Người 'đỡ đầu' của Houbi và hàng trăm startup chỉ ra nguyên nhân thất bại của các công ty crypto
Với những cú đấm thép của SEC, làn sóng tiền điện tử đang dần chuyển dịch từ Mỹ sang châu Á. Nhưng vẫn là câu chuyện muôn thưở: phương Tây không hiểu phương Đông. OP Crypto ra đời với mục tiêu lấp khoảng trống đó và mở cánh cửa để các nhà đầu tư tổ chức phương Tây nhìn sâu vào thị trường châu Á.
Tại sự kiện Solana Hacker House vừa qua tại TP.HCM, Coin98 Insights đã có cuộc trò chuyện với David Gan - sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm OP Crypto về cách đầu tư mang lại upside cao nhất và lý giải nguyên nhân tại sao các dự án thất bại.
The Spotlight là loạt phỏng vấn độc quyền giữa Coin98 Insights với builder trong ngành về các chủ đề nóng trên thị trường.
Không bỏ hết trứng vào một giỏ
- Xin chào David. Từng là giám đốc điều hành một sàn giao dịch Tier 1, điều gì đã truyền cảm hứng cho anh thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) OP Crypto để kết nối thị trường phương Tây và châu Á?
David: Trong bốn năm đầu, quỹ đầu tư này giống như một thú vui của tôi. Tôi học mọi thứ mình có thể, tạo dựng tất cả mối quan hệ cần thiết. Và khi chuyển từ châu Á sang Mỹ sống, tôi thấy một khoảng trống lớn. Không nơi nào ở phương Tây và Mỹ thực sự hiểu chuyện gì đang diễn ra ở châu Á.
Cũng không nhà đầu tư tổ chức nào thực sự sở hữu nguồn lực và kiến thức để đào tạo những nhà sáng lập phương Tây về cách tiếp cận thị trường phương Đông. Ngoài ra, nhiều nhà sáng lập châu Á cũng tìm cách tiếp cận nguồn vốn phương Tây.
Vì thế tôi nghĩ bằng cách thiết lập một VC, tôi có thể hỗ trợ nhiều doanh nhân, trở thành gương mặt để kết nối hai phía của thị trường Đông-Tây, hơn là chỉ làm việc với Huobi. Chúng tôi trở thành cố vấn ban đầu của các dự án, cung cấp vốn vòng hạt giống và nguồn lực cho họ.
Đọc thêm: Châu Á đang mở toang cánh cửa và chờ Mỹ mắc sai lầm.
- Bí quyết của OP Crypto trong việc thành lập đội ngũ để có thể làm việc tốt ở cả hai “phe” là gì?
David: Tôi chỉ mới hơn 30 tuổi một chút nhưng tôi sẽ dùng kinh nghiệm để nói chuyện. Nửa đời tôi trải qua tại châu Á với việc thành lập một công ty ở Trung Quốc, còn nửa kia ở Mỹ và được hưởng nền giáo dục tại đây.
Vì thế, tôi là “con lai” của hai nền văn hoá, đồng thời cũng có mối quan hệ với những nhà đầu tư của cả hai bên, bản thân tôi cũng đầu tư vào các sản phẩm quy mô toàn cầu. Do đó, những vị trí trọng yếu ở OP Crypto được nắm giữ bởi những người có phông văn hoá tương tự như tôi.
Chúng tôi đang tạo ra một đội ngũ cốt cán gồm những người trải nghiệm hai nền văn hoá Đông-Tây và sở hữu một loại văn hoá thứ ba: các nhà sáng lập và nhà đầu tư tiềm năng.
Đến cuối cùng, hiểu điều mà các nhà sáng lập cần là bí quyết để chúng tôi cung cấp đúng loại nguồn lực cho cả hai phía thị trường.
- Nhiều quỹ đầu tư khốn đốn sau cú sụp đổ của những ông lớn như FTX hay Silvergate, nhưng OP Crypto đã không bị ảnh hưởng nhiều. Công ty đã làm điều này như thế nào?
David: Tôi nghĩ rất nhiều tổ chức lớn tin tưởng vào các ngân hàng, sử dụng một sàn giao dịch lớn và rất nhiều người giám sát (custodian) tập trung, bởi vì đó là những thứ họ đã quen thuộc từ lâu. Nhưng OP Crypto là quỹ đầu tư mạo hiểm tập trung vào tiền điện tử nên chúng tôi thích mọi thứ on-chain, chúng tôi không thể đặt mình vào bất kỳ rủi ro tập trung nào.
Vì thế, chúng tôi để tiền của các nhà đầu tư trên on-chain với rất nhiều loại treasury và giải pháp quản trị rủi ro. Chúng tôi cũng sử dụng những nhà cung cấp tốt nhất về mặt kiểm toán quỹ, tư vấn pháp lý, giám hộ… và cố gắng thực hiện tất cả hoạt động on-chain để mọi thứ rõ ràng, minh bạch và có thể truy xuất.
Chúng tôi có sử dụng ngân hàng truyền thống, nhưng không bao giờ bỏ tất cả trứng vào một giỏ. Và lượng tiền chúng tôi gửi ở đây đều được bảo hiểm bởi Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ để đề phòng những trường hợp như Silvergate.
Nói ngắn gọn, chiến lược của chúng tôi là on-chain và đa dạng hoá.
- Vừa rồi chúng ta không chỉ chứng kiến khoảng thời gian khó khăn cho các quỹ đầu tư mà cả những startup trong ngành. Dưới góc nhìn quỹ đầu tư, anh nghĩ yếu tố nào sẽ đưa một dự án crypto đến chỗ thất bại?
David: Tôi nghĩ có quá nhiều dự án thất bại vì họ nhận định sai lầm về khả năng gọi vốn các vòng kế tiếp. Bởi vì thời điểm họ thành lập vào mùa bull market 2021-2022, họ được rót tiền dễ dàng quá. Cho nên vào giai đoạn này khi thị trường đi xuống, hầu hết dự án đều gặp vấn đề gọi vốn.
Tuy nhiên, hầu hết danh mục đầu tư của chúng tôi không tồn tại những dự án này. Bởi vì với bất kỳ dự án nào chúng tôi quyết định đầu tư, chúng tôi luôn đảm bảo họ có con đường đủ rộng để tồn tại và xây dựng sản phẩm cho thế giới thấy trước khi hết sạch tiền.
Họ cũng cần tiết kiệm đủ nguồn lực và vốn để phòng khi sản phẩm tung ra không được thị trường đón nhận, họ có thể xoay vòng và nhanh chóng xây dựng thứ khác. Tuy nhiên, hầu hết dự án không có các kỹ năng quản trị treasury này.
Đọc thêm: Solana: 'Chúng tôi muốn chứng minh Samsung, Google nên tích hợp web3 vào điện thoại của họ'.
Không liều, không ăn nhiều
-Vậy chiến lược cụ thể của OP Crypto khi đầu tư vào các dự án là gì?
David: Với các dự án, chúng tôi sẽ đầu tư từ sớm và sau đó gấp đôi số tiền cho các vòng tiếp. Đây là cách tốt nhất để chúng tôi cộng thêm giá trị cho các công ty vẫn đang ở giai đoạn trứng nước.
Tôi từng làm việc với 300 dự án và chứng kiến họ từ thời điểm đầu nhận tài trợ, cho đến khi trải qua quá trình được niêm yết trên sàn giao dịch toàn cầu. Ở giai đoạn đầu, chúng tôi làm việc chặt chẽ với các nhà sáng lập, sau đó giúp họ với vấn đề thanh khoản và phân phối nhằm đặt những viên gạch đầu tiên để gây chú ý và thu hút người dùng. Tóm lại, chúng tôi muốn gặp những người sáng lập ngay lúc họ có ý tưởng để cùng vạch ra hướng đi và hỗ trợ họ từ sớm.
Về mặt con người, nhân vật sáng lập dự án phải có khả năng “bán” sản phẩm mình đang xây dựng. Có thể phát hiện khả năng này qua kinh nghiệm quá khứ của họ hay chính bản thân sản phẩm, dù không phải lúc nào dự án cũng đã hoàn thiện 100%.
Người sáng lập không đến với một ý tưởng trống rỗng, mà đến với những ý tưởng cạnh tranh mang tính đổi mới, qua nhiều lần đẽo gọt sẽ trở thành sản phẩm tốt nhất có thể.
- OP Crypto định lượng rủi ro của những thương vụ đầu tư này như thế nào?
David: Khi chúng ta xem xét tất cả rủi ro, chúng đều mang tính tương đối, phải không? Nhưng ở OP Crypto, chúng tôi cân đo mức độ rủi ro so với tiềm năng lợi nhuận mang lại (upside).
Như việc đầu tư từ giai đoạn đầu sẽ sinh lợi nhiều hơn so với giai đoạn sau. Chẳng hạn, BlockFi, FTX hay thậm chí Silvergate đều là những công ty cực kỳ trưởng thành, nhưng cuối cùng họ vẫn “về mo”. Vì thế, chưa chắc càng đầu tư những giai đoạn sau thì càng ít rủi ro.
Tôi nghĩ rủi ro hệ thống đều như nhau, nhưng lợi nhuận nhận lại sẽ khác nhiều. Nếu bạn đầu tư giai đoạn đầu, bạn có thể x1,000 lần, nhưng với giai đoạn sau con số này chỉ rơi vào khoảng 20-30 lần.
Vì thế, tôi cho rằng chúng ta luôn nên nắm một lượng rủi ro vừa tay, vì cuộc sống lúc nào chẳng có rủi ro, đúng không? Trong đời, nếu không liều thì không bao giờ ăn nhiều.
Và đó là tinh thần chúng tôi muốn truyền đạt cho các nhà đầu tư của mình. Nắm bắt những rủi ro đã được tính toán nhưng cũng đảm bảo bắt trọn phần thưởng upside.
- Về phía các dự án, họ cần làm gì để tạo sản phẩm tốt nhất có thể và thu hút người dùng từ Web2 vào Web3?
David: Tôi nghĩ bất cứ khi nào ai đó xây dựng một sản phẩm, họ cần phải giải quyết một nhu cầu. Giống như mục đích tôi tạo OP Crypto để biến nó trở thành công cụ tài chính, cho phép các nhà đầu tư bên ngoài lấp vào chỗ trống về mặt nhu cầu của rất nhiều nhà sáng lập châu Á. Bản thân tôi sống ở Mỹ nên có thể nắm bắt nhu cầu đó và cung cấp một cánh cổng thể chế đến các thị trường phương Đông.
Dưới góc nhìn VC, hiện tại ai cũng có tiền và có thể đầu tư vào nhiều dự án, nhưng bạn cần nhận diện một nhu cầu cụ thể mà các nhà sáng lập dự án đang cần trợ giúp.
Điều tương tự cũng đúng với các chủ dự án đang tìm cách tạo ra sản phẩm cho Web3. Nếu sản phẩm không được nhiều người sử dụng, lý do có thể vì họ không cần sản phẩm đó. Đến cuối cùng, bạn phải có lượng nhu cầu thích hợp. Nhưng cũng có nhiều sản phẩm không thể tiếp cận đúng đối tượng vì vấn đề phân phối.
Và đây là điều OP Crypto giúp giải quyết. Tôi từng giúp Huobi tiếp cận lượng người dùng trên toàn cầu. Lúc trước, họ chủ yếu tập trung vào Trung Quốc, nhưng sau đó dần trưởng thành và phục vụ hơn 170 quốc gia.
Như vậy, tôi nghĩ một dự án tiềm năng thành công phải có kênh phân phối thích hợp, đồng thời người sáng lập phải sở hữu sản phẩm phù hợp giúp giải quyết nhu cầu nào đó của thị trường.
- Là người làm việc sâu sát với cả phương Đông và phương Tây, anh nghĩ đâu là điểm khác biệt lớn nhất giữa hai thị trường này?
David: Thị trường châu Á là nơi thu hút lượng người dùng retail lớn nhất. Tôi nghĩ những nhà sáng lập ở đây giỏi trong việc tạo ứng dụng, làm ra những sản phẩm giải quyết các vấn đề khác nhau về mặt thương mại, đồ sưu tầm kỹ thuật số, ứng dụng xã hội... Có thể dễ dàng nhìn được loại marketplace ở đây.
Trong khi đó, thị trường phương Tây lại chuyên về lớp giao thức cơ sở hạ tầng. Rất nhiều substack kỹ thuật cho ứng dụng được xây dựng và một số kỹ sư giỏi nhất của ngành cũng đến từ đây.
Nhưng tôi nghĩ chúng ta đã vừa đi qua giai đoạn cơ sở hạ tầng. Bây giờ là thời kỳ để xây dựng sản phẩm phục vụ nhu cầu người dùng.
- Câu hỏi cuối cùng: Anh cho rằng tương lai của ngành sẽ có hình hài như thế nào?
David: Tôi nghĩ câu chuyện lớn đang diễn ra ngay bây giờ là hầu như mọi thứ giống như một marketplace. Điều thật sự hấp dẫn trong không gian Web3 là tính chất interchangeable (có thể hoán đổi cho nhau). Tài sản nào cũng luôn sẵn sàng nếu bạn trả đúng giá, hoặc nếu có giao dịch phù hợp bạn có thể đổi nó lấy một cái khác.
Vì thế, tôi cho rằng câu chuyện sẽ quy về marketplace có khả năng tương tác cao trên toàn thế giới. Hiện tại chúng ta không có thứ gì tương tự trong thế giới thực bởi vì vấn đề logistic cực kỳ khó khăn, chuyển tiền vất vả, định danh cũng chật vật. Nhưng khi tất cả mọi người gặp gỡ trên on-chain, ai cũng có thể tương tác và làm ăn với nhau. Marketplace cực lớn này sẽ cho phép mọi người trao đổi thông tin, tiền tệ và cả hàng hóa, dịch vụ.
Nhiều thứ trong số này được thực hiện với crypto và công nghệ blockchain. Đây sẽ là viễn cảnh trong tương lai, khi mọi người có thể làm gần như tất cả mọi thứ on-chain và số lượng các lỗi hay những vụ lừa đảo sẽ giảm đi. Cuối cùng, tôi nghĩ điều này sẽ khiến thương mại trong tư cách một trò chơi trở nên hiệu quả và có khả năng tương tác cao hơn nhiều trên khắp các thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, hiện tại tạo ra một marketplace như thế sẽ ngốn một lượng tiền khổng lồ. Đây là thứ chỉ có thể cải thiện theo thời gian. Tuy nhiên, nó cũng giống như việc di chuyển mọi thứ lên internet - từng tốn rất nhiều năm và tài nguyên. Nhưng bây giờ chúng ta sử dụng internet hàng ngày, đúng không? Vì thế, tôi cho là đến một lúc nào đó chúng ta cũng sẽ có thể di chuyển tất cả mọi thứ lên on-chain.