SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Ứng dụng của công nghệ Blockchain trong đời sống

Trong thời kỳ chuyển đổi số, blockchain được xem như “chìa khóa vàng”, mở ra các giải pháp hỗ trợ cá nhân và doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực như tài chính, bảo hiểm, y tế....
Avatar
linhnt
Published Aug 31 2021
Updated Nov 06 2023
13 min read
thumbnail

Tuy vậy, vẫn có nhiều quan điểm trái chiều về ứng dụng của blockchain trong đời sống. Vậy, công nghệ blockchain có những ứng dụng gì khác trong đời sống? Nó có những tiềm năng hay thách thức gì?

Ứng dụng của Blockchain

Theo VnExpress, nhiều quốc gia trên thế giới (bao gồm Việt Nam) đã nhận thức được tiềm năng phát triển của Blockchain và ứng dụng vào nhiều lĩnh vực, nổi bật có thể kể đến như: tài chính, quản lý chuỗi cung ứng, giáo dục, y tế, gaming…

ứng dụng của blockchain
Một số ứng dụng nổi bật của Blockchain trong cuộc sống

Ứng dụng blockchain trong hệ thống tài chính 

Mỗi ngày, hệ thống tài chính toàn cầu cung cấp dịch vụ cho hàng tỷ người dùng cùng hàng nghìn tỷ tiền mặt (theo khảo sát kinh tế toàn cầu Eurochambres 2023 (tại đây), hệ thống tài chính chiếm khoảng 70% tổng GDP thế giới).

Tuy vậy, việc có nhiều sự tham gia của các bên trung gian như kiểm toán, kế toán… đã khiến lĩnh vực này đối mặt với những thách thức gây ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm của người dùng, có thể kể đến như: chi phí cao, thời gian xử lý giao dịch chậm, thông tin cá nhân của người dùng bị truy cập của bên thứ ba… 

Vì vậy, tiềm năng sử dụng blockchain trong tài chính đã tăng lên, nhờ những lợi ích  mà nó mang lại so với mô hình thông thường. 

  • Tiết kiệm chi phí trong thanh toán: 

Áp dụng công nghệ blockchain, hoạt động thanh toán diễn ra nhanh và tiết kiệm chi phí hơn, đồng thời vẫn đảm bảo tính bảo mật nhờ loại bỏ bên trung gian. Trong bài nghiên cứu “Big-Crypto: Big Data, Blockchain and Cryptocurrency” năm 2008 (tại đây), công nghệ blockchain có thể làm giảm 30% chi phí trong quy trình giao dịch, tương đương 8 - 12 tỷ USD/năm so với mô hình tài chính tập trung. 

hsbc ứng dụng blockchain
Ngân hàng lớn nhất Hồng Kông - HSBC cho phép người dùng giao dịch Bitcoin và Ethereum
  •  Chuyển tiền và thanh toán quốc tế:

Blockchain giúp quy trình chuyển tiền giữa người dùng trở nên tin cậy hơn, nhằm hạn chế các vấn đề liên quan đến pháp lý như AML (Chống rửa tiền), tham nhũng… 

Cụ thể, giao dịch được thực hiện trên blockchain đều sử dụng hai loại khóa: private key public key. Trong khi public key đóng vai trò như địa chỉ ví và có thể được chia sẻ công khai để kiểm tra các thông tin liên quan như tài sản, số dư, giao dịch… thì private key cần được giữ bí mật để cung cấp quyền truy cập và sử dụng tài sản đó. Do đó, blockchain đảm bảo sự minh bạch và công khai của các giao dịch. 

Việc ứng dụng blockchain cũng giúp hoạt động chuyển tiền xuyên quốc gia được thực hiện một cách dễ dàng và tiết kiệm chi phí hơn. 

Ví dụ: Trang là người Việt Nam, có đơn vị tiền mặt là VND. Trang cần chuyển tiền đến người nhà ở Úc, có đơn vị tiền mặt AUD. 

Với mô hình truyền thống, Trang cần phải ra ngân hàng để đổi tiền từ VND sang AUD. Sau đó sử dụng dịch vụ của ngân hàng để thực hiện chuyển tiền xuyên quốc gia. Trong trường hợp này, thời gian chuyển tiền của Trang cần ít nhất 1 ngày để hoàn thành giao dịch, cùng chi phí dịch vụ đắt đỏ. Nếu sử dụng công nghệ blockchain, Trang có thể thực hiện các thao tác trên mà không cần nhờ đến ngân hàng, thay vào đó sử dụng ví blockchain như Coin98 Wallet, Metamask…

quy trình chuyển tiền áp dụng blockchain
Quy trình chuyển tiền xuyên quốc gia áp dụng blockchain
  • Hoạt động tín dụng: 

Hoạt động tín dụng trong mô hình truyền thống đối mặt với những bất cập như: quy trình xác định vốn vay rườm rà, khả năng xác thực thông tin vay yếu kém… Vì vậy, nếu xem xét áp dụng blockchain vào hoạt động tín dụng, hiệu quả có thể sẽ được tăng lên khi quy trình vay và cho vay trở nên đơn giản và nhanh chóng hơn. 

Tại Việt Nam, ngày 11/09/2020, ngân hàng BIDV thông báo ứng dụng blockchain trong hoạt động tín dụng giúp quy trình vay và cho vay dễ dàng hơn (nguồn: Vietnamplus). 

Blockchain trong quản lý chuỗi cung ứng

Hiện tại, lĩnh vực chuỗi cung ứng ngày càng trở nên phức tạp và có nhiều bên tham gia hơn, dẫn đến các trở ngại như: chi phí tốn kém, thời gian vận chuyển lâu, hạn chế việc truy xuất thông tin, nguồn gốc… 

Vấn đề trên càng rõ ràng hơn trong trường hợp vận chuyển hàng hoá quan trọng như dược phẩm, xa xỉ phẩm… xuyên quốc gia. 

dhl áp dụng blockchain
DHL - Tập đoàn vận chuyển logistic lớn sử dụng công nghệ Blockchain (Ảnh: DHL)

Do đó, việc ứng dụng công nghệ blockchain vào chuỗi cung ứng là giải pháp giúp khắc phục những trở ngại trên, cụ thể:

  • Dễ dàng truy xuất thông tin: Các giao dịch và thông tin quan trọng liên quan đến chi phí, nơi sản xuất, nhà cung cấp… đều được lưu trữ trên blockchain. Điều này giúp người tiêu dùng có thể toàn quyền kiểm tra và xác minh dữ liệu sản phẩm, hạn chế tình trạng kém chất lượng, chi phí bị thay đổi…
  • Tiết kiệm thời gian và chi phí vận hành: Blockchain cho phép cá nhân, tổ chức tạo và thực thi hợp đồng thông minh dễ dàng và nhanh chóng (mô hình truyền thống phụ thuộc vào bên thứ ba). Qua đó, giảm thiểu chi phí hoa hồng đối với bên trung gian và giúp quy trình vận chuyển được thực hiện nhanh hơn. 

Công nghệ Blockchain ứng dụng trong giáo dục

Sau đại dịch COVID-19, ngành giáo dục đã chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ, từ lớp học truyền thống cho đến lớp học trực tuyến. Blockchain đồng thời “song hành” với sự phát triển của giáo dục khi áp dụng thành công những ứng dụng:

  • Tối ưu quy trình giảng dạy: Áp dụng hợp đồng thông minh giúp giáo viên, giảng viên tự động hoá việc cung cấp tài liệu như bài giảng, video… đồng thời có thể theo dõi tiến độ học tập của học sinh. 
  • Đảm bảo hồ sơ học sinh: Tất cả dữ liệu của học sinh, sinh viên lưu trữ trên blockchain đều dựa trên công nghệ sổ cái phân tán, giúp người dùng dễ dàng xác thực và không thể thay đổi thông tin. 
  • Trao thưởng bằng NFT: Blockchain cho phép nhà trường, tổ chức phát hành chứng nhận, chứng chỉ dưới dạng NFT.
trao giải bằng nft
Top học sinh xuất sắc đạt giải tại các cuộc thi Toán quốc gia của Clevai nhận thưởng dưới dạng NFT (Ảnh: Dân trí)

Blockchain trong lĩnh vực y tế 

Ngành y tế đang đứng trước nhiều thách thức như quy trình khám chữa bệnh phức tạp, tốc độ xử lý hồ sơ mất nhiều thời gian… Trong đó, vấn đề lớn nhất mà lĩnh vực này phải đối mặt là rủi ro rò rỉ dữ liệu và hạn chế trong quy trình xác thực thông tin.

Công nghệ blockchain giúp nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh (nguồn bằng cách giải thiểu thời gian chờ và giảm thiểu chi phí khi ghi lại tất cả các giao dịch trong một hồ sơ phi tập trung (theo Sở Y Tế thành phố Hồ Chí Minh).

Một số ứng dụng tiềm năng của blockchain trong y tế có thể kể đến như: 

  • Dễ dàng quản lý hồ sơ bệnh án: Các thông tin y tế như lịch sử bệnh án, kết quả xét nghiệm, quá trình điều trị… đều có thể được ghi lại trên blockchain, giúp tối ưu quy trình chia sẻ thông tin giữa bệnh viện và bệnh nhân.
  • Xác thực thông tin: Blockchain giúp quy trình xác thực thông tin bệnh nhân, thành phần, nguồn gốc của thuốc, nhân viên y tế… trở nên chính xác hơn, dữ liệu được lưu trữ sẽ không thể bị thay đổi hay xóa bỏ. Điều này giảm thiểu các vấn đề về thuốc giả, giả mạo danh tính hay truy cập trái phép vào hồ sơ y tế. 
y tế áp dụng blockchain
Quy trình lưu trữ dữ liệu y tế cơ bản trên blockchain (Nguồn: ResearchGate)

Ví dụ: 

  • Đối với mô hình truyền thống:

Alice khám bệnh tại cơ sở A, nên hồ sơ bệnh án sẽ được lưu tại bệnh viện A. Nếu Alice khám bệnh tại bệnh viện B, bệnh viện này không thể tự truy cập vào hồ sơ của Alice ở bệnh viện trước. Từ đó sẽ khiến Alice mất nhiều thời gian trong việc chuyển tiếp hồ sơ hoặc những chẩn đoán của bác sĩ ở hai bệnh viện có thể bị sai lệch.

  • Khi áp dụng blockchain: 

Trong trường hợp Alice cho phép, bác sĩ ở bất kỳ bệnh viện nào cũng có thể truy cập hồ sơ bệnh án của Alice. Mọi truy cập đều được ghi lại, đảm bảo tính bảo mật và minh bạch. Đồng thời, các thông tin sẽ không thể bị sửa đổi bởi bất kỳ cá nhân, tổ chức và được lưu trữ vĩnh viễn. 

Áp dụng Blockchain trong Gaming

Ngành công nghiệp game hầu hết dựa trên mô hình mạng tập trung truyền thống với một máy chủ và nhiều máy con. Vì vậy, một số sự cố xảy ra như đường truyền, máy chủ bị tấn công… có thể dẫn đến mất dữ liệu của người chơi, mặc dù đây là ngành công nghiệp đang chứng kiến sự phát triển (theo Vneconomy: Việt Nam thuộc top 10 quốc gia đứng đầu trên toàn cầu về lượt tải game). 
Tuy nhiên, công nghệ của blockchain có thể giải quyết được vấn đề trên thông qua:

  • Mô hình phi tập trung: Loại bỏ bên trung gian, cho phép người chơi toàn quyền kiểm soát dữ liệu của mình.
  • Lưu trữ trên blockchain: Cho phép người dùng có thể theo dõi các giao dịch và tài sản của mình một cách dễ dàng và minh bạch. 

Bên cạnh đó, với blockchain, người dùng cũng có thể kiếm được lợi nhuận thực tế bằng cách mua, bán, giao dịch tài sản trong game theo mô hình Play to Earn

dự án game áp dụng blockchain
Các dự án game áp dụng blockchain như Assemble, Mytheria…

Cơ hội và thách thức khi ứng dụng công nghệ Blockchain

Công nghệ blockchain không chỉ mang đến những cơ hội tiềm năng cho các lĩnh vực trên toàn cầu mà còn đối mặt với những thách thức đáng kể. 

Cơ hội khi ứng dụng Blockchain

Với tính minh bạch và công khai, blockchain mở ra cơ hội để mang đến môi trường giao dịch xuyên suốt, nơi tất cả mọi người đều có thể xem và kiểm tra thông tin. 

Đồng thời, blockchain giúp giảm thiểu thời gian và chi phí xử lý giao dịch, khi các bên tham gia có thể giao dịch trực tiếp và tự động với nhau mà không cần đến sự can thiệp của bên thứ ba.

Bên cạnh các lĩnh vực nêu trên, công nghệ blockchain còn nhiều tiềm năng để khai thác và tận dụng đối với những ngành công nghiệp khác nhau từ bảo hiểm, giải trí, bất động sản… 

tiềm năng blockchain
Biểu đồ dự báo tốc độ tăng trưởng khi ứng dụng công nghệ blockchain trên toàn cầu (Nguồn: GrandViewResearch)

Thách thức khi ứng dụng Blockchain

Tới thời điểm hiện tại, blockchain vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như hành lang pháp lý, quyền riêng tư và vấn đề mở rộng. 

  • Hành lang pháp lý: Vì blockchain là một công nghệ mới và đang trong quá trình phát triển, nên vẫn chưa được nhiều quốc gia công nhận tính hợp pháp của nó. Đồng thời, nhiều chính phủ chưa có những quy định cụ thể để bảo vệ người tham gia thị trường crypto trong trường hợp bị tin tặc (hacker) tấn công tài sản. 
  • Vấn đề về quyền riêng tư: Mặc dù blockchain đem lại tính minh bạch, nhưng đồng thời cũng khiến người dùng lo ngại về quyền riêng tư khi các thông tin đều được lưu trữ công khai và không thể thay đổi.
  • Vấn đề về mở rộng: So với nền tảng giao dịch truyền thống, khả năng mở rộng của blockchain hiện tại vẫn khá hạn chế. Cụ thể, trong khi Visa có khả năng thực hiện 24,000 giao dịch trên giây thì BNB Chain đạt mức 2000 giao dịch hoặc Ethereum chỉ đạt mức 20 giao dịch.

Tóm lại, việc áp dụng công nghệ blockchain trong đời sống là giải pháp tiềm năng giúp doanh nghiệp giải quyết các vấn đề còn tồn đọng. Tuy nhiên thay vì áp dụng cứng nhắc, các doanh nghiệp nên linh hoạt trong quá trình chuyển đổi để có thể tận dụng tối đa lợi ích của blockchain. 

Đọc thêm Lịch sử blockchain: Quá trình hình thành và phát triển

RELEVANT SERIES