SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

“Đọc vị” DeFi: 17 câu hỏi giúp người mới “mổ xẻ” DeFi

DeFi từng bị "mang tiếng" là "phần nguy hiểm nhất của thế giới tiền điện tử", thế nhưng mọi người vẫn say mê nó. Tìm hiểu lý do với 17 câu hỏi cơ bản dưới đây.
Avatar
writer.c98
Published May 30 2022
Updated Feb 26 2023
14 min read
thumbnail

DeFi không buồn ngủ như bạn tưởng

1. DeFi là gì?

DeFi là viết tắt của Decentralized Finance - tài chính phi tập trung. Đây là thuật ngữ bao trùm một phần vũ trụ tiền điện tử, hướng tới việc xây dựng hệ thống tài chính mới, dựa trên internet, sử dụng blockchain để thay thế các bên trung gian và cơ chế ủy thác truyền thống.

2. Nghe buồn ngủ quá!

Đừng! Nó thú vị lắm.

3. Blockchain thay thế các bên trung gian trong truyền thống?

OK, tôi sẽ cho nó một cơ hội. Ý bạn là gì khi nói “sử dụng blockchain để thay thế các bên trung gian và cơ chế ủy thác truyền thống”?

Cùng “ôn bài” một chút. Trong hệ thống tài chính truyền thống, để gửi hoặc nhận tiền, bạn cần trung gian như ngân hàng hoặc sàn giao dịch chứng khoán. Và để cảm thấy thoải mái khi giao dịch, tất cả các bên cần tin rằng những người trung gian đó sẽ hành động công bằng và trung thực.

Trong DeFi, những người trung gian đó được thay thế bằng phần mềm. Thay vì giao dịch thông qua ngân hàng và sàn giao dịch chứng khoán, mọi người tương tác trực tiếp với nhau thông qua “hợp đồng thông minh”. Những hợp đồng thông minh dựa trên blockchain này thực hiện việc tạo lập thị trường, giải quyết giao dịch và đảm bảo toàn bộ quy trình diễn ra công bằng, đáng tin cậy.

defi là gì

4. Vậy DeFi có phải là phiên bản tiền điện tử của một sàn giao dịch chứng khoán?

Đúng một phần. Nhưng DeFi cũng bao gồm những thứ như nền tảng cho vay, thị trường dự đoán, quyền chọn và các công cụ phái sinh.

Về cơ bản, những người sử dụng tiền điện tử đang xây dựng phiên bản Phố Wall của riêng mình - nơi phần lớn phi tập trung và chỉ giao dịch độc quyền trong tiền điện tử. Trong đó, phiên bản tiền điện tử của nhiều sản phẩm do các công ty tài chính truyền thống cung cấp và không bị chi phối nhiều bởi luật lệ, quy định như trong hệ thống tài chính hiện có.

5. DeFi lớn như thế nào?

Bây giờ nghe có vẻ hấp dẫn rồi. Vậy DeFi lớn như thế nào?

Tổng giá trị bị khoá của DeFi (TVL) - một tiêu chuẩn để đo lường giá trị của tiền điện tử đang được giữ trong các dự án DeFi - hiện vào khoảng 77 tỷ USD, theo DeFi Pulse. Nếu DeFi là một ngân hàng thì con số này sẽ khiến nó trở thành ngân hàng lớn thứ 38 ở Mỹ tính về tiền gửi.

DeFi - “Phần nguy hiểm nhất của thế giới tiền điện tử”?

6. Vậy là DeFi không lớn, cũng không nhỏ?

Đúng. Và TVL không phải là cách duy nhất để đo lường sự phát triển của DeFi. Bạn cũng có thể xem xét hoạt động giao dịch trên các sàn phi tập trung - đã tăng trưởng kinh khủng trong năm qua.

Hoặc bạn có thể quan sát động thái của các nhà quản lý và chính trị gia ở Mỹ - những người đang ngày càng quan tâm đến sự phát triển của DeFi. Michael Hsu, người phụ trách Văn phòng Tổng Kiểm toán Tiền tệ Mỹ, từng nói rằng nhiều sản phẩm DeFi nhắc ông nhớ về những hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng và các sản phẩm phái sinh phức tạp khác từng phổ biến tại Phố Wall, trước thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 nổ ra.

Và trong một phiên điều trần về tiền điện tử, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, đảng viên Đảng Dân chủ Massachusetts, đã gọi DeFi là “phần nguy hiểm nhất của thế giới tiền điện tử”.

7. Tại sao mọi người lại lo lắng quá về DeFi như thế?

Nói ngắn gọn là do DeFi hầu như không được kiểm soát. So với hệ thống tài chính truyền thống, nó có rất ít chốt chặn và biện pháp bảo vệ người dùng.

8. Quy định trong DeFi mà TradFi không có?

Điều gì được quy định trong hệ thống tài chính truyền thống (TradFi), nhưng không được quy định trong DeFi? Bạn có thể cho ví dụ?

Ví dụ tốt nhất có lẽ là stablecoin. Stablecoin là tiền điện tử có giá trị được gắn với một loại tiền tệ được chính phủ hậu thuẫn, chẳng hạn như USD.

Stablecoin là một phần cốt yếu của thị trường DeFi, vì nếu bạn là nhà đầu tư tiền điện tử, bạn sẽ không muốn phải liên tục đổi từ token sang USD, hay giữ tất cả tài sản bằng tiền điện tử với giá trị có thể bị dao động dữ dội. 

Bạn muốn một đồng tiền điện tử hoạt động giống như một đồng USD ổn định để bạn có thể sử dụng mà không cần tương tác với hệ thống TradFi. Tuy vậy, stablecoin không được hệ thống tài chính truyền thống công nhận.

9. TradFi?

Đây là cách những người trong DeFi gọi đùa hệ thống tài chính truyền thống (Traditional Finance).

10. Quay lại với stablecoin, nó nguy hiểm ở chỗ nào?

Các nhà quản lý nói rằng bất chấp cái tên của mình, các stablecoin (đồng tiền ổn định) thực sự không ổn định như vậy.

Theo Jeanna Smialek, nhà báo từ New York Times, lo lắng về stablecoin bắt nguồn từ việc người ta phát hành loại tiền tệ này mà không dựa trên các quy định về pháp lý. Nghĩa là, stablecoin phải được gắn với các tài sản an toàn được công nhận bởi một nhóm, cộng đồng - như tiền mặt.

Khi mua stablecoin, các nhà đầu tư có thể giả định rằng mỗi USDT hay Tether (một loại stablecoin phổ biến được gắn với đồng USD) có giá trị 1 USD, và họ sẽ có thể đổi stablecoin thành USD thực bất cứ khi nào họ muốn.

Nhưng hiện tại, không có quy định pháp luật nào yêu cầu các nhà phát hành stablecoin phải đảm bảo điều này. Và nếu họ không có đủ quỹ dự trữ để hậu thuẫn cho số stablecoin họ đang phát hành, mọi thứ sẽ sụp đổ nếu một lượng nhất định nhà đầu tư quyết định rút tiền cùng một lúc.

11. Stablecoin ư? Nghe sợ thật!

Sợ chứ, đặc biệt là khi stablecoin là xương sống của giao dịch DeFi. Và trong giới nhà đầu tư cũng như cơ quan quản lý dấy lên câu hỏi: Liệu một số công ty phát hành stablecoin hàng đầu thực sự có đủ tài sản để thanh toán cho chủ sở hữu trong trường hợp rút tiền quy mô lớn hay không?

12. DeFi còn gì đáng lo nữa không?

Vậy là đồng tiền ổn định lại có vẻ không ổn định. Còn điều gì khác đáng lo về DeFi nữa không?

Việc các công ty tiền điện tử phát hành các khoản vay, thẻ tín dụng và tài khoản tiết kiệm mà không đưa ra nhiều biện pháp bảo vệ như các ngân hàng thông thường, cũng đang là mối lo ngại. Ở Mỹ, cơ quan quản lý đã bắt đầu kiểm soát những công ty phát hành các sản phẩm này, vì cho rằng chúng có thể gây rủi ro cho người dùng.

Các cơ quan quản lý cũng đang xem xét hoạt động của những sàn giao dịch phi tập trung (DEX) vốn cho phép người dùng hoán đổi token tiền điện tử với sự trợ giúp của thuật toán tạo lập thị trường.

Và tiếp theo là các vụ hack và scam…

13. Ây dà… DeFi có vẻ rắc rối nhỉ?

Yeah. DeFi, giống như tiền điện tử nói chung, là mục tiêu lớn cho hoạt động lừa đảo. Theo một báo cáo từ Elliptic, công ty phân tích blockchain,  trong năm 2021, hơn 10 tỷ USD trong các dự án DeFi đã bốc hơi bởi các vụ hack và scam.

Thông thường, nạn nhân của những trò scam trong DeFi không có nhiều hy vọng lấy lại tài sản. Và cũng không giống như các khoản tiền gửi trong ngân hàng thông thường được bảo hiểm, các token tiền điện tử khi mất đi thường không thể được thay thế hay phục hồi.

14. Tức là DeFi không hoàn toàn an toàn?

Để tôi tóm tắt lại: DeFi - một trong những phần phát triển nhanh nhất của tiền điện tử - là nơi không có biện pháp bảo vệ nhà đầu tư, nơi những thứ được gọi là “đồng tiền ổn định” lại có thể không ổn định và là nơi tiền của bạn có thể bị đánh cắp bất cứ lúc nào?

Một bản tóm tắt hơi thẳng thừng nhưng phần lớn là chính xác.

DeFi - Con đường đến xã hội không tưởng?

15. Vậy tại sao mọi người vẫn chọn DeFi?

Vì bốn lý do.

Đầu tiên, nhiều người thích DeFi vì nó quá mới và chưa được kiểm soát. Xây dựng một hệ thống tài chính hoàn toàn mới từ con số 0 là loại thử thách trí tuệ không dễ gặp hàng ngày. Nên rất nhiều người bị thu hút bởi tiềm năng rộng mở, vô tiền khoáng hậu của lĩnh vực này. 

Ngoài ra, nếu là một nhà giao dịch (trader) thông minh hoặc một kỹ sư tài chính có kinh nghiệm với DeFi, bạn có thể làm những thứ bạn không thể làm trong hệ thống tài chính truyền thống và lại có khả năng kiếm được nhiều tiền rất nhanh chóng.

Thứ hai, nhiều người hâm mộ DeFi cho rằng blockchain có công nghệ vượt trội hơn so với hệ thống ngân hàng hiện tại - vốn phần lớn đang chạy trên cơ sở dữ liệu cũ kĩ và các mã lỗi thời. 

Ví dụ, hầu hết giao dịch ngân hàng vẫn dựa trên các chương trình được viết bằng COBOL, một ngôn ngữ lập trình có từ những năm 1960. Crypto, theo những người hâm mộ này, là dạng tiền tệ đầu tiên thực sự được tạo ra cho internet và khi phát triển, nó sẽ cần một hệ thống tài chính mới, dựa trên internet để hỗ trợ mình.

Thứ ba, nếu bạn tin vào tầm nhìn của tiền điện tử/web3 về một nền kinh tế phi tập trung, thì DeFi là kiến ​​trúc tài chính sẽ biến những điều bạn tin thành sự thật.

Trong hệ thống tài chính truyền thống, không có cách nào để một DAO (tổ chức tự trị phi tập trung) tạo ra token thành viên từ hư không và sử dụng nó để huy động hàng triệu USD. Bạn không thể nào gọi cho Ngân hàng Trung ương và yêu cầu họ cung cấp báo giá cho token Smooth Love Potion (SLP), theo định giá Dogecoin. (Thật ra bạn có thể, nhưng có thể họ sẽ gọi cảnh sát.)
 
Nhưng với nền tảng DeFi, bạn có thể tìm thấy những người sẵn sàng giao dịch hầu hết tài sản tiền điện tử để lấy các tài sản tiền điện tử khác mà không cần cơ quan thẩm quyền cấp phép.

Và thứ tư, có một nhóm người hâm mộ DeFi cuồng nhiệt tin rằng đây có thể là con đường dẫn đến một xã hội không tưởng.

Nhóm người này cho rằng tài chính phi tập trung có thể giúp khắc phục những sai sót trong hệ thống tài chính hiện tại bằng cách giảm sức mạnh và tầm ảnh hưởng của các ngân hàng lớn ở Phố Wall đối với nền kinh tế và thị trường.

16. Cụ thể là như thế nào?

Những người lạc quan này cho rằng vì DeFi thay thế trung gian con người và cơ chế ủy thác bằng các blockchain công khai và phần mềm nguồn mở, nên so với hệ thống tài chính truyền thống nó rẻ hơn (ít phí hơn), hiệu quả hơn (thời gian giao dịch nhanh hơn) và minh bạch hơn (ít cơ hội tham nhũng hơn).

Họ nói rằng nó dân chủ hóa việc đầu tư, đặt vào tay mọi người những công cụ mà trước đây chỉ các nhà đầu tư chuyên nghiệp mới có quyền tiếp cận. Và bởi vì bạn có thể tham gia tiền điện tử một cách ẩn danh và không cần sự chấp thuận của ngân hàng, nên DeFi là cách để cung cấp dịch vụ tài chính cho người ở những khu vực không tiếp cận được ngân hàng truyền thống và nhóm thiểu số cũng sẽ tránh được nhiều hành vi phân biệt đối xử khi sử dụng dịch vụ này.

Cuối cùng, những ý kiến lạc quan cho rằng, theo thời gian, khi nhiều người sử dụng DeFi hơn và một số vấn đề ban đầu đã được giải quyết, DeFi sẽ trở nên an toàn và hiệu quả hơn. 

Và giống như việc những người này tin rằng web3 - với các tập thể do người dùng sở hữu - sẽ thay thế các nền tảng công nghệ tham lam, họ cũng tin rằng, DeFi sẽ thay thế các ngân hàng và công ty môi giới ngày nay bằng một hệ thống tốt hơn, công bằng hơn.

17. DeFi có thể gây ra cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo không?

Nghe có vẻ hay thật, nhưng tôi vẫn lo. Chúng ta không học được bài học về sự nguy hiểm của tài chính không được kiểm soát vào năm 2008 sao? DeFi liệu sẽ gây ra cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo?

Hiện tại, DeFi khó có thể tạo ra bất kỳ thảm họa nào bằng quy mô cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Nó vẫn là một phần tương đối nhỏ của thế giới tiền điện tử (vốn đang là một phần tương đối nhỏ của nền kinh tế tổng thể) và nhiều người đổ tiền vào DeFi là kiểu nhà đầu tư có vốn dày - những người có thể chịu được thậm chí những cú thua lỗ lớn.

Nhưng các nhà quản lý vẫn lo ngại DeFi có thể phát triển đủ lớn để gây ra rủi ro hệ thống và họ đang nỗ lực để làm nó bớt “hoang dã” đi một chút.

Nguồn tham khảo: xem TẠI ĐÂY

RELEVANT SERIES