Phân biệt Hack, Scam, Attack và Exploit trong crypto cho người mới

Trong năm 2024, thị trường tiền mã hóa tiếp tục đối mặt nhiều thách thức về an ninh, với tổng thiệt hại từ các vụ hack, lừa đảo và tấn công mạng lên đến hàng tỷ USD.
Theo báo cáo từ Immunefi, chỉ trong quý 3 năm 2024, lĩnh vực crypto mất 423.9 triệu USD do 34 sự cố tấn công bảo mật và 3 vụ lừa đảo, nâng tổng vụ tấn công trong năm lên 179 và tổng thiệt hại đạt 1.34 tỷ USD tính đến thời điểm đó.
Đáng chú ý, các vụ hack chiếm phần lớn thiệt hại, với 564.2 triệu USD bị mất trong quý 2 năm 2024, tăng 112% so với cùng kỳ năm trước. Trong số này, vụ tấn công vào sàn giao dịch WazirX của Ấn Độ gây thiệt hại 234.9 triệu USD, chiếm 45% tổng thiệt hại trong quý 3.
Các cuộc tấn công này không chỉ ảnh hưởng đến các sàn giao dịch lớn mà còn tác động mạnh mẽ đến người dùng cá nhân, đặc biệt những người thiếu kinh nghiệm hoặc không áp dụng các biện pháp bảo mật cần thiết. Những người mới tham gia thị trường hoặc không thường xuyên cập nhật kiến thức về an ninh mạng thường trở thành mục tiêu dễ dàng cho các hình thức lừa đảo và tấn công.
Nhìn chung, các vụ hack, lừa đảo, tấn công và khai thác lỗ hổng trong thị trường crypto đều nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, nhưng phương thức và đối tượng nhắm đến có sự khác biệt:
- Hack: Xâm nhập trái phép vào hệ thống để đánh cắp tài sản hoặc thông tin, thường nhắm vào các sàn giao dịch hoặc ví mã hóa có lỗ hổng bảo mật.
- Scam: Lừa đảo người dùng thông qua các chiêu trò như dự án giả mạo, hứa hẹn lợi nhuận cao để chiếm đoạt tài sản, thường nhắm vào người dùng thiếu kinh nghiệm hoặc ham lợi nhuận nhanh.
- Attack: Các cuộc tấn công mạng như DDoS nhằm làm gián đoạn dịch vụ, gây thiệt hại cho các nền tảng và người dùng.
- Exploit: Khai thác lỗ hổng trong hợp đồng thông minh hoặc giao thức DeFi để trục lợi, thường nhắm vào các dự án mới hoặc chưa được kiểm toán kỹ lưỡng.
Trong tất cả các trường hợp, người dùng cuối cùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, mất mát tài sản và niềm tin vào thị trường. Do đó, việc nâng cao nhận thức về các mối đe dọa này và áp dụng các biện pháp bảo mật phù hợp là vô cùng quan trọng để bảo vệ tài sản và thông tin cá nhân.
Phân biệt Hack, Scam, Attack và Exploit
Crypto Hack – Xâm nhập trái phép
Hack trong thị trường crypto ngày càng trở nên phổ biến và gây ra những sự việc đáng tiếc. Đây là hành vi truy cập bất hợp pháp vào hệ thống hoặc tài khoản cá nhân nhằm đánh cắp tài sản hoặc thông tin nhạy cảm.
Nguyên nhân chính của các vụ hack có thể đến từ lỗ hổng trong hệ thống bảo mật, các kỹ thuật lừa đảo (social engineering) hoặc thậm chí hành vi gian lận nội bộ.
Những vụ hack có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho cả sàn giao dịch lẫn người dùng:
- Tài sản bị đánh cắp khó lấy lại: Khi tài sản kỹ thuật số bị mất, việc truy vết và thu hồi gần như không thể.
- Mất uy tín: Các sàn giao dịch hoặc ví bị hack thường đánh mất lòng tin của người dùng, thậm chí dẫn đến phá sản.
Một ví dụ điển hình là vụ hack sàn giao dịch Mt. Gox vào năm 2014, nơi hacker đánh cắp 850,000 BTC, trị giá hơn 450 triệu USD thời điểm đó, thiệt hại hơn 16 tỷ USD theo giá trị năm 2024. Một sự cố khác là vụ hack Binance năm 2019, khi hacker khai thác lỗ hổng API và đánh cắp 7,000 BTC, trị giá hơn 40 triệu USD tại thời điểm đó.
Đọc thêm: Hiểu về “crypto hack” qua vụ hack sàn Mt.Gox chấn động thế giới crypto.

“Kẻ tấn công thực hiện hàng loạt các kỹ thuật để xâm nhập sàn, bao gồm phishing, virus và các kỹ thuật tấn công phức tạp khác”, Changpeng Zhao - cựu CEO Binance, nói.
Các sàn giao dịch tập trung (CEX) với lượng tài sản lớn là mục tiêu tấn công hàng đầu, bên cạnh đó, người dùng cá nhân cũng dễ trở thành nạn nhân nếu không bảo vệ tài khoản cẩn thận.
Khi gặp phải hack trong thị trường crypto, việc phản ứng nhanh và rút ra bài học từ sự cố là vô cùng quan trọng. Trước tiên, người dùng cần khóa tài khoản ngay lập tức hoặc chuyển tài sản sang ví lạnh để giảm thiểu tổn thất. Tiếp theo, hãy thông báo cho đội ngũ hỗ trợ của sàn giao dịch hoặc ví và kiểm tra nguyên nhân bị hack, như lỗ hổng API, mật khẩu yếu hoặc các cuộc tấn công phishing, để ngăn chặn tình huống tương tự tái diễn.
"Not your keys, not your crypto"
Một bài học lớn là nguyên tắc “not your keys, not your crypto” – việc lưu trữ tài sản dài hạn nên thực hiện trên ví lạnh và không chia sẻ khóa cá nhân với bất kỳ ai.
Người dùng cũng cần kích hoạt bảo mật hai yếu tố (2FA), sử dụng mật khẩu mạnh và tránh tải xuống tệp hoặc nhấp vào liên kết từ nguồn không đáng tin cậy.
Lựa chọn các sàn giao dịch và ví mã hóa uy tín là cách tối ưu để giảm thiểu rủi ro, nhưng không bao giờ đặt tất cả tài sản vào một nơi duy nhất.
Các vụ hack lớn như Mt. Gox (2014) hay Binance (2019) cho thấy ngay cả các nền tảng lớn cũng không miễn nhiễm trước nguy cơ bị tấn công, nhấn mạnh rằng sự chủ động và cảnh giác của người dùng là yếu tố quyết định để bảo vệ tài sản trong thế giới tiền mã hóa.
Cryoto Scam – Lừa đảo trong thế giới tiền mã hóa
Scam, hay lừa đảo, là một trong những rủi ro nghiêm trọng nhất đối với người dùng trong thị trường crypto. Những hình thức lừa đảo này xuất hiện qua nhiều phương thức, từ email giả mạo (phishing) đến các dự án crypto giả, rug pull, các sàn giao dịch lừa đảo, ponzi…
Điển hình là vụ Bitconnect vào năm 2018, một dự án Ponzi lừa đảo hàng tỷ USD bằng lời hứa lãi suất không tưởng lên đến 40%/tháng. Hay gần đây hơn, dự án Squid Game Token (2021) đã rug pull, khiến nhà đầu tư mất hơn 2 triệu USD khi chủ dự án bán tháo toàn bộ token và biến mất.
Những chiêu trò này thường nhắm vào những người mới tham gia thị trường, thiếu kinh nghiệm, hoặc nhà đầu tư nhỏ lẻ dễ bị hấp dẫn bởi lời hứa lợi nhuận cao mà không kiểm tra tính minh bạch của dự án.
Khi gặp phải scam trong thị trường crypto, người dùng cần ngay lập tức dừng mọi giao dịch liên quan để hạn chế tổn thất và báo cáo vụ việc cho nền tảng nhằm ngăn chặn scam lan rộng.
Đồng thời, việc cảnh báo cộng đồng là cần thiết để những người khác không rơi vào bẫy tương tự. Một lưu ý quan trọng là không gửi thêm tài sản cho kẻ lừa đảo nếu chúng yêu cầu chuyển thêm tiền để “khôi phục” tài sản, vì đây là chiêu trò thường gặp.
Để tránh scam, người dùng cần kiểm tra kỹ dự án trước khi tham gia, đặc biệt về đội ngũ phát triển và lộ trình hoạt động. Những lời hứa lợi nhuận cao bất thường thường là dấu hiệu của lừa đảo. Ngoài ra, cần cảnh giác với các liên kết lạ và tuyệt đối không chia sẻ khóa cá nhân.
Bài học từ các vụ scam lớn như Bitconnect (2018) hay Squid Game Token (2021) nhấn mạnh rằng, chỉ đầu tư vào các dự án minh bạch và đa dạng hóa danh mục đầu tư là cách hiệu quả để giảm thiểu rủi ro.
Sự cảnh giác, hiểu biết và việc áp dụng các biện pháp bảo mật chặt chẽ là chìa khóa giúp bảo vệ tài sản của nhà đầu tư trong thị trường crypto đầy biến động và rủi ro.
Tìm hiểu thêm: Cách check Scam và cách phòng tránh trong Crypto.
Crypto Attack – Tấn công
Khi thị trường tiền mã hóa tiếp tục mở rộng, các mối đe dọa về tấn công mạng như Denial-of-Service (DoS), malware và ransomware ngày càng gia tăng. Hậu quả, hoạt động của giao thức hay dApp không chỉ bị gián đoạn mà còn gây thiệt hại lớn cho người dùng và nền tảng.
Những cuộc tấn công này thường nhắm vào các blockchain nhỏ, nơi sức mạnh hash không đủ lớn để ngăn chặn các hành vi tấn công có tổ chức. Bên cạnh đó, các dApp với giao diện hoặc cơ sở hạ tầng chưa tối ưu cũng là mục tiêu dễ bị tổn thương.
Một ví dụ điển hình là Ethereum Classic vào năm 2019, khi hacker thực hiện 51% Attack, chiếm quyền kiểm soát hơn 50% hashrate và thay đổi giao dịch, gây thiệt hại hơn 1 triệu USD. Ở thời kỳ đầu của crypto, việc các vụ tấn công xảy ra và gây thiệt hại như thế này ảnh hưởng nặng nề đến lòng tin của người dùng vào hệ thống nói riêng và DeFi nói chung.
Tương tự, vào năm 2022, mạng lưới Solana bị tấn công DDoS, khiến hệ thống gián đoạn và phải ngừng hoạt động trong nhiều giờ, làm ảnh hưởng đến hàng nghìn người dùng. Lúc này, người dùng cần nhanh chóng tạm dừng mọi giao dịch liên quan trên mạng lưới bị tấn công để tránh rủi ro về tài sản.
Phương thức tấn công phổ biến bao gồm:
- 51% Attack: Hacker kiểm soát phần lớn sức mạnh xử lý của blockchain, cho phép đảo ngược giao dịch hoặc chi tiêu gấp đôi.
- DDoS Attack: Tấn công từ chối dịch vụ, gửi lượng lớn yêu cầu để làm tê liệt mạng lưới hoặc dịch vụ.
- Malware Attack: Tấn công mã độc, các chương trình được thiết kế để xâm nhập hệ thống hoặc mạng, cho phép kẻ tấn công truy cập trái phép vào thông tin nhạy cảm hoặc tài sản số.
- Ransomware Attack: Cũng là một loại tấn công mã độc, mã độc này mã hóa toàn bộ dữ liệu của hệ thống hoặc mạng. Kẻ tấn công chỉ cung cấp khóa giải mã khi nhận được tiền chuộc.
Để phòng tránh, các mạng lưới cần tăng cường sức mạnh hash, áp dụng các biện pháp bảo vệ chống DDoS, và thường xuyên kiểm tra, vá lỗi trong hệ thống. Với sự phát triển nhanh chóng của blockchain và DeFi, việc nâng cao khả năng phòng vệ trước các cuộc tấn công mạng là yếu tố sống còn để bảo vệ tài sản và niềm tin của người dùng trong hệ sinh thái crypto.
Exploit – Khai thác lỗ hổng
Exploit trong thị trường crypto là hành vi lợi dụng các lỗ hổng hoặc sai sót trong hệ thống, chẳng hạn như lỗi phần mềm, tấn công mạng, hoặc sai sót do con người để truy cập trái phép, thực thi mã độc, hoặc gây ra những tác động không mong muốn. Đây là một hình thức tấn công phổ biến và gây thiệt hại nghiêm trọng về tài chính.
Hacker thường nhắm vào các giao thức chưa được kiểm toán bảo mật hoặc sử dụng hợp đồng thông minh phức tạp nhưng thiếu kiểm tra kỹ lưỡng. Điển hình là vụ Poly Network (2021), nơi hacker khai thác lỗi hợp đồng thông minh và chiếm đoạt 610 triệu USD, hay vụ Beanstalk Farms (2022), khi lỗ hổng quản trị bị lợi dụng để chiếm hơn 182 triệu USD.

Người dùng bị ảnh hưởng bởi exploit cần nhanh chóng rút tài sản khỏi giao thức bị tấn công (nếu có thể) và theo dõi thông báo từ đội ngũ phát triển để đánh giá mức độ an toàn.
Để phòng tránh, chỉ nên sử dụng các dự án đã được các tổ chức uy tín kiểm toán bảo mật, nghiên cứu kỹ dự án trước khi tham gia, và tránh khóa toàn bộ tài sản vào một nền tảng duy nhất.
Ngoài ra, kiểm tra hợp đồng thông minh trước khi giao dịch và sử dụng ví phi tập trung là những biện pháp thiết yếu để bảo vệ tài sản. Sự cảnh giác của người dùng cùng với nỗ lực cải thiện bảo mật từ nhà phát triển là yếu tố quan trọng giúp hạn chế các vụ exploit trong một thị trường crypto đầy biến động.
Tìm hiểu thêm: Cách hoạt động của tấn công Exploit trong Crypto.
Tại sao người dùng phải phân biệt các khái niệm này?
Người dùng trong thị trường crypto cần phân biệt rõ hack, scam, attack, và exploit để có cách xử lý phù hợp và hiệu quả khi gặp sự cố. Mỗi khái niệm đại diện cho một hình thức tấn công hoặc lừa đảo khác nhau, với nguyên nhân, đối tượng và cách giải quyết đặc thù.
Việc hiểu đúng bản chất của từng loại không chỉ giúp phản ứng kịp thời mà còn giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ tài sản cá nhân trước những rủi ro tiềm tàng. Quan trọng hơn, nhận thức đầy đủ về các hình thức tấn công hoặc lừa đảo còn góp phần nâng cao ý thức chung trong cộng đồng, thúc đẩy việc xây dựng một hệ sinh thái crypto an toàn và minh bạch hơn.
Xem thêm: Tips lưu trữ, bảo vệ crypto khỏi tấn công phủi bụi, giả mạo, mã độc.