SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Sự phát triển của các layer 2 trên mạng lưới Ethereum

Layer 2 trên Ethereum xử lý lượng giao dịch cao gấp 9 lần nhưng chỉ thu về 1/10 phí giao dịch so với Ethereum, cho thấy sự hiệu quả từ góc độ người dùng. Vậy sự phát triển của các layer 2 đang ảnh hưởng đến Ethereum ra sao?
Avatar
Duy Nguyen
Published Aug 22 2024
Updated Aug 22 2024
12 min read
ethereum layer 2

Theo lộ trình mới nhất, Ethereum đang chuyển sang chiến lược tập trung vào Rollup. Thay vì xử lý mọi thứ trực tiếp, Ethereum tập trung củng cố các ưu điểm hiện có như tính bảo mật, phân quyền, đồng thời trao quyền mở rộng cho các Ethereum Layer 2 (gọi tắt: L2).

Ethereum có hiệu ứng mạng lưới mạnh mẽ đặc biệt là giữa các nhà phát triển. Hiện tại, token ETH chiếm gần 15% vốn hoá thị trường crypto và nếu không tính BTC, tỷ trọng này vượt hơn 46%. Với điều kiện thuận lợi từ lộ trình phát triển và nền tảng người dùng, các Layer 2 đang có nhiều lợi thế để trở thành điểm đến chính của dòng tiền trong thị trường crypto.

Vậy tình hình hiện tại của Ethereum và các Layer 2 ra sao? Nội dung bên dưới sẽ phân tích các thông số nổi bật cũng như xu hướng phát triển của hệ sinh thái Ethereum và L2 của nó.

Bức tranh hiện tại của Ethereum và các Layer 2

Trong phần này, bài viết sẽ đánh giá mức độ hoạt động và khả năng thu hút giá trị của mạng lưới Ethereum cũng như L2s thông qua 2 nhóm chỉ số, bao gồm mạng lưới (Network) và hệ sinh thái (Ecosystem).

Các chỉ số về mạng lưới (Network):

  • Số địa chỉ ví hoạt động hàng ngày (Daily Active Address)
  • Số giao dịch xử lý hàng ngày (Daily Transaction)
  • Mức phí tạo ra (Fee)

Các chỉ số về hệ sinh thái (Ecosystem)

  • Lượng stablecoin phát hành (Stablecoin Market Cap)
  • Tổng giá trị tài sản khoá (Total Value Locked - TVL)

Theo số liệu từ L2Beat, tại thời điểm cuối tháng 8/2024, thị trường đang có 72 L2s đang hoạt động và 81 L2s đang chờ ra mắt. Số lượng dự án nhiều, nhưng không đồng đều về các chỉ số cơ bản kể trên. Do vậy, sau khi tổng hợp số liệu, bài viết sẽ chọn ra 9 dự án L2 làm đại diện (gọi chung là Layer2 hay L2s) gồm: Arbitrum One, Base, Op Mainnet, Blast, Manta, Scroll, Linea, ZKsync Era và Starknet.

Bảng tổng hợp Etherem và layer 2

Về mạng lưới

Địa chỉ ví hoạt động và số giao dịch

Số địa chỉ ví hoạt động hàng ngày trên Ethereum duy trì ổn định ở mức 300,000 - 400,000 địa chỉ.  Base, Arbitrum One và Linea hiện có số lượng địa chỉ ví hoạt động vượt qua cả Ethereum.

số địa chỉ ethereum
Số địa chỉ ví hoạt động hàng ngày trên Ethereum và các layer 2 - Nguồn: Artemis

Hiện tại, Ethereum xử lý khoảng 1 triệu giao dịch mỗi ngày. Số lượng giao dịch trên các Layer 2 mặc dù có sự biến động nhưng đa phần đều cải thiện trong những tháng gần đây.

Base chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ với hơn 3 triệu giao dịch được xử lý hàng ngày và con số trên vẫn trên đà tăng trưởng. Arbitrum One duy trì ổn định ở mức 2 triệu giao dịch được xử lý hàng ngày. Các top layer 2 còn lại hiện đang xử lý khoảng vài trăm ngàn giao dịch mỗi ngày.

Ngoài Base và Arbitrum, số lượng giao dịch trên layer 2 có xu hướng tăng rồi giảm mạnh trong thời gian ngắn. Nguyên nhân là do những campaign, chương trình airdrop, xu hướng nhỏ… giúp chúng thu hút nhiều giao dịch trong thời gian ngắn, điển hình là zkSync mỗi lần công bố thông tin liên quan đến token đều chứng kiến sự tăng trưởng mạnh về số lượng giao dịch lên hơn 1.5 triệu giao dịch/ngày.

Số giao dịch xử lý trên l2
Số giao dịch được xử lý hàng ngày trên Ethereum và các layer 2 - Nguồn: Artemis

Có thể thấy số lượng địa chỉ ví hoạt động và giao dịch được thực hiện thông qua các layer 2 đang chiếm tỷ trọng lớn khi so sánh với Ethereum. Điều này cho thấy nhu cầu thực sự với các layer 2 từ đó giúp giảm áp lực lên mạng lưới gốc, đáp ứng nhu cầu về chi phí rẻ và tốc độ cao của người dùng.

Lượng phí tạo ra

Trái với số địa chỉ ví và số giao dịch được xử lý, mức phí các layer 2 nhận được là không đáng kể khi so sánh với Ethereum. Bản thân các layer 2 hiện tại đã có mức phí thấp hơn nhiều so với Ethreum và chúng có xu hướng ngày càng giảm theo thời gian.

phí tạo ra l2
 Nguồn: Artemis

Từ những số liệu ở trên ta có bảng tỷ trọng về số địa chỉ ví hoạt động, số lượng giao dịch xử lý hàng ngày, lượng phí tạo ra trên Ethereum và các layer 2 hàng đầu.

So sánh thị phần số lượng địa chỉ ví hoạt động và giao dịch xử lý của Ethereum và các top layer 2
So sánh thị phần số lượng địa chỉ ví hoạt động và giao dịch xử lý của Ethereum và các top layer 2. Nguồn: Artemis

Tỷ trọng số lượng địa chỉ ví và số lượng giao dịch xử lý ngày càng tăng trên layer 2 nhưng mức phí phải trả ngày càng thấp cho thấy nhu cầu thực sự với các layer 2. Điều này giúp giảm tải cho mạng lưới gốc Ethereum và đáp ứng nhu cầu về chi phí rẻ và tốc độ cao của người dùng.

Về hệ sinh thái

Stablecoin phát hành

Lượng stablecoin phát hành trên Ethereum và các Layer 2 tăng đều đặn bất chấp điều kiện thị trường. Theo DefiLlama, trong vòng một năm, vốn hóa stablecoin trên Ethereum đã tăng từ 66.4 tỷ USD lên 81.4 tỷ USD, trong khi các Layer 2 hàng đầu tăng từ 2.3 tỷ USD lên 9.9 tỷ USD.

Arbitrum, Base và Optimism là những Layer 2 nổi bật với vốn hóa stablecoin vượt mốc tỷ USD. Arbitrum và Optimism duy trì đà tăng trưởng, trong khi Base đang ở giai đoạn ổn định sau một thời gian tăng trưởng nóng.

Stablecoin trên các layer2
Stablecoin trên các layer2. Nguồn: DeFiLlama

USDT và USDC đang cạnh tranh thị phần trên các layer 2 khi stablecoin có tỷ trọng cao nhất không đồng nhất giữa các hệ sinh thái. USDT có lợi thế ở các hệ sinh thái lớn trong khi USDC chiếm thị phần trên nhiều layer 2 nhỏ.

Stablecoin có tỷ trọng cao nhất trên Ethereum và các layer 2
Stablecoin có tỷ trọng cao nhất trên Ethereum và các layer 2. Nguồn: DeFiLlama

Giá trị tài sản khóa

Tổng giá trị tài sản khóa (TVL) của các Layer 2 có xu hướng di chuyển tương đồng với Ethereum. Hiện tại, TVL của các Layer 2 đạt 35.7 tỷ USD, với Arbitrum One, Base, và Optimism Mainnet là ba Layer 2 có TVL vượt trội.

tvl layer 2
Giá trị tài sản khoá của Ethereum và các Layer 2. Nguồn: L2 Beat & DeFiLlama

Base là trường hợp thành công đặc biệt trong số các Layer 2. Chỉ sau một năm ra mắt, các chỉ số như số địa chỉ ví hoạt động, số giao dịch xử lý hàng ngày, lượng stablecoin phát hành, và giá trị tài sản khóa của Base đều đứng hàng đầu. Sự hỗ trợ từ sàn Coinbase đã giúp Base phát triển nhanh chóng, trở thành một hệ sinh thái đầy đủ với nhiều mô hình sản phẩm mới như Farcaster, Degen,...

Xét về những token có thanh khoản và khối lượng giao dịch lớn nhất trên Base hiện tại, phần lớn là meme coin. Xu hướng này đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng của Base, khi cộng đồng Ethereum tìm kiếm một nền tảng rẻ hơn, nhanh hơn nhưng vẫn có sự liên kết chặt chẽ với Layer 1. Trong khi Arbitrum One và Optimism tập trung hỗ trợ dự án và phát triển SDK, cách tiếp cận mở của Base đã thu hút được sự chú ý đáng kể.

Đọc thêm: Base Q2/2024: Đột phá nhờ hậu thuẫn từ Coinbase.

advertising

Xu hướng phát triển của Ethereum và các layer 2

Mối liên kết giữa Ethereum và các layer 2 

Trở thành layer 2 của Ethereum đồng nghĩa với việc tận dụng khả năng bảo mật của Ethereum và điều này yêu cầu các layer 2 trả phí để đưa dữ liệu cuối lên blockchain Ethereum. Giống như trăm sông đổ về một biển, sự phát triển của các Layer 2 sẽ góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của Ethereum. Mặc dù còn khiêm tốn, nhưng với sự cải thiện về số lượng và chất lượng của các Layer 2, có thể dự đoán rằng mức phí Ethereum thu được từ việc bảo mật sẽ ngày càng tăng cao.

phí tạo ra từ ethereum và các layer 2
Lượng phí thu được và số phí các layer 2 trả cho Ethereum. Nguồn: L2 Beat & Tokenterminal

Bên cạnh đó, với vai trò là tài sản chính dùng để thanh toán phí gas và tham gia các hoạt động DeFi, ETH sẽ ngày càng mở rộng sự hiện diện của mình trên nhiều hệ sinh thái khác nhau.

Một số ý kiến cho rằng doanh thu của Ethereum sẽ giảm dần khi người dùng ngày càng giao dịch nhiều trên các layer 2, một số nền tảng sử dụng token riêng thay cho ETH làm phí gas. Điều này không hoàn toàn sai, thậm chí ngay ở trên các layer 2 cũng đang cạnh tranh giảm phí giao dịch nhiều nhất có thể. Một tương lai mà người dùng phải trả rất ít phí hoặc không phải trả phí giao dịch như thị trường truyền thống là xu hướng phát triển tất yếu.

Tuy nhiên Ethereum với hiệu ứng mạng lưới mạnh mẽ khả năng cao sẽ tiếp tục phát triển như cách mà mạng lưới đang dần giải quyết bài toán về tính mở rộng của mình. Các Layer 2 càng tách rời khỏi Ethereum sẽ càng khó tiếp cận cộng đồng người dùng của Ethereum. Việc các layer 2 có chi phí rẻ sẽ giúp tăng số lượng người dùng và tạo ra nhiều mô hình doanh thu mới để bù cho việc giảm phí giao dịch.

Điều này có thể thấy qua sự xuất hiện ngày càng nhiều Layer 2 mới đã giúp duy trì tổng số giao dịch xử lý trên giây (TPS - Transactions Per Second) ở mức cao. Chỉ số TPS tăng trưởng ổn định cho thấy ngày càng có nhiều hoạt động xảy ra trên các layer 2. Bên cạnh Optimistic Rollup, giải pháp mở rộng đang thu hút phần lớn giá trị hiện tại, các Layer 2 sử dụng ZK Rollup với độ khó kỹ thuật cao hơn cũng đang dần xuất hiện. Ngoài ra, các Layer 2 được phát triển cho nhiều mục đích chuyên biệt như AI, Game, DeFi,... đang giúp đáp ứng đa dạng nhu cầu của người dùng.

layer 2
Tổng số TPS (trung bình) được thực hiện hàng ngày trên các layer 2. Nguồn: L2beat

Bài toán của layer 2

Sự phát triển của các Layer 2 mang lại lợi ích cho Ethereum, tuy nhiên, việc phát triển các Layer 2 lại là một bài toán khó. Hiện nay, số lượng Layer 2 mới xuất hiện ngày càng nhiều, nhưng đa phần đều tương tự nhau và thiếu điểm nổi bật. Khả năng cao giá trị sẽ tập trung ở một số ít Layer 2. Chỉ những Layer 2 có hiệu ứng mạng lưới mạnh và điểm khác biệt mới có thể thu hút dòng tiền trong tương lai.

Một vài ví dụ đáng chú ý bao gồm:

  • Arbitrum, Optimism, Base với lợi thế cộng đồng mạnh mẽ và dòng tiền ổn định.
  • Starknet dẫn đầu trong giải pháp ZK và là nơi khởi nguồn cho nhiều mô hình mới như fully on-chain game.

Trong dài hạn Ethereum và các layer sẽ có mối tương quan về các chỉ số, sự phát triển của các layer 2 nhiều khả năng sẽ thúc đẩy sự phát triển của mạng lưới gốc và ngược lại. Tuy nhiên cách để xây dựng một layer 2 thành công sẽ là thách thức đối với các dự án hiện nay.

Những biến động ngắn hạn 

Mặc dù Layer 2 là trọng tâm trong chiến lược phát triển, Ethereum vẫn có những câu chuyện thu hút giá trị khác như restaking, meme coin, hay Ethereum ETF. Các layer 2 cũng có thể có những xu hướng nhỏ như Optimism và Arbitrum thành công với campaign airdrop, Base thành công với xu hướng meme coin hay Socialfi.

Do đó có thể trong ngắn hạn sẽ xuất hiện những biến động nghiêng về một bên.

Để hiểu rõ hơn về những dấu hiệu tăng trưởng của Ethereum, bạn đọc có thể tham khảo bài viết "Sự dịch chuyển xu hướng trong thị trường crypto".

Tạm kết

Layer 2 đóng vai trò trọng tâm trong chiến lược phát triển của Ethereum. Sự phát triển của các Layer 2 nhiều khả năng sẽ thúc đẩy sự phát triển của mạng lưới gốc. Tuy nhiên, cách để xây dựng một Layer 2 thành công là thách thức lớn đối với các dự án hiện nay.

Mặc dù Ethereum và các Layer 2 có mối tương quan về các chỉ số trong dài hạn, nhưng trong ngắn hạn có thể xuất hiện những biến động nghiêng về một bên.

Xem thêm: Ethereum Roadmap: Lộ trình phát triển tham vọng của Ethereum.