Amber avatar
Coin98 Insights
Nơi chia sẻ tất cả những kiến thức Crypto từ cơ bản đến nâng cao, kinh nghiệm đầu tư Bitcoin và các hình thức đầu tư tiền điện tử khác.

Hedging là gì? Cách ứng dụng chiến lược phòng hộ rủi ro trong Crypto

Hedging giúp nhà đầu tư bảo vệ tài sản khỏi những biến động không lường trước được của thị trường. Việc hiểu và áp dụng hedging trở nên cực kỳ quan trọng. Vậy hedging là gì? Phương pháp hedging nào hiệu quả để bảo vệ danh mục đầu tư?
Amber avatar
trangtran.c98
9 min read
Published Mar 18 2024
Updated Apr 23 2024
hedging là gì

Hedging là gì? 

Hedging (hay còn gọi là phòng hộ rủi ro) là chiến lược được thiết kế để giảm thiểu hoặc loại bỏ rủi ro từ những biến động bất lợi của thị trường. Hedging có thể được thực hiện qua nhiều hình thức như giao dịch hợp đồng tương lai, phái sinh... Mục tiêu của hedging không phải để tối đa hóa lợi nhuận, mà là để giảm thiểu rủi ro mất mát.

Trong đầu tư, hedging được xem như một hình thức bảo hiểm: bạn không hy vọng sẽ phải sử dụng nó, nhưng nó có thể cứu vãn tình hình nếu mọi thứ diễn ra không như mong đợi.

advertising
hedging là gì
Phương pháp Hedging dùng để giảm thiểu rủi ro mất mát trong đầu tư

Hedging được dùng để làm gì? 

Phản ứng trước biến động giá của thị trường

Thị trường tiền mã hóa được biết đến với biên độ biến động cao, có thể mang lại lợi nhuận lớn nhưng cũng đi kèm rủi ro lớn. Trong bối cảnh này, hedging không chỉ là một lựa chọn mà đã trở thành một nhu cầu thiết yếu. 

Áp dụng các chiến lược hedging giúp nhà đầu tư giảm thiểu tác động tiêu cực từ sự biến động giá, qua đó bảo vệ danh mục đầu tư khỏi những thua lỗ không mong muốn.

Ví dụ: Giai đoạn 26/06/2019 - 13/03/2020, giá Bitcoin giảm từ 12,867 USD xuống còn 5,040 USD, ước tính khoảng -60.8%.

Đối với những nhà đầu tư không sử dụng hedging, đây là một tổn thất đáng kể. Ngược lại, nhà đầu tư đã hedging bằng cách mua futures contracts hoặc put options có thể đã giảm thiểu được phần nào rủi ro này.

Bảo vệ tài sản và tối ưu hóa đầu tư

Hedging không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro mà còn cung cấp cho nhà đầu tư một cơ sở vững chắc hơn để đưa ra quyết định đầu tư. 

Thông qua các công cụ và chiến lược hedging, nhà đầu tư có thể bảo vệ mình khỏi biến động giá, giảm bớt tác động tiêu cực đến danh mục đầu tư và tối đa hóa lợi nhuận trong điều kiện thị trường thuận lợi.

Ví dụ: Một nhà đầu tư sở hữu lượng lớn token ETH muốn bảo vệ giá trị danh mục của mình trước biến động giá. Họ quyết định mua put options cho ETH với mức giá xác định, giúp họ có thể bán Ethereum với giá này ngay cả khi thị trường giảm mạnh, từ đó giảm thiểu rủi ro.

Thách thức của phương pháp hedging

Một thách thức lớn trong việc áp dụng hedging vào thị trường crypto là việc thiếu các công cụ hedging truyền thống và sự chấp nhận của chúng trong cộng đồng crypto.

Ngoài ra, việc đánh giá rủi ro và xác định chiến lược hedging phù hợp đòi hỏi kiến thức sâu rộng về thị trường cũng như sự hiểu biết về các công cụ tài chính phức tạp. 

lợi ích của chiến lược hedging
Hedging mang lại hiệu quả về vốn hơn so với các công ty không sử dụng hedging

Các phương pháp hedging hiệu quả trong Crypto

Để bảo vệ danh mục đầu tư crypto khỏi sự biến động không lường trước được, nhà đầu tư có thể xem xét các phương pháp hedging sau:

Hedging bằng Futures Contracts

Futures contracts hay giao dịch hợp đồng tương lai cho phép nhà đầu tư mua hoặc bán một lượng tiền mã hóa vào một thời điểm xác định trong tương lai với một giá đã được thỏa thuận. Điều này giúp nhà đầu tư có thể khóa lãi hoặc hạn chế rủi ro giảm giá cho vị thế của mình.

Ví dụ: Một nhà đầu tư dự đoán giá Bitcoin sẽ giảm trong thời gian tới. Để hedging, họ mua một futures contract bán Bitcoin với giá hiện tại để thực hiện sau 3 tháng. Nếu giá Bitcoin giảm như dự đoán, lợi nhuận từ futures contract sẽ bù đắp cho mất mát giá trị của Bitcoin họ nắm giữ.

Phương pháp này giúp giảm thiểu rủi ro giảm giá nhưng cũng cần sự hiểu biết về cách thức hoạt động của hợp đồng tương lai và khả năng dự đoán thị trường chính xác.

Sử dụng Options để hedging

Options hay phái sinh cung cấp cho nhà đầu tư quyền chọn mua (call options) hoặc quyền chọn bán (put options) một lượng tài sản tại một mức giá xác định trong một khoảng thời gian nhất định, mà không bắt buộc phải thực hiện quyền này. Điều này giúp họ có thể giảm thiểu rủi ro mà vẫn giữ cơ hội tăng giá.

Ví dụ: Một nhà đầu tư lo ngại về sự sụt giảm giá của Ethereum. Họ mua put options cho Ethereum, cho phép bán tại một giá xác định trong tương lai. Khi giá Ethereum giảm dưới giá thực hiện, họ có thể sử dụng quyền option để bán Ethereum với giá cao hơn thị trường.

Options cung cấp quyền chứ không phải nghĩa vụ, cho phép linh hoạt trong quyết định mà không gặp rủi ro mất mát lớn. Tuy nhiên, việc mua options đòi hỏi chi phí ban đầu và kiến thức về thời điểm và cách sử dụng chúng một cách hiệu quả.

short hedging
Chiến lược Short Hedge (bảo hộ vị thế bán) trong đầu tư

Đa dạng hóa danh mục đầu tư

Đa dạng hóa danh mục đầu tư bằng cách đầu tư vào nhiều loại tài sản khác nhau, bao gồm cả tiền mã hóa và tài sản truyền thống, giúp giảm thiểu rủi ro tổng thể. Sự không tương quan giữa các loại tài sản có thể bảo vệ danh mục đầu tư khỏi sự biến động lớn của một tài sản cụ thể.

Ví dụ: Một nhà đầu tư quyết định phân bổ tài sản vào Bitcoin, Ethereum, một số altcoins tiềm năng, và thêm cổ phiếu công nghệ và trái phiếu. Khi giá tiền điện tử giảm, sự tăng giá của cổ phiếu hoặc ổn định của trái phiếu giúp cân bằng danh mục đầu tư.

Đa dạng hóa giúp giảm thiểu rủi ro tổng thể và giảm phụ thuộc vào một loại tài sản. Tuy nhiên, hiệu quả phụ thuộc vào sự lựa chọn tài sản và tỷ lệ phân bổ hợp lý.s

Sử dụng Stablecoin để hedging

Sử dụng stablecoin, đồng tiền mã hóa có giá trị gắn liền với một tài sản ổn định như USD, là một cách hedging hiệu quả trong ngắn hạn. Khi thị trường biến động, chuyển một phần vốn vào stablecoin có thể giúp bảo toàn giá trị tài sản.

Ví dụ: Trong một thị trường giá giảm, một nhà đầu tư chuyển 50% tài sản từ các đồng tiền mã hóa biến động sang stablecoin như USD Coin (USDC) hoặc Tether (USDT), giữ giá trị của tài sản trong thời gian biến động.

Stablecoin cung cấp sự ổn định và là một lựa chọn tốt để tránh rủi ro trong ngắn hạn. Tuy nhiên, việc giữ stablecoin trong dài hạn có thể bỏ lỡ cơ hội tăng giá so với việc nắm giữ các đồng tiền mã hóa khác.

Sử dụng bảo hiểm để hedging

Các sản phẩm bảo hiểm crypto, dù còn khá mới mẻ, đang phát triển và cung cấp cách để nhà đầu tư bảo vệ mình khỏi các rủi ro như hack hoặc mất mát. Các hợp đồng bảo hiểm có thể được tùy chỉnh để phù hợp với nhu cầu cụ thể của nhà đầu tư.

Ví dụ: Một nhà đầu tư lớn mua bảo hiểm cho khoản đầu tư vào một dự án DeFi, đảm bảo rằng họ được bồi thường nếu dự án đó bị hack hoặc sụp đổ.

Sản phẩm bảo hiểm giúp giảm thiểu rủi ro từ sự kiện bất ngờ, nhưng chi phí bảo hiểm có thể là một yếu tố cần xem xét. Hiệu quả phụ thuộc vào điều khoản bảo hiểm và độ tin cậy của công ty cung cấp dịch vụ bảo hiểm.

Trong thị trường crypto, dịch vụ bảo hiểm chưa phổ biến vì việc định giá và phương pháp bảo hiểm chưa có một quy chuẩn cụ thể nào để làm theo.

Mỗi phương pháp hedging có điểm mạnh và hạn chế riêng, vì vậy nhà đầu tư cần lựa chọn phương pháp phụ thuộc vào mục tiêu đầu tư, kiến thức về thị trường, khẩu vị đầu tư và mức độ chấp nhận rủi ro.