Newman Capital: 'Muốn đầu tư vào những người coding đến cả quên ăn, Startup Việt Nam đang như vậy'
Một ngày đầu tháng 7, Adrian Lai bước vào văn phòng Coin98 và say sưa chia sẻ góc nhìn của mình về thị trường. Một doanh nhân có bề ngoài giản dị với áo thun và quần đùi là nhà sáng lập Newman Capital, một VC ở Hồng Kông đầu tư vào nhiều công ty web 2 và web 3 tên tuổi như Reddit, Epic Games, Dapper, Yuga Labs…
The Spotlight là series trò chuyện giữa Coin98 Insights với các builder trong ngành về những chủ đề nóng trên thị trường.
Video highlight những chia sẻ của Adrian Lai, độc giả có thể xem toàn bộ nội dung cuộc trò chuyện kéo dài hơn 60 phút ở bài viết bên dưới.
- Trước khi ra mắt Newman vào 2021, anh thành lập nền tảng token hoá Liquefy. Ngoài ra, anh cũng từng làm việc tại BlackRock trong vai trò nhà phân tích ESG (môi trường, xã hội và quản trị). Những kinh nghiệm này đã giúp ích anh như thế nào trong quá trình xây dựng Newman?
Adrian Lai: Tôi tham gia BlackRock năm 2014, trong khoảng ba năm làm việc tại đây, tôi có cái nhìn cơ bản về ngành Fintech (công nghệ tài chính). Lúc đó, là một người trẻ cộng với chút hiểu biết về tiền số, tôi nghĩ crypto là một chặng đường dài đối với doanh nghiệp.
Vì thế, tôi quyết định rời BlackRock để theo đuổi mục tiêu riêng: crypto.
Tôi thành lập công ty với một người bạn sau này làm việc tại FTX và đầu tư vào ICO. Vào giai đoạn 2017-2018, tôi gần như mất sạch tiền. Tôi mua ETH giá thấp nhưng không bán lúc giá cao, khi thị trường giảm tôi chẳng còn gì - sai lầm hầu hết nhà đầu tư nhỏ lẻ đều phạm phải.
Lúc đó, tôi hơi mất niềm tin vào đầu tư crypto và nảy ý định thành lập Liquefy (2019) tập trung vào các giải pháp blockchain cho doanh nghiệp. Cụ thể, chúng tôi token hóa tài sản và cho phép bất kỳ ai cũng có thể mua một phần trong các tài sản thanh khoản (liquid asset). Mọi thứ tiến triển tốt vì nhiều ngân hàng, công ty lớn ủng hộ ý tưởng về cung cấp token chứng khoán.
Tuy nhiên, khi đào sâu hơn vào khái niệm token hoá tài sản, tôi nhận ra nó không song hành với mục tiêu của crypto: cải thiện tính phi tập trung và hạ thấp rào cản gia nhập. Trong khi đó, blockchain doanh nghiệp (như Liquefy) chỉ tăng cường tính tập trung.
Vì thế, khi DeFi đổ bộ, tôi quyết định đặt niềm tin lại vào crypto và thành lập Newman Capital. Cụ thể, chúng tôi đầu tư vào các quỹ, startup và các công ty ở tất cả giai đoạn. Tôi muốn Newman được nhìn nhận như bộ mặt nổi bật trong đầu tư vào các công ty tiên phong.
- Cụ thể, khi quyết định đầu tư một dự án, Newman tìm kiếm những yếu tố nào?
Adrian Lai: Điều này phụ thuộc vào các giai đoạn đầu tư.
Với nhiều VC, khi xem xét một công ty pre-seed (tiền hạt giống), họ muốn nhìn thấy sản phẩm hoặc thứ gì đó cụ thể. Tôi không theo trường phái này. Pre-seed là pre-seed, nghĩa là công ty đang huy động tiền để tạo sản phẩm. Nếu đã có sản phẩm, công ty nên tiến đến giai đoạn seed (hạt giống).
Với công ty pre-seed, điều tôi cho quan trọng nhất, đó là hiểu biết của người sáng lập về ngành: Người sáng lập nhìn nhận gì về play-to-earn, điều gì đang xảy ra với Metaverse, liệu yield farming có bền vững không, công ty có thể cải thiện gì theo thời gian? Yếu tố này đặc biệt quan trọng trong bear market.
Khi nói chuyện với người sáng lập một dự án trong vài tháng, bạn sẽ có cái nhìn về hành trình học hỏi của họ và biết họ có phù hợp không. Không chỉ trong web 3, mà với VC nói chung, ở giai đoạn pre-seed, yếu tố người sáng lập là quan trọng nhất.
Tuy nhiên, ở giai đoạn sau, khi công ty đã là chỉnh thể hoàn chỉnh, yếu tố đặt lên bàn cân là khả năng mở rộng. Đi được đến đây, nhiều khả năng người sáng lập thông minh và có tố chất, nhưng họ có thể mở rộng dự án, thuyết phục đội ngũ tin vào tầm nhìn của mình như thế nào? Đây là điều chúng tôi xem xét.
Đọc thêm: Người 'đỡ đầu' của Houbi và hàng trăm startup chỉ ra nguyên nhân thất bại của các công ty crypto.
- Newman đầu tư vào nhiều công ty web 2 như Reddit, Epic Games… và hiện cũng đang đầu tư vào các công ty web 3. Anh có thể cho biết sự khác biệt văn hoá giữa hai loại công ty này? Bên cạnh đó, ngoài nguồn lực vật chất, Newman đóng góp giá trị gì cho những bên này?
Adrian Lai: Triết lý của chúng tôi là hỗ trợ các công ty có tư duy web 3.
Có thể thấy, với Epic, họ đang tạo ra một thế giới trò chơi mở. Ngoài ra, buổi diễn kỹ thuật số của nghệ sĩ Travis Scott được họ tổ chức trong một không gian có thể gọi là metaverse mà ai cũng tham gia được. Với Reddit, đây là diễn đàn cho phép bất kỳ ai đăng bất kỳ bình luận nào mà không bị vướng nhiều rào cản kiểm duyệt.
Rõ ràng, cả hai công ty đều chấp nhận crypto theo cách nào đó. Ngoài ra, Epic mới hiện đang cố gắng tích hợp game liên quan đến crypto; còn Reddit đã phát hành NFT. Những hoạt động này đều ăn khớp với triết lý đầu tư của chúng tôi.
Ngoài ra, như bạn đã đề cập, chúng tôi đầu tư vào các công ty kỳ lân truyền thống và cả công ty crypto. Giá trị cộng thêm chúng tôi đem lại cho họ là tạo điều kiện để kết nối hai thế giới này. Chẳng hạn, mang các công ty như Dapper Labs, Immutable (cũng nằm trong portfolio của chúng tôi) đến Epic Games và ngược lại.
Tôi nghĩ cả hai bên đều muốn bắt cầu đến với nhau, nhưng họ đang không có cây cầu đó. Và đây chính là sân khấu của chúng tôi.
- Ngoài việc kết nối thế giới truyền thống với web 3, Newman còn hướng đến liên kết giữa phương Đông và phương Tây. Newman đã thực hiện điều này như thế nào?
Adrian Lai: Thứ nhất, Newman Capital - là một phần của tập đoàn Newman, có nhân viên ở Hồng Kông, Singapore, Ấn Độ và Mỹ.
Thứ hai, xa hơn việc kết nối Đông-Tây, chúng tôi muốn kết nối tất cả các bên có nhu cầu, dù đó là Epic-Immutable hay Mỹ-Hồng Kông. Vì thế, chúng tôi sử dụng chiến lược cấu trúc nhóm.
Hầu hết công ty đầu tư phân bổ đa số nguồn nhân lực vào mảng đầu tư. Tại Newman, một nửa chúng tôi để vào quản lý portfolio, nửa còn lại để vào mảng đầu tư. Nghĩa là ngay cả trước khi chúng tôi quyết định đầu tư và tiến hành thẩm định (due diligence), nhóm quản lý portfolio đã giúp tạo các kết nối, thậm chí đơn giản như tổ chức sự kiện tại một số thị trường.
Chúng tôi muốn đảm bảo cung cấp các giá trị trùng khớp cho công ty mình đầu tư, dù dựa trên yếu tố địa lý, kỹ năng hay web 2 so với web 3.
- Trên website của Newman có một câu nói của diễn viên người Mỹ Paul Newman: “Nhiều người có ước mơ nhưng không làm gì cả. Khi bạn có ý tưởng và ước mơ, bạn làm gì đó với chúng”. Đây có phải nguồn cảm hứng đặt tên của Newman Capital?
Adrian Lai: Tôi từng có cuộc tranh luận với đội marketing công ty về điều này. Sự thật là do tôi thích chiếc đồng hồ Rolex Daytona của Paul Newman. Nhưng làm sao quảng bá câu chuyện này ra bên ngoài?
Chúng tôi tìm ra một khía cạnh khác: Paul Newman còn là một tay đua ô tô. Và một trong những chiến thuật lái xe của ông là: lái nhanh nhưng an toàn. Đây chính xác là điều bạn nên làm trong crypto: mạo hiểm tiến tới nhưng cũng có khả năng bảo vệ điểm yếu của mình và biết cách quản trị rủi ro.
Khía cạnh thứ hai chúng tôi muốn quảng bá về Newman Capital, đó là chúng tôi muốn giúp những người sáng lập tăng tốc. Khi bạn xem những cuộc đua xe Công thức 1, bạn thấy những tay đua nổi tiếng bắt đầu cuộc đua một cách suôn sẻ với ai đó ở bên cạnh. Chúng tôi muốn trở thành người ở bên cạnh đó cho các tay đua-doanh nhân và đẩy nhanh quá trình đào tạo.
- Trong thời gian làm việc ở Newman, anh có câu chuyện đặc biệt nào muốn chia sẻ?
Adrian Lai: Tôi có một kỷ niệm không hẳn hạnh phúc nhưng khá đáng nhớ. Vào tháng 11/2021, chúng tôi bị hack 5 triệu USD. Lúc đó chúng tôi đang thực hiện khá nhiều hoạt động liên quan đến yield farming trong DeFi và kết cục bị tấn công.
Sự cố này dạy tôi về cách quản trị rủi ro, không chỉ là vấn đề đầu tư tổng thể trên thị trường sơ cấp, mà còn là cách phòng tránh rủi ro trong vận hành. Điều này cũng giúp tôi đào sâu hơn với các giao thức DeFi về mức độ an toàn khi sử dụng và rủi ro cho các bên liên quan có tài sản thế chấp trong giao thức.
- Gần đây, nhiều người nói về “hiện tượng Hồng Kông”, xem đây là cơ hội cho crypto. Tại sao Hồng Kông lại hấp dẫn như vậy và điều này có ý nghĩa gì đối với web 3?
Adrian Lai: Thứ nhất, tôi nghĩ Hồng Kông hấp dẫn vì đây là thị trường tài chính phát triển, có thể so sánh với New York, London và có lẽ Tokyo. So với Singapore, thị trường tài chính Hồng Kông lớn gấp 10 lần và tích cực hỗ trợ các startup ở nhiều giai đoạn khác nhau.
Ngoài ra, trong khi Mỹ gay gắt với các công ty crypto, châu Âu gặp khủng hoảng, thì châu Á đang tăng tốc trên cuộc đua crypto. Trong đó, Hồng Kông từ lâu đã là một IFC (Tổ chức tài chính quốc tế) và cảng trung chuyển kết nối các phần khác nhau của thế giới. Vì thế tôi nghĩ Hồng Kông có tiềm năng rất lớn trong thế giới web 3.
- Ở châu Á, Singapore cũng được xem là ngôi sao đang lên của crypto. Anh nghĩ gì về sự cạnh tranh giữa Singapore và Hồng Kông?
Adrian Lai: Thật lòng tôi nghĩ Singapore là một ngôi sao đang rơi. Trong vài năm qua họ đã chạm đến đỉnh cao của mình.
Nói chung, Singapore vẫn là một trung tâm crypto khá sôi động. Tuy nhiên, khi so sánh Singapore và Hồng Kông, Singapore không có lợi thế gì để vượt mặt Hồng Kông, ngoài việc họ gần Đông Nam Á hơn.
Tuy nhiên, năm ngoái khi tôi đi du lịch vài tháng ở khu vực này, tôi thấy Singapore cũng không dẫn đầu Đông Nam Á. Ở đây, hầu hết quốc gia: Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia đều muốn trở thành lãnh đạo và đang cố gắng để trở thành một phần chủ chốt của Đông Nam Á.
Trong khi đó Singapore lại đứng ngoài dòng chảy này. Vì vậy, tôi cho rằng Singapore không có sức mạnh tổng hợp, trong khi với crypto, sẽ có sự hiệp lực giữa Hồng Kông và Trung Quốc.
- Trung Quốc và Hồng Kông là một quốc gia, hai chế độ với hai lập trường khác biệt đối với crypto (Trung Quốc cấm, Hồng Kông ủng hộ). Sự hiệp lực mà anh nói có phải là Trung Quốc đang dùng Hồng Kông làm nơi thử nghiệm crypto?
Adrian Lai: Hồng Kông tích cực ủng hộ web 3 trong khi Trung Quốc cấm crypto là ví dụ kinh điển của “một quốc gia, hai chế độ”.
Xét về địa lý, văn hoá, sự kết nối giữa các tổ chức tài chính quốc tế, Hồng Kông là nơi hoàn hảo cho việc thử nghiệm những thứ mới. Nhưng tôi cảm thấy trong ngắn hạn và trung hạn, Trung Quốc đang ưu tiên tập trung vào CBDC, ngân hàng trung ương, tiền kỹ thuật số và nhiều ứng dụng khác tận dụng công nghệ blockchain mà không nhất thiết phải có crypto.
Việc Trung Quốc và Hồng Kông có lập trường trái ngược về crypto chỉ là cách truyền thông miêu tả, bản thân tôi không thấy nhiều xung đột. Đây chỉ là các phần khác nhau của đất nước ưu tiên những thứ khác nhau. Trong khi Hồng Kông (thuộc một phần của Trung Quốc) tập trung vào crypto và web 3, thì phần còn lại của Trung Quốc tập trung vào bản thân công nghệ blockchain.
- Hồng Kông có lập trường dứt khoát ủng hộ crypto, trong khi Mỹ và hầu hết các nước phương Tây đều đang rất thận trọng. Anh nghĩ sao về điều này?
Adrian Lai: Trong vài thập kỷ qua, tôi nghĩ Mỹ chưa bao giờ tỏ ra là mình ngu ngốc.
Trong quá khứ, Nhật Bản từng bỏ lỡ cơ hội trong thời kỳ internet bùng nổ, kéo theo một đợt giảm phát dài một thập kỷ. Nhưng hiện nay với crypto, Nhật Bản đang tăng tốc rất nhanh và may mắn họ không suy sụp trong bear market.
Tôi nghĩ điều tương tự đang xảy ra với Mỹ. Truyền thông đưa tin Mỹ hà khắc với crypto, nhưng chúng ta nên xem xét nhiều thông số khác nhau. Một mặt, SEC kiện Coinbase, nhưng mặt khác, BlackRock và Fidelity nộp đơn đăng ký ETF với Coinbase là một trong các stakeholder.
Tôi tin Mỹ sẽ không từ bỏ không gian này vì Thung lũng Silicon luôn là chìa khoá cho những đổi mới.
- Bắt đầu từ ngày 1/6, Uỷ ban Chứng khoán và Hợp đồng tương lai (SFC) của Hồng Kông đã hoàn thiện các quy tắc cho phép giao dịch bán lẻ crypto. Anh nghĩ quy tắc mới này sẽ đem lại lợi ích cho các công ty crypto ở Hồng Kông như thế nào?
Adrian Lai: Hồng Kông đã giành khoảng 2-3 năm để thảo quy định cho sàn giao dịch. Trong khi đó, Singapore trước đây lại đẩy các quy định đi quá xa khi cho phép giao dịch bán lẻ trên FTX và chịu nhiều thiệt hại.
Quy tắc mới này không chỉ là cột mốc lớn đối với các sàn giao dịch, mà còn là ví dụ tham khảo cho các công ty crypto về mặt chủ động tương tác với cơ quan quản lý.
Chẳng hạn, một công ty phát hành stablecoin sẽ thấy tự tin hơn nhiều sau khi quy định về sàn giao dịch được ban hành, vì họ biết chính phủ đang nghiêm túc thúc đẩy ngành này phát triển. Hai năm trước đây, họ không chắc chính phủ nghĩ gì về crypto.
Ngoài ra, quy tắc mới này cho thấy mọi người có thể làm việc với crypto một cách hợp pháp và tuân thủ.
- Bear market là khoảng thời gian đặc biệt khó khăn cho các startup crypto. Anh nghĩ yếu tố nào dẫn đến sự thất bại của các dự án trong thời gian này?
Adrian Lai: Hiện tại hầu hết dự án đang cạn tiền. Việc Coin98 có một phòng media hiện đại như tôi đang ngồi ở đây cho thấy các bạn quản lý Treasury tốt.
Với các dự án web 3, đa số nhà sáng lập đều lần đầu đảm nhận vị trí này, nên họ không thực sự có kỹ năng quản lý Treasury hay số lượng nhân viên. Tôi thấy rất nhiều công ty startup tăng quy mô quá nhanh trong bull market mà không có kế hoạch dự phòng trong 12-18 tháng tới.
Và khi bear market đổ bộ, rất khó để gọi vốn và bạn phải sa thải nhân viên, dừng lại mọi thứ. Tôi cho rằng đây là bài học kinh nghiệm cho những người lần đầu sáng lập công ty. Tôi không đổ lỗi cho họ bởi vì chu kỳ crypto luôn tàn bạo đối với tất cả mọi người.
Yếu tố thứ hai khiến các dự án thất bại là việc chạy theo các xu hướng mà không suy xét kỹ: mua altcoin, NFT không tốt và mất trắng tiền.
Thành thật mà nói, trong tư cách nhà đầu tư, chúng tôi không trông đợi quá nhiều vào BRC-20 nhưng vẫn có khoản đầu tư tốt. Chúng tôi sẽ không bỏ tiền vào 10 dự án BRC-20 mà không nhìn qua hệ sinh thái tổng thể.
Trong tư cách nhà sáng lập, bạn không thể chỉ bắt con sóng Ordinals BRC-20 mà không thực sự hiểu nó. Tôi không nói đây là xu hướng xấu, nhưng với bất kỳ xu hướng nào, bạn đều nên có cái nhìn rõ ràng.
Tương tự, trong bear market chúng tôi muốn nhìn vào những nhà sáng lập hiểu thị trường, thay vì mù quáng xây dựng sản phẩm không ai sử dụng.
- Anh nghĩ gì về xu hướng tương lai trong crypto? Lĩnh vực nào sẽ thu hút dòng tiền khi mùa bull market đến?
Adrian Lai: Tôi cho rằng theo thời gian, chu kỳ bull và bear market đang rút ngắn dần. Nghĩa là bull market có thể đến sớm hơn chúng ta mong đợi nhiều.
Tôi không ưa chuộng việc chọn ra một lĩnh vực cụ thể trong thị trường, vì đây là rủi ro lớn trong đầu tư. Tuy nhiên, chúng tôi nhìn vào nền kinh tế tiêu dùng và khá lạc quan về mảng game và các ứng dụng xã hội.
Gần đây, chúng tôi có đầu tư vào nền tảng nội dung do AI sáng tạo (AIGC). Với nền tảng này, bất kỳ ai cũng có thể tạo phim hoạt hình, trò chuyện và gọi video hoạt hình. Đến cuối cùng, tôi nghĩ những người dùng muốn tạo nội dung với AI trên nền tảng này có thể muốn đề ra các quy tắc cho nền tảng, chẳng hạn từ khóa hay các tính năng bổ sung. Tôi nghĩ đây là điều thú vị.
- Anh nghĩ sao về tương lai crypto ở Việt Nam? Hiện tại có dự án nào ở đây anh thấy đáng chú ý?
Adrian Lai: Đầu năm nay, chúng tôi đầu tư vào một nền tảng giao dịch cổ phiếu ở Việt Nam. Gần đây chúng tôi có khoản đầu tư khác vào một công ty crypto lớn ở đây, sẽ sớm được công bố. Đây là những khoản đầu tư chiến lược vì chúng tôi muốn làm nhiều thứ hơn ở Việt Nam.
Tôi ấn tượng với những người sáng lập ở đây, nhiều người tạo ra sản phẩm rất tốt. Họ chân thực, tuy nhiên có lẽ chưa xuất sắc về khía cạnh thương mại. Nhưng không sao, vì đây là yếu tố có thể đào tạo, chứ trở thành builder giỏi hay hiểu tường tận các ứng dụng thì khó lòng đào tạo.
Nhìn chung, tôi nghĩ các bạn đang ở trong một thị trường tốt. Tôi đã nhìn khắp thị trường Đông Nam Á và thấy Việt Nam là quốc gia duy nhất hội tụ cân bằng các điểm sáng để phát triển crypto. Các bạn có một thế hệ trẻ nhiệt huyết xây dựng; vấn đề on-ramps, off-ramps ở đây dễ dàng nhờ vào P2P.
Tôi không phải fan của nhiều thị trường, chẳng hạn Thái Lan. Tôi nghĩ họ tiệc tùng quá nhiều và không hăm hở để phát triển. Bạn sẽ không đầu tư vào một nhà sáng lập tối nào cũng đi club, bạn muốn đầu tư vào người miệt mài coding đến quên ăn.
Tôi nghĩ Việt Nam đang phát triển theo hướng đó, tương tự Trung Quốc 10-15 năm trước. Và chúng tôi muốn copy-paste mô hình này cho thị trường tiếp theo chúng tôi nhắm đến là Philippines.