SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Bounty là gì? Chương trình kiếm thưởng trong thị trường Crypto

Tìm hiểu về khái niệm Bounty trong lĩnh vực tiền mã hóa. Một số loại Bounty phổ biến như Bug Bounty, Translation Bounty... cùng với lợi ích của chúng cho các dự án và người tham gia sẽ được giải đáp trong bài viết sau.
Avatar
trangtran.c98
Published Aug 19 2024
Updated Aug 29 2024
15 min read
bounty crypto

Bounty là gì?

Bounty là các chương trình phần thưởng do dự án blockchain tổ chức, nhằm khuyến khích cộng đồng thực hiện nhiệm vụ để nhận phần thưởng dưới dạng token của dự án hoặc các đồng tiền mã hóa khác. Các chương trình bounty giúp dự án quảng bá, phát triển và cải thiện hệ thống của họ.

Các nhiệm vụ này có thể bao gồm nhiều hoạt động khác nhau, từ việc quảng bá dự án, tìm lỗi phần mềm, đóng góp vào sự phát triển của nền tảng, cho đến việc dịch tài liệu hoặc tham gia vào các sự kiện cộng đồng.

Vậy Bounty Hunter là gì?

Bounty Hunter là thuật ngữ để chỉ những cá nhân chuyên tham gia vào các chương trình bounty. Họ thực hiện các nhiệm vụ mà dự án yêu cầu để nhận phần thưởng. Các bounty hunter có thể tham gia vào nhiều chương trình cùng một lúc, với mục tiêu thu về càng nhiều phần thưởng càng tốt.

bounty là gì
Khái niệm Bounty
advertising

Các loại Bounty phổ biến trong thị trường Crypto

Bug Bounty - Bug Reporting Bounty (Phần thưởng tìm lỗi)

Bug Bounty là loại bounty phổ biến trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là trong các dự án blockchain. Các nhà phát triển dự án sẽ mời các lập trình viên và chuyên gia bảo mật tìm kiếm và báo cáo các lỗi phần mềm (bug) hoặc lỗ hổng bảo mật trong hệ thống của họ. Phần thưởng sẽ được trao cho những người tìm ra lỗi. Lỗi càng nghiêm trọng thì mức thưởng càng cao.

Dưới đây là một số vấn đề thường gặp:

  • Lỗ hổng ví (Wallet vulnerabilities): Những vấn đề liên quan đến việc truy cập trái phép, mất cắp tài sản, hoặc bị lộ khóa riêng tư trong ví tiền điện tử.
  • Lỗ hổng token (Token vulnerabilities): Những lỗi trong hợp đồng token có thể dẫn đến việc tạo thêm token, đốt token hoặc thao túng số dư token một cách không được phép.
  • Lỗ hổng giao diện người dùng (User interface vulnerabilities): Các điểm yếu trong giao diện web của ứng dụng Web3, chẳng hạn như các cuộc tấn công chèn mã như cross-site scripting (XSS) hoặc cross-site request forgery (CSRF).
  • Vấn đề về khả năng tương tác (Interoperability issues): Các vấn đề phát sinh khi tích hợp các mạng blockchain hoặc giao thức khác nhau, có thể gây ra lỗi giao dịch, dữ liệu không khớp, hoặc lỗ hổng trong việc truyền thông tin giữa các hệ thống.
bounty 2024
Các chương trình Bounty được đăng tải trên website của HackenProof

Ví dụ, Ethereum Bug Bounty là một chương trình do Ethereum Foundation tổ chức nhằm khuyến khích các nhà phát triển và chuyên gia bảo mật tìm kiếm và báo cáo các lỗ hổng bảo mật trong các thành phần quan trọng của hệ sinh thái Ethereum.

Ngoài ra, dự án cũng có thể thưởng cho các nhà phát triển khi họ đóng góp mã nguồn hoặc giải quyết các vấn đề kỹ thuật cho dự án. Điều này không chỉ giúp cải thiện chất lượng của dự án mà còn thu hút các nhà phát triển tài năng từ khắp nơi trên thế giới tham gia vào dự án.

ethereum bug bounty
Ethereum Bug Bounty có mức thưởng lên tới 250,000 USD

Chương trình Ethereum Bug Bounty thường bao gồm các thành phần sau của hệ sinh thái Ethereum:

  • Ethereum Clients: Các client như Geth, Nethermind, Besu và OpenEthereum là phần mềm chính mà các node trong mạng lưới Ethereum sử dụng để kết nối với blockchain. Lỗ hổng trong các client này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ mạng lưới.
  • Smart Contract: Các hợp đồng thông minh là xương sống của dApp trên Ethereum. Lỗ hổng trong hợp đồng thông minh có thể dẫn đến mất mát tài sản hoặc thao túng các giao dịch, do đó đây là một mục tiêu quan trọng của chương trình bug bounty.
  • Ethereum 2.0: Với sự ra mắt của Ethereum 2.0, chương trình bug bounty cũng bao gồm các thành phần mới như Beacon Chain và các hợp đồng staking. Đây là một phần của quá trình chuyển đổi từ cơ chế Proof of Work (PoW) sang Proof of Stake (PoS).
  • Các công cụ và thư viện quan trọng: Các thư viện mã nguồn mở, như Solidity, Web3.js và các công cụ phát triển khác cũng nằm trong phạm vi của chương trình bounty. Lỗ hổng trong các công cụ này có thể ảnh hưởng đến việc phát triển và triển khai các dApp trên Ethereum.

Mức thưởng trong chương trình Ethereum Bug Bounty được xác định dựa trên mức độ nghiêm trọng của lỗ hổng bảo mật. Ethereum Foundation đánh giá từng báo cáo lỗ hổng dựa trên các tiêu chí về mức độ tác động, khả năng khai thác và mức độ phổ biến, từ đó xác định mức thưởng phù hợp.

Marketing Bounty - Social Media Bounty (Phần thưởng truyền thông xã hội)

Các dự án thường yêu cầu người tham gia quảng bá dự án trên các nền tảng truyền thông xã hội như X, Facebook, Reddit hoặc Telegram. Người tham gia sẽ được yêu cầu chia sẻ bài viết, đăng tải nội dung về dự án, hoặc tham gia các cuộc thảo luận. Phần thưởng thường được tính dựa trên số lượng và chất lượng các bài đăng hoặc lượt tương tác.

Content Creation Bounty (Phần thưởng sáng tạo nội dung)

Đây là các chương trình dành cho những ai có kỹ năng viết lách, làm video, hoặc tạo ra các nội dung liên quan đến dự án. Người tham gia có thể viết bài blog, tạo video trên YouTube, hoặc thiết kế đồ họa để quảng bá dự án. Phần thưởng được trao dựa trên chất lượng và độ phổ biến của nội dung.

Translation Bounty (Phần thưởng dịch thuật)

Các dự án quốc tế thường cần dịch các tài liệu như whitepaper, website hoặc thông báo sang nhiều ngôn ngữ khác nhau. Người tham gia chương trình này sẽ nhận được phần thưởng cho việc dịch chính xác và chuyên nghiệp các tài liệu của dự án.

binance bounty
Chương trình Bounty dịch thuật của Binance với mức thưởng 50 USD cho 1,000 chữ

Referral Bounty (Phần thưởng giới thiệu)

Các dự án có thể cung cấp phần thưởng cho những người giới thiệu người khác tham gia vào nền tảng của họ. Phần thưởng thường được tính dựa trên số lượng người tham gia thông qua liên kết giới thiệu và có thể là token hoặc các ưu đãi khác.

Đọc thêm: Chương trình Referral kiếm tiền thưởng từ OneID.

Hướng dẫn cách trở thành thợ săn Bounty Crypto

Bước 1: Tìm kiếm và Lựa chọn chương trình Bounty

1.1. Tìm nguồn Bounty

Sử dụng các nền tảng chuyên về bounty:

  • Trang web và diễn đàn chuyên về bounty: Một số trang web phổ biến như Bitcointalk.org, Gitcoin, Bugcrowd, HackerOne, HackenProof và các diễn đàn crypto khác thường đăng tải thông tin về các chương trình bounty.
  • Mạng xã hội: Theo dõi các dự án tiền mã hóa trên X, Telegram và Reddit để nhận thông báo về các chương trình bounty.
  • Trang web chính thức của dự án: Thường thì các dự án sẽ công bố chương trình bounty trên trang web chính thức, các trang docs của họ.
tham gia đóng góp dự án
Tìm hiểu về thông tin của dự án trực tiếp trên Docs để có cơ hội nhận được những lợi ích về sau

Theo dõi các trang web và kênh thông tin về crypto:

  • CoinMarketCap và CoinGecko: Các trang web này không chỉ cung cấp thông tin về giá tiền mã hóa mà còn có thể liệt kê các dự án mới, giúp bạn tìm hiểu về các dự án có tiềm năng tổ chức bounty.
  • Telegram Group: Nhiều dự án sử dụng Telegram để thông báo về các chương trình bounty của họ. Bạn nên tham gia vào các nhóm Telegram lớn như "Bounty Hunters" để nhận thông tin.

1.2. Đánh giá chương trình Bounty

  • Uy tín của dự án: Nên chọn các dự án có đội ngũ phát triển nổi tiếng, có cộng đồng lớn và được đánh giá cao trong giới đầu tư.
  • Xem xét cộng đồng: Dự án có cộng đồng hoạt động tích cực trên các nền tảng như Telegram, X không? Sự tham gia của cộng đồng là một yếu tố tích cực.
  • Điều kiện và yêu cầu: Đọc kỹ các điều kiện tham gia để đảm bảo bạn có thể hoàn thành các nhiệm vụ được yêu cầu.
  • Phần thưởng: Xem xét phần thưởng được cung cấp và cân nhắc xem liệu nó có xứng đáng với công sức bỏ ra không.

Bước 2: Chuẩn bị công cụ và tài khoản

2.1. Tạo ví tiền mã hóa

  • Ví Ethereum (ETH): Hầu hết các chương trình bounty trả phần thưởng bằng token ERC-20, do đó bạn cần một ví Ethereum. Một số ví phổ biến là MetaMask, Coin98 Wallet hoặc Trust Wallet.
  • Ví dành riêng cho token khác: Nếu chương trình bounty sử dụng blockchain khác (như BNB Chain, Solana), bạn cần có ví hỗ trợ mạng lưới đó.

2.2. Đăng ký tài khoản trên các diễn đàn và mạng xã hội

  • Bitcointalk: Diễn đàn này có một mục riêng về bounty, nơi các dự án tiền điện tử đăng các chương trình bounty để thu hút sự tham gia của cộng đồng. Bạn cần tạo tài khoản và có thể cần tham gia các chiến dịch chữ ký hoặc đăng bài viết.
  • Gitcoin: Trên Gitcoin, bạn có thể tìm kiếm các bounty liên quan đến phát triển phần mềm, tìm lỗi, viết tài liệu... Bạn cần đăng ký tài khoản hoặc đăng nhập bằng tài khoản GitHub.
  • Mạng xã hội: Đảm bảo bạn có tài khoản X, Facebook, Reddit, Telegram và các nền tảng khác mà dự án yêu cầu. Hầu hết các tài khoản đều cần có lịch sử hoạt động lâu dài, đôi khi có các yêu cầu về tài khoản để xác minh đó là người dùng thực.

Bước 3: Tham gia và lựa chọn nhiệm vụ để thực hiện

3.1. Nhiệm vụ truyền thông xã hội

  • Chia sẻ và đăng bài: Thực hiện các nhiệm vụ như chia sẻ bài đăng, đăng tweet với hashtag của dự án, hoặc tham gia các cuộc thảo luận.
  • Theo dõi và báo cáo: Bạn có thể cần cung cấp báo cáo hàng tuần hoặc theo dõi các bài đăng của mình. Một số chương trình yêu cầu bạn nộp báo cáo trên diễn đàn hoặc trong form trực tuyến như Google Form.

3.2. Sáng tạo nội dung

  • Viết blog hoặc tạo video: Tạo nội dung chất lượng cao như bài viết blog, bài đánh giá hoặc video YouTube về dự án.
  • Chia sẻ trên nền tảng: Sau khi tạo nội dung, hãy chia sẻ trên các nền tảng như Medium, Substack, X, Telegram, Discord hoặc YouTube và gửi liên kết cho dự án.

3.3. Dịch thuật

  • Dịch whitepaper hoặc tài liệu: Nếu bạn thông thạo nhiều ngôn ngữ, bạn có thể dịch các tài liệu quan trọng của dự án. Hãy chắc chắn rằng bản dịch của bạn chính xác và chuyên nghiệp.
  • Gửi bản dịch: Gửi bản dịch cho dự án theo yêu cầu, có thể thông qua email hoặc form đăng ký.

Tìm hiểu thêm: White paper là gì? Tầm quan trọng của White Paper trong crypto.

gửi biểu mẫu cho binance
Tìm kiếm đường link gửi biểu mẫu cho Binance

3.4. Tìm lỗi (Bug Bounty)

  • Kiểm tra bảo mật: Nếu bạn có kỹ năng lập trình hoặc bảo mật, bạn có thể tham gia các chương trình bug bounty. Tìm kiếm và báo cáo các lỗi trong mã nguồn hoặc ứng dụng của dự án.
  • Báo cáo lỗi: Gửi báo cáo chi tiết về lỗi bạn phát hiện, kèm theo cách tái tạo lỗi và các đề xuất khắc phục.

Bước 4: Báo cáo và theo dõi

  • Báo cáo tiến độ: Đảm bảo bạn gửi báo cáo đúng hạn nếu chương trình yêu cầu báo cáo định kỳ. Báo cáo này thường chứa thông tin về các nhiệm vụ đã hoàn thành, liên kết bài đăng, hoặc các nội dung khác.
  • Theo dõi phần thưởng: Nhiều chương trình bounty công bố danh sách những người đủ điều kiện nhận phần thưởng trên các diễn đàn hoặc các trang mạng xã hội như Telegram, X. Hãy theo dõi và kiểm tra xem bạn có trong danh sách này không.

Bước 5: Nhận phần thưởng

  • Chờ nhận phần thưởng: Sau khi chương trình bounty kết thúc, phần thưởng sẽ được phân phối. Thời gian phân phối có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng, đặc biệt là nếu chương trình liên quan đến các token chưa được niêm yết trên các sàn giao dịch.
  • Kiểm tra ví: Sau khi phần thưởng được phân phối, kiểm tra ví tiền mã hóa của bạn để đảm bảo bạn đã nhận được đúng số lượng token như dự án đã công bố.

Tại sao các dự án Crypto thực hiện chương trình Bounty?

Đối với các dự án

  • Tăng cường nhận diện thương hiệu: Các chương trình bounty giúp dự án tăng cường sự hiện diện trên các phương tiện truyền thông xã hội và trong cộng đồng, từ đó thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư và người dùng tiềm năng.
  • Thu hút người dùng sớm: Bằng cách cung cấp phần thưởng, các dự án có thể nhanh chóng xây dựng cộng đồng người dùng trung thành và thu hút sự tham gia từ những người đam mê tiền mã hóa.
  • Tăng cường bảo mật: Các chương trình bug bounty khuyến khích các chuyên gia tìm kiếm và khắc phục các lỗ hổng bảo mật, giúp dự án trở nên an toàn hơn trước khi ra mắt chính thức.
  • Phát triển tài liệu đa ngôn ngữ: Bounty dịch thuật giúp dự án tiếp cận với người dùng toàn cầu thông qua việc cung cấp tài liệu bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Đối với Bounty Hunter

  • Kiếm thêm thu nhập: Người tham gia có thể kiếm thêm thu nhập bằng cách hoàn thành các nhiệm vụ bounty.
  • Tích lũy kinh nghiệm: Tham gia các chương trình bounty giúp người tham gia tích lũy kinh nghiệm quý báu và mở rộng mạng lưới quan hệ trong ngành.

Tuy nhiên, không phải tất cả các dự án bounty đều đáng tin cậy. Một số dự án có thể không trả phần thưởng như đã hứa hoặc thậm chí biến mất sau khi chương trình kết thúc.

Bên cạnh đó, cần phải xét đến khía cạnh rằng, phần thưởng thường được trả bằng token của dự án, và giá trị của những token này có thể biến động mạnh hoặc thậm chí mất giá nếu dự án không thành công.

Trở thành một bounty hunter trong lĩnh vực crypto có thể là một cách thú vị và tiềm năng để kiếm thêm thu nhập mà không cần phải đầu tư vốn ban đầu.

Tuy nhiên, như với bất kỳ hình thức đầu tư hoặc tham gia nào trong thị trường tiền mã hóa, điều quan trọng là cần có sự cẩn trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng và tham gia vào các dự án uy tín để tối đa hóa lợi ích và giảm thiểu rủi ro.

Tìm hiểu thêm: Thay đổi vị thế với vốn 0 đồng nhờ làm Retroactive