Proof of Reserves (POR) là gì? PoR có giúp crypto minh bạch hơn?
PoR là gì?
PoR (Proof of Reserves), hay còn gọi là Bằng chứng dự trữ, là một danh sách các địa chỉ ví thuộc nhiều blockchain khác nhau được các sàn giao dịch CEX thông tin công khai đến cộng đồng. Các ví này là nơi sàn giao dịch lưu trữ tiền của người dùng.
Đây sẽ là giải pháp giúp người dùng nắm được tổng lượng tài sản đang được lưu trữ trên sàn cũng như theo dõi những biến động lớn về số dư. Từ đó họ có thể suy ra các hoạt động của sàn và có biện pháp phòng tránh (một cách tương đối) những rủi ro tương tự như sự kiện FTX.
PoR do Binance đề xuất còn tích hợp cấu trúc merkle tree để đảm bảo tính toàn vẹn và xác thực của dữ liệu. Theo đó, nhờ áp dụng cấu trúc này cộng với sự kiểm duyệt của một bên thứ ba, tất cả người dùng có thể kiểm tra để biết liệu số dư của mình hiện trên tài khoản Binance có đủ tài sản đảm bảo hay không.
Nếu các sàn thực hiện đầy đủ các quy trình và có sự đảm bảo về mặt kỹ thuật cũng như có một bên kiểm toán thứ ba uy tín thì nhiều khả năng sự kiện tương tự như FTX sẽ không thể xảy ra.
Trong trường hợp các sàn giao dịch rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản hoặc có nguy cơ phá sản (do các khoản đầu tư thua lỗ hoặc nợ xấu) thì với các điều kiện trên, người dùng vẫn có thể rút tiền bình thường.
Từ đó, các sàn giao dịch có thể lấy lại niềm tin của người dùng sau rất nhiều “drama” xung quanh FTX.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu PoR có đủ để đảm bảo an toàn cho tài sản người dùng trên các sàn giao dịch tập trung? Vấn đề này sẽ được trình bày ở phần sau bài viết.
Các công cụ theo dõi PoR
Các bạn có thể theo dõi PoR của các sàn giao dịch tại các trang web và kênh thông tin của sàn giao dịch đó.
Ngoài ra cũng có một số công cụ khác chuyên tổng hợp và cập nhật dữ liệu về PoR của nhiều sàn giao dịch, bao gồm:
- Coinmarketcap: PoR sẽ xuất hiện khi bấm vào thông tin của từng sàn giao dịch.
- Coingecko: Mục Exchange Reserves sẽ hiện ra khi bấm vào thông tin của từng sàn giao dịch.
- Nansen Portfolio: Ngoài PoR của các sàn giao dịch, website này còn cung cấp địa chỉ ví của nhiều dự án khác.
Tính đến thời điểm hiện tại, theo dữ liệu từ DeFi Llama, có 17 sàn giao dịch tập trung đã công bố PoR của mình. Một vài cái tên nổi bật bao gồm Binance, OKX, Bitfinex, Crypto.com, Bybit…
Vấn đề minh bạch của CEX sau sự kiện FTX
Hiện nay, CEX vẫn là giải pháp được nhiều nhà đầu tư lựa chọn để giao dịch crypto vì sự đơn giản và các tính năng tiện lợi của chúng. Nếu so về khối lượng giao dịch giữa DEX và CEX, chúng ta có thể thấy CEX đang chiếm ưu thế.
Khi so sánh TVL của toàn bộ các nền tảng DeFi (DeFiLlama, cập nhật ngày 29/11/2022), thì số tiền người dùng đang gửi trên Binance cho thấy sự áp đảo của sàn giao dịch số 1 này.
Ngoài ra, với những nghi vấn đặt ra về các vụ “hack” trá hình của nhiều dự án, người dùng DeFi vẫn chưa thật sự tin tưởng thị trường này và chọn giải pháp tự lưu trữ tài sản trong ví cá nhân (dù hiệu quả sử dụng vốn bằng 0).
Do đó, có thể thấy rằng sàn CEX đang đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của thị trường crypto. Nếu CEX có xảy ra bất kỳ rủi ro nào thì mức độ của chúng đều rất nghiêm trọng và có thể gây ra nhiều hệ quả với nhiều bên liên quan.
Các sàn giao dịch tập trung ngoài việc làm trung gian môi giới còn thực hiện rất nhiều hoạt động khác như: quỹ đầu tư, nhà tạo lập thị trường (market makers), trung gian tài chính (hoạt động tín dụng)... Hiện nay, những hoạt động này đều chưa được điều chỉnh bởi các khuôn khổ pháp luật nên khó có thể ngăn ngừa tình trạng xung đột lợi ích trong các hoạt động này của cùng một sàn giao dịch.
Vì vậy, có một bản PoR đáp ứng đầy đủ các vấn đề kỹ thuật để người dùng có thể theo dõi trong thời gian thực số tài sản đảm bảo cho lượng tài sản được hiển thị trên tài khoản của họ là điều vô cùng cần thiết.
Điều này sẽ bảo vệ quyền lợi của người dùng trên sàn ở một mức độ nào đó, đồng thời nâng cao uy tín cho sàn giao dịch. Ngoài ra, người dùng có thể nhanh chóng phát hiện những hoạt động bất thường của sàn nếu như các ví trong PoR có biến động số dư lớn, từ đó đề ra các biện pháp hành động trước khi quá muộn.
Ngoài ra, sự kiện FTX đã khiến các cơ quan chức năng vào cuộc thực hiện các cuộc điều tra nhằm vào thị trường crypto, đặc biệt là các sàn CEX. Sự ra đời của PoR có thể giúp làm dịu tình hình này.
Nhưng liệu PoR đã đủ để giải quyết toàn bộ vấn đề?
Proof of Reserve có phải là giải pháp tối ưu?
Chỉ cần đưa ra địa chỉ ví lưu trữ là đủ?
Nhiều người cho rằng PoR chỉ là hoạt động củng cố niềm tin của người dùng chứ không có nhiều ý nghĩa trong thực tế. Hãy cùng quay trở lại với sự kiện FTX - nguồn gốc cho sự ra đời của PoR.
“Drama” diễn ra do FTX lấy tiền của người dùng để sử dụng vào những mục đích khác (cho Alameda vay, đầu tư…), mục tiêu của FTX là để tối ưu hiệu quả sử dụng vốn hoặc đơn giản là do tình hình kinh doanh của Alameda quá yếu kém.
Như đã đề cập ở trên, PoR cho phép người dùng sớm nhận ra tình trạng tài sản của mình trên sàn (liệu đã bị “rút ruột” hay chưa?) và những hoạt động thay đổi số dư bất thường của sàn. Nhưng việc “sớm nhận ra” đó vẫn diễn ra sau khi các sàn CEX đã thực hiện các hành động đó (nếu có).
Do đó từ sự kiện FTX, chúng ta có thể thấy vẫn tồn tại ba vấn đề cốt lõi trong một sàn giao dịch nếu sàn rơi vào trường hợp tương tự:
- Sàn vẫn có thể front-run người dùng nếu họ thực sự thực hiện các hoạt động mờ ám (vì sàn kiểm soát private key của các ví).
- PoR không phản ánh được tình trạng kinh doanh của sàn giao dịch (yếu tố then chốt dẫn tới việc “rút ruột”).
- Mối quan hệ giữa sàn giao dịch với các tổ chức có các chức năng khác nhau rất dễ dẫn tới tình trạng xung đột lợi ích mà hệ quả là các hoạt động mờ ám kể trên.
Tóm lại, giả sử FTX có PoR từ trước thì có nhiều khả năng họ vẫn sẽ front-run người dùng với các biện pháp như khoá rút tiền. Ngoài ra, người dùng dù biết tài sản của mình không được đảm bảo backed 1:1 nhưng vẫn không thể làm gì được do hoạt động kinh doanh yếu kém của FTX và những mối quan hệ phức tạp của sàn.
Trong trường hợp này, khi phát hiện PoR cho thấy tài khoản của mình không được backed 1:1, người dùng sẽ chỉ có thể “cảnh giác” được một phần bằng cách kịp thời rút tiền và hy vọng tránh được “bão”.
Do đó, dường như PoR vẫn chưa thể giải quyết toàn bộ bài toán về tính minh bạch của các sàn giao dịch tập trung hiện nay. Thậm chí cũng có ý kiến cho rằng, PoR chỉ là giải pháp để xoa dịu hoạt động điều tra các sàn CEX của các nhà chức trách sau sự kiện FTX.
Cần có thêm nhiều thành phần khác
Đồng sáng lập a sàn giao dịch Kraken cho rằng PoR sẽ là vô nghĩa nếu không bao gồm các tài khoản có số dư âm, như nghĩa vụ nợ. “The statement of assets is pointless without liabilities.”
Có thể thấy rằng, PoR giống như một bảng cân đối kế toán bị cắt một nửa nên không phản ánh được toàn bộ tình hình kinh doanh và sức khoẻ tài chính của các sàn giao dịch. Nó cũng không đề cập gì tới việc luân chuyển dòng tiền giữa các tổ chức liên quan.
Hơn nữa, do các sàn giao dịch thường thành lập pháp nhân ở các “thiên đường thuế” và chưa niêm yết đại chúng nên các báo cáo tài chính của họ (tức là bảng cân đối kế toán không bị cắt một nửa) không được công khai hoặc thậm chí còn chứa nhiều khoản tiền bị che giấu.
Do đó, người dùng vẫn sẽ phải tin rằng các sàn giao dịch vẫn đang hoạt động tốt cho đến khi rủi ro xảy ra. Vì thế trong tương lai, việc sử dụng PoR để củng cố niềm tin người dùng là hoàn toàn chưa đủ, các sàn giao dịch phải minh bạch thêm nhiều thành phần khác để đảm bảo lợi ích cho người dùng.
Các bạn có thể đọc chuỗi bài viết về sự kiện FTX sụp đổ để nắm thêm các thông tin liên quan:
Lời kết
Tuy chưa phải giải pháp tối ưu, cũng như chưa giải quyết toàn bộ các vấn đề tồn đọng trong việc minh bạch các hoạt động của CEX nhưng PoR đã đặt những viên gạch móng đầu tiên trong việc bảo vệ người dùng của các sàn giao dịch.
Trong tương lai, một mình PoR sẽ không thể nào đủ. Các sàn giao dịch vẫn cần những khuôn khổ pháp luật để thực hiện theo, cũng như công khai tình hình sức khoẻ tài chính của mình cùng những biện pháp bảo vệ tiền gửi của khách hàng trong trường hợp phá sản.