SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Solana: 'Chúng tôi muốn chứng minh Samsung, Google nên tích hợp web3 vào điện thoại của họ'

Austin Federa - Head of Strategy của Solana Foundation nói về kế hoạch phát triển hệ sinh thái cũng như những xu hướng sắp tới trong DeFi.
Avatar
writer
Published Mar 21 2023
Updated May 21 2024
14 min read
thumbnail

Sau cú sập của sàn FTX, nhiều người đồn đoán về cái chết của Solana. Nhưng đây chỉ là lời phóng đại quá cỡ. Chắc chắn, mối liên hệ từ trước với FTX đã khiến hệ sinh thái bầm dập sau vụ sụp đổ, nhưng Solana đã chứng minh mình không phải con rối trong bàn tay Sam Bankman-Fried - người sáng lập FTX.

“Bất chấp đợt tăng giá gần đây dường như được thúc đẩy bởi đầu cơ, hệ sinh thái cơ bản vẫn khá mạnh”, trích lời Tom Dunleavy - nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại công ty dữ liệu Messari.

Tại sự kiện Solana Hacker House vừa qua tại TP.HCM, Coin98 Insights đã có cuộc trò chuyện với Austin Federa - Head of Strategy của Solana Foundation về kế hoạch phát triển hệ sinh thái cũng như những xu hướng sắp tới trong DeFi. The Spotlight là loạt phỏng vấn độc quyền giữa Coin98 Insights với builder trong ngành về các chủ đề nóng trên thị trường.

Solana và FTX không thân thiết như mọi người tưởng

- Xin chào Austin. Có một câu hỏi không chỉ rất nhiều người ở Việt Nam mà có lẽ các nước khác đều tò mò: Solana đã vượt qua khoảnh khắc hậu FTX như thế nào?

Austin: Solana không bị ảnh hưởng từ vụ sụp đổ của FTX nhiều như mọi người nghĩ.

Sam Bankman-Fried (SBF) quả thực là người ủng hộ mạng từ sớm. Và khi đội ngũ FTX quyết định ra mắt Serum - sổ lệnh giới hạn trung tâm đầu tiên từng được xây dựng trên một blockchain, đó là mảnh ghép công nghệ tuyệt vời. Nhưng tôi nghĩ nó cũng là dự án thực cuối cùng họ xây dựng trên Solana. Sau đó, họ chuyển hướng mối quan tâm, bắt đầu chơi với chính trị ở Washington, D.C.

Trong khoảng một năm kể từ đó, chúng tôi không thực sự làm việc thân cận với họ. Nhưng SBF là người đã giúp đưa Solana lên bản đồ crypto, nên mọi người cho rằng hai bên có mối quan hệ mật thiết. Sự thật không hẳn vậy. FTX đầu tư nhiều tiền vào Aptos và Polygon hơn cả Solana.

Tôi chỉ muốn nói sau sự sụp đổ của FTX, hệ sinh thái có nhiều validator hơn và mạng phi tập trung hơn trước. Điều này cho thấy FTX không phải nhân tố chủ chốt cho sự phát triển của mạng dưới bất kỳ hình thức nào. Chắc chắn họ từng giữ vai trò quan trọng trong việc giúp Solana trở nên phổ biến, nhưng không quan trọng dưới góc độ vận hành mạng hàng ngày.

- Vậy sau vụ sụp đổ của FTX và những ông lớn khác, Solana và cả thị trường nói chung đang đón nhận những tín hiệu lạc quan nào?

Austin: Chúng ta vừa trải qua một khoảng thời gian khá biến động, cả năm ngoái lẫn đầu năm nay - đặc biệt cộng đồng phải hứng chịu rất nhiều tổn thất. Nhưng điều tuyệt vời nhất là họ đã tập hợp lại với nhau cực kỳ tốt. Hiện chúng ta có nhiều validator hơn so với đầu năm nay, hay thậm chí thời điểm tháng 11/2022.

Ngoài ra, năng lượng của những cuộc gặp gỡ - hội nghị thường niên Solana tổ chức mỗi năm - thật sự rất mạnh mẽ. Tại sự kiện Hacker House ở Thổ Nhĩ Kỳ mới đây, chúng tôi có hơn 1,500 tham dự. Và ở sự kiện lần này tại TP.HCM, có hơn 1,000 người đã đăng ký và thật sự phấn khích khi thấy mọi người hào hứng xây dựng dự án trên Solana như vậy.

solana austin federa

- Một câu hỏi tỷ USD đối với bất kỳ dự án blockchain nào: Chiến lược Solana sử dụng để tiếp cận lượng lớn người dùng là gì?

Austin: Ngoài kia có nhiều người đang cố gắng hình thành các quan hệ đối tác lớn, chẳng hạn thu hút những người sáng tạo trên Instagram hay các công ty Web 2 tên tuổi. Tôi nghĩ nếu nhìn vào dữ liệu, phần lớn những dự án này không thành công.

Thực tế, lượng người dùng thật sự của blockchain là thứ không thể xây dựng trong Web 2. Nó không phải một trang web để kết nối vào blockchain, mà là các nhóm DeFi giống như các dự án NFT với những cộng đồng nhỏ hơn nhiều. Trong khi đó, để bán được, mô hình kinh doanh Web 2 cần lượng người dùng và dữ liệu lớn nhất có thể.

Web 3 có góc nhìn khác dẫn đến thiết kế cũng hoàn toàn khác. Lợi thế của Web 3 là bạn có thể tạo lập một giao thức cực kỳ phổ biến với 10,000; 100,000 hay 1 triệu người dùng. Nhìn vào Ethereum chúng ta có thể thấy, xét trên mặt số liệu, Uniswap sở hữu lượng người dùng khiêm tốn nhưng lại là giao thức thành công tuyệt vời.

Vì thế với Solana, mấu chốt không phải lôi kéo một hoặc hai cộng đồng lớn, chẳng hạn toàn bộ cộng đồng Twitter, vào hệ sinh thái. Chúng tôi tập trung vào việc giúp đỡ và tài trợ sự phát triển của 10,000 dự án nhỏ hơn. Họ là các bên đang xây dựng thứ gì đó thực sự hấp dẫn cho một cộng đồng cụ thể.

Sau đó, những người này sẽ trải nghiệm cảm giác của người dùng trên Solana. Họ có thể tiến thêm bước nữa, nghịch ngợm với Orca và DeFi, hoặc đến vì một dự án NFT và thử nghiệm những thứ khác được xây dựng trên mạng.

Tôi nghĩ ý tưởng này khá giống việc xây một thành phố. Nếu bạn toàn quyền lên kế hoạch tạo một thành phố, thường nó sẽ tệ hơn so với việc bạn để mọi người cùng xây dựng và sau đó xem mọi thứ diễn ra như thế nào.

- Vậy Solana Mobile nằm ở đâu trong kế hoạch ‘xây dựng thành phố người dùng’ này?

Austin: Hầu hết thế giới tương tác với internet thông qua điện thoại di động. Ví dụ, với bản thân tôi, tôi có laptop, desktop, TV thông minh, nhưng đa số tương tác của tôi với thế giới nằm trên chiếc điện thoại. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn nhìn vào các thị trường đang phát triển, phần lớn người châu Phi không có máy tính nhưng họ sở hữu điện thoại di động.

Hiện tại, blockchain đang ở thế bị khóa vào các desktop. Nó nằm kẹt trong trình duyệt Chrome với phần extension (mở rộng) nhỏ xíu ở góc. Vì thế, chúng tôi muốn đem blockchain vào các ứng dụng có sẵn chạy trên điện thoại Android. Và chúng tôi nghĩ Solana Mobile - stack phần mềm mã nguồn mở, là cách tốt nhất để thực hiện điều này.

Chắc chắn mục tiêu của chúng tôi không phải bán 100 triệu điện thoại. Tất nhiên làm được thế thì quá tuyệt, nhưng mục đích chính là để chứng minh cho Google, Samsung và tất cả công ty điện thoại khác thấy: Web 3 là thứ họ nên tích hợp vào điện thoại của họ.

Giống như NFC (thường ứng dụng vào các dịch vụ payment trên điện thoại) hay thậm chí camera, hay tất cả những tính năng khác mà giờ chúng ta xem là không thể thiếu đối với điện thoại. Khởi đầu, chúng là những thứ kỳ quặc chỉ xuất hiện trên một hay hai dòng điện thoại. Ví dụ gần đây, điện thoại màn hình gập từng được cho là ý tưởng quái gở, nhưng giờ người người nhà nhà đều đang phát triển nó.

Vì thế, chúng tôi hy vọng các nhà phát triển trên khắp thế giới sẽ đón nhận loại stack mobile của Solana và đưa nó vào dòng điện thoại của họ. Ví dụ, nếu bạn là nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM), bạn có thể thêm stack này vào điện thoại Android của mình.

Cuộc chơi chính nằm ở đây. Chúng tôi không bán điện thoại, mà tạo một nền tảng hấp dẫn để các nhà sản xuất khác tận dụng, và thậm chí có thể loại nhiều hãng điện thoại khác khỏi cuộc chơi.

austin federa solana

Đọc thêm: Stader: 'Sau Shanghai Upgrade, cơ hội lớn ở mảng LSDs'.

advertising

Dịch vụ phải đơn giản đến mức mẹ bạn cũng dùng được

- Hiện trong thị trường đang nổi lên câu chuyện về superchain. Liệu Solana có gia nhập làn sóng này hay chỉ tập trung vào một chain duy nhất?

Austin: Hầu hết các chain khác đang cố gắng khiến công nghệ trở nên nhanh hơn bằng cách tạo ra nhiều bản sao của mình - cái gọi là sharding như chúng ta đã biết. Cơ bản đến cuối cùng, một Layer-2 là một môi trường sharding nơi bạn trút gánh nặng về giao dịch và trạng thái mạng sang một nơi khác để khiến mạng nhanh hơn.

Nhưng từ trước đến nay, ý tưởng xương sống là bạn nên xây dựng mạng nhanh nhất có thể và hoạt động trong một trạng thái mạng toàn cầu. Hiện nay, Ethereum chính là trạng thái toàn cầu này - quy về khả năng kết hợp (composability) trong đó một chương trình có thể thiết lập niềm tin với chương trình khác. Nhưng ngay giây phút bạn giới thiệu sharding hay Layer-2 hay subnet hay bất cứ thứ gì tương tự vào phương trình, bạn sẽ phá vỡ khả năng kết hợp cơ bản đó trong hệ sinh thái.

Nói vậy không có nghĩa mọi người sẽ tắc tị trong việc tìm cách xây dựng DeFi trên các chain khác. Một lúc nào đó họ sẽ làm được, nhưng sẽ khó hơn nhiều, bởi vì những mô hình ‘trust assumption’ bạn thực hiện sẽ có sự khác biệt lớn.

Hiện tại, trong hành trình xây dựng trạng thái mạng toàn cầu, Solana vẫn đang là blockchain nhanh nhất. Tôi nghĩ lợi thế này thật sự mạnh mẽ, bởi vì với các chain mới trong thị trường, họ đang tối ưu cho một hoặc hai yếu tố. Trong khi đó, triết lý của Solana là nếu chúng tôi có thể trở thành môi trường blockchain tốt nhất phục vụ cho mục đích chung, chúng tôi sẽ là nơi các nhà phát triển muốn tìm đến xây dựng.

Và bạn có thể thấy trong báo cáo của Electric Capital xuất bản tháng Mười hai năm ngoái, Solana có tỷ lệ nhà phát triển tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất. Hệ sinh thái cũng giữ vị trí thứ hai trong tổng số các nhà phát triển. Đây là điều thật sự tuyệt vời.

- Với lợi thế đang sở hữu, Solana sẽ đón đầu những cơ hội nào trong tương lai? Và thị trường có thể trông đợi những xu hướng nào sẽ diễn ra sắp tới?

Austin: Hiện tại, DeFi đang sống khá chật vật trên mọi mặt trận. Bạn nhìn vào TVL của tất cả các chain lớn, chúng giảm; bạn nhìn vào số lượng người dùng, cũng giảm nốt. Nhưng điều này không hề bất ngờ trong tình hình lãi suất gia tăng và mọi người cảm thấy DeFi rủi ro hơn các cơ hội khác.

Bản thân tôi lại nghĩ DeFi có lẽ ít tính mạo hiểm hơn, đặc biệt khi gần đây chúng ta chứng kiến những cú sụp đổ của các ngân hàng ở Mỹ. Nếu làm phép so sánh, bạn có thể thấy DeFi đang trụ vững rất ngoan cường.

Vì thế, cơ hội thực sự nằm ở việc xây dựng nhiều sản phẩm DeFi phức tạp hơn trên Solana, bởi vì hiện tại mọi thứ có thể được làm với giá rất rẻ và tốc độ rất nhanh.

Nhìn vào mảng gaming trên Solana, bạn có thể thấy nó là thành công lớn về số lượng các trò chơi đang xây dựng trên mạng. Tôi nghĩ thời điểm này Solana là blockchain đang sở hữu nhiều dự án game nhất. Rất đáng để mong đợi.

Tuy nhiên, cá nhân tôi đặc biệt hào hứng với ý tưởng về mạng cơ sở hạ tầng vật lý phi tập trung (Decentralized Physical Infrastructure - DePIN), hay còn gọi là cơ sở hạ tầng vật lý lấy token làm ưu đãi (token incentivized physical infrastructure). Đây là ý tưởng đằng sau Helium, Hivemapper, các loại mạng không dây và những công nghệ khác khuyến khích mọi người đặt cơ sở hạ tầng trong nhà mình.

Ý tưởng ở đây là mọi người đặt một ăng-ten điện thoại di động nhỏ trong nhà, và những ăng-ten này sẽ tạo ra một mạng lưới cạnh tranh với các nhà cung cấp dịch vụ mạng lớn.

solana founder

- Ví dụ các bà nội trợ có thể sử dụng dịch vụ này và đặt ăng-ten như bạn nói trong nhà được không?

Austin: Tất nhiên là được. Về cơ bản, bạn chỉ cần đặt thiết bị trên cửa sổ hay mặt bên ngôi nhà. Nếu bạn ở chung cư, đặt nó trên lan can hay thứ gì đó tương tự và hướng ra khu vực đường đông đúc có nhiều người qua lại. Sau đó bạn kết nối thiết bị với mạng internet của nhà mình và kiếm token từ việc cung cấp data cho những người đi ngang qua.

Ví dụ, điện thoại của tôi có hai sim, sim phụ chạy trên mạng Helium. Khi tôi đi qua một điểm truy cập Helium (hotpost), điện thoại của tôi sẽ tự động kết nối với nó và trả phí để sử dụng data trên mạng Helium. Hiện tại tốc độ mạng không tốt bằng các hãng cung cấp dịch vụ mạng, nhưng chúng ta sẽ đạt được điều đó vào một thời điểm trong tương lai.

Nếu nhìn vào các hãng cung cấp dịch vụ mạng hiện tại, bạn có thể thấy họ đồ sộ như thế nào và hàng tháng họ bỏ túi bao nhiêu tiền từ việc tính phí người dùng mạng. Trong khi đó, so với các công ty này ở Mỹ, Helium đang cung cấp dịch vụ với chi phí rẻ hơn một nửa. Vì thế, thật sự hào hứng để xem loại công nghệ này có thể tiến bao xa trong thời gian sắp tới.

Đọc thêm: StakeWise: Thời cơ lớn sau Shanghai Upgrade và bài học từ hai năm cạnh tranh với Lido.

RELEVANT SERIES