SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Sàn DEX là gì? Tổng quan về sàn giao dịch phi tập trung

Hiểu rõ về sàn DEX - nơi giao dịch crypto ngang hàng (peer-to-peer). Những ưu điểm và rủi ro khi mua bán tiền mã hoá trên sàn DEX là gì? Cùng Coin98 Insights giải đáp trong bài viết này.
Avatar
Vy Bùi
Published Nov 05 2019
Updated Mar 20 2024
18 min read
thumbnail

Sàn DEX là gì?

Sàn DEX là sàn giao dịch tiền điện tử phi tập trung (decentralized exchange). Nơi người dùng có thể giao dịch tiền mã hóa trực tiếp với nhau một cách tự do, không lưu ký (non-custodial) và không bị kiểm soát bởi một bên trung gian nào.

Sàn DEX hoạt động dựa vào các hợp đồng thông minh (smart contract) trên blockchain để tự động hóa quy trình giao dịch. Đồng thời đảm bảo tính minh bạch, an toàn và đáng tin cậy khi giao dịch tiền mã hóa.

sàn dex là gì
Sàn giao dịch phi tập trung là một thị trường giao dịch tiền điện tử ngang hàng
advertising

Sàn DEX và CEX có gì khác biệt?

Sự khác biệt của sàn giao dịch phi tập trung (DEX) và sàn giao dịch tập trung (CEX) nằm ở 5 yếu tố chính:

phân biệt sàn dex cex
Sàn DEX và sàn CEX có năm điểm khác biệt chính.

1. Tính riêng tư:

  • CEX: Thấp. Người dùng sàn CEX phải cung cấp thông tin cá nhân như email, số điện thoại để tạo tài khoản, đồng thời cung cấp mã định danh, căn cước công dân hoặc hộ chiếu để thực hiện xác minh danh tính (KYC).
  • DEX: Cao. Người dùng sàn DEX chỉ cần kết nối ví non-custodial để sử dụng sàn, không cần cung cấp thông tin cá nhân hay phải KYC.

2. Tài khoản giao dịch trên sàn:

  • CEX: Có. Đăng ký tài khoản bằng email hoặc số điện thoại.
  • DEX: Không. Chỉ cần có ví non-custodial.

3. Khả năng khôi phục tài khoản/ví trên sàn:

  • CEX: Có thể khôi phục tài khoản bằng email, số điện thoại hoặc liên hệ bộ phận hỗ trợ của sàn.
  • DEX: Chỉ có thể khôi phục bằng private key, trường hợp người dùng không lưu trữ private key của ví cũng đồng nghĩa với việc mất ví, không thể khôi phục được.

4. Nguy cơ mất tài sản khi sàn sập, dừng hoạt động, phá sản…:

  • CEX: Cao. Người dùng có nguy cơ mất tài sản nếu lưu trữ tài sản trên ví sàn.
  • DEX: Thấp. Vì tài sản của người dùng được lưu trữ trong ví non-custodial do người dùng hoàn toàn kiểm soát. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khác như cung cấp thanh khoản, stake, farm… trên sàn thì vẫn có thể bị mất tài sản.

5. Số lượng token hỗ trợ:

  • CEX: Có giới hạn. Token được niêm yết trên sàn phải đảm bảo các tiêu chí, quy định do sàn đặt ra.
  • DEX: Không giới hạn. Bất kỳ ai cũng có thể tạo thanh khoản và các cặp giao dịch trên các sàn phi tập trung.

Lợi ích của sàn DEX là gì?

Một số lợi ích của sàn DEX bao gồm:

  • Được hỗ trợ bởi hợp đồng thông minh.
  • Non-custodial và tính riêng tư cao.
  • Cung cấp đa dạng tính năng, dịch vụ phi tập trung.
  • Khả năng truy cập toàn cầu.

Hỗ trợ bởi hợp đồng thông minh

Sàn DEX được hỗ trợ bởi các hợp đồng thông minh với những quy định và điều khoản đã được xác định trước một cách rõ ràng. Điều đó có thể đảm bảo rằng chúng sẽ thực hiện chính xác những gì người dùng muốn một cách nhanh chóng với chi phí thấp, mà không cần phải tin cậy vào một bên thứ ba tập trung.

Hơn nữa, một khi hợp đồng thông minh đã được thực thi, chúng không thể bị xóa hay thay đổi, và mọi thông tin về điều khoản, thời gian thực thi hợp đồng… đều được lưu trữ trên blockchain. Điều này giúp đảm bảo tính vẹn toàn và minh bạch của giao dịch trên sàn DEX.

Không lưu ký & tính riêng tư

Một đặc tính nổi bật của sàn DEX so với sàn CEX là non-custodial. Người dùng chỉ cần kết nối ví non-custodial của mình với sàn DEX là có thể sử dụng và giao dịch trên sàn, đồng thời không cần phải cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân nào như email, số điện thoại… hay phải thực hiện KYC như trên sàn CEX.

Trong khi việc kết nối ví non-custodial mang lại cho người dùng quyền kiểm soát hoàn toàn đối với tài sản của mình, việc không cần cung cấp thông tin cá nhân mang lại cho họ tính riêng tư trong quá trình thực hiện giao dịch.

Cung cấp đa dạng tính năng

Ngoài giao dịch swap token đơn thuần, phần lớn các sàn giao dịch phi tập trung hiện nay đã tích hợp thêm nhiều tính năng như cung cấp thanh khoản, cho vay, stake, farm… nhằm thu hút thêm người dùng và dòng tiền đổ về.

Bằng cách này, sàn DEX có thể mang lại lợi ích cho cả hai bên:

  • Về phía người dùng: Gia tăng hiệu quả sử dụng vốn để kiếm thêm lợi nhuận.
  • Về phía bản thân sàn DEX: Mang lại khả năng luân chuyển tài sản giữa các tính năng trên sàn, tăng khối lượng giao dịch và cuối cùng là tăng giá trị TVL (tổng giá trị bị khóa - total value locked) của sàn.

Khả năng truy cập toàn cầu

Dù là bất cứ ai hay ở bất cứ nơi đâu, người dùng chỉ cần có điện thoại và mạng internet là có thể truy cập và giao dịch trên sàn DEX. Trong khi sàn CEX vẫn còn bị hạn chế người dùng ở một số quốc gia như Mỹ (US), Thailand, Malaysia, Canada, Serbia, Bosnia, Iran, Myanmar…

lợi ích rủi ro sàn dex
Các lợi ích và rủi ro mà sàn DEX mang lại.

Những rủi ro của sàn DEX đối với người dùng

Sàn DEX mang lại tính công bằng khi cho phép mọi người dùng đều có quyền truy cập các tính năng như giao dịch, cung cấp thanh khoản… trên sàn. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn một số rủi ro đáng chú ý, bao gồm:

  • Rủi ro hợp đồng thông minh.
  • Rủi ro thanh khoản.
  • Rủi ro front-running.
  • Rủi ro mạng lưới.
  • Rủi ro tập trung.

Rủi ro hợp đồng thông minh

Khả năng bảo mật của hợp đồng thông minh sẽ phụ thuộc phần lớn vào trình độ, kỹ năng và kinh nghiệm của các nhà phát triển. Các code trong hợp đồng có thể tồn tại lỗi và lỗ hổng (bug) ngoài ý muốn hoặc không xác định được, dẫn đến việc hacker lợi dụng bug và tấn công exploit để chiếm đoạt tài sản (token) trong hợp đồng.

Theo dữ liệu thống kê từ DefiLlama, trong Q1-Q2 năm 2023, lĩnh vực DeFi đã thiệt hại khoảng 735 triệu USD bởi 69 cuộc tấn công exploit nhắm vào các giao thức và hợp đồng thông minh (chi tiết tại đây).

Trong đó Curve Finance, sàn DEX lớn thứ hai trên thị trường crypto với hơn 2.4 tỷ TVL (ngày 23/01/2023), đã từng bị tấn công exploit nhiều lần vào tháng 07/2023, kết quả là khoảng 61 triệu USD đã bị đánh cắp từ các pool giao dịch trên Curve.

Rủi ro thanh khoản

So với sàn CEX, sàn DEX thường có thanh khoản thấp hơn, dẫn đến việc người dùng trên DEX có thể phải chịu mức trượt giá cao và tổn thất tạm thời (impermanent loss), đặc biệt là trong các chu kỳ thị trường biến động mạnh. Rủi ro thanh khoản thường gặp trên các sàn DEX sử dụng cơ chế AMM và có thể làm giảm đáng kể giá trị của token mà người dùng giao dịch.

Hãy hình dung đơn giản rằng bạn nắm giữ 1000 token A với giá 0.5 USD mỗi token. Bạn muốn giao dịch A với USDT trên sàn B. Theo lý thuyết, bạn nên nhận lại 500 USDT. Tuy nhiên, vì thanh khoản của token A trên sàn B quá thấp nên mức trượt giá lên đến 50%, lúc này nếu thực hiện giao dịch thì giá trị thực sự mà bạn nhận được chỉ còn 250 USDT.

Rủi ro front-running

Front-running là hành động lợi dụng việc biết trước một giao dịch trong tương lai có thể làm tăng giá token để đặt lệnh ngay trước giao dịch đó nhằm kiếm lời. Front-running thường được thực hiện bởi các bot được lập trình sẵn để quét mempool và tìm giao dịch thích hợp để thực hiện front-running.

Thông thường, các giao dịch mà người dùng gửi đi sẽ được đưa vào mempool để chờ được xử lý bởi các node. Node có quyền chọn thứ tự xử lý giao dịch, và họ sẽ ưu tiên những giao dịch trả phí cao hơn (đây cũng là lí do gây ra vấn đề MEV).

Lúc này, rủi ro front-running sẽ xảy ra khi:

  • Bạn thực hiện giao dịch X để mua token C98, điều này có thể làm tăng giá C98.
  • Bot sẽ đặt lệnh mua token C98 với phí gas cao hơn phí gas mà bạn đặt.
  • Tiếp theo, Bot đặt lệnh bán C98 với phí gas thấp hơn giao dịch của bạn.

Thứ tự xử lý giao dịch sẽ là: Lệnh mua của bot → Lệnh mua của bạn (làm giá C98 tăng) → Lệnh bán của bot.

rủi ro front running dex

Bot thực hiện front-running có thể kiếm lời bằng cách đặt lệnh ngay trước và sau giao dịch của người dùng.

Kết quả là bot sẽ thu về lợi nhuận từ việc front-running. Việc đặt lệnh hai đầu như trên là một trong những hình thức front-run phổ biến hiện nay, hay còn được gọi là tấn công sandwich.

Việc những kẻ tấn công sandwich nhằm vào các sàn DEX sẽ khiến giá token trong pool tăng cao, làm tăng chi phí giao dịch của người dùng, đồng thời giảm giá trị tài sản quy đổi do bị chạy trước giao dịch.

Rủi ro khác

Ngoài ra, người dùng sàn giao dịch phi tập trung còn phải đối mặt với các rủi ro khác như:

  • Rủi ro mạng lưới: Các sàn DEX hoạt động trên mạng blockchain, trong một số trường hợp như nghẽn mạng hoặc mạng ngừng hoạt động, sàn DEX cũng sẽ bị tác động đáng kể như phí giao dịch tăng cao, không thực hiện được giao dịch…
  • Rủi ro tập trung: Mặc dù các DEX đều nhắm đến mục tiêu phi tập trung hoàn toàn, tuy nhiên vẫn tồn tại một số yếu tố mang tính tập trung, ví dụ như hệ thống khớp lệnh (matching engine) được lưu trữ trên một máy chủ tập trung, hay đội ngũ phát triển có quyền truy cập quản trị vào hợp đông minh của DEX…

Phân loại sàn DEX

Trên thị trường có rất nhiều sàn DEX và được phân loại thành nhiều tiêu chí khác nhau. Dưới đây là các cách phân loại phổ biến:

  • Phân loại theo cơ chế khớp lệnh: AMM DEX và Orderbook DEX.
  • Theo nguồn thanh khoản: Liquidity Center và DEX Aggregator.
  • Phân loại theo hình thức giao dịch: Sàn Spot, Sàn Margin (Đòn bẩy), Sàn Derivatives (Phái sinh).

Theo cơ chế khớp lệnh: AMM & Orderbook

Order book (sổ lệnh) là cơ chế khớp lệnh phổ biến trên các sàn CEX như Binance, Huobi, OKX, Coinbase… Lệnh của người dùng sẽ được thực thi nếu như giá của sổ lệnh khớp với giá họ đã đặt ra để mua hoặc bán.

Giao dịch theo cơ chế order book hiệu quả vì người dùng sẽ biết được đâu là mức giá khớp lệnh, bên cạnh đó họ cũng có thể dễ dàng đặt limit order (lệnh giới hạn) để giao dịch với mức giá hợp lý mà họ muốn. Một số sàn DEX phổ biến sử dụng cơ chế order book bao gồm:

  • Trên Ethereum: dYdX, Perpetual Protocol, IDEX.
  • Trên Solana: Serum…
  • Trên Avalanche: Dexalot…

Tuy nhiên, cơ chế order book vốn phù hợp hơn với thị trường có thanh khoản cao như sàn CEX. Phải có đủ người mua và người bán sẵn sàng thực hiện giao dịch ở một mức giá nhất định, nếu không lệnh sẽ không được thực hiện. Với nhược điểm thanh khoản thấp của sàn DEX, việc hoạt động theo cơ chế order book sẽ khiến thời gian thực hiện giao dịch chậm hơn. Và cơ chế AMM ra đời nhằm giúp giải quyết vấn đề của order book.

AMM (Automated Market Maker - công cụ tạo lập thị trường tự động) là cơ chế cho phép người dùng thực hiện giao dịch mà không cần dựa vào lệnh mua/bán. AMM sử dụng pool thanh khoản (liquidity pool) cùng thuật toán định giá token dựa trên tỷ lệ token được cung cấp trong pool. Người dùng sẽ thực hiện giao dịch bằng cách swap token trong liquidity pool theo giá được tính sẵn, thay vì chờ khớp lệnh như order book.

Bên cạnh đó, người dùng cũng có thể đóng góp token vào pool để trở thành nhà cung cấp thanh khoản (liquidity provider - LP) và kiếm được một phần phí được tạo ra từ các giao dịch trong pool thanh khoản này. Bất kỳ ai cũng có thể cung cấp thanh khoản, nhưng để đảm bảo giá trị cân bằng của các token trong pool, người dùng phải gửi đủ hai loại token (hoặc nhiều hơn tùy vào các pool) với giá trị bằng nhau.

Phần lớn các sàn phi tập trung phổ biến trong thị trường đều sử dụng cơ chế AMM, điển hình như:

  • Trên Ethereum: Uniswap, Curve Finance, Balancer…
  • Trên BNB Chain: PancakeSwap, SushiSwap…
  • Trên Solana: Saros, Saber, Raydium, Orca…
  • Trên Polygon: QuickSwap…
  • Trên Avalanche: Pangolin…

Theo nguồn thanh khoản: AMM Liquidity Center & AMM Liquidity Aggregator

Xét về nguồn thanh khoản của các sàn DEX (đặc biệt là AMM DEX), có thể chia thành hai loại là Liquidity Center và Liquidity Aggregator, trong đó:

  • AMM Liquidity Center: Sàn DEX tự triển khai pool thanh khoản riêng. Chúng sẽ có các pool thanh khoản riêng và không bị phụ thuộc thanh khoản vào bên thứ 3. Ví dụ: Uniswap, Pancakeswap, Sushiswap...
  • AMM Liquidity Aggregator: Sàn DEX tổng hợp thanh khoản từ các sàn liquidity center. Các sàn liquidity aggregator có thể tổng hợp được thanh khoản từ nhiều AMM (trên cùng một blockchain), cung cấp cho người dùng lộ trình và mức giá giao dịch tốt nhất khi so sánh nhiều pool thanh khoản khác nhau. Tuy nhiên, thanh khoản của sàn liquidity aggregator sẽ bị phụ thuộc vào liquidity center. Ví dụ: 1Inch, Paraswap, Matcha…
phân loại dex liquidity center aggregator
Theo nguồn thanh khoản, DEX được chia thành AMM Liquidity Center & AMM Liquidity Aggregator

Tiêu chí đánh giá sàn DEX

Để đánh giá một sàn giao dịch phi tập trung có phù hợp với nhu cầu sử dụng hay không, chúng ta sẽ dựa vào các tiêu chí sau đây:

  • Độ uy tín: Được thể hiện qua số năm hoạt động, cách đội ngũ dự án đối diện và xử lý các vấn đề mà họ gặp phải (bị tấn công, bug, bị FUD, khả năng tiếp thu ý kiến đóng góp cộng đồng…). Ngoài ra, các sàn DEX uy tín thường sẽ cung cấp các tài liệu (docs) rõ ràng, minh bạch và đầy đủ về dự án, đồng thời có các kênh truyền thông như blog, X, Telegram hoặc Discord để cập nhật mọi thông tin mới nhất.
  • Độ an toàn & Bảo mật: Các sàn DEX thường là mục tiêu nhắm đến của các hacker, do đó, người dùng nên kiểm tra xem sàn DEX đã được kiểm toán (audit) hợp đồng thông minh hay chưa, liệu sàn đã bị tấn công lần nào hay chưa, nếu có thì mức thiệt hại là bao nhiêu và sàn có bồi thường cho người dùng hay không.
  • Độ trải nghiệm người dùng: Trải nghiệm tốt là yếu tố quan trọng giúp sàn thu hút người dùng ở lại với sàn, chúng được thể hiện thông qua giao diện có thân thiện và dễ sử dụng không, tốc độ xử lý tác vụ có nhanh và mượt không, các tính năng tích hợp trên sàn có logic hay không…
  • Thanh khoản: Thông qua chỉ số TVL (tổng giá trị bị khóa), khối lượng giao dịch (trading volume).
  • Phí giao dịch (swap) và phí gas: Phí swap của các sàn DEX thường dao động quanh khoảng 0.3%, người dùng có thể kiểm tra kỹ mức phí này trước khi phê duyệt (approve) hay xác thực (confirm) giao dịch. Bên cạnh đó, người dùng nên chú ý nhiều hơn đến phí gas, đây là khoảng phí người dùng phải trả cho node để giao dịch được xử lý. Trong những giai đoạn blockchain bị nghẽn mạng, phí gas thường sẽ tăng cao. Ví dụ điển hình là Ethereum, đã có phí gas trên Ethereum lên đến 45 USD cho một giao dịch.
  • Tính năng sàn cung cấp: Việc cung cấp nhiều tính năng sẽ giúp sàn DEX giữ chân được người dùng, đồng thời người dùng có thể tận dụng các tính năng trên sàn để đáp ứng nhu cầu mà không cần phải di chuyển tài sản giữa các nền tảng. Ví dụ: Saros Finance hỗ trợ nhiều tính năng như ví non-custodial, swap, Yield Farming, ID, NFT Hub, Solana Pay…
  • Có sự cải tiến: Sự cải tiến về mặt sản phẩm là yếu tố then chốt chứng minh sự uy tín và mức độ cam kết của dự án đối với thị trường và cộng đồng, đồng thời tăng sức cạnh tranh so với các dự án khác. Ví dụ: Uniswap ra mắt phiên bản v3 hỗ trợ cung cấp thanh khoản tập trung giúp tối ưu nguồn vốn và thay đổi mô hình phí để cạnh tranh được với Curve Finance.

Trong những năm 2020-2023, sàn giao dịch phi tập trung đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự bùng nổ của thị trường DeFi. Đối với người dùng mới, sàn DEX là nơi không thể bỏ qua để tìm kiếm cơ hội giao dịch hoặc cung cấp thanh khoản để tìm kiếm lợi nhuận.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà sàn DEX mang lại, nó cũng tồn tại những rủi ro tiềm ẩn đáng chú ý có thể gây thiệt hại cho tài sản người dùng, do đó cần phải trang bị đầy đủ kiến thức trước khi tham gia và sử dụng sàn DEX để tránh mất tiền oan.

Đọc thêm Top 5 sàn DEX nổi bật trong crypto hiện nay.

RELEVANT SERIES