Avalon Labs (AVAF): Giao thức vay và cho vay trên Bitcoin
Avalon Labs là gì?
Avalon Labs là dự án Lending/Borrowing thuộc hệ sinh thái Bitcoin. Theo đó, dự án cho phép người dùng trên Bitcoin Layer 2 như Babylon, Merlin… có thể thế chấp và vay nhiều loại tài sản khác nhau.
Mục tiêu của Avalon Labs là trở thành nơi cung cấp thanh khoản chính cho mọi mạng lưới Bitcoin Layer 2, đồng thời tăng thêm tính ứng dụng của BTC. Ngoài ra, Avalon Labs cũng thuộc một trong 35 dự án tham gia MVB (chương trình thúc đẩy phát triển hệ sinh thái BNB Chain và đầu tư vào các dự án tiềm năng) mùa 8 của Binance Labs.
Sản phẩm của Avalon Labs
Hiện tại, Avalon Labs phát triển 3 sản phẩm chính xoay quanh mảng Lending/Borrowing, bao gồm:
- Stablecoin USDa
- CeDeFi Lending
- Decentralized Lending
Stablecoin USDa
USDa là stablecoin của Avalon Labs được phát hành trên 8 mạng lưới gồm Ethereum, BNB Chain, Mantle, Base, Taiko, Zircuit, ZkSync và Klaytn. Theo đội ngũ, người dùng có thể nhận USDa thông qua hai cách thức:
- Quy đổi stablecoin USDT sang USDa tại pool USDT/USDa với tỷ lệ 1:1.
- Thế chấp token FBTC và vay USDa tương đương 60% giá trị thế chấp. Ví dụ nếu thế chấp 100 USD token FBTC, người dùng sẽ vay được tối đa 60 token USDa.
Với cơ chế trên, USDa là một trong những loại stablecoin CDP (Collateralized Debt Position) tương tự như DAI. Trong đó, giá trị của các stablecoin CDP phụ thuộc vào những loại tài sản thế chấp, mang lại ưu điểm về tính phi tập trung và minh bạch tương tự như dự án MakerDAO.
Tuy nhiên, nhược điểm của USDa là giá trị neo theo số lượng tài sản thế chấp. Trong trường hợp tài sản thế chấp (FBTC) giảm mạnh và có đà tăng trưởng thấp, USDa sẽ có nguy cơ depeg, ảnh hưởng tới toàn bộ hệ sinh thái.
CeDeFi Lending
CeDeFi Lending là sản phẩm vay và cho vay các loại tài sản stablecoin, kết hợp giữa mô hình tài chính truyền thống (CeFi) và tài chính phi tập trung (DeFi).
Nền tảng này cho phép người dùng thế chấp các loại tài sản để vay stablecoin với lãi suất ổn định từ 8% đến 10%, thay vì lãi suất biến động liên tục như các giao thức Lending/Borrowing thông thường. Sự ổn định này đạt được nhờ khả năng kiểm soát và quản lý chặt chẽ giá trị tài sản thế chấp và khoản vay, tránh sự ảnh hưởng từ những thay đổi thất thường trên thị trường.
Một điểm nổi bật khác của CeDeFi Lending là việc áp dụng thuật toán giao dịch tần suất cao (HFT). Thuật toán này cho phép hệ thống thực hiện hàng loạt giao dịch với tốc độ nhanh chóng và có số lượng lớn, giúp giảm thiểu trượt giá (slippage) trong quá trình vay và thanh lý tài sản thế chấp.
Ngoài ra, Avalon Labs hỗ trợ người dùng thực hiện các khoản vay hoặc cho vay với giá trị lớn, có thể lên đến hàng trăm triệu USD.
Nhìn chung, mục tiêu của CeDeFi Lending không chỉ là tối ưu hóa lãi suất mà còn tạo ra môi trường giao dịch an toàn, ổn định và hiệu quả, kết hợp những lợi ích từ cả CeFi và DeFi.
DeFi Lending
Đây là sản phẩm cho phép người dùng vay tài sản trên đa dạng mạng lưới, từ Bitcoin Layer 2 cho tới các Layer 1. Khác với CeDeFi Lending, ngoài stablecoin, DeFi Lending còn hỗ trợ nhiều loại tài sản khác nhau.
Ngoài ra, DeFi Lending hiện chia các loại tài sản thành ba loại gồm:
- BTC LSD pool: Nhóm tài sản liquid staking token của BTC, như pumpBTC, stBTC… Khi thế chấp BTC LSD, người dùng chỉ có thể vay các tài sản LST token của BTC.
- RWA Lending pool: Nhóm tài sản thuộc mảng RWA. Tương tự như BTC LSD, người dùng khi thế chấp token RWA chỉ có thể vay tài sản RWA.
- General Pool: Nhóm tài sản cho phép người dùng thế chấp sau đó vay mọi loại tài sản - từ LSD, RWA cho tới stablecoin.
Tỷ lệ phân bổ token AVAF
Hiện tại, đội ngũ Avalon Labs chỉ mới tiết lộ ticker và tỷ lệ phân bổ token. Các thông tin khác vẫn chưa được công bố.
- Community Incentive: 40%
- Airdrop: 20%
- Team: 10%
- Ecosystem & Treasury: 10%
- Seed Round 5.5%
- Initial Liquidity: 5%
- Advisor: 4.5%
- Private Round: 3%
- Public Round: 2%
Đội ngũ, nhà đầu tư và đối tác của Avalon Labs
Đội ngũ dự án
Đội ngũ đằng sau Avalon Labs hiện vẫn trong tình trạng ẩn danh. Bài viết sẽ cập nhật ngay khi có thông tin mới nhất.
Nhà đầu tư và đối tác
Avalon Labs đã trải qua hai vòng gọi vốn với số tiền 11.5 triệu USD, cụ thể như sau:
- Ngày 15/3/2024: Avalon Labs huy động thành công 1.5 triệu USD vòng Seed, với sự tham gia của SNZ Holdings, Spark Digital Capital, Matrixport…
- Ngày 23/12/2024: Avalon Labs gọi vốn vòng Series A với 10 triệu USD, do Framework Ventures dẫn đầu. Ngoài ra, vòng gọi vốn này còn có những quỹ như Kenetic Capital, SNZ Holdings, Marblex… tham gia.
Các đối tác chiến lược của Avalon Labs bao gồm những dự án nổi tiếng trong thị trường, như Core, ZetaChain, Babylon…
Một số dự án tương tự
- Huma Finance: Dự án Lending/Borrowing cho phép người dùng vay tín chấp tiền mã hoá dựa trên doanh thu ngoài đời thực của bản thân.
- Suilend: Dự án Lending/Borrowing trên hệ sinh thái Sui với mục tiêu trở thành người dẫn đầu mảng này trên mạng Sui.