ETF Solana Spot là gì? Tính khả thi và tác động lên thị trường?

Solana ETF Spot là gì?
Solana ETF spot là loại quỹ ETF theo dõi trực tiếp giá trị của token SOL, native token của blockchain Solana. Khác với ETF hợp đồng tương lai (ETF future), vốn chỉ mô phỏng giá tài sản thông qua các công cụ phái sinh, Solana Spot ETF nắm giữ trực tiếp SOL, giúp giá trị quỹ phản ánh sát với biến động thực tế của token này trên thị trường.

Lợi thế nổi bật nhất của Solana Spot ETF so với các sản phẩm ETF hiện tại là khả năng tích hợp cơ chế staking - điều mà các Ethereum ETF tại Mỹ hiện vẫn chưa được phép triển khai.
Khi một phần hoặc toàn bộ SOL trong quỹ được sử dụng để staking trên mạng lưới Solana, nhà đầu tư không chỉ hưởng lợi từ biến động giá token mà còn có thể nhận thêm phần thưởng staking, dưới dạng cổ tức hoặc được tái đầu tư vào chính quỹ. Điều này mở ra tiềm năng tạo ra dòng thu nhập thụ động bền vững.
Đọc thêm: Altcoin ETF có khiến thị trường sôi động trở lại?
Tổng quan các đề xuất ETF Solana spot hiện nay
Tính đến tháng 07/2025, nhiều tổ chức tài chính lớn đã nộp đơn xin phê duyệt ETF Solana spot và futures lên SEC. Dưới đây là một số quỹ tham gia tại thời điểm hiện tại:
- VanEck: Nộp đơn S-1 cho ETF Solana spot vào ngày 27/06/2024, dự kiến niêm yết trên sàn Cboe BZX. VanEck lập luận rằng SOL là hàng hóa (commodity) tương tự Bitcoin và Ethereum.
- 21Shares: Nộp đơn cho “21Shares Core Solana ETF” vào ngày 28/06/2024, cũng trên sàn Cboe BZX, không tham gia staking để đơn giản hóa quy trình phê duyệt.
- Invesco và Galaxy: Nộp đơn cho quỹ “QSOL” vào ngày 26/06/2025, sử dụng Coinbase Custody làm đơn vị lưu ký và có thể tham gia staking.
- Fidelity, Bitwise, Canary Capital, CoinShares, Franklin Templeton: Các quỹ này cũng nộp đơn S-1 hoặc sửa đổi hồ sơ trong khoảng tháng 03-06/2025, nâng tổng số nhà phát hành lên ít nhất 9, cho thấy sự cạnh tranh mạnh mẽ.
- REX-Osprey: Một bước tiến đáng chú ý là quỹ “REX-Osprey SOL + Staking ETF” đã được phê duyệt và mở giao dịch vào ngày 02/07/2025 tại Mỹ. Đây là ETF Solana đầu tiên tại Mỹ có tính năng staking, được mở dưới dạng C-corp ETF chứ không phải ETF spot. Lợi nhuận từ staking sẽ bị tính thuế thu nhập từ trong quỹ.
- ProShares: Nộp đơn cho quỹ Solana Futures ETF vào ngày 18/03/2025, dự kiến theo dõi giá hợp đồng tương lai Solana trên sàn Cboe BZX.
- Volatility Shares: Đã ra mắt hai quỹ ETF Solana Futures đầu tiên tại Mỹ vào ngày 20/03/2025, được CFTC phê duyệt.
Song song với hoạt động từ khối tài chính truyền thống, một số sàn giao dịch crypto như Bybit cũng đã thể hiện sự quan tâm đến narrative Solana ETF, thông qua các sản phẩm phái sinh, chiến dịch truyền thông hoặc hỗ trợ thanh khoản liên quan đến SOL. Điều này cho thấy sự giao thoa ngày càng lớn giữa tài chính tập trung (CeFi), tài chính truyền thống (TradFi) và các xu hướng ETF crypto.

Cách hoạt động của staking trong ETF Solana Spot
Trong các ETF Solana Spot tích hợp tính năng staking, quỹ sẽ nắm giữ một lượng lớn token SOL, được lưu ký an toàn thông qua các đối tác uy tín như Coinbase Custody. Các token này có thể được bảo quản trong ví lạnh hoặc ví nóng có độ bảo mật cao, tùy vào chiến lược vận hành của quỹ.
Để tham gia staking, quỹ sẽ ủy quyền (delegate) số SOL đang nắm giữ cho các validator đáng tin cậy trên mạng lưới Solana. Các validator này sử dụng SOL để xác thực giao dịch và duy trì hoạt động mạng, đổi lại quỹ nhận về phần thưởng staking, thường dao động từ 5–8%/năm, tùy vào điều kiện mạng và mức phí validator.
Số phần thưởng này có thể được phân phối cho nhà đầu tư dưới dạng cổ tức hoặc được tái đầu tư để tăng giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ. Quỹ ETF thường thu phí quản lý khoảng 0.25%–1%/năm, bao gồm chi phí vận hành staking và hợp tác kỹ thuật với các validator.
Một ví dụ tiêu biểu là REX-Osprey SOL + Staking ETF, được phê duyệt tại Mỹ vào ngày 02/07/2025. Quỹ này sử dụng dịch vụ lưu ký của Coinbase và hợp tác với nhiều validator uy tín trên Solana. Phần thưởng staking sau khi trừ phí được tái đầu tư để tăng NAV, mang lại lợi ích kép từ cả giá trị tăng của SOL và phần thưởng staking.
Lợi ích và rủi ro của Solana ETF Spot
Lợi ích của Solana ETF Spot
Việc tích hợp staking vào ETF Solana mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho nhà đầu tư. Trước hết, ngoài khả năng tăng giá của SOL, nhà đầu tư còn được hưởng lợi nhuận thụ động từ phần thưởng staking, thường dao động từ 5-8% mỗi năm.
Ví dụ, nếu một quỹ nắm giữ 100,000 SOL và áp dụng lãi suất staking 6%, họ có thể nhận thêm 6,000 SOL hằng năm mà không cần bỏ thêm vốn.
Bên cạnh đó, việc staking thông qua ETF giúp đơn giản hóa toàn bộ quy trình: nhà đầu tư không cần có kiến thức kỹ thuật hay phải trực tiếp chọn validator, mà vẫn có thể hưởng lợi từ staking một cách thụ động và an toàn.
Phần thưởng staking này, nếu được tái đầu tư, còn góp phần làm tăng giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ, từ đó cải thiện tính thanh khoản và thu hút thêm dòng vốn, đặc biệt quan trọng khi ETF được giao dịch trên các sàn chứng khoán truyền thống.
Rủi ro của Solana ETF Spot
Tuy nhiên, cơ chế staking trong ETF Solana cũng đi kèm với một số rủi ro cần cân nhắc. Nếu quỹ ủy quyền SOL cho validator kém uy tín hoặc vi phạm quy tắc mạng, phần thưởng staking có thể bị cắt giảm hoặc mất hoàn toàn do bị slashing.
Ngoài ra, staking yêu cầu một khoảng thời gian khóa token nhất định (thường 2-4 ngày), điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng rút vốn nhanh trong điều kiện thị trường biến động.
Giá trị thực tế của phần thưởng staking cũng phụ thuộc vào giá SOL, nếu giá giảm mạnh, lợi nhuận có thể không đủ bù đắp rủi ro thị trường. Hơn nữa, các quỹ ETF thường thu phí quản lý, bao gồm chi phí vận hành staking, điều này có thể làm giảm lợi suất thực tế mà nhà đầu tư nhận được.
Cuối cùng, rủi ro pháp lý vẫn là yếu tố đáng lưu tâm: việc chia phần thưởng staking như cổ tức có thể bị SEC xem là hành vi vi phạm quy định chứng khoán, khiến ETF đối mặt với giám sát nghiêm ngặt hơn trong tương lai.
So sánh ETF Spot Solana, Bitcoin, Ethereum
Để đánh giá các ETF Spot của Solana, Bitcoin và Ethereum, bài viết sẽ xem xét một số tiêu chí sau:
- Tổng giá trị tài sản quản lý (AUM) và dòng vốn
- Đặc điểm kỹ thuật hoặc lợi thế cạnh tranh
- Khả năng tác động lên thị trường
Bitcoin ETF
Tại thời điểm viết bài, các quỹ ETF Bitcoin Spot tại Hoa Kỳ đã đạt AUM lên tới 138 tỷ USD. Trong đó, iShares Bitcoin Trust (IBIT) của BlackRock đang dẫn đầu với khoảng 70 tỷ USD, cho thấy vị thế thống trị rõ rệt của quỹ này trên thị trường.
Trong năm 2024, các ETF Bitcoin đã thu hút hơn 30 tỷ USD dòng vốn mới, phản ánh sự quan tâm mạnh mẽ không chỉ từ tổ chức tài chính lớn mà còn từ nhà đầu tư cá nhân. Một trong những lý do chính cho sự thành công này là Bitcoin đã được định vị như “vàng kỹ thuật số”, với vốn hóa thị trường khoảng 1,200 tỷ USD và mức độ nhận diện toàn cầu vượt trội.
Đọc thêm: Làn sóng tích trữ Bitcoin của “người chơi” doanh nghiệp
Chính điều này khiến ETF Bitcoin trở thành điểm đến ưu tiên cho các nhà đầu tư truyền thống muốn tiếp cận crypto nhưng vẫn trong khuôn khổ pháp lý rõ ràng.

Về đặc điểm lỹ thuật, các ETF này chỉ theo dõi giá Bitcoin và không có cơ chế staking, do Bitcoin sử dụng mô hình đồng thuận PoW. Tuy vậy, sự xuất hiện của các quỹ ETF đã góp phần thúc đẩy giá BTC lên mức đỉnh lịch sử 110,000 USD trong năm 2025, đồng thời đẩy nhanh tiến trình hợp pháp hóa và tích hợp crypto vào hệ thống tài chính truyền thống.
Bitcoin vẫn giữ lợi thế là tài sản crypto lâu đời nhất, thường được xem như nơi lưu trữ giá trị an toàn. Do đó, các quỹ ETF Bitcoin trở nên hấp dẫn với nhà đầu tư truyền thống đang tìm kiếm sự đa dạng hóa danh mục mà không cần tự mình nắm giữ và quản lý BTC trên blockchain.
Tuy nhiên, điểm hạn chế của Bitcoin ETF là không mang lại lãi suất thụ động, lợi nhuận phụ thuộc hoàn toàn vào biến động giá tài sản. Dù vậy, sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ các tổ chức như BlackRock và Fidelity hiện đang kiểm soát khoảng 70% AUM trong các ETF Bitcoin tiếp tục củng cố niềm tin và sự ổn định cho nhà đầu tư.
Ethereum ETF
Được SEC phê duyệt vào tháng 5/2024, các quỹ ETF Ethereum Spot đã nhanh chóng đạt tổng tài sản quản lý khoảng 13 tỷ USD tính đến tháng 7/2025.
Tuy nhiên, dòng vốn vào các quỹ này vẫn thấp hơn đáng kể so với ETF Bitcoin, phần lớn do thiếu cơ chế staking: một yêu cầu bị loại bỏ bởi quy định pháp lý của SEC. Điều này khiến Ethereum ETF kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tìm kiếm thu nhập thụ động từ lãi suất staking.

Dù vậy, Ethereum vẫn là blockchain dẫn đầu trong lĩnh vực DeFi, NFT và hợp đồng thông minh, với vốn hóa thị trường đạt khoảng 202 tỷ USD và hơn 3.5 triệu hợp đồng thông minh đã được triển khai. Sự hiện diện mạnh mẽ của Ethereum trong các ứng dụng phi tập trung mang lại lợi thế dài hạn cho các sản phẩm ETF theo dõi ETH.
Tuy nhiên, điểm yếu rõ rệt của Ethereum ETF nằm ở việc không thể tích hợp staking, trái ngược với các sản phẩm ETP quốc tế như ở Thụy Sĩ - khiến khả năng cạnh tranh của nó bị hạn chế. Dù giá ETH đã tăng từ 2,200 USD trong năm 2024 lên 3,500 USD vào năm 2025, xu hướng này không duy trì mạnh mẽ như BTC, do thiếu động lực tăng trưởng từ cơ chế lãi kép hoặc sự hấp dẫn đối với dòng tiền mới.

Solana Spot ETF
Tính đến tháng 07/2025, chưa có ETF Solana Spot nào được phê duyệt tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, thị trường quốc tế đã có phản hồi tích cực: tại Canada, quỹ SOLQ của 3iQ đạt AUM 65 triệu USD chỉ sau hai ngày ra mắt vào tháng 4/2025. Song song đó, REX-Osprey SOL + Staking ETF – một dạng C-corp: ghi nhận khối lượng giao dịch 33 triệu USD ngay trong ngày đầu.
Về kỹ thuật, Solana vượt trội với khả năng xử lý 65,000 TPS và chi phí thấp (0.00025 USD/giao dịch), bỏ xa Ethereum (~15 TPS). Đặc biệt, ETF Solana có tiềm năng tích hợp staking – tính năng Ethereum ETF hiện còn thiếu, giúp tạo dòng thu nhập thụ động (5-7% APR), phù hợp với nhà đầu tư tổ chức. Theo Solana Compass, khoảng 48 tỷ USD giá trị SOL (70% tổng cung) hiện đang được stake, cho thấy nhu cầu thực tế rất lớn nếu ETF hỗ trợ chức năng này.
JPMorgan ước tính một ETF Solana Spot, nếu được phê duyệt, có thể thu hút 3-6 tỷ USD dòng vốn chỉ trong 6 tháng đầu, nhờ vốn hóa thị trường đang tăng nhanh (67-90 tỷ USD) và sức hấp dẫn với tổ chức tìm kiếm lựa chọn ngoài Bitcoin và Ethereum.
Tuy nhiên, Solana vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. So với Bitcoin và Ethereum, vốn đã có ETF lần lượt thu hút 138 tỷ và 13 tỷ USD AUM thì vốn hóa của Solana vẫn nhỏ hơn đáng kể. Ngoài ra, rủi ro pháp lý cũng là yếu tố cản trở lớn: SEC hiện vẫn xếp SOL vào danh mục chứng khoán chưa đăng ký, khiến quá trình xét duyệt ETF ở Mỹ tiềm ẩn nhiều trở ngại pháp lý.
Triển vọng ETF Solana: Thuận lợi và Thách thức
Việc các ETF Bitcoin và Ethereum Spot được SEC chấp thuận vào năm 2024 đã tạo tiền lệ quan trọng cho các sản phẩm ETF crypto khác. Với vị thế là blockchain đứng thứ tư về vốn hóa thị trường, Solana đang nổi lên như một ứng cử viên tiềm năng kế tiếp.
Ngoài ra, lập trường cởi mở hơn đối với tài sản kỹ thuật số dưới thời Tổng thống Trump càng củng cố niềm tin vào khả năng mở rộng của ETF altcoin. Theo các chuyên gia tại Bloomberg, khả năng ETF Solana được phê duyệt trong năm 2025 lên tới 90-95%.

Tuy nhiên, triển vọng tích cực này vẫn đi kèm một số thách thức. Thứ nhất, Solana hiện phát hành trung bình khoảng 162,503 SOL mỗi ngày để làm phần thưởng cho các validator, điều này có thể tạo áp lực bán ra đáng kể và ảnh hưởng đến tính ổn định của giá SOL trong dài hạn.
Thứ hai, sự thận trọng của các tổ chức tài chính lớn như BlackRock – vốn chưa bày tỏ sự quan tâm đến việc phát hành ETF cho các altcoin ngoài Bitcoin và Ethereum, cũng có thể làm giảm lực đẩy từ phía thị trường tổ chức.
Tổng thể, dù còn tồn tại rào cản, nhưng nếu thị trường phái sinh Solana tiếp tục mở rộng và khung pháp lý duy trì xu hướng tích cực, ETF Solana Spot vẫn có khả năng được chấp thuận trong năm 2025 – đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc đưa các tài sản phi tập trung vào hệ thống tài chính truyền thống.
Đọc thêm: Lý do các ông lớn đổ xô đăng ký Bitcoin ETF tại đây.