SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Straddle là gì? Cách sử dụng chiến lược Long & Short Straddle

Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ cách thức hoạt động, những rủi ro, chi phí và cách áp dụng chiến lược Straddle một cách hiệu quả trong giao dịch crypto.
Avatar
trangtran.c98
Published Aug 31 2024
10 min read
straddle là gì

Straddle là gì?

Straddle, hay còn được gọi là chiến lược giằng co, là chiến lược đầu tư phái sinh phổ biến, được sử dụng cả trong thị trường truyền thống và thị trường crypto.

Có 2 loại chiến lược straddle:

  • Long straddle: được sử dụng để khai thác lợi nhuận khi dự đoán giá biến động mạnh bất kể chiều hướng tăng hoặc giảm.
  • Short straddle: được sử dụng để khai thác lợi nhuận khi dự đoán giá không biến động mạnh.

Tùy từng chiến lược mà sẽ có những lợi ích thu về và mức rủi ro khác nhau, tìm hiểu chi tiết về cách thức hoạt động và ưu nhược của chúng ở phần dưới đây.

straddle là gì
Tìm hiểu khái niệm giao dịch Straddle
advertising

Cách thức hoạt động của Straddle trong đầu tư crypto

Quy trình chung của một straddle, nhà đầu tư sử dụng chiến lược long/short straddle đồng thời một quyền chọn mua và một quyền chọn bán của cùng một tài sản, với cùng một mức giá thực hiện (strike price) và cùng ngày đáo hạn.

Quyền chọn mua (Call Option): Cho phép bạn mua tài sản ở mức giá thực hiện cụ thể. Quyền chọn mua có giá trị khi giá tài sản tăng lên trên mức giá thực hiện.

Quyền chọn bán (Put Option): Cho phép bạn bán tài sản ở mức giá thực hiện cụ thể. Quyền chọn bán có giá trị khi giá tài sản giảm xuống dưới mức giá thực hiện.

Khi sử dụng chiến lược straddle, bạn phải trả phí cho cả hai quyền chọn.

Long Straddle - chiến lược mua quyền chọn

Long straddle là chiến lược mà nhà đầu tư mua cả quyền chọn mua và quyền chọn bán cho cùng một tài sản, với cùng một mức giá thực hiện và cùng ngày đáo hạn.

Chiến lược này phù hợp với các nhà đầu tư kỳ vọng biến động giá lớn nhưng không chắc chắn về hướng biến động. Rủi ro giới hạn ở chi phí quyền chọn, nhưng lợi nhuận có thể không giới hạn nếu giá biến động mạnh.

Đặc điểm chính của long straddle là:

  • Thu lợi từ biến động lớn
  • Giảm rủi ro định hướng
  • Rủi ro giới hạn ở chi phí mua quyền chọn

Ví dụ:

Giả sử Bitcoin đang giao dịch ở mức 30,000 USD. Bạn mua một quyền chọn mua và một quyền chọn bán, cả hai đều có giá thực hiện là 30,000 USD và đáo hạn sau một tháng, với chi phí cho mỗi quyền chọn là 1,000 USD. Tổng chi phí là 2,000 USD.

  • Nếu giá Bitcoin tăng lên 35,000 USD: Quyền chọn mua sẽ có giá trị 5,000 USD, quyền chọn bán vô giá trị. Lợi nhuận ròng: 5,000 USD - 2,000 USD = 3,000 USD.
  • Nếu giá Bitcoin giảm xuống 25,000 USD: Quyền chọn bán sẽ có giá trị 5,000 USD, quyền chọn mua vô giá trị. Lợi nhuận ròng: 5,000 USD - 2,000 USD = 3,000 USD.
  • Nếu giá Bitcoin vẫn quanh mức 30,000 USD: Cả hai quyền chọn đều vô giá trị, và bạn mất 2,000 USD.
long straddle short straddle
Chiến lược giao dịch Long straddle và Short straddle

Short Straddle - chiến lược bán quyền chọn

Short straddle là chiến lược mà nhà đầu tư bán cả quyền chọn mua và quyền chọn bán cho cùng một tài sản, với cùng một mức giá thực hiện và cùng ngày đáo hạn.

Chiến lược short straddle phù hợp với các nhà đầu tư kỳ vọng giá tài sản sẽ ổn định và không biến động mạnh. Tuy nhiên, rủi ro rất cao nếu giá tài sản biến động lớn, mà lợi nhuận chỉ giới hạn ở mức phí quyền chọn thu được. Vì vậy, short straddle ít được sử dụng hơn long straddle.

Đặc điểm chính của short straddle là: 

  • Thu lợi từ ổn định giá
  • Tối đa hóa thu nhập từ phí quyền chọn
  • Rủi ro không giới hạn nếu giá tài sản biến động mạnh

Ví dụ:

Tiếp tục ví dụ với Bitcoin ở mức 30,000 USD. Bạn bán một quyền chọn mua và một quyền chọn bán, cả hai đều có giá thực hiện là 30,000 USD và đáo hạn sau một tháng. Bạn thu về tổng cộng 2,000 USD phí quyền chọn.

  • Nếu giá Bitcoin vẫn quanh mức 30,000 USD: Cả hai quyền chọn đều vô giá trị, và bạn giữ toàn bộ 2,000 USD như lợi nhuận.
  • Nếu giá Bitcoin tăng lên 35,000 USD: Quyền chọn mua được thực hiện, và bạn phải mua Bitcoin ở mức giá thị trường 35,000 USD và bán lại ở giá 30,000 USD. Thua lỗ là 5,000 USD, giảm bớt 2,000 USD phí thu được, tổng lỗ 3,000 USD.
  • Nếu giá Bitcoin giảm xuống 25,000 USD: Quyền chọn bán được thực hiện, và bạn phải mua Bitcoin ở giá 30,000 USD và bán lại ở giá 25,000 USD. Thua lỗ là 5,000 USD, giảm bớt 2,000 USD phí thu được, tổng lỗ 3,000 USD.

Các loại phí cần trả khi giao dịch Straddle

Chi phí của Long Straddle

  • Phí mua quyền chọn (Premiums): Long straddle yêu cầu nhà đầu tư mua hai quyền chọn (một quyền chọn mua và một quyền chọn bán). Chi phí ban đầu của chiến lược này là tổng số phí quyền chọn phải trả. Chi phí này sẽ tăng lên nếu tài sản cơ sở có mức độ biến động cao, làm cho phí quyền chọn trở nên đắt đỏ.
  • Chi phí cơ hội: Nếu giá tài sản không biến động lớn, số tiền bỏ ra để mua quyền chọn có thể bị mất mà không thu được lợi nhuận nào. Điều này dẫn đến chi phí cơ hội, khi số tiền đó có thể được sử dụng để đầu tư vào các cơ hội khác.

Chi phí của Short Straddle

Short straddle, mặc dù có lợi thế thu được phí quyền chọn ngay lập tức, tuy nhiên rủi ro đổi lại “khá lớn":

  • Yêu cầu ký quỹ (Margin Requirements): Khi bán quyền chọn trong chiến lược short straddle, nhà đầu tư phải có ký quỹ đủ để đáp ứng yêu cầu của sàn giao dịch hoặc môi giới. Yêu cầu ký quỹ cao có thể gây ra áp lực tài chính, đặc biệt nếu giá tài sản biến động mạnh.
  • Chi phí bảo vệ (Hedging Costs): Nếu thị trường bắt đầu biến động mạnh, nhà đầu tư có thể phải mua các quyền chọn khác hoặc thực hiện các biện pháp bảo vệ để hạn chế thua lỗ. Điều này sẽ làm tăng chi phí giao dịch, giảm lợi nhuận tiềm năng từ chiến lược này.
  • Phí giao dịch: Ngoài phí quyền chọn, nhà đầu tư còn phải trả phí giao dịch cho mỗi lệnh mua/bán quyền chọn. Phí này có thể tích lũy và làm giảm lợi nhuận ròng.

Xem thêm: Đặc điểm của giao dịch quyền chọn.

Rủi ro của chiến lược Straddle

Rủi ro của Long Straddle

Chi phí quyền chọn có thể không được bù đắp: Nếu giá tài sản không biến động đủ mạnh theo bất kỳ hướng nào, cả hai quyền chọn có thể hết hạn vô giá trị, và nhà đầu tư sẽ mất toàn bộ chi phí mua quyền chọn.

Thời gian là kẻ thù: Thời gian ảnh hưởng lớn đến giá trị của quyền chọn (thời gian giá trị - time decay). Khi quyền chọn tiến gần đến ngày đáo hạn mà không có biến động lớn, giá trị của các quyền chọn giảm dần, dẫn đến nguy cơ thua lỗ cho nhà đầu tư.

Rủi ro của Short Straddle

Rủi ro không giới hạn: Trong chiến lược short straddle, nhà đầu tư chịu rủi ro rất lớn nếu giá tài sản biến động mạnh theo bất kỳ hướng nào.

Nếu giá tăng mạnh, quyền chọn mua có thể gây ra thua lỗ không giới hạn; nếu giá giảm mạnh, quyền chọn bán cũng có thể dẫn đến thua lỗ lớn. Vì vậy, rủi ro của short straddle có thể vượt xa số phí quyền chọn mà nhà đầu tư thu về.

Biến động không thể dự đoán chính xác: Short straddle đòi hỏi nhà đầu tư phải dự đoán rằng giá tài sản sẽ ít biến động. Nếu thị trường đột ngột biến động mạnh do sự kiện bất ngờ hoặc tin tức ngoài dự đoán, chiến lược này có thể dẫn đến thua lỗ nặng nề.

Trách nhiệm bảo vệ: Nếu thị trường biến động mạnh, nhà đầu tư có thể cần phải thực hiện các biện pháp bảo vệ như mua quyền chọn để hạn chế thua lỗ, điều này có thể làm tăng chi phí giao dịch.

Ai nên sử dụng chiến lược Straddle?

Chiến lược straddle không dành cho tất cả mọi người, không phù hợp với những nhà đầu tư thận trọng hoặc những người không quen thuộc với giao dịch quyền chọn. Chiến lược này phù hợp hơn với những nhà đầu tư có các đặc điểm sau:

Nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc có kinh nghiệm

Straddle là một chiến lược phức tạp và đòi hỏi hiểu biết sâu về quyền chọn cũng như thị trường tài chính. Những nhà đầu tư mới bắt đầu hoặc không quen thuộc với giao dịch phái sinh có thể gặp khó khăn trong việc triển khai chiến lược này một cách hiệu quả.

Nhà đầu tư có khả năng chấp nhận rủi ro cao

Do tính chất của chiến lược, việc sử dụng straddle có thể dẫn đến thua lỗ nếu giá tài sản không biến động như dự đoán. Do đó, nó phù hợp hơn với những nhà đầu tư có khả năng chấp nhận rủi ro và sẵn sàng đối mặt với các hướng biến động của thị trường.

Xem thêm: Cách ứng dụng chiến lược phòng hộ rủi ro trong Crypto.