Cơ chế "Vote to Delist" trên Binance gây tranh cãi

Khảo sát ý kiến cộng đồng
Trong bối cảnh thị trường tiền mã hóa đối mặt nghi ngờ về tính minh bạch và nguy cơ thao túng, tháng 3/2025, sàn giao dịch Binance giới thiệu cơ chế "Vote to Delist" để trao cho cộng đồng quyền quyết định "số phận" các dự án kém hiệu quả.
Tuy nhiên, phân tích hai đợt bỏ phiếu đầu tiên cho thấy có sự khác biệt giữa lý thuyết và thực tế. Dù kêu gọi cộng đồng tham gia bỏ phiếu, Binance là người có tiếng nói quyết định sau cùng.
Ngoài ra, cơ chế bỏ phiếu được sàn cấu trúc và kiểm soát ở nhiều giai đoạn: token nào bị gắn thẻ, điều kiện bỏ phiếu, quy trình lọc phiếu. Một số ý kiến cho rằng động thái này của Binance giống hình thức khảo sát ý kiến hơn.
Theo đó, trong đợt 1, từ 21/3 đến 16/4/2025, 14 token sẽ bị hủy niêm yết dựa trên gần 104,000 phiếu từ hơn 24,000 người dùng. Kết quả Binance đưa ra sau đó cho thấy sự tương đồng: các token nhận được nhiều phiếu bầu hủy niêm yết nhất, như TROY, SNT, UFT, CTXC, HARD, PROS, đều nằm trong danh sách 14 token bị hủy niêm yết.

Có thể thấy trong nhiều trường hợp, ý kiến của cộng đồng - được thể hiện qua số phiếu bầu, có trọng lượng nhất định và có xu hướng trùng khớp với quyết định cuối cùng của Binance.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp khác biệt. Một số token có thứ hạng bỏ phiếu "delist" không cao, như NULS hay VIDT, vẫn nằm trong danh sách bị hủy niêm yết.
Đáng chú ý nhất là token FTT của sàn FTX đã phá sản nhận được số phiếu bầu hủy niêm yết rất cao với hơn 10,000 phiếu, xếp thứ 3 trong danh sách cần huỷ niêm yết. Tuy nhiên, FTT thoát khỏi "bảng phong thần" 14 token bị hủy niêm yết đợt này.

Ngày 10/4/2025, Binance công bố đợt "Vote to Delist" thứ hai, diễn ra từ 10/4 đến 16/4/2025 với danh sách 17 token bao gồm: ZEC, JASMY, FTT, STPT… Và FTT lại xuất hiện lần nữa.
Binance nói họ có quyền phủ quyết kết quả phiếu bầu dựa trên các “tiêu chí nội bộ”. Theo đó, lý do FTT không bị huỷ niêm yết có thể liên quan các yếu tố thanh khoản, vấn đề pháp lý phức tạp của FTX hoặc chiến lược khác. Tuy nhiên, cộng đồng đang muốn Binance làm rõ hơn "tiêu chí nội bộ" này.
Minh bạch hơn để được tin tưởng hơn
Ngoài ra, một số nhà đầu tư đánh giá rằng cơ chế bỏ phiếu mở có thể bị các nhóm có tổ chức hoặc bot thao lợi dụng.
Theo đó, một dự án tiềm năng nhưng thiếu cộng đồng đông đảo có thể trở thành nạn nhân của chiến dịch “tẩy chay” từ đối thủ, trong khi token kém hiệu quả lại tồn tại nhờ lượng holder đông đảo sẵn sàng bỏ phiếu duy trì. Điều này đi ngược mục tiêu ban đầu của “Vote to Delist” là lọc dự án kém chất lượng, đồng thời đặt ra thách thức về tính công bằng.

Xét dưới góc độ vận hành, “Vote to Delist” giúp Binance giải quyết hai vấn đề: Quản lý rủi ro từ hàng nghìn token niêm yết và giảm áp lực pháp lý bằng cách chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng. Thay vì đơn phương ra quyết định - vốn dễ gây tranh cãi, Binance chuyển giao một phần quy trình đánh giá cho người dùng, qua đó giảm thiểu thiệt hại uy tín nếu xảy ra sai sót.
Ngoài ra, động thái này cũng thể hiện chiến lược khôn ngoan của Binance. Trong bối cảnh cơ quan quản lý toàn cầu siết chặt hoạt động của sàn giao dịch, việc Binance khoác lên mình chiếc áo “hướng đến cộng đồng” giúp họ xây dựng hình ảnh tiến bộ, khác biệt so với đối thủ.
Điều này đặc biệt quan trọng khi Coinbase - đối thủ của Binance, cũng công khai thừa nhận những bất cập của mô hình niêm yết truyền thống và hướng tới cơ chế ra quyết định dựa trên đánh giá cộng đồng.
Nhìn về tương lai, hiệu quả và uy tín lâu dài của cơ chế "Vote to Delist" của Binance sẽ được nâng cao nếu sàn giao dịch nhất quán trong việc áp dụng các tiêu chí đánh giá và mức độ tôn trọng kết quả bỏ phiếu của cộng đồng.
Sự khác biệt trong ý kiến cộng đồng và quyết định của Binance - nếu được giải thích thỏa đáng, sẽ mở ra một giai đoạn mới trong đó cộng đồng được trao quyền mạnh mẽ.