SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Silvergate là gì? Vai trò và tác động của Silvergate trong crypto

Silvergate Exchange Network (SEN) là một mạng lưới thanh toán tài chính trên blockchain được xây dựng bởi Silvergate Bank. Họ được xem một ngân hàng thương mại đặc biệt (ngân hàng blockchain) được thành lập từ năm 1988 và đặt trụ sở tại California, Hoa Kỳ.
Avatar
Jack Vĩ
Published Mar 03 2023
Updated Apr 02 2023
17 min read
thumbnail

Ngày 2/3/2022, cộng đồng rộ lên thông tin ngân hàng Silvergate có nguy cơ đóng cửa. Điều này không có gì đáng nói nếu Silvergate không phải là đối tác của hàng loạt cái tên phát hành Stablecoin lớn trên thị trường như Circle, Gemini. Ngoài ra, họ cũng nắm tài sản của một số sàn như Kraken, Bitstamp, Coinbase…

Nếu điều này thực sự xảy ra, tác động của chúng đến thị trường crypto là gì? 

Tổng quan về Silvergate

Silvergate Exchange Network là gì?

Silvergate Exchange Network (SEN) là một mạng lưới thanh toán tài chính trên blockchain được xây dựng bởi Silvergate Bank. Họ được xem một ngân hàng thương mại đặc biệt (ngân hàng blockchain) được thành lập từ năm 1988 và đặt trụ sở tại California, Hoa Kỳ.

Hiện tại, Silvergate đã đăng ký hoạt động với cơ quan pháp lý như SEC và đã được niêm yết trên sàn NYSE với mã chứng khoán là SI.

trang chủ website silvergate
Trang chủ website Silvergate.

SEN cho phép các công ty và cá nhân trong ngành tiền điện tử và blockchain trao đổi tiền tệ giữa các tài khoản của họ tại Silvergate Bank một cách nhanh chóng và an toàn hơn bằng giao thức thanh toán được gọi là API (Application Programming Interface).

Các sản phẩm của Silvergate trong crypto

các sản phẩm của silvergate
Các sản phẩm của Silvergate. Nguồn: Silvergate.

Silvergate Bank là một trong những ngân hàng đầu tiên tại Hoa Kỳ cung cấp dịch vụ tài chính cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực tiền điện tử và blockchain. 

Silvergate cung cấp nhiều sản phẩm và dịch vụ tài chính, được chia thành 4 nhánh chính là Commercial Banking, Commercial Lending (đã ngừng hoạt động trên web), API Banking và For Digital Currency.

Commercial Banking

  • Business Checking: tài khoản ngân hàng cho doanh nghiệp, bao gồm tùy chọn thanh toán trực tuyến, in hóa đơn, và chuyển khoản ngân hàng.
  • Cash Management: cung cấp các công cụ quản lý tiền tệ, bao gồm giải ngân nhanh, dịch vụ thu nợ, và quản lý thông tin tài khoản.

For Digital Currency

  • Silvergate Exchange Network (SEN): đây là một mạng lưới thanh toán đa nền tảng được tạo ra để kết nối các sàn giao dịch tiền điện tử và các tổ chức tài chính với nhau. SEN cung cấp cho các sàn giao dịch tài khoản ngân hàng tại Silvergate và cung cấp các dịch vụ thanh toán và giải ngân nhanh chóng, bảo mật và tin cậy.
  • SEN Leverage: dịch vụ cho phép khách hàng vay mượn và sử dụng các tài sản của họ trên SEN để có thể giải ngân nhanh chóng.

API Banking

Dịch vụ này cho phép các đối tác kết nối với Silvergate thông qua các giao diện lập trình ứng dụng (API) để tạo ra các sản phẩm tài chính hoàn chỉnh và tích hợp.
Ngoài ra, Silvergate còn cung cấp các sản phẩm và dịch vụ khác như thẻ tín dụng, dịch vụ quản lý tiền tệ, và tài trợ cho vốn.

Với các sản phẩm và dịch vụ này, Silvergate Bank đã trở thành một trong những đối tác quan trọng của các công ty tiền điện tử và blockchain, giúp họ tăng tốc độ xử lý thanh toán, giảm chi phí và nâng cao tính bảo mật.

Đối tác của Silvergate trong thị trường tài chính

sác đối tác của silvergate
Các đối tác của Silvergate. Nguồn: Silvergate.

Ngoài ra, Silvergate còn là đối tác của nhiều công ty và tổ chức khác trong lĩnh vực tiền điện tử và blockchain, đóng vai trò là một đối tác đáng tin cậy và cung cấp các giải pháp tài chính và thanh toán an toàn và hiệu quả.

Sau đây là một số đối tác và khách hàng của Silvergate Bank:

  • Circle: Silvergate Bank là đối tác thanh toán của Circle, một công ty tiền điện tử chuyên cung cấp các giải pháp thanh toán và giao dịch cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Circle phát hành stablecoin USD Coin (USDC) và được đảm bảo bởi đồng USD.
  • Paxos: Silvergate Bank đã hợp tác với Paxos để cung cấp giải pháp thanh toán và tài chính cho công ty. Paxos phát hành stablecoin Paxos Standard (USDP) và được đảm bảo bởi đồng USD.
  • Gemini: Silvergate Bank cung cấp dịch vụ tài chính và thanh toán cho Gemini - sàn giao dịch lớn được đăng ký với các cơ quan quản lý tài chính tại Hoa Kỳ. Gemini phát hành stablecoin Gemini Dollar (GUSD) và được đảm bảo bởi đồng USD.
  • Coinbase: Silvergate Bank là đối tác chiến lược của Coinbase, một trong những sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới. Các khách hàng của Coinbase có thể sử dụng mạng lưới thanh toán Silvergate Exchange Network (SEN) để tăng tốc độ xử lý thanh toán và giảm chi phí.
  • Bitstamp: Silvergate Bank cung cấp dịch vụ thanh toán cho Bitstamp, một trong những sàn giao dịch tiền điện tử lâu đời nhất và được đánh giá cao về tính an toàn và bảo mật.
  • Anchorage: Silvergate Bank là đối tác thanh toán của Anchorage, một công ty tiền điện tử chuyên cung cấp các giải pháp an ninh và bảo mật cho các kho lưu trữ tiền điện tử.
  • Bitso: Silvergate Bank cung cấp dịch vụ thanh toán cho Bitso, một sàn giao dịch tiền điện tử tại Mexico. Bitso phát hành stablecoin đồng peso địa phương (MXN) và được đảm bảo bởi các khoản tiền gửi của khách hàng tại các ngân hàng đối tác của Bitso.
  • Facebook: Silvergate Bank là một trong những đối tác thanh toán của Libra, một dự án stablecoin của Facebook.

Những đối tác và khách hàng này cho thấy tầm quan trọng của Silvergate Bank trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính cho các công ty tiền điện tử và phát hành stablecoin.

Lịch sử phát triển của Silvergate

Dưới đây là liệt kê các mốc sự kiện quan trọng trong lịch sử phát triển của Silvergate theo mốc thời gian:

  • 1988: Ngân hàng Silvergate được thành lập tại La Jolla, California.
  • 1995: Silvergate bắt đầu cung cấp dịch vụ cho thị trường bất động sản.
  • 2018: Silvergate Bank cung cấp dịch vụ Silvergate Exchange Network (SEN) cho đồng stablecoin USD Coin của Circle. 
  • 2019: Silvergate được niêm yết trên NYSE với mã chứng khoán SI với giá mở cửa là 12.75 USD.
  • 2019: Silvergate Bank bắt đầu cung cấp dịch vụ cho đồng stablecoin của Paxos và hợp tác với Bitstamp để cung cấp dịch vụ tiền gửi và rút tiền.
  • 2021: Silvergate Bank hợp tác với Fidelity Digital Assets để cung cấp dịch vụ lưu trữ tài sản điện tử.
  • 2021: Silvergate đạt đỉnh cao trong lịch sử của mình khi cổ phiếu của họ tăng trưởng mạnh mẽ và đạt mức giá cao nhất lên đến 219.75 USD vào tháng 11. Tuy nhiên, sau đó Silvergate đã bị ảnh hưởng bởi downtrend của thị trường tiền mã hóa và sự sụp đổ của khách hàng lớn nhất của họ, FTX.
  • 2022: Silvergate mua lại (với giá 200 triệu USD) các tài sản sở hữu trí tuệ và công nghệ khác liên quan đến việc vận hành mạng lưới thanh toán dựa trên blockchain từ Diem Group (công ty muốn phát hành Libra stablecoin nhưng chưa thành công).

Hoạt động On-ramp của Silvergate

Hoạt động On-ramp là gì?

On-ramp là hoạt động người dùng chuyển đổi, mua bán giữa tiền tệ truyền thống (ví dụ như USD) với tiền mã hóa. Điều này giúp giảm thiểu rào cản tiếp cận với tiền mã hóa đối với những người mới bắt đầu hoặc không có nhiều kinh nghiệm trong việc mua bán tiền mã hóa trực tiếp. 

Các công ty on-ramp, như Silvergate, cung cấp các cổng kết nối giữa các sàn giao dịch tiền mã hóa và hệ thống tài khoản ngân hàng truyền thống, cho phép người dùng mua và bán tiền mã hóa một cách dễ dàng và thuận tiện hơn.

Vai trò On-ramp đối với công ty phát hành stablecoin

Hoạt động on-ramp của Silvergate là quan trọng đối với các công ty stablecoin bởi vì nó cho phép các công ty này liên kết với mạng lưới ngân hàng của Silvergate để tạo ra một cầu nối giữa tiền điện tử (cryptocurrency) và tiền tệ truyền thống (fiat currency). 

Các công ty stablecoin có thể sử dụng dịch vụ này để chuyển đổi tiền tệ truyền thống sang cryptocurrency và ngược lại một cách dễ dàng và nhanh chóng. Điều này giúp các công ty stablecoin tiết kiệm thời gian và chi phí để phát triển mạng lưới thanh toán của mình và tăng tính ứng dụng của cryptocurrency.

vốn hoá của stablecoin
Vốn hoá của stablecoin. Nguồn: CoinMarketCap.

Hiện tại, vốn hoá của stablecoin đang ở mốc 135 tỷ USD, chiếm 13% đối với vốn hoá thị trường crypto (vốn hoá 1,020 tỷ USD) và lớn gấp 2.8 lần với DeFi TVL. Qua đây chúng ta có thể thấy vai trò của các ngân hàng như Silvergate lớn đến mức nào.

Mô hình hoạt động của Silvergate

Mô hình hoạt động chuyển USD thành USDC.
Mô hình hoạt động chuyển USD thành USDC.

Dưới đây là mô hình hoạt động của Silvergate nếu như người dùng mua bán stablecoin thông qua sàn Coinbase:

  • Người dùng truy cập vào tài khoản Coinbase và chọn mua hoặc bán stablecoin trên trang giao dịch. Sau đó, người dùng sẽ được yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng hoặc thẻ tín dụng để thanh toán.
  • Coinbase sử dụng các đối tác thanh toán, bao gồm Silvergate Bank - để xác minh và xử lý các giao dịch và Circle - để phát hành USDC.
  • Nếu người dùng mua stablecoin, Coinbase sẽ chuyển khoản tiền USD từ tài khoản ngân hàng hoặc thẻ tín dụng của người dùng đến tài khoản ngân hàng của đối tác thanh toán của mình là Silvergate Bank.
  • Đối tác thanh toán sẽ xác minh và xử lý thanh toán, sau đó liên kết với Circle chuyển đổi tiền USD thành stablecoin như USDC.
  • Coinbase sẽ nhận được Stablecoin USDC và chuyển chúng vào ví của người dùng trên sàn giao dịch.

Ngược lại, nếu người dùng bán stablecoin, Coinbase sẽ chuyển tiền từ tài khoản của người dùng trên sàn giao dịch đến đối tác thanh toán, sau đó đối tác thanh toán sẽ chuyển tiền USD tương ứng đến tài khoản ngân hàng hoặc thẻ tín dụng của người dùng.

Chuyện gì đang xảy ra với Silvergate?

Silvergate đang gặp khó khăn

Trong năm 2022, Silvergate bị ảnh hưởng nặng nề sau thời kỳ downtrend của thị trường crypto và sự sụp đổ của đế chế FTX, khách hàng lớn nhất của ngân hàng. Tính đến nay, Silvergate đã ghi nhận lỗ ròng 1 tỷ USD trong quý IV/2022 và cho thấy tình hình tài chính bắt đầu xuống dốc.

Đầu năm 2023, Silvergate cho biết nhà đầu tư đã rút số tiền gửi trị giá hơn 8 tỷ USD trong giai đoạn tháng 10-12/2022. Điều này dẫn đến Silvergate không thể nộp báo cáo hàng năm cho SEC đúng hạn do vị thế vốn của họ đang ngày càng suy yếu và báo cáo thu nhập quý IV có phần ảm đạm.

Báo cáo 10-K của SEC

Báo cáo 10-K là một báo cáo thường niên được yêu cầu bởi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) từ các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ. Báo cáo này cung cấp thông tin chi tiết về tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh và tình hình điều hành của công ty trong năm tài chính vừa qua. 

Form báo cáo 10-K của SEC.
Form báo cáo 10-K của SEC.

Cụ thể, báo cáo 10-K của Silvergate cung cấp các thông tin sau:

  • Tóm tắt hoạt động kinh doanh của công ty, bao gồm lĩnh vực hoạt động, sản phẩm và dịch vụ của công ty.
  • Thông tin chi tiết về tài sản, khoản nợ và vốn của công ty, bao gồm cả thông tin về các khoản đầu tư và khoản tiền mặt.
  • Thông tin chi tiết về tình hình tài chính của công ty, bao gồm các báo cáo tài chính như bảng cân đối kế toán, báo cáo lưu chuyển tiền tệ và báo cáo kết quả kinh doanh.
  • Thông tin về rủi ro, bao gồm các yếu tố có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty trong tương lai.
  • Thông tin về quản lý và cổ đông của công ty, bao gồm danh sách các quản lý và chủ sở hữu của công ty, cùng với thông tin về quyền lợi của cổ đông.

Hậu quả nếu Silvergate không nộp báo cáo

Nếu Silvergate không nộp báo cáo 10-K cho SEC, có thể sẽ xảy ra những hậu quả tiềm tàng như sau:

  • Phạt từ SEC: Silvergate có thể bị phạt vì vi phạm luật bảo vệ nhà đầu tư nếu không tuân thủ quy định về báo cáo tài chính cho SEC.
  • Tăng nguy cơ bị kiện tụng: Nếu Silvergate không nộp báo cáo 10-K cho SEC, nhà đầu tư và cơ quan chức năng sẽ không có thông tin đầy đủ về tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của công ty, dẫn đến tăng nguy cơ bị kiện tụng.
  • Tác động tiêu cực đến hình ảnh của công ty: Nếu Silvergate không tuân thủ các quy định của SEC, hình ảnh của công ty có thể bị ảnh hưởng tiêu cực, gây thiệt hại đến uy tín và lòng tin của nhà đầu tư.
  • Ảnh hưởng đến sự phát triển của công ty: Nếu không có thông tin đầy đủ về tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của công ty, Silvergate có thể gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư và mở rộng hoạt động kinh doanh.
  • Nguy cơ bị huỷ niêm yết: Silvergate đã được niêm yết trên sàn chứng khoán NYSE, vì vậy hậu quả nếu không nộp báo cáo 10-K cho SEC sẽ là có thể bị huỷ niêm yết trên sàn chứng khoán. 

Hiện tại, các công ty lớn cũng đã thông báo mối liên hệ giữa họ với Silvergate:

  • Circle thông báo tài sản của người dùng vẫn an toàn dù có tiếp xúc với Silvergate.
  • Gemini đã ngừng nhận tiền gửi và yêu cầu rút tiền được thực hiện qua ACH hoặc chuyển khoản ngân hàng qua Silvergate Bank.
  • Bitstamp khẳng định đã tạm dừng các dịch vụ Silvergate Exchange Network (SEN) từ trước và tạm dừng ngừng hỗ trợ chuyển khoản bằng USD qua Silvergate.
  • crypto.com cũng tạm dừng hỗ trợ việc nạp rút với USD qua Silvergate.
  • Tether thông báo không tiếp xúc và không bị ảnh hưởng bởi Silvergate.
  • MicroStartegy có khoản vay với Silvergate nhưng đảm bảo tài sản người dùng vẫn an toàn và không thế chấp Bitcoin trong ngân hàng.

Tham khảo thêm các thông tin tại đây.

 
Giá của Silvergate (SI) đã giảm 95% trong 1 năm qua. Nguồn: Google.
Giá của Silvergate (SI) đã giảm 95% trong 1 năm qua. Nguồn: Google.

Tác động nếu như Silvergate đóng cửa?

Nếu Silvergate đóng cửa, sẽ có hậu quả rất lớn đối với thị trường tiền điện tử, đặc biệt là đối với các công ty stablecoin và các sàn giao dịch tiền điện tử. Các công ty stablecoin sẽ bị mất một đối tác ngân hàng quan trọng để giải quyết các vấn đề liên quan đến việc rút tiền và gửi tiền, đồng thời không còn có sự hỗ trợ từ một ngân hàng được coi là uy tín và tin cậy trong ngành tiền điện tử.

Đối với các sàn giao dịch tiền điện tử, Silvergate là một trong những đối tác ngân hàng quan trọng nhất để giải quyết các vấn đề liên quan đến việc rút tiền và gửi tiền. Nếu Silvergate đóng cửa, các sàn giao dịch tiền điện tử sẽ phải tìm kiếm các đối tác ngân hàng khác để thay thế, điều này có thể mất thời gian và tiền bạc.

Một số ngân hàng tương tự Silvergate

Nếu như Silvergate bắt buộc phải đóng cửa, các công ty stablecoin có thể chọn một số ngân hàng còn lại cung cấp giải pháp tương tự.

  • Signature Bank: là ngân hàng cung cấp dịch vụ On-ramp cho nhiều đồng stablecoin, bao gồm USD Coin, Paxos Standard và TrueUSD.
  • Metropolitan Commercial Bank: cung cấp dịch vụ cho Paxos Standard, một loại stablecoin được hỗ trợ bởi vàng.
  • Prime Trust: cung cấp dịch vụ cho nhiều đồng stablecoin, bao gồm USD Coin, TrueUSD và Gemini Dollar.
  • Anchorage: là một công ty chuyên cung cấp dịch vụ lưu trữ và bảo mật cho các tài sản điện tử, bao gồm cả stablecoin.

Tìm hiểu về Signature Bank - ngân hàng thứ 3 liên tiếp bị đóng cửa

Tổng kết

Silvergate là một trong những ngân hàng tiên phong trong việc cung cấp dịch vụ tài chính cho thị trường crypto. Với các giải pháp on-ramp và đối tác hàng đầu như Circle, Silvergate đã tạo ra một hệ sinh thái tài chính mới cho các công ty stablecoin và đầu tư crypto. 

Tuy nhiên, như bất kỳ công ty nào khác, Silvergate cũng đối mặt với những rủi ro và thách thức trong hoạt động kinh doanh. Sự đóng cửa hoặc không nộp báo cáo 10-K cho SEC có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho hoạt động và uy tín của Silvergate.

RELEVANT SERIES