Axie Infinity hậu x100: Nguyên nhân điều chỉnh, giải pháp phát triển
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những vấn đề chính dẫn tới tình hình hoạt động kém của Axie Infinity hiện tại và giải pháp cũng như hướng phát triển trong tương lai của Axie Infinity.
Tóm tắt nhanh:
- Revenue của Axie Infinity giảm xuống còn 28M triệu USD trong Q1 và có xu hướng giảm tiếp trong Q2/2022.
- Thiết kế mô hình của Axie Infinity bắt đầu bộc lộ khuyết điểm khi thị trường đi vào giai đoạn bão hòa và bắt đầu có nhiều sự cạnh tranh hơn.
- Gameplay và model P2E mới, đề cao những người chơi tích cực có thể là giải pháp để mạng Axie Infinity trở lại vị trí dự án GameFi hàng đầu.
Tình hình hoạt động hiện tại của Axie Infinity
Play to Earn hay P2E đã từng là một “hot trend” trên thị trường crypto năm 2021, kết hợp DeFi và giải trí để tạo ra một thể loại ứng dụng mới cho phép người chơi kiếm tiền bằng cách chơi game. Trong bối cảnh đó, Axie Infinity là dự án dẫn đầu xu hướng P2E. Thực tế ở Philippines, một số người đã kiếm sống bằng cách chơi Axie Infinity.
Lối chơi của Axie Infinity xoay quanh các sinh vật gọi là Axie. Trong game, người chơi sẽ thu thập và nuôi dưỡng, nhân giống, mua bán và chiến đấu. Gameplay của Axie là dạng tấn công theo lượt bằng thẻ bài, với mục tiêu là hạ gục đối phương bằng các Axie của mình.
Mỗi Axie có những đặc điểm riêng để xác định độ hiếm và các thuộc tính của các chúng. Nhìn chung, Axie càng hiếm thì được giao dịch với giá càng cao. Ở phiên bản đầu tiên, người chơi bắt buộc phải có tối thiểu 3 axie để chơi game.
Đầu năm 2021, Community Treasury đã hoạt động, nó sẽ bắt đầu nhận được doanh thu do Axie Infinity tạo ra. Community Treasury cuối cùng sẽ được quản lý bởi các AXS stakers.
- Marketplace fee (4.5%): Giao dịch trên Axie marketplace sẽ bị tính phí 4.5%.
- Một phần breeding fee: Khi nhân giống Axie (breeding Axie), bạn sẽ cần 1 lượng AXS token & SLP token. Lượng SLP token được burn khỏi lưu thông. Lượng AXS token thì được chuyển Community Treasury.
Thời kỳ đỉnh cao, Treasury của Axie thu về 15 đến 16 triệu USD mỗi ngày. Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2022, revenue của Axie sụt giảm mạnh một cách rõ rệt, rơi vào tầm 28 triệu USD trong Q1/2022 & tiếp tục giảm mạnh trong Q2/2022. Điều gì đang xảy ra với Axie Infinity?
Nguyên nhân dẫn đến tình hình hoạt động kém của Axie Infinity
Theo ý kiến cá nhân, tình hình hiện tại của Axie Infinity là do một số vấn đề chính sau đây:
- Hạn chế của mô hình P2E 1.0.
- Gameplay không hấp dẫn, nhiều người xem nó là phương tiện đầu tư thay vì một trò chơi thuần túy.
- Sự cạnh tranh của của các dự án P2E khác.
Hạn chế chung của mô hình P2E 1.0
Trong thiết kế đầu tiên của Axie Infinity, người chơi muốn “play” để “earn” thì trước tiên họ phải “pay” trước. Cụ thể, người chơi buộc phải mua tối thiểu 3 con Axie để chơi game.
Như dưới hình, nguồn cung mới của Axie mới được tạo ra bằng cách trả một khoản phí dưới dạng SLP token và AXS token để nhân giống 2 Axies lại với nhau. Ở giai đoạn mở rộng mạnh, số lượng người chơi mới gia nhập network tăng đột biến, demand cho Axie tăng mạnh trên thị trường thứ cấp, demand lớn hơn supply dẫn tới việc giá Axie tăng giá trên thị trường thứ cấp.
Giá Axie tăng mạnh khiến ROI của việc nhân giống Axie rồi bán trên NFT marketplace tăng theo và kích cầu người chơi tích cực hơn trong việc nhân giống Axie, việc nhân giống Axie lại cần AXS token và SLP token, điều này gián tiếp tăng demand cho AXS và SLP token trên thị trường thứ cấp và khiến cho chi phí tối thiểu của việc tạo ra một Axie mới tăng cao hơn.
Đây là một positive feedback loop cho Axie Infinity trong giai đoạn mở rộng. Đại khái, giai đoạn đầu (giai đoạn siêu mở rộng) của mô hình P2E 1.0 được miêu tả bằng Phase 1 dưới đây: Supply, demand, giá đều tăng.
Ở giai đoạn tiếp theo, nguồn cung Axie quá nhiều và lạm phát reward token (SLP) vẫn tăng mạnh trong khi lượng người mua không còn nhiều. Vấn đề với mô hình của Axie Infinity là demand cần tăng theo cấp số nhân vì supply tăng theo cấp số nhân. Ngay cả khi demand của người dùng không đổi, bởi vì supply Axie & SLP đang tăng lên theo cấp số nhân, giá chắc chắn sẽ giảm. Một khi giá tiếp tục giảm mạnh, thị trường rơi vào tình trạng bão hòa thì các vấn đề sẽ trở nên trầm trọng hơn.
Yếu tố chất lượng trò chơi
Ở web2, một số trò chơi “fee to play” hoặc “pay to play” vẫn ăn nên làm ra vì họ chăm chút tới chất lượng của game và trải nghiệm chơi game. Vì đây là yếu tố chính quyết định người dùng có quyết định chơi hoặc trả tiền để chơi game hay không.
Trong khi ở môi trường web3, thiết kế P2E 1.0 lại đề cao các yếu tố kinh tế hơn chất lượng game và trải nghiệm chơi game.
Ở mức độ nào đó, gần như động cơ chơi game của người chơi hoàn toàn được thúc đẩy bởi việc theo đuổi lợi nhuận. Vấn đề đặt ra về chất lượng trong các trò chơi P2E nói chung: “Trò chơi thực sự hay là phương tiện đầu tư ngụy trang?”.
Ở khía cạnh cá nhân, mình không phải là người thích lối chơi theo lượt của Axie Infinity. Còn bạn thì sao, nếu Axie Infinity dần đánh mất phần “earn” trong mô hình “P2E”, yếu tố “game” của Axie Infinity có đủ thu hút bạn vào hệ sinh thái này không?
Sự cạnh tranh từ các dự án P2E khác
Như mình đã trình bày ở trên, các thiết kế P2E 1.0 đề cao các yếu tố kinh tế hơn chất lượng game và trải nghiệm chơi game. Điều này gây ra hệ quả là các cuộc “Vampire Attack” tương tự như trong thị trường DeFi.
Có thể hiểu cơ bản vấn đề như sau, người chơi đến với Game vì một mục đích duy nhất là lợi nhuận, khi yếu tố lợi nhuận giảm xuống hoặc không còn thì người chơi sẽ có xu hướng rời bỏ platform đó để đến với các platform tương tự để kiếm tiền.
Thị trường GameFi hiện tại tồn tại rất nhiều trò chơi chất lượng thấp. Chúng hoàn toàn là các phương tiện đầu tư ngụy trang. Tương tự như các DeFi platform, nguồn lợi nhuận của chúng đến từ việc lạm phát token. Nguồn lợi nhuận này hoàn toàn không bền vững và chỉ dẫn đến một kết quả duy nhất là sụp đổ khi thị trường bước dần vào giai đoạn bão hòa.
Giải pháp và hướng phát triển của Axie Infinity
Axie Infinity nhận ra hạn chế của của mô hình P2E 1.0 và đang có một số cách giải quyết thích hợp:
- Chuyển đổi từ mô hình P2E 1.0 sang P2E 2.0: Power Creep.
- Xây dựng một Gameplay lôi cuốn hơn từ các “nguyên liệu” có sẵn.
P2E 2.0: Power Creep model
Hiện, Axie Infinity đang ở vào phase 2 của mô hình P2E 1.0. Trong bối cảnh khá tồi tệ, lạm phát nguồn cung Axie và reward token tăng cao trong khi thị trường bắt đầu bão hòa.
Các điều chỉnh của Axie Infinity xung quanh vấn đề:
- Cắt giảm SLP token từ việc chơi với máy P2E và nhiệm vụ hàng ngày.
- Tăng phí để nhân giống Axie.
Những thay đổi này có 2 mục đích, hạn chế lạm phát reward token và gia tăng việc burn token reward của game. Ngoài ra, việc này còn gián tiếp hạn chế sự gia tăng nguồn mới của Axie thông qua tăng chi phí nhân giống.
Axie Infinity cũng triển khai một thiết kế mới gọi là Power Creep model. Về cơ bản, Axie Infinity đã ngừng lạm phát phần thưởng cho những người chơi với máy PvE và những người chơi thụ động. Thay vào đó, phần thưởng sẽ chuyển sang cho những người chơi PvP và phần lớn sẽ cho nhóm người chơi tích cực. Nhìn chung, phần thưởng sẽ và đang được tập trung cho những người chơi “chất lượng” giúp Axie tạo ra cộng đồng vững chắc hơn.
Axie cũng giới thiệu một lộ trình nâng cấp cao hơn để nhận được nhiều SLP hơn. Axies của người chơi vẫn đang tạo ra doanh thu cho họ. Nhưng điều đó sẽ không tồn tại mãi mãi, chúng cần được nâng cấp để duy trì tính cạnh tranh với mặt bằng chung.
Nó giống như bạn chơi Liên Minh Huyền Thoại, tất cả người chơi bắt đầu ở điểm xuất phát bằng nhau. Người chơi phải vận dụng kỹ năng cá nhân để farm lính và giết tướng đối phương để kiếm vàng và liên tục nâng cấp sức mạnh bản thân thông qua các trang bị cao cấp.
Phiên bản trong tương lai của Axie Infinity cũng tương tự như thế, sẽ có các phó bản khó hơn và người chơi sẽ cần những món đồ cao cấp hơn để kiếm lợi nhuận. Vì đơn giản, chỉ có kỹ năng là không đủ.
Vậy chiến thuật này đem đến kết quả như thế nào cho Axie Infinity trong thực tế?
Hình trên là so sánh tỷ lệ SLP token mint/burn trong 2 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Tháng 4 - 12/2021.
- Giai đoạn 2: Tháng 1 - 5/2022.
Nhìn tổng quan, Total SLP token được mint ra có xu hướng giảm nhưng tỷ lệ SLP burn/mint có vẻ không tăng mà trái lại còn giảm. Revenue của Axie Infinity giảm liên tục cho thấy người chơi Axie rời đi khi game cắt bỏ yếu tố “earn” cho game của mình. Có vẻ, P2E 2.0 là không đủ để vực dậy Axies.
Land Gameplay: Từ trò chơi đánh theo lượt đến trò chơi MMORPG
Tận dụng những chất liệu sẵn có từ game nền móng đánh theo lượt là “Axies”, “Lands” và “Items”. Axie Infinity đang phát triển một trò chơi mới.
Gameplay Land là một trò chơi MMORPG (nhập vai trực tuyến). Ở thời điểm hiện tại, gameplay Land vẫn đang được phát triển tích cực và sẽ được phát hành theo từng giai đoạn:
- Giai đoạn 1 của trải nghiệm này sẽ tập trung nhiều hơn vào mô phỏng và quản lý đất đai (sản xuất, thu thập tài nguyên, xây dựng và kinh doanh).
- Giai đoạn 2 sẽ xây dựng thêm các yếu tố trò chơi quản lý (chẳng hạn như cây kỹ năng, công việc và các hoạt động xã hội / hợp tác).
- Giai đoạn 3 sẽ tập trung nhiều hơn vào lối chơi chiến lược nhóm (phòng thủ, chiến đấu, chinh phục). Trong suốt quá trình phát triển liên tục, các tính năng sẽ được bổ sung và Axies sẽ có một loạt trải nghiệm ngày càng mở rộng.
Tổng kết
Một vài ý chính về bài viết mà mọi người nên nắm:
- P2E 1.0 hoạt động dựa trên việc lạm phát nguồn cung token cho người chơi.
- P2E 1.0 được mô tả thành 2 phase chính. Axie Infinity đang rơi vào Phase 2 - giai đoạn suy thoái.
- Giải pháp của Axie Infinity đưa ra cho vấn đề trên: P2E 2.0 & New gameplay dạng MMORPG.
Mình hy vọng nội dung trên sẽ giúp các bạn có thể hiểu thêm về Axie Infinity và những hạn chế cũng như hướng phát triển để cải thiện tình hình hoạt động hiện tại của mạng lưới. Nếu các bạn có những câu hỏi khác liên quan đến chủ đề trên, hãy bình luận ở phía dưới để Coin98 hỗ trợ ngay nhé!