SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Ai sẽ là người hưởng lợi trong cuộc đối đầu giữa Blur và Open Sea?

Xuất hiện từ nửa cuối năm 2022, Blur ngày càng phát triển khiến vị thế độc tôn của Open Sea ngày càng lung lay. Liệu có hai không cuộc chiến giữa hai sàn giao dịch đang thống lĩnh thị trường? Đồng thời, ai sẽ là người được lợi trong lần đối đầu này?
linhha
Published Apr 12 2023
Updated Apr 13 2023
14 min read
thumbnail

Blur vụt sáng, tạo ra thế song mã với OpenSea

Trong những năm qua, nhiều NFT Marketplace đã xuất hiện và đóng góp khối lượng giao dịch hàng triệu USD cho thị trường, nhưng một thời gian dài, chưa đối thủ cạnh tranh nào có thể vượt qua OpenSea. Cho đến tháng 10/2022, một cơn lốc màu da cam mang tên Blur bùng nổ, khiến sàn giao dịch NFT lớn nhất thời điểm bấy giờ là OpenSea phải chia sẻ miếng bánh thị phần sau thời gian dài thống trị. 

Điều gì đã khiến Blur vượt qua OpenSea?

Cuối tháng 7/2022, Blur trình làng cùng sứ mệnh được đội ngũ dự án luôn ấp ủ, đó là mang đến một NFT Marketplace chuyên nghiệp và tối ưu hơn cho các nhà đầu tư. Thời điểm này, OpenSea đang chiếm lĩnh gần 70% thị trường sàn giao dịch NFT, nên Blur cần một chiến lược cụ thể để giành lấy một phần miếng bánh này về tay họ. Blur đã sử dụng token phối hợp cùng airdrop để thu hút nhà đầu tư trên thị trường.

Đọc thêm: Airdrop Blur và những dữ liệu quan trọng

Đến thời điểm hiện tại, ai cũng có thể thấy rằng Blur đã thành công ra sao trong chiến lược của họ. Chiến lược airdrop dài hạn đã kéo theo lượng người dùng khổng lồ liên tục đóng góp khối lượng giao dịch cho sàn. Mỗi đợt airdrop sau, Blur lại khẳng định sẽ lớn hơn nhiều so với đợt trước, tạo động lực cho các nhà đầu tư tiếp tục trải nghiệm sản phẩm. 

Ngoài ra, Blur còn đạt được lợi thế hơn khi không tính phí nền tảng và chỉ áp dụng mức phí bản quyền tối thiểu cho nhà sáng tạo là 0.5%. Trong khi đó, Open Sea có mức phí nền tảng 2.5% và công cụ hỗ trợ việc thu phí bản quyền để đảm bảo nhà sáng tạo được trả đúng số tiền bản quyền họ đã chọn. Điều này vô hình giúp nhiều nhà đầu tư chọn Blur làm điểm đến giao dịch lý tưởng của họ.   

Những yếu tố trên đã góp một phần không nhỏ khiến chiến lược của Blur thành công hơn bao giờ hết, vượt qua đối thủ OpenSea, điều mà rất nhiều NFT Marketplace trước đây không làm được. Có những tuần giao dịch, Blur đạt tăng trưởng lên đến hơn 350%, bỏ xa OpenSea chỉ vài chục phần trăm ở phía sau.

Đảo nhanh qua trên Twitter, bạn dễ dàng tìm thấy nhiều ví dụ về những nhà đầu tư đã tweet rằng, họ có thể trả hết nợ sinh viên, các khoản vay…nhờ airdrop của họ. 

Người phát ngôn của Blur 

Pedro Herrera - Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại DappRadar cho biết, vẫn có những bất cập trong đợt airdrop của Blur, việc phân bổ token dường như đang bị sai lệch và có vẻ như những cá voi sở hữu NFT trên mạng lưới Ethereum mới là người hưởng lợi chính. Ông cho biết thêm, có khoảng 80% khối lượng của Blur đến từ 500 ví, đây là những cá nhân được hưởng lợi nhiều nhất. 

Tuy nhiên, có thể đấy cũng là một trong những điểm khiến Blur vượt qua Open Sea về khối lượng giao dịch. Qua đó, tạo ra thế song mã chưa từng có trong mảng NFT Marketplace.

Có hay không cuộc đối đầu giữa Blur và OpenSea?

Cuộc đổ bộ thành công của Blur đã khiến cho gã khổng lồ trong mảng NFT Marketplace mang tên OpenSea phải chịu nhún nhường. Qua đó, biểu đồ thị phần mảng NFT Marketplace đã được vẽ lại kể từ tháng 10/2022, sau khi Blur gọi vốn thành công và tiết lộ về chiến dịch airdrop. 

coin98
Sắc xanh mang tên OpenSea đã từng thống lĩnh thị trường cho đến khi Blur xuất hiện. Nguồn: Dune Analysis.

Theo Cointelegraph, OpenSea thừa nhận rằng họ đang dần mất đi người dùng vào những sàn giao dịch không thỏa mãn đầy đủ thu nhập cho các nhà sáng tạo. Mặc dù lợi nhuận cao hơn, nhưng thanh khoản giữa Blur và OpenSea trong thời điểm hiện tại đang khiến các nhà sáng tạo nội dung phải cân nhắc về việc lựa chọn. 

Do đó, OpenSea cần có những biện pháp để hạn chế sắc cam ngày một chiếm lĩnh thị trường. Sàn giao dịch này đã đưa ra những chính sách về phí nền tảng và bản quyền tương tự như Blur như: 

  • Giảm phí nền tảng xuống 0% 
  • Người dùng có thể điều chỉnh phí hoa hồng với nhà sáng tạo NFT (tối thiểu 0.5%) 
  • Bỏ chặn nhiều dự án 

Tuy nhiên, đối với việc giảm phí nền tảng xuống 0%, OpenSea sẽ chỉ giới hạn trong một khoảng thời gian. Một số nhà đầu tư quan ngại về hiệu ứng trái ngược có thể xảy ra và có những cá nhân cho rằng đây chỉ là chiêu trò để lôi kéo người dùng của OpenSea. 

Không dừng lại ở đó, vào ngày 4/4, OpenSea tiếp tục đổi mới bằng việc chuyển trang công cụ tổng hợp NFT - Gem thành OpenSea Pro để hỗ trợ cho hệ sinh thái của họ. Nhiều nhà đầu tư bày tỏ niềm háo hức với quyết định của OpenSea và cho biết, họ yêu quý công cụ tổng hợp NFT như Gem nên rất vui khi khi dự án được quan tâm đúng mực. 

Việc ra mắt OpenSea Pro cũng cho thấy những dấu hiệu tích cực như việc số lượng địa chỉ ví mới trên nền tảng này tăng vọt trong tuần đầu ra mắt. Theo dữ liệu Dune Analytics, lượng địa chỉ mới trên OpenSea Pro đã tăng vọt lên trên mức 1,800 và số ví đang hoạt động luôn giao động ở mức ổn định 3,000. Ngoài ra, khối lượng giao dịch hằng ngày của OpenSea Pro cũng ghi nhận xu hướng tăng tương tự, khiến nhiều nhà đầu tư nghĩ đến viễn cảnh nền tảng này sẽ trở thành “Blur killer”. 

Động thái đổi mới liên tục của OpenSea trước một Blur đang trong đà phát triển và chiếm dần thị trường NFT Marketplace đã khiến nhiều nhà đầu tư liên tưởng đến một cuộc tranh đấu giữa hai sàn giao dịch. Với những thay đổi đáng kể của OpenSea, sàn giao dịch này vẫn bị nhiều người cho là bắt trước kẻ đi sau như Blur. Liệu OpenSea có thể khuấy động “con thuyền” trong thị trường lần nữa và dành lại vị trí số 1? 

Nhiều nhà đầu tư vẫn liên tục đặt ra nghi vấn về cuộc chiến giữa các sàn giao dịch và người trong cuộc đã phải lên tiếng. Trong cuộc phỏng vấn với Cointelegraph, nhà sáng lập Blur mong muốn các bên có thể đi đến một giao điểm chung nhằm để tạo ra lợi ích tốt nhất cho khách hàng. 

Để đáp lại mong muốn nói trên của nhà sáng lập, Blur đang thực hiện những động thái như thể muốn “nuốt gọn” thị trường NFT Marketplace. Qua đó, có thể tạo nên cái gọi là “giao điểm chung” khi các sàn buộc phải làm theo họ. Ngoài việc, Blur vẫn duy trì và kêu gọi các nhà sáng tạo chặn OpenSea như một giải pháp ngắn hạn để các bên có cái nhìn thống nhất hơn trong vấn đề tính phí bản quyền, sàn giao dịch này luôn có động thái đáp trả trong những hành động ở phía bên kia chiến tuyến. 

Mới đây nhất, OpenSea Pro đã đăng tweet có tựa đề “Nemesis - Địch thủ” để mỉa mai việc bộ sưu tập Gemesis của họ lọt top trending trên sàn giao dịch đang đối đầu trực tiếp. Blur lập tức có ngay phương án đáp trả, họ đã âm thầm gắn tag Point Disabled (không tính điểm) cho bộ sưu tập Gemesis khiến bất cứ ai giao dịch trên NFT này sẽ không nhận được điểm tính airdrop. Có thể thấy rằng, dù không công khai nhưng cuộc chiến giữa hai sàn NFT đối địch đã thực sự xảy ra.

coin98
Blur âm thầm không tính điểm airdrop cho bộ sưu tập thuộc OpenSea. Nguồn: AmberBlock

Kẻ được người mất trong cuộc chiến giữa Blur và OpenSea

Các sàn giao dịch NFT buộc phải phát triển 

Mâu thuẫn xuất hiện thì đi kèm sẽ là sự phát triển, khi Blur đột ngột tăng trưởng mạnh mẽ và tạo ra thế song mã với OpenSea, điều này vô tình khiến tất cả các NFT Marketplace phải cùng phát triển nếu không muốn bỏ lại phía sau.

Các sàn giao dịch NFT sẽ phải thực tế nhìn nhận vào những yếu điểm sẵn có của họ và thay đổi để bắt kịp thời thế. Điển hình như sàn LooksRare, mới đây họ cũng đã cắt giảm phí nền tảng xuống 0.5%, phí gas thấp hơn Blur cùng hàng loạt những nâng cấp hấp dẫn trong phiên bản v2 để theo đuổi thị hiếu chung của thị trường.

Mặt khác, các sàn giao dịch NFT cũng có thể học hỏi công thức thu hút người dùng từ Blur và thay đổi sao cho phù hợp với mục tiêu của dự án. Mặc dù là một lão làng trong thị trường NFT Marketplace, OpenSea cũng chủ động nhìn nhận những điểm bản thân họ chưa bằng so với Blur và cải tiến để ngày một tốt hơn trong nhiều mặt.

Blur đã thực sự khiến cuộc đua trong thị trường NFT trở nên khốc liệt hơn. Trong tương lai, khi những cuộc cạnh tranh được đẩy lên cao trào hơn nữa, liệu chúng ta có thể thấy được những bộ sưu tập độc quyền dành riêng cho các sàn NFT? Điều này tương tự với những gì đang diễn ra với thị trường phim trực tuyến, nơi các ông lớn như Netflix, Disney + hay HBO Max cạnh tranh nhau từng chút một. 

coin98
Trong tương lai, liệu NFT Marketplace sẽ có cuộc đua về bản quyền và chất lượng tương tự như các nền tảng chiếu phim trực tuyến? Nguồn: Marca

Cơ hội cho các bên thứ 3 

Sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của Blur đã minh chứng một điều, thị trường vẫn còn chỗ cho những dự án tiềm năng cùng với sức cạnh tranh mãnh liệt. Blur đã đập tan thế độc tôn trong gần hai năm của OpenSea, nên biết đâu trong tương lai sẽ xuất hiện một thế lực thứ 3 cũng có thể làm điều tương tự. 

Đặc biệt trong nửa cuối tháng 4, ông lớn Web2 mang tên Amazon cũng sẽ chào sân thị trường Web3 với dự án NFT Marketplace của riêng họ. Các bộ sưu tập trên sàn giao dịch NFT của Amazon sẽ không được trao đổi thông qua tài sản crypto, nhà đầu tư sẽ phải sử dụng thẻ ghi nợ hoặc tín dụng cho toàn bộ quá trình thanh toán. Đây có lẽ sẽ trở thành điểm khác biệt cũng như lợi thế cạnh tranh của ông lớn đang sở hữu hơn 200 khách hàng trên toàn thế giới. 

Nhiều người kỳ vọng, với sự tham gia của Amazon, không chỉ mảng NFT Marketplace trở nên sôi động hơn, mà còn thu hút được lượng lớn người dùng mới vào thị trường Web3. 

Dù vẫn còn quá sớm để nhận định, nhưng không thể phủ nhận sự thú vị khi thấy một gã khổng lồ Web2 bước chân vào thế giới crypto

Anthony Georgiades, Nhà đồng sáng lập Pastel Network  

Miếng bánh thị phần trong mảng NFT Marketplace sẽ rộng mở cho bất cứ dự án nào có tạo nên những đột phá khác biệt. Nếu Blur tăng trưởng mạnh nhờ chiến lược airdrop hiệu quả, vậy sau khi các đợt phân phối token kết thúc, liệu có một thế lực nào đủ mạnh để đánh bật gã khổng lồ màu cam này? Để làm được điều đó, chắc chắn các sàn giao dịch cần chuẩn bị và thay đổi ngay từ bây giờ. 

Nhà đầu tư là người luôn hưởng lợi từ những cuộc đối đầu

Trong cuộc chiến mới chớm nở giữa Blur và OpenSea, dù chưa bên nào nắm chắc phần thắng, nhưng chắc chắn người được lợi nhất sẽ là nhà đầu tư. Dù mới chỉ bắt đầu, đã có nhiều lợi ích như phí giao dịch, airdrop…xuất hiện và góp phần cải thiện vị thế của nhà đầu tư. Hơn thế nữa, họ sẽ còn tiếp tục được tận hưởng những airdrop trong tương lai từ các sàn giao dịch có khả năng học theo chiến dịch đã thành công của Blur. 

Đọc thêm: Hàng loạt sàn NFT Marketplace có thể triển khai airdrop như Blur

Trong cuộc chiến này, các nhà đầu tư sẽ có thêm nhiều lựa chọn sàn để giao dịch NFT phù hợp, thay vì luôn gần như mặc định hướng đến OpenSea như trước đây. Do đó, các sàn giao dịch sẽ phải chú tâm hơn trong việc phát triển dự án và chăm sóc khách hàng một cách chu đáo hơn bao giờ hết, đây là điều mà các nhà đầu tư luôn luôn mong mỏi.

Qua đó, 2023 có thể sẽ là năm mà cuộc cạnh tranh giữa các sàn NFT sôi động hơn qua giờ hết.

RELEVANT SERIES