Phân tích On-chain Bitcoin (BTC) #13 - Giá BTC đã đạt đáy chưa?
Kiến thức trọng tâm:
- Tình hình kinh tế vĩ mô tổng quan không thuận lợi, có thể đình trệ trong dài hạn.
- Các chỉ số on-chain cho thấy thị trường vẫn đang trong tình trạng chán nản, dấu hiệu bán tháo đến từ cả những long-term holders và miners.
- Hầu hết các nhà đầu tư trong thị trường đang chịu lỗ, chỉ số NUPL thấp kỉ lục, về mức ngang bằng với đáy năm 2018 và 2020.
- Số ví BTC lỗ cũng đang ghi nhận mức cao kỉ lục. Tuy vậy, đã có nhiều dấu hiệu tích luỹ từ whale hơn.
- Các nhà đầu tư từ thị trường tài chính truyền thống cho thấy sự bearish khi ngừng đổ tiền vào thị trường crypto, thay vào đó họ mua Short Bitcoin ETF.
Lưu ý: Bài viết sử dụng nhiều thuật ngữ và từ viết tắt, để dễ dàng theo dõi hãy xem lại bài viết hướng dẫn phân tích chỉ số, dữ liệu on-chain BTC & ETH tại đây.
Tình hình tổng quan nền kinh tế
Trước hết, tổng quan nền kinh tế vĩ mô toàn cầu hiện nay đang rất xấu, xung đột Nga - Ukraine làm ảnh hưởng tới nguồn cung dầu mỏ, giá cả hàng hoá tăng cao, kinh tế trì trệ; lạm phát tăng cao khiến FED liên tục phải điều chỉnh lãi suất, đồng Yên của Nhật Bản chạm ngưỡng thấp nhất trong 20 năm vừa qua…
Với tình hình chung như trên, hầu hết các loại tài sản, các thị trường đầu tư đều chịu ảnh hưởng tiêu cực. Không chỉ BTC, kể từ tháng 3 năm 2022 cũng chứng kiến sự sụt giảm của các loại tài sản khác như cổ phiếu, trái phiếu, vàng, bạc…
Một trong những thị trường được cho là có sự ảnh hưởng qua lại với thị trường crypto là thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận sự suy giảm đáng kể của nhóm chỉ số chứng khoán, trong đó, S&P 500 đã giảm hơn 20% từ cuối tháng 3 năm 2022.
Chính vì những điều kiện trên, nhiều chuyên gia đã dự đoán nền kinh tế thế giới sẽ đi ngang trong 2 năm tới. Với thị trường crypto, giá của BTC có thể có những nhịp hồi phục, nhưng để có mùa uptrend tiếp theo, có thể thời gian chúng ta phải đợi sẽ được tính bằng năm. Tiếp theo, cùng đi vào phân tích cả chỉ số on-chain để xem liệu các chỉ số đó đang nói lên điều gì.
Dữ liệu BTC trên các sàn giao dịch
Theo dữ liệu trong dài hạn, kể từ tháng 12/2021, số lượng BTC trên các sàn giao dịch chỉ ở trong một xu hướng giảm. Khác với đợt giảm mạnh vào T9/2020, suốt quãng thời gian này, giá BTC vẫn không hề tăng.
Tuy nhiên, điều này vẫn là một dấu hiệu có phần tích cực khi cho thấy lượng lớn BTC (~300,000 BTC) đã được rút về các ví nóng. Một điều đáng chú ý là đây đã là mức dự trữ BTC trên sàn giao dịch thấp nhất trong 4 năm qua.
Trong thời gian gần đây, số lượng BTC trên các sàn giao dịch có dấu hiệu điều chỉnh theo biên độ lớn. Đợt giảm giữa tháng 6 vừa rồi, số lượng BTC được đưa lên sàn đã tăng đột biến 2.5% khiến giá BTC điều chỉnh về mức 18,800. Ngay sau đó đã giảm về mức ban đầu, điều này cho thấy có thể đây là dấu hiệu xả để gom hàng của cá mập.
Mức BTC trên sàn đã xuống thấp tới mức đáy cũng là tín hiệu tích cực, tuy nhiên điều này đồng nghĩa với thanh khoản trên sàn sẽ giảm, kéo theo biên độ biến động lớn.
Về số liệu cụ thể của các sàn giao dịch, có sự khác biệt đáng chú ý giữa 2 sàn giao dịch lớn nhất hiện nay là Coinbase và Binance. Số lượng BTC lưu trữ trên Binance có xu hướng tăng mạnh từ đầu năm 2021 và tiếp tục tăng mạnh từ tháng T5/2022, trong khi đó Coinbase lại cho thấy xu hướng giảm và giảm mạnh từ đầu năm 2022.
Một vài điều có thể rút ra từ dự liệu trên, cũng có rất nhiều khả năng và góc nhìn khác nhau:
- Coinbase là sàn giao dịch chỉ cho phép giao dịch BTC Spot, cũng được biết tới là sàn giao dịch thường được sử dụng bởi các tổ chức lớn hoặc các cá voi. Binance với nhiều chương trình hơn thường được cá nhà đầu tư cá nhân yêu thích.
- Nếu những giả định trên là đúng, có thể thấy phe cá lớn đang tích trữ BTC gửi về các ví non-custody khiến số lượng BTC trên Coinbase giảm mạnh. Bằng chứng là những lần số lượng BTC giảm trên Coinbase biên độ thường khá lớn, cho thấy các cá lớn có dấu hiệu gom BTC đều. Ngược lại, phe cá con lại có xu hướng gửi BTC lên sàn Binance để mua bán, sử dụng các sản phẩm của Binance như làm collateral…
- Binance US mới đây đã cho ra mắt chương trình giao dịch BTC với 0% phí. Chương trình bắt đầu từ 22/6/2022 được ra mắt để thu hút nhiều users mới. Binance không can thiệp vào các giao dịch của người dùng, vì vậy cách làm này không giống với Robinhood mà được sử dụng để thu hút người dùng mới đưa BTC lên Binance và sử dụng các sản phẩm khác của sàn này như staking service, leveraged trading…
- Ngoài ra yếu tố pháp lý cũng ảnh hưởng tới câu chuyện này. Coinbase mới đây đã yêu cầu người dùng ở Hà Lan khi chuyển tiền từ Coinbase ra các ví non-custodial bắt buộc phải hoàn tất các thủ tục KYC (Know your Customer). Tuy chỉ là việc Coinbase tuân thủ quy định nước sở tại nhưng cũng khiến cho một số người dùng cảm thấy bất tiện.
Vào ngày 17/6 vừa qua, số lượng BTC được rút khỏi Coinbase ghi nhận mức cao kỉ lục. Hơn 53,000 (trên tổng số 66,000 BTC bị rút khỏi các sàn giao dịch) đã được rút ra từ Coinbase ở mức giá khoảng $20,411. Đây cũng có thể là dấu hiệu rút BTC về ví từ những nhà đầu tư tổ chức sau khi đã mua được BTC ở mức giá mong muốn.
Đầu tháng 6 vừa qua, tỉ lệ Exchange Whale Ratio tăng mạnh lên mức 75%, nghĩa là 10 giao dịch lớn nhất của các whale chiếm tới 75% tổng khối lượng BTC nạp lên sàn. Sau đó chỉ 3 ngày chứng kiến BTC sụt giảm về mức $19,000.
Cùng với đó, từ nửa cuối tháng 6 tới nay, chỉ số này đang trong đà tăng từ 40% lên 58% và có thể sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Sẽ cần phải theo dõi kĩ chỉ số này và một số thông tin về lượng nạp rút trên sàn giao dịch để đưa ra phán đoán.
Nếu chỉ số này tiếp tục đà tăng đồng thời khối lượng BTC nạp lên sàn giao dịch vẫn ở mức thấp, có thể chúng ta sẽ phải chứng kiến một đợt flash dump nữa trong tương lai gần.
Dữ liệu BTC từ các thị trường phái sinh
Khối lượng Open Interest giảm mạnh, hiện đang ở mức thấp nhất kể từ T9/2021, tổng khối lượng hợp đồng tương lai BTC đang được mở là khoảng 7.49 tỉ USD, tức là đã giảm 4.41 tỉ USD so với thời điểm đầu tháng 6.
Tình trạng hiện tại của khối lượng Open Interest cũng xác nhận mức độ hạ nhiệt rất đáng kể của thị trường, các trader có xu hướng rời bở thị trường. Điều này đồng thời cũng sẽ làm giảm rủi ro biến động do thị trường phái sinh trong tương lai gần.
Chỉ số Funding Rates cũng cho thấy sự bearish đang bao trùm thị trường, trong tháng 6 vừa rồi chỉ số này hầu như là mức âm, cho thấy các nhà đầu tư đang khá tích cực short BTC. Tuy nhiên, Open Interest vừa giảm mạnh và đang ở mức rất thấp, điều này làm cho các traders short BTC khó gây được áp lực lớn lên giá BTC.
Động thái từ các BTC holder
Coin Days Destroyed
Cũng vào ngày 17/6 vừa qua, chỉ số CDD cho thấy rất nhiều nhà đầu tư đã mất kiên nhẫn và bán tháo BTC ở mức giá $20,400 dẫn tới panic sell sau đó và mức giá đáy được ghi nhận là $18,945.
Kết hợp với những yếu tố bên trên, khả năng cao đợt giảm ngày 17/6 vừa qua chính là thời điểm mà rất nhiều holders dài hạn chịu khuất phục và nhả một số lượng BTC nhất định cho các whale khác.
SOPR
Chỉ số LTH SOPR càng khẳng định giả thiết trên. Vào ngày 17/6, chỉ số này ghi nhận mức khá thấp là 0.79, cũng đồng nghĩa với việc các Long-term holders đã phải bán cắt lỗ một số lượng không nhỏ BTC.
Không chỉ những nhà đầu tư dài hạn, những nhà đầu tư ngắn hạn cũng đang chịu chung số phận. Trong suốt 2 tháng vừa rồi chỉ số này đều ở mức dưới 1, ghi nhận rất nhiều nhà đầu tư ngắn hạn bán lỗ BTC.
NUPL
NUPL (Net Unrealized Profit/Loss) xác định tổng số tiền lãi hoặc lỗ từ chuyển động của một đồng coin. Để xác định điều này, mỗi đồng coin đang lưu hành được cân bằng chênh lệch giữa giá hiện tại và giá khi nó di chuyển lần cuối.
Chỉ số NUPL đang ở mức thấp kỉ lục, đồng thời cũng ngang mức đáy của 2018 và mức đáy của 2020 (khi Covid diễn ra). Cụ thể, ở mức -0.1, chỉ số này cho thấy có nhiều nhà đầu tư chịu lỗ hơn là lãi. Nếu về tới mức -0.25, đây chính là dấu hiệu phần lớn các nhà đầu tư bắt đầu đầu hàng và cũng chính là mức giá có thể coi là cơ hội tích luỹ BTC.
Thêm nữa, theo dữ liệu từ Glassnode, số địa chỉ ví nắm giữ BTC đang chịu lỗ đã đặt mức 18,809,386 ví - cao nhất trong lịch sử, điều này khá hợp lý khi các dữ liệu ở trên đã cho chúng ta thấy cả những long-term holders cũng đã mất kiên nhẫn.
Bitcoin wallets
Số lượng ví nắm giữ từ 1 BTC trở lên đang trong xu hướng tăng kể từ T2/2022. Chỉ riêng trong tháng 6 vừa rồi, tổng số ví có số dư hơn 1 BTC tăng từ 847,000 lên 878,000. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nhỏ lẻ đang tranh thủ thị trường downtrend để mua vào BTC. Tuy nhiên nhìn sang số lượng các ví có trên 100 hoặc 1000 BTC lại không có sự thay đổi đáng kể.
Động thái từ các thợ đào BTC
Puell Multiple
Puell Multiple so sánh giá của một Bitcoin mới được khai thác với giá trị thị trường trung bình của tất cả Bitcoin đã được khai thác trong một khoảng thời gian nhất định (thường là 365 ngày).
Thời điểm gần đây, chỉ số này liên tục xuống mức dưới 0.5, báo hiệu doanh thu của các thợ đào đã thấp hơn rõ rệt so với chi phí họ phải bỏ ra. Đây cũng là chỉ số thể hiện giá BTC bị undervalued, các thợ đào có nhiều động lực hold BTC hơn.
Hash Ribbon
Đây là chỉ báo xác định các giai đoạn mà thợ đào Bitcoin gặp khó khăn và có thể đang đầu hàng. Từ khoảng giữa T6/2022, chỉ số hash rate 60 DMA đã vượt lên chỉ số 30 DMA, điều này cho thấy các giàn khai thác Bitcoin đang bị tắt do điều kiện thị trường khó khăn, khiến tỷ lệ băm giảm xuống. Đường màu cam cho thấy các thợ đào đang gặp khó khăn và phải tắt bớt máy đào.
Cũng theo chỉ số này, khi đường 30 DMA vượt lại đường 60 DMA và giá BTC bắt đầu hồi phục là dấu hiệu của vùng đáy.
Miner Reserve
Chỉ số Puell Multiple cho chúng ta thấy ở thời điểm này lợi nhuận từ việc mining không còn cao. Tuy nhiên, các chỉ số khác lại cho thấy các thợ đào không muốn hold BTC, thay vì đó là bán ra nhiều hơn.
Lượng BTC dự trữ trong các ví của các thợ đào tăng mạnh trong cuối tháng 6 khi cú dump diễn ra, nhưng ngay sau đó số dư BTC này đang giảm rất mạnh. Một lí do nữa làm cho số dư BTC của ví của các miners giảm đáng kể là bởi một bộ phận miners không muốn BTC ở mức giá thấp như hiện tại, thay vào đó họ sử dụng làm tài sản thế chấp để vay tiền chi trả chi phí hoạt động.
Theo dữ liệu được công bố bởi B. Riley Financial, các BTC miners đang có khoản vay ít nhất khoảng 2 tỉ USD. Hiện chưa rõ mức giá thanh lý cụ thể là bao nhiêu, nhưng với tình cảnh hiện tại của thị trường, các khoản vay này được cho là chuẩn bị phải đối mặt với margin call. Nếu các miners này bị thanh lý tài sản sẽ dẫn tới BTC bị bán tháo và hash rate tiếp tục giảm.
Những ngày gần đây cũng ghi nhận lực bán tăng cao từ các thợ đào. Điều này cho thấy trạng thái bearish của thị trường, các thợ đào có lỗ do doanh thu thấp đi nhưng vẫn quyết định bán BTC để bù lỗ.
Biến động số dư các top BTC holder
BTC Whale
Về dữ liệu của các top holders, có thể theo dõi tại đây. Như thường lệ, phần này chúng ta sẽ tiếp tục tracking ví cá voi quen thuộc, ví 1P5ZEDWTKTFGxQjZphgWPQUpe554WKDfHQ.
Sau pha chốt lời 500 BTC ở giá $30,125, cá voi của chúng ta đang cho thấy sự tích cực tích luỹ thêm BTC ở các vùng giá thấp hơn khi mua vào liên tục trong tháng vừa rồi. Có khoảng 5000 BTC đã được cá voi này thu mua trong thời gian vừa rồi, đặc biệt hơn khi cá voi này đã có thương vụ bắt dao BTC đúng mức giá đáy nhất thời điểm hiện tại là $18,833.
Trong tháng 6 cũng đã ghi nhận một whale hoàn toàn mới gia nhập top 20. Ví 1HiCfvt2NMyoTdUtjBApabZFCd5myJWJzG đã tích luỹ khá nhiều BTC trong khoảng thời gian vừa rồi.
MicroStrategy
MicroStrategy vừa đưa ra thông báo họ đã tích luỹ thêm 480 BTC trong khoảng thời gian từ 3/5/2022 tới 28/6/2022 với mức giá trung bình $20,817.
Như vậy tới thời điểm hiện tại, MicroStrategy cùng các công ty con đã hold 129,699 BTC với mức giá trung bình $30,664 với tổng số tiền bỏ ra ban đầu là 3.8 tỉ USD. Đây là một trong những lần hiếm hoi MicroStrategy “buy the dip”, trước đó họ thường mua ở mức giá khá cao.
El Salvador
Ngay sau khi MicroStrategy thông báo đã mua thêm Bitcoin, tổng thống El Salvador cũng ngay lập tức vào cuộc khi mua thêm 80 BTC (khoảng 1.52 triệu USD). Lần cuối El Salvador mua BTC diễn ra vào tháng 5, khi đó họ mua 500 BTC với mức giá $30,744.
Dựa theo những thông báo từ tổng thống El Salvador, họ đã mua tổng cộng 2,301 BTC với tổng chi phí 103.9 triệu USD, tuy nhiên họ cũng đang lỗ khoảng 55% khi số BTC hiện có giá trị 46.6 triệu USD.
El Salvador bought today 80 #BTC at $19,000 each!#Bitcoin is the future!
— Nayib Bukele (@nayibbukele) July 1, 2022
Thank you for selling cheap 😉 pic.twitter.com/ZHwr0Ln1Ze
Cypherpunk Holdings
Cypherpunk Holdings là công ty đầu tư đặt trụ sở tại Canada. Vào thời điểm cuối năm 2020, Cypherpunk Holdings là một trong top 10 những công ty đại chúng nắm giữ nhiều BTC nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, mới đây công ty này đã thông báo bán toàn bộ số BTC và ETH họ đang nắm giữ. Cụ thể 205.8209 ETH và 214.7203 BTC đã được bán ra với tổng giá trị khoảng 5 triệu đô. Lý giải cho điều trên, CIO của công ty lo ngại rằng thị trường crypto đã đi vào mùa đông và có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới, đây có thể coi là hành động bảo toàn quỹ của Cypherpunk.
Celsius
Celsius đang cho thấy sự khủng hoảng, mới đây họ đã phải cắt giảm 1/4 lượng nhân viên ở Israel. Celsius cũng khẳng định đang tập trung nỗ lực vào việc ổn định thanh khoản và quay trở lại hoạt động bình thường.
Gần đây, Celsius đang có động thái trả nợ khoản vay trên MakerDAO. Trong 6 ngày, Celsius đã liên tục trả 183 triệu DAI, tuy vẫn còn nợ 41.2 triệu DAI (con số ban đầu là 260 triệu DAI) nhưng với 21,962.63 WBTC ($444,838,378) làm tài sản thế chấp, giá thanh lý của Celsius đã giảm xuống mức giá $2,722.
Hiện chưa rõ khoản tiền trả nợ này có nguồn gốc từ đâu, rất có thể đây là khoản tiền đến từ các deal mua lại Celsius từ FTX hoặc Nexo. Dù sao, với việc bơm thêm tiền trả nợ, khoản vay này khả năng cao sẽ không bị thanh lý.
Động thái đến từ các nhà đầu tư trên thị trường tài chính truyền thống
Số liệu được cập nhật tới ngày 4/7/2022 cho thấy 2 tuần qua các nhà đầu tư tổ chức rút rất nhiều tiền khỏi thị trường crypto. Cụ thể trong tuần 26, 423 triệu USD đã được các nhà đầu tư rút ra khỏi thị trường. Ở tuần 27, con số này tích cực hơn khi đạt mức +64 triệu USD.
Tuy nhiên, trong đó có tới 51.4 triệu USD được các nhà đầu tư tổ chức dành cho sản phẩm Short BTC ETF, đồng nghĩa short BTC funds chiếm tới 80%. Vào 22/6 vừa qua, ProShares ra mắt short BTC exchange-traded fund (ETF) đầu tiên của Mỹ cho phép người dùng giao dịch ngay trên sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) với ticker BITI.
Ngay sau khi ra mắt, quỹ ETF này đã nhận được sự đón nhận của các nhà đầu tư tổ chức cho thấy cái nhìn bearish về thị trường crypto hiện tại.
Có thể thấy, các nhà đầu tư từ thị trường truyền thống đã không còn đổ tiền vào thị trường crypto trong thời gian gần đây, thay vào đó là đổ tiền vào quỹ ETF short Bitcoin đầu tiên của Mỹ. Chỉ trong vòng 4 ngày, BITI đã tăng hơn 300% và trở thành quỹ BTC ETF lớn thứ 2 trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Tổng kết
Các chỉ số on-chain trong thời gian vừa qua đã thể hiện nhiều điều:
- Rất nhiều nhà đầu tư bắt đầu có xu hướng chán nản, trong đó có cả những long-term holders hay các nhà đầu tư tổ chức.
- Tuy vậy, trong hoàn cảnh điều kiện thị trường xấu, nền kinh tế khủng hoảng, cũng có khá nhiều chỉ báo on-chain bắt đầu chạm ngưỡng đáy, cần quan sát thêm để xác định đáy thực sự.
- Rất có thể thị trường trong ngắn hạn khó tăng trưởng và cũng có thể sẽ gặp phải một cú flash-dump nữa do yếu tố bearish bao trùm toàn thị trường, tín hiệu tích cực là các whale vẫn có dấu hiệu tích luỹ.
Các chỉ báo on-chain là công cụ để xác định tâm lý thị trường và phân tích các hành động đã diễn ra trong quá khứ, chỉ nên được xem là phương pháp phân tích bổ trợ, không được coi là lời khuyên đầu tư, hãy chọn lọc các thông tin có ý nghĩa và tự đưa ra quyết định của bản thân!