Top 5 dự án DePIN - Bài toán giải quyết vấn đề Web2
Tổng quan hệ sinh thái DePIN
Vào cuối năm 2023, DePIN đã trở thành một xu hướng đáng chú ý và là lựa chọn ưu tiên của nhiều quỹ đầu tư khi góp vốn. Đến năm 2024, sức hút của DePIN vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm, với mức vốn hóa tăng hơn 30%, từ 20 tỷ USD lên gần 30 tỷ USD.
Mặc dù vốn hóa của DePIN chưa thể sánh với các lĩnh vực như Lending/Borrowing hay Liquid Staking, nhưng các giao thức DePIN lại có đặc điểm là mô hình kinh doanh và tokenomics tương đối hiệu quả so với những dự án khác. Điều này đã được kiểm chứng khi vốn hoá luôn tăng đều bất kể bull market hay bear market.
Thậm chí, theo báo cáo của Messari, trong thời kỳ downtrend năm 2023, doanh thu của các dự án NFT, Dex và Layer 1 giảm từ 70% đến 90%, trong khi doanh thu của các dự án DePIN chỉ giảm từ 20% đến 60%.
Theo đó, để đánh giá và xếp loại những dự án DePIN, bài viết này sẽ dựa trên tiêu chí mô hình kinh doanh (flywheel) và tokenomics của nền tảng. Những nền tảng DePIN có mô hình bền vững, dài hạn, thì giá trị token có khả năng tăng trưởng tốt trong tương lai.
Ngoài ra, bài viết này cũng đề cập tới một số dự án có tiềm năng airdrop trong tương lai. Dưới đây là top 5 dự án DePIN trong bài viết:
- Helium.
- Filecoin.
- Bittensor.
- Arweave.
- Gradient Network.
Top 5 dự án DePIN nổi bật
Helium
Một trong những dự án DePIN lớn nhất thị trường crypto ở thời điểm hiện tại, Helium. Đây là dự án cho phép người dùng mua Hotspot để cung cấp dữ liệu 5G và nhận token HNT như một phần thưởng.
Mục đích của Helium là tạo nên một vùng phủ sóng 5G cho các thiết bị IoT (điện thoại, máy tính, TV…) với chi phí cơ sở hạ tầng thấp, thay vì chi hàng triệu USD cho việc xây dựng trạm phát sóng… Thậm chí theo đội ngũ dự án, Helium cũng hạn chế được những chi phí mua giấy phép băng tần đắt đỏ mà các nhà cung cấp mạng truyền thống phải trả, khi sử dụng LoRaWAN cho mạng IoT và băng tần CBRS cho 5G.
Không chỉ đã gây dựng được mạng lưới phủ sóng 5G với chi phí thấp, Helium cũng tạo sự chú ý trong cộng đồng crypto khi có mô hình kinh tế bền vững cho cả người dùng và dự án. Cụ thể như sau:
- Tại thời điểm ban đầu của dự án, người dùng bỏ ra 350 USD để mua Hotspot và nhận về 4.82 HNT, tương đương 33.5 USD. Theo đó, người mua hoàn vốn chỉ trong 10 ngày. Nhưng nếu càng nhiều người mua, số token HNT nhận về sẽ càng giảm. Và vào cuối năm 2021, người mua Hotspot chỉ nhận được 7.61 USD/ngày, mất 46 ngày hoàn vốn.
- Tuy nhiên, nếu người mua Hotspot càng nhiều, giá Hotspot sẽ càng giảm. Từ đây, cơ hội hoàn vốn cho người mua càng nhanh nếu token HNT tăng trưởng mạnh.
Để dễ hình dung, dưới đây là mô hình flywheel song song mà Helium đang sử dụng:
- Khi mạng lưới phát triển, nhà cung cấp sẽ cạnh tranh với nhau, giảm giá thành hotspot và hấp dẫn mọi người tham gia để mở rộng mạng lưới.
- Đồng thời, khi nhiều hotspot được mua, nguồn cung của token HNT giảm, từ đó tiếp tục thúc đẩy người dùng tham gia và mở rộng mạng lưới.
Tuy nhiên, nhược điểm flywheel của Helium đó là doanh thu của người dùng còn phụ thuộc vào giá trị token HNT. Nếu trong trường hợp thị trường giai đoạn downtrend, thì lợi nhuận của người dùng sẽ giảm mạnh và khả năng tăng trưởng của Helium sẽ bị hạn chế.
Tính đến nay, Helium đã triển khai hơn 1 triệu điểm phát sóng trên toàn cầu, hơn 200 quốc gia đã triển khai hotspot và hơn 900,000 thiết bị IoT kết nối. Nhìn chung, Helium thuộc một trong những dự án DePIN vẫn có tiềm năng phát triển, mô hình hoạt động ổn định.
Filecoin
Tương tự như Helium, Filecoin cũng là một trong những dự án DePIN đầu tiên tại thị trường crypto. Filecoin cho phép người dùng cho thuê không gian lưu trữ nhàn rỗi trên các thiết bị của bản thân. Theo đó, token FIL được coi là tiền tệ chính của Filecoin, khi người dùng sử dụng FIL để thuê bộ nhớ từ các bên khác.
Mô hình flywheel của Filecoin cũng tương đối đơn giản. Đầu tiên, Filecoin thúc đẩy các nhà cung cấp tham gia mạng lưới, nhiều người tham gia đồng nghĩa lượng lưu trữ tăng tên. Từ đây, người sử dụng cũng tăng theo, và dẫn đến việc token FIL được sử dụng rộng rãi, giá trị token tăng lên. Ngoài ra, trong mô hình của Filecoin, sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp lưu trữ cũng khiến giá thành giảm và người dùng tiếp tục tăng lên.
Tuy nhiên, nhược điểm của mô hình này vẫn là giá trị token FIL vẫn bị ảnh hưởng bởi biến động của thị trường. Nếu giá token giảm mạnh, động lực người cung cấp đi xuống và có thể khiến mạng lưới Filecoin suy giảm.
Ở thời điểm hiện tại, Filecoin đã thu hút hơn 4,000 người cung cấp không gian với hơn 17 EiB dung lượng. Để dễ hình dung, 17 EiB có thể lưu trữ hơn 340 triệu bộ phim HD dung lượng 50 GB. Nhìn chung, Filecoin cũng như Helium khi đã tạo dựng được một mạng lưới lớn mạnh với chi phí cơ sở hạ tầng thấp.
Bittensor
Sản phẩm DePIN kết hợp với A.I, Bittensor. Dự án cho phép nhà phát triển đóng góp các dữ liệu để xây dựng và đào tạo những A.I. Sau đó, những A.I này được bán cho các doanh nghiệp và người dùng có nhu cầu sử dụng.
Là một dự án ra đời sau so với Helium và Filecoin, Bittensor cũng đã cải tiến mô hình kinh doanh của bản thân. Theo đó, Bittensor bao gồm hai thực thể gồm:
- Validator: Là thực thể đảm nhận nhiệm vụ tới các miner, sau đó đánh giá đầu ra và chất lượng sản phẩm.
- Miner: Chịu trách nhiệm thực hiện các yêu cầu A.I từ người dùng, doanh nghiệp. Sau khi miner hoàn tất tác vụ, validator sẽ đánh giá mức độ hoàn thiện sản phẩm. Sản phẩm càng tốt, miner càng nhận thưởng nhiều TAO.
Từ đây, người dùng có thể thấy flywheel của Bittensor là tăng tính cạnh tranh của miner, đem lại sản phẩm AI tốt nhất. Từ đây mở rộng giá trị của mạng lưới Bittensor, thu hút thêm nhiều miner, người dùng tới mạng lưới và đồng thời tạo động lực tăng giá token TAO.
Thậm chí, token TAO của dự án có tổng cung hữu hạn khi chỉ giới hạn ở 21,000,000 token với phần thưởng của miner giảm một nửa mỗi 4 năm. Mô hình này tương đồng như mạng lưới Bitcoin.
Đọc thêm: Phân tích Bittensor (TAO) - Dự án AI được Grayscale đầu tư
Tuy nhiên, mô hình flywheel của Bittensor vẫn có nhược điểm là mô hình phụ thuộc vào khả năng đánh giá của validator khi đã có những trường hợp thiên vị từ nhóm thực thể này. Ngoài ra, chi phí tham gia mạng lưới Bittensor của các miner tương đối cao, khi dự án này yêu cầu người dùng đóng góp sức mạnh tính toán và thuật toán A.I.
Arweave
Ra mắt vào 2019, dự án DePIN Arweave tập trung vào việc cung cấp dịch vụ lưu trữ dữ liệu, tương tự như Filecoin. Điểm nổi bật của Arweave là người dùng chỉ cần thanh toán một lần duy nhất để lưu trữ dữ liệu vĩnh viễn.
Đến nay, Arweave đã lưu trữ hơn 170 TB dữ liệu từ 2 triệu người dùng, hơn 350,000 ví hoạt động.
Về flywheel của Arweave, dự án áp dụng mô hình tương đối đơn giản là người dùng sử dụng token AR để thanh toán một lần duy nhất và lưu trữ dữ liệu. Từ đây, nền tảng thúc đẩy số lượng người sử dụng dự án và mở rộng mạng lưới. Khi mạng lưới được mở rộng, token AR sẽ được sử dụng rộng rãi và động lực giá tăng cao.
Tuy nhiên, với việc flywheel đơn giản, nhược điểm của Arweave tương đối lớn khi phải phụ thuộc nhiều vào số lượng người dùng tham gia sử dụng dịch vụ.
Gradient Network
Sau sự thành công của dự án Grass, Gradient Network đã nổi lên như một dự án DePIN, cho phép mọi người dễ dàng tham gia và đóng góp tài nguyên máy tính. Cụ thể, Gradient Network yêu cầu người dùng cài đặt một tiện ích mở rộng trên máy tính. Nền tảng này sẽ tự động thu thập băng thông chưa sử dụng từ Internet của người dùng để hỗ trợ phát triển trí tuệ nhân tạo (AI).
Gradient Network vẫn còn khá mới và chưa phát hành token, do đó dự án chưa có mô hình flywheel rõ ràng. Tuy nhiên, với chi phí gia nhập thấp, người dùng có thể tham gia nền tảng để có cơ hội nhận airdrop trong tương lai. Ngoài ra, Gradient Network hiện đang nhận được sự hỗ trợ từ các quỹ đầu tư lớn như Pantera Capital và Multicoin Capital.
Đọc thêm: Cách săn airdrop Gradient Network