Toàn cảnh Public Sale Q1/2024: Nhiều cơ hội khi các blockchain dần mở cửa
Phân loại nhóm dự án cơ bản
Gọi vốn công khai từ cộng đồng hay còn gọi là Public Sale là một trong những cách thức kêu gọi vốn hiệu quả nhất trong thị trường crypto. Một public sale thường sẽ đóng góp giá trị cho tất cả các bên tham gia khi vừa giúp những dự án mới kêu gọi một lượng vốn nhất định, vừa giúp nhà đầu tư có thể mua token từ sớm, vừa tạo ra incentive/user case cho dự án nền tảng.
Nhu cầu này thực tế đã xuất hiện từ sớm do tầm ảnh hưởng quan trọng trong việc giúp các dự án phát triển mạnh từ giai đoạn đầu. Một số hình thức gọi vốn public sale phổ biến đã khá quen thuộc trong thị trường bao gồm:
- ICO (Bùng nổ trong giai đoạn 2017 - 2018): Hình thức gọi vốn thông qua phát hành token lần đầu tiên, người dùng sẽ mua token của dự án từ chính website hoặc đợt mở bán của dự án đó. Các dự án thực hiện mở bán token cũng có thể được gọi chung là ICO.
- IEO (Bùng nổ từ 2019 bắt nguồn từ Binance): Hình thức gọi vốn cộng đồng thông qua hình thức chào bán token trên các sàn giao dịch Crypto. Điển hình là Binance Launchpad, OKX Jumpstart… token được bán IEO trên sàn nào thường sẽ được list luôn lên sàn đó.
- IDO (Bùng nổ từ 2021 cùng với xu hướng DeFi): Hình thức gọi vốn thông qua việc chào bán token trên các nền tảng AMM phi tập trung. IDO nổi lên vào giai đoạn các hệ sinh thái và DEX phát triển.
- Launchpad platform: Hình thức các dự án gọi vốn và phát hành token qua một nền tảng Launchpad thứ 3. Về mặt bản chất IEO, IDO cũng là 1 dạng launchpad, chúng chỉ khác nhau ở cách thức là thông qua sàn tập trung hay trung gian phi tập trung. Người dùng muốn tham gia thường phải thỏa mãn một số yêu cầu nhất định của dự án Launchpad đó. Một số dự án thuộc mảng này bao gồm: Starship, Impossible Finance, DAO Maker, Tokensoft…
Dòng tiền gọi vốn Public Sale đang nóng trở lại?
Số tiền gọi vốn phục hồi
Kể từ thời điểm mới xuất hiện, các dự án thực hiện mở bán token (Public sale và ICO) đã thu hút được lượng lớn sự quan tâm từ cộng đồng. Tới thời điểm 2017 - 2018, đây trở thành một trong những xu hướng lớn dẫn dắt thị trường với số tiền gọi được từ các dự án lần lượt là 1.7 tỷ USD và 4.6 tỷ USD.
Trong 2 năm gần đây, xu hướng này gần như không còn được chú ý, trong năm 2022 và 2023 số tiền các dự án gọi được là 251 triệu USD và 133 triệu USD. Public Sale đang cho thấy sự hồi sinh khi chỉ trong Q1/2024, số tiền các dự án gọi vốn qua cộng đồng đã xấp xỉ trong năm 2023 (hiện đạt 124 triệu USD).
Giả định thị trường năm 2024 tăng trưởng, có thể kỳ vọng số tiền các dự án huy động được từ cộng đồng trong năm nay sẽ đạt xấp xỉ giai đoạn 2021 (khoảng 900 triệu USD), gấp ~7.2 lần con số hiện tại. Điều này có nghĩa các dự án token sale sẽ là cầu nối quan trọng trong giai đoạn tới để đón dòng tiền như trên.
Public sale trên các blockchain
Ethereum - Dẫn đầu về public sale
Theo thống kê trong 1 năm trở lại đây, các dự án thực hiện huy động vốn công khai qua cộng đồng tập trung ở nhóm 5 blockchain lớn là Ethereum, BNB, Polygon, Sui và Arbitrum. Các dự án trên Ethereum gọi vốn từ cộng đồng 319 triệu USD, trong đó các dự án có ROI cao chủ yếu là các dự án meme.
Hiện trạng trên các blockchain khác
BNB với sự hậu thuẫn của Binance Launchpad và Binance Launchpool xếp ở vị trí thứ hai, tổng số tiền gọi được đạt 149 triệu USD.
Đáng chú ý, Sui là một hệ sinh thái mới xuất hiện nhưng cũng đã thu hút dòng tiền từ cộng đồng với 52 triệu USD cho 23 dự án. Các dự án trên Sui thường tự thực hiện Public Sale/IDO qua các dự án DEX nổi bật trên hệ như Cetus Protocol, FlowX Finance…
Với các hệ sinh thái blockchain, một trong những cách thu hút dòng tiền hiệu quả nhất là thực hiện các public sale, thường là qua IDO trên các DEX để người dùng dễ dàng tham gia hơn, phía dự án cũng sẽ có thanh khoản tập trung tốt hơn.
Đi theo xu hướng chung của thị trường, trên các blockchain mới nổi lên hiện nay cũng đang xuất hiện xu hướng thực hiện ICO/IDO trở lại. Mục đích đẩy mạnh dòng tiền vào các hệ sinh thái này.
Solana là hệ sinh thái đang trở lại mạnh mẽ, tuy nhiên dòng vốn từ các dự án kêu gọi được lại thấp hơn đáng kể so với các blockchain khác. Điều này là do trên hệ sinh thái Solana đang thiếu dự án nền tảng làm bệ phóng. Jupiter - Aggregator lớn nhất trên Solana đang hướng tới giải quyết vấn đề này với Jupiter Start, một sản phẩm có hướng đi giống với AcceleRaytor của Raydium trước đó.
zkSync là hệ sinh thái lớn cũng đang tồn đọng vấn đề tương tự. Sàn DEX lớn nhất hiện nay là Syncswap cũng hướng tới SyncSwap Launch để thu hút thêm dòng vốn vào zkSync. Ngoài ra, hệ sinh thái này đã có zkStarter của Holdstation đã thực hiện dự án launchpad đầu tiên.
Các dự án DEX trên Sui đã và đang thực hiện các thương vụ IDO, giúp các dự án khác trên hệ sinh thái gọi vốn cộng đồng đáng kể trong thời gian qua. Trái với các blockchain khác, Ronin hợp tác với Impossible Finance để tự tay phát triển một nền tảng launchpad riêng.
Về multichain, Starship gần đây đã công bố chuẩn bị ra mắt dự án launchpad đầu tiên, người dùng có thể nắm giữ nhiều NFT trên cùng một ví để có nhiều allocation hơn. FDV của dự án hiện tại ở mức 11 triệu USD.
Một nền tảng gọi vốn multichain khác là Coinlist cũng đang cho thấy sự tích cực khi đã thực hiện 3 launchpad khác nhau trong Q1/2024, trước đó Coinlist chỉ có 4 dự án lên launchpad trong cả năm 2023.
Đâu là nền tảng gọi vốn tiềm năng nhất?
Để thực hiện public sale, các dự án thường lựa chọn sử dụng nền tảng launchpad của 1 bên thứ 3. Launchpad tác động tới cả 2 phía là dự án và nhà đầu tư, để đánh giá một dự án launchpad cần nhìn theo cả 2 phía. Cụ thể, phía dự án sẽ quan tâm tới số tiền họ có thể huy động, nhà đầu tư sẽ quan tâm tới mức ROI (Return on Investment) mà họ nhận được.
Theo phân tích dữ liệu quá khứ từ các dự án Launchpad nổi bật, 3 nhóm dự án launchpad khác nhau có những định hướng khác nhau.:
- Các dự án IEO: Số lượng dự án ít, số lượng lượng vốn huy động trên mỗi dự án thấp do điều kiện khắt khe, bù lại nhà đầu tư nhận được mức ROI cao.
- Các dự án IDO: Dễ tham gia nên có nhiều dự án, tuy nhiên số tiền trung bình mỗi dự án huy động được không cao, lợi nhuận nhà đầu tư thu về cũng không nổi bật.
- Các dự án Launchpad Platform: Số lượng dự án vừa phải, số tiền trung bình mỗi dự án huy động được cao đáng kể, mức ROI nhà đầu tư thu về cũng ở mức khá cao.
Từ dữ liệu có thể thấy các nền tảng launchpad là nhóm dự án tối ưu nhất cho lợi ích của cả phía dự án gọi vốn và nhà đầu tư, số tiền các dự án gọi được thường cao hơn nhiều so với các nền tảng gọi vốn khác. Về phía nhà đầu tư cũng có nhiều lựa chọn hơn so với IEO mà vẫn giữ mức lợi nhuận ổn định.
Trái lại, các dự án IDO có kết quả yếu thế hơn cả 2 nhóm còn lại. Việc hạ tiêu chí để đưa các dự án lên launchpad ồ ạt đem lại kết quả gọi vốn thấp hơn, tuy nhiên sẽ là cách phù hợp các hệ sinh thái phi tập trung đang cần đẩy mạnh tốc độ phát triển.
Tổng kết
Có thể thấy được sự phục hồi của mảng Public sale qua số tiền gọi vốn cộng đồng tăng trưởng trở lại. Launchpad cũng đang phát triển mạnh trên các hệ sinh thái blockchain, điều này giúp thu hút dòng tiền về hệ sinh thái trong giai đoạn uptrend.
Sui là một trong những blockchain thực hiện các chiến dịch launchpad khá thành công dù mới ra mắt. Các blockchain lớn khác như Solana, Ronin, Linea, zkSync cũng đang chuẩn bị đẩy mạnh mảng này. Một lựa chọn khác cho các nhà đầu tư là tham gia nền tảng launchpad trên multichain như Starship, Coinlist…