đầu năm. Báo cáo của Coinbase Institutional dự đoán con số này có thể đạt 3 nghìn tỷ USD trong 5 năm tới.
Thêm vào đó, khối lượng giao dịch stablecoin đã tăng gần gấp ba lần, từ 9.3 nghìn tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2023 lên 27.1 nghìn tỷ USD trong cùng kỳ năm 2024, cho thấy nhu cầu sử dụng stablecoin đang tăng lên nhanh chóng.
Visa cũng công bố số liệu cho thấy 2.5 nghìn tỷ USD khối lượng thanh toán bằng stablecoin đã được thực hiện (bao gồm trong và ngoài thị trường crypto) trong 12 tháng tính đến tháng 5/2024, tăng gấp 10 lần so với tháng 6/2020.
Để khai thác hết tiềm năng của stablecoin trong thanh toán, các nhà phát triển cần vượt qua thách thức về quy định và cơ sở hạ tầng. Hiện tại, các quy định về stablecoin vẫn chưa đồng nhất trên toàn cầu, gây ra sự bất ổn và khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, các khu vực như châu Âu đang đi đầu với MiCA (Đạo luật thị trường tài sản số), tạo ra khung pháp lý toàn diện cho stablecoin và mở ra cơ hội cho sự đổi mới. Tại Brazil và Mexico, hệ thống ngân hàng cũng đã tích hợp USDC, cho phép người dân chuyển đổi dễ dàng giữa đồng nội tệ (peso, real) với stablecoin này.
Với những ưu điểm vượt trội, liệu stablecoin có thực sự là tương lai của thanh toán toàn cầu để thay thế các phương thức truyền thống?