Depeg là gì? Nguyên nhân và hậu quả khi Stablecoin mất Peg
Depeg là gì?
Depeg là hiện tượng khi một đồng stablecoin mất đi sự ổn định và không còn duy trì được giá trị cố định so với một tài sản tham chiếu, thường là một loại tiền tệ fiat như USD.
Ví dụ, stablecoin Tether (USDT) được thiết kế để luôn có giá trị bằng 1 USD, nhưng giá trị của nó giảm xuống còn 0.90 USD hoặc tăng lên 1.10 USD, điều này được gọi là depeg.
Khái niệm depeg quan trọng trong thị trường tiền mã hóa vì nó phá vỡ sự ổn định mà stablecoin hứa hẹn mang lại. Stablecoin được coi là một nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư tiền mã hóa, giúp họ bảo vệ giá trị tài sản của mình khỏi sự biến động mạnh của thị trường crypto. Khi một stablecoin bị depeg, điều này có thể dẫn đến mất mát tài sản và gây ra sự hoảng loạn trên thị trường.
Công thức tính depeg thường được sử dụng để định lượng mức độ mất peg của một stablecoin. Công thức tính depeg như sau:
Depeg = (Giá tham chiếu/Giá hiện tại của stablecoin) × 100% − 100%
- Giá hiện tại của stablecoin: Giá thị trường hiện tại của stablecoin mà bạn đang đánh giá.
- Giá tham chiếu: Giá trị mà stablecoin được thiết kế để duy trì, thường là 1 USD đối với các stablecoin gắn với đồng đô la Mỹ.
Nếu giá hiện tại của một stablecoin là 0.95 USD và giá tham chiếu là 1 USD:
Depeg = (0.95/1.00) × 100% − 100% = 5%
Trong ví dụ này, mức độ depeg là -5%, nghĩa là stablecoin đã mất 5% giá trị so với giá trị tham chiếu của nó.
- Depeg = 0%: Stablecoin đang duy trì giá trị hoàn toàn ổn định so với giá tham chiếu (1:1).
- Depeg âm (-): Stablecoin đang giao dịch dưới mức giá tham chiếu, nghĩa là nó đã mất peg và giá trị của nó thấp hơn giá trị dự định.
- Depeg dương (+): Stablecoin đang giao dịch trên mức giá tham chiếu, điều này có thể xảy ra trong những tình huống đặc biệt nhưng thường không mong muốn vì nó cho thấy một sự mất cân đối trong cơ chế hoạt động.
Nguyên nhân tiền mã hóa Depeg và hậu quả của Depeg
Trong thị trường tiền tệ, quy luật cung cầu là yếu tố then chốt quyết định giá trị của bất kỳ loại tiền tệ nào, bao gồm cả tiền điện tử.
Mất peg có thể xảy ra vì nhiều lý do, trong đó điều kiện thị trường là nguyên nhân phổ biến nhất. Khi nhu cầu đối với một stablecoin tăng hoặc giảm đột ngột, đặc biệt trong trường hợp thanh khoản không đủ để đáp ứng các lệnh giao dịch, stablecoin có thể mất peg.
Ngoài ra, các yếu tố như sự can thiệp của cơ quan quản lý, lỗi trong mã code của stablecoin, hay tình trạng tắc nghẽn mạng lưới cũng có thể gây ra mất peg.
Từ góc độ người dùng, mất peg xảy ra khi niềm tin vào một stablecoin giảm mạnh. Khi niềm tin này lung lay, người dùng có xu hướng bán tháo tài sản, khiến giá trị của stablecoin đó giảm.
Mỗi loại stablecoin có cơ chế hoạt động, quy mô thị trường và các biện pháp chống mất peg khác nhau, do đó, mức độ biến động cần thiết để gây ra mất peg cũng khác nhau tùy thuộc vào từng loại tiền.
Nguyên tắc chung là: stablecoin có vốn hóa thị trường lớn và được sử dụng rộng rãi hơn thì ít bị ảnh hưởng bởi biến động thị trường và do đó, ít có nguy cơ mất peg hơn.
Depeg trong Collateralized Stablecoin - Stablecoin được bảo chứng
Stablecoin được bảo chứng là những đồng tiền điện tử được hỗ trợ bởi tài sản thực, chẳng hạn như đô la Mỹ hoặc các tài sản có giá trị tương đương như trái phiếu Chính phủ. Ví dụ, mỗi đồng USDC phát hành ra thị trường phải được đảm bảo bằng tiền mặt thực tế hoặc trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ ngắn hạn.
Giá trị của USDC, cũng như các stablecoin được bảo chứng khác, phụ thuộc hoàn toàn vào niềm tin của thị trường rằng mỗi token thực sự được bảo chứng bởi 1 USD hoặc tài sản tương đương. Thậm chí, ngay cả khi có vốn hóa lớn trong top đầu của thị trường crypto và được bảo chứng đầy đủ, thì những stablecoin như USDT hay USDC cũng không miễn nhiễm với rủi ro mất peg.
Trong đó, niềm tin có sức ảnh hưởng được thể hiện rõ nét nhất trong ví dụ điển hình của Tether (USDT). Khi nhiều nghi ngờ được đặt ra về việc Tether không giữ đủ dự trữ để hỗ trợ toàn bộ số USDT đang lưu hành, điều này đã dẫn đến việc USDT mất peg tạm thời vào tháng 10/2018, với giá giảm xuống dưới 0.92 USD.
Vào ngày 10/3/2023, Circle, nhà phát hành USDC, đã thông báo rằng USDC đã mất peg với đồng đô la Mỹ. Nguyên nhân là do khoảng 3.3 tỷ USD trong tổng số 40 tỷ USD dự trữ của USDC bị mắc kẹt tại Silicon Valley Bank, một ngân hàng lớn thứ 16 tại Hoa Kỳ, vốn đã sụp đổ cùng ngày.
Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank, một trong những vụ phá sản ngân hàng lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, đã gây ra một cú sốc lớn đối với thị trường tài chính, và hậu quả là USDC mất peg tạm thời với đồng USD.
Do tầm ảnh hưởng lớn của USDC trong hệ sinh thái stablecoin, việc mất peg của USDC đã kéo theo sự mất peg của một số stablecoin khác trên thị trường.
Đọc thêm: Silicon Valley Bank (SVB) là gì? Hậu quả đối với start-up khi SVB phá sản.
Depeg trong Algorithmic Stablecoin - Stablecoin thuật toán
Stablecoin thuật toán có cơ chế hoạt động đặc biệt, khác với các stablecoin được bảo chứng bởi tài sản thực. Thay vì dựa vào một kho dự trữ tài sản, stablecoin thuật toán sử dụng các thuật toán tự động để duy trì giá trị của mình. Các thuật toán này điều chỉnh nguồn cung của token nhằm giữ giá ổn định; ví dụ, nếu giá bắt đầu giảm, hệ thống có thể mua lại một số lượng token để giảm cung và đẩy giá lên.
Tuy nhiên, cơ chế này chỉ hiệu quả khi thị trường tin tưởng vào khả năng kiểm soát của thuật toán. Nếu niềm tin của thị trường lung lay hoặc nếu nhu cầu đối với stablecoin giảm đột ngột, hệ thống có thể không thể kiểm soát được tình hình, dẫn đến hiện tượng bán tháo quy mô lớn và mất peg.
Một ví dụ điển hình về sự sụp đổ của stablecoin thuật toán là sự kiện xảy ra với Iron Finance vào tháng 6 năm 2021. Trong vòng chưa đầy 24 giờ, giá trị của token TITAN, vốn được sử dụng để duy trì giá trị của stablecoin IRON, đã giảm từ khoảng 65 USD xuống gần như bằng 0. Điều này dẫn đến việc IRON mất peg hoàn toàn và gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho các nhà đầu tư. Sự sụp đổ của Iron Finance đã làm rõ những rủi ro tiềm ẩn trong cơ chế hoạt động của stablecoin thuật toán.
Sự kiện này, cùng với những sự cố tương tự, nhấn mạnh tầm quan trọng của tính minh bạch và sự ổn định trong cơ chế vận hành của stablecoin, dù chúng được bảo chứng bằng tài sản thực hay dựa vào các thuật toán tự động. Việc thiếu niềm tin hoặc bất kỳ sai sót nào trong hệ thống đều có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, gây tổn thất lớn cho nhà đầu tư và làm suy yếu niềm tin vào toàn bộ hệ sinh thái tiền điện tử.
Tại sao cùng gắn peg 1 USD nhưng hoán đổi 1 USDT không nhận lại 1 USDC hoặc ngược lại?
Việc không thể hoán đổi trực tiếp 1 USDT lấy 1 USDC (hoặc ngược lại) với tỷ lệ 1:1, mặc dù cả hai đều được gắn peg với 1 USD, là do một số lý do sau:
Khác biệt về cơ chế bảo chứng và tỷ lệ dự trữ của Stablecoin
USDT và USDC đều là stablecoin được bảo chứng, nhưng cơ chế bảo chứng và sự minh bạch của chúng khác nhau. USDC được bảo chứng hoàn toàn bằng tiền mặt và các tài sản có tính thanh khoản cao như trái phiếu ngắn hạn của Mỹ, và Circle – công ty phát hành USDC – thường xuyên cung cấp báo cáo kiểm toán độc lập để đảm bảo sự minh bạch.
Trong khi đó, Tether, công ty phát hành USDT, cũng tuyên bố rằng USDT được bảo chứng bằng tài sản, nhưng có thời điểm Tether bị chỉ trích về việc thiếu minh bạch và việc dự trữ của họ bao gồm các loại tài sản khác nhau, không chỉ riêng tiền mặt.
Sự khác biệt này khiến nhà đầu tư có thể đánh giá giá trị của USDT và USDC khác nhau, dẫn đến việc không thể hoán đổi chúng trực tiếp với tỷ lệ 1:1.
Thanh khoản và chi phí giao dịch
Thanh khoản của USDT và USDC có thể khác nhau trên các sàn giao dịch phi tập trung và sàn giao dịch tập trung. Điều này có nghĩa là mức cung cầu giữa hai loại stablecoin này có thể không hoàn toàn tương đồng, dẫn đến việc hoán đổi giữa chúng có thể bị chênh lệch giá.
Ngoài ra, chi phí giao dịch, phí chuyển đổi và mức độ phổ biến của USDT và USDC trên các sàn giao dịch cũng có thể khác nhau, góp phần làm cho tỷ lệ hoán đổi không đồng nhất.
Ví dụ về Depeg trong thị trường Crypto
Sự sụp đổ của stablecoin thuật toán TerraUSD (UST) và hậu quả lên toàn bộ thị trường crypto
Một trong những sự kiện nổi bật nhất về depeg trong thế giới tiền mã hóa là sự sụp đổ của TerraUSD (UST) vào tháng 5/2022. UST là stablecoin thuật toán, được thiết kế để duy trì giá trị cố định 1:1 với USD thông qua cơ chế cân bằng giữa UST và một đồng tiền khác là LUNA.
Vào đầu tháng 5/2022, UST bắt đầu mất peg và đến ngày 9/5/2022, giá trị của UST đã giảm xuống khoảng 0.92 USD. Đến ngày 13/5/2022, giá UST chỉ còn khoảng 0.10 USD.
Đồng LUNA, vốn đóng vai trò hỗ trợ cơ chế ổn định giá của UST, cũng chịu sự liên đới nặng nề. Trước sự kiện, giá LUNA dao động ở mức khoảng 80-85 USD. Khi UST mất peg, giá của LUNA giảm nhanh chóng và gần như về mức 0 trong vòng vài ngày. Vào ngày 12/5/2022, giá LUNA đã giảm xuống dưới 0.01 USD.
Trước khi mất peg, vốn hóa thị trường của UST đạt khoảng 18 tỷ USD. Tuy nhiên, sau sự kiện mất peg, vốn hóa thị trường của UST gần như bị xóa sổ khi giá trị của nó giảm xuống chỉ còn vài cent.
LUNA từng là một trong những đồng tiền mã hóa lớn nhất theo vốn hóa thị trường, đạt đỉnh điểm khoảng 40 tỷ USD vào đầu tháng 4/2022. Sau sự kiện mất peg của UST, vốn hóa thị trường của LUNA giảm xuống dưới 1 tỷ USD và tiếp tục giảm mạnh khi giá LUNA gần như trở về 0.
Trước khi UST mất peg, tổng vốn hóa thị trường tiền mã hóa vào khoảng 1.8 nghìn tỷ USD. Sau sự kiện này, tổng vốn hóa thị trường mất hơn 400 tỷ USD trong vòng một tuần, xuống mức khoảng 1.4 nghìn tỷ USD.
Giá Bitcoin, đồng tiền mã hóa lớn nhất theo vốn hóa thị trường, đã giảm từ khoảng 39,000 USD xuống dưới 30,000 USD. Tương tự, giá Ethereum cũng giảm từ khoảng 2,900 USD xuống dưới 2,000 USD trong cùng khoảng thời gian.
Hệ sinh thái Terra, vốn bao gồm nhiều dự án DeFi hoạt động dựa trên UST và LUNA, đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều dự án đã mất phần lớn thanh khoản và phải ngừng hoạt động hoặc chuyển sang các nền tảng khác. Các giao thức như Anchor Protocol, vốn dựa vào UST để cung cấp lãi suất cao cho người gửi tiền, đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh về giá trị tài sản bị khóa (TVL).
Hàng nghìn nhà đầu tư, bao gồm cả các nhà đầu tư nhỏ lẻ và các quỹ đầu tư, đã mất phần lớn hoặc toàn bộ số tiền họ đầu tư vào UST và LUNA. Nhiều người trong số họ đã phải đối mặt với tình trạng phá sản cá nhân hoặc thiệt hại nghiêm trọng về tài chính.
Một số quỹ đầu tư mạo hiểm lớn cũng bị ảnh hưởng nặng nề với tổng số tiền thiệt hại lên đến hàng trăm triệu USD.
Tether (USDT) và các lần mất peg trong lịch sử
Tether (USDT) được xem là stablecoin lớn nhất theo vốn hóa thị trường và được sử dụng rộng rãi trong các giao dịch tiền mã hóa. Tuy nhiên, đã có những thời điểm trong quá khứ khi USDT mất peg và giá trị giảm xuống dưới 1 USD.
Tháng 4/2017: Giá trị USDT giảm xuống còn khoảng 0.96 USD. Nguyên nhân do các lo ngại về khả năng thanh khoản và dự trữ của Tether, cùng với sự gia tăng đột biến của nhu cầu Bitcoin trong thời kỳ thị trường bùng nổ.
Tháng 10/2018: USDT giảm xuống mức thấp nhất là khoảng 0.92 USD. Lo ngại về tính minh bạch của Tether và sự ra mắt của các stablecoin cạnh tranh như USD Coin (USDC) đã dẫn đến sự bán tháo USDT.
Tháng 3/2020: Trong giai đoạn hoảng loạn tài chính do đại dịch COVID-19, USDT tạm thời mất peg và giảm xuống còn khoảng 0.99 USD.
Tháng 5/2021: USDT giảm xuống dưới mức 0.995 USD trong một khoảng thời gian ngắn. Biến động thị trường do sự gia tăng nhanh chóng của các giao dịch tiền mã hóa và các sự kiện pháp lý liên quan đến Tether.
Trong đó, lần mất peg vào tháng 10/2018 mang đến ảnh hưởng nặng nề nhất đối với Tether và thị trường tiền mã hóa nói chung.
Nguyên nhân chính được cho rằng liên quan đến các lo ngại về tính minh bạch của Tether, đặc biệt là các báo cáo không rõ ràng về dự trữ tài sản của công ty và sự thiếu hụt thông tin về khả năng thanh khoản. Ngoài ra, sự ra mắt của các stablecoin cạnh tranh như USD Coin (USDC) và Gemini Dollar (GUSD) cũng góp phần vào áp lực bán USDT.
Trước sự kiện mất peg, Tether có vốn hóa thị trường khoảng 2.8 tỷ USD. Sau sự kiện, vốn hóa thị trường của Tether giảm xuống khoảng 2.2 tỷ USD do nhiều nhà đầu tư chuyển đổi USDT sang các tài sản khác.
Giá Bitcoin, vốn dao động ở mức khoảng 6,300 USD trước sự kiện, đã tăng lên hơn 6,700 USD trên một số sàn giao dịch vào ngày 15/10/2018. Nguyên nhân là do nhiều nhà đầu tư chuyển đổi USDT sang BTC như một biện pháp an toàn.
Sự kiện này đã thu hút sự chú ý của các cơ quan quản lý tài chính trên toàn thế giới. Tether bị yêu cầu cung cấp thêm thông tin về dự trữ tài sản của mình và các cuộc kiểm toán độc lập sau đó đã được tiến hành để đảm bảo rằng Tether thực sự có đủ dự trữ để hỗ trợ cho USDT.
Iron Finance (IRON) và cuộc khủng hoảng "Bank Run"
Iron Finance (IRON) - dự án DeFi phát triển sản phẩm stablecoin, từng là một phần của hệ sinh thái Binance Smart Chain. Sự kiện mất peg của IRON vào tháng 6/2021 đã gây ra một cuộc khủng hoảng "bank run" lớn, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho dự án và toàn bộ thị trường crypto.
IRON là stablecoin thuật toán được thiết kế để duy trì giá trị 1:1 với USD. IRON được hỗ trợ bởi hai loại tài sản – một phần là USDC và phần còn lại là TITAN. Người dùng có thể đúc (mint) IRON bằng cách gửi USDC và TITAN vào hệ thống.
Khi giá trị của IRON lệch khỏi mức 1 USD, người dùng có thể tận dụng cơ hội này để kiếm lời. Nếu IRON có giá trị dưới 1 USD, người dùng có thể mua IRON và đổi lấy USDC và TITAN, tạo ra một lực mua để đưa giá IRON trở lại 1 USD.
Vào tháng 6/2021, giá của TITAN bắt đầu giảm mạnh do áp lực bán đột ngột, từ mức đỉnh khoảng 65 USD, giảm xuống gần như bằng 0 chỉ trong vòng vài giờ. Khi giá TITAN giảm, tài sản thế chấp cho IRON bị suy yếu, dẫn đến việc giá IRON bắt đầu giảm xuống dưới 1 USD.
Sự sụt giảm giá trị của TITAN gây ra hoảng loạn trong cộng đồng, dẫn đến một cuộc "bank run" – người dùng ồ ạt đổi IRON để lấy lại USDC và TITAN, gây ra áp lực bán mạnh mẽ hơn trên cả hai tài sản.
Khi cuộc bank run diễn ra, giá của IRON tiếp tục giảm mạnh, xuống dưới 0.75 USD và thậm chí thấp hơn nữa, làm cho cơ chế ổn định giá của nó hoàn toàn sụp đổ.
Trước sự kiện, vốn hóa thị trường của TITAN đạt hơn 2 tỷ USD. Tuy nhiên, sự sụp đổ của TITAN đã làm bốc hơi toàn bộ vốn hóa thị trường này chỉ trong vòng một ngày, gây ra thiệt hại nặng nề cho các nhà đầu tư.
Sự kiện của IRON cho thấy rằng các stablecoin thuật toán, mặc dù sáng tạo, vẫn có những điểm yếu nghiêm trọng, đặc biệt là khi đối mặt với các cuộc tấn công hoặc hoảng loạn trên thị trường.