Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Mỗi tuần một blockchain, mỗi người một mê cung

Thị trường crypto đang tăng trưởng ấn tượng, nhưng cũng giống như một đô thị thiếu quy hoạch: VC và đội ngũ dự án đều muốn xây blockchain, còn người dùng thì lạc giữa hàng trăm hệ sinh thái không “thông thương” được với nhau.
nghianq
Published a day ago
8 min read
nhieu blockchain

Số lượng người dùng crypto đang tăng chóng mặt. Theo thống kê của a16zcrypto, trong vòng 1 năm, số địa chỉ hoạt động hàng tháng đã tăng gấp ba, từ 70 triệu vào cuối năm 2023 lên hơn 220 triệu vào cuối năm 2024.

Đây là minh chứng rõ ràng về một hệ sinh thái đang trưởng thành, dần đủ khả năng phục vụ nhiều nhu cầu khác nhau. Tuy nhiên, đằng sau bức tranh ấy lại là một vấn đề nan giải: thế giới blockchain đang ngày càng bị phân mảnh.

Vì sao có quá nhiều blockchain?

Hơn 300 blockchain, 37 triệu token

Suốt hơn 10 năm qua, sau khi những blockchain “cổ xưa” như XRP Ledger hay Ethereum ra đời, thế giới blockchain vẫn không ngừng sản sinh ra thêm những chain mới, chỉ riêng dữ liệu từ DefiLlama đã liệt kê hơn 300 blockchain.

defillama blockchain

Đầu năm 2025, những blockchain mới lại liên tục ra đời với mức gọi vốn hàng chục triệu USD, như Camp Network (30 triệu USD với định giá 400 triệu USD), Unto (14.4 triệu USD với định giá 140 triệu USD), hay Miden (25 triệu USD).

Cả quỹ đầu tư lẫn đội ngũ dự án đều muốn kiếm tiền

Theo các chuyên gia, kiếm tiền là động lực chính cho sự gia tăng số lượng blockchain. “Lại thêm một chain nữa, sao nhiều thế nhỉ? Câu trả lời dễ thấy nhất là lòng tham”, nhà báo Donovan Choy của Blockworks nhận xét. “Các quỹ đầu tư vẫn đang săn tìm những Layer 1 mới với tiềm năng tăng giá mạnh nếu chúng thành công”.

Tuy nhiên, Layer 1 cũng có thể không còn là một "miếng mồi ngon", thể hiện qua sự sụt giảm mức định giá. Chẳng hạn, ở chu kỳ trước, Avalanche và Flow từng có mức định giá lên tới 5.25 tỷ USD và 7.6 tỷ USD, trong khi tại vòng gọi vốn năm 2024, Initia chỉ được định giá 350 triệu USD.

“Định giá đang thấp hơn nhiều, chẳng bao lâu nữa dòng tiền sẽ cạn, và những quỹ VC bước vào sau cùng sẽ phải trả giá”, Mippo – nhà nghiên cứu tại Blockworks, nói. “Không cần đến quy định hay sự can thiệp từ cơ quan chức năng, chỉ là thị trường tự do vận hành đúng như ý trời”.

Đối với đội ngũ dự án, việc xây dựng blockchain mới luôn có sự hấp dẫn khó cưỡng. Theo Peter Pan – đối tác tại quỹ 1kx, khác với các dự án dApp, các dự án hạ tầng có “lợi thế sinh tồn”, tức có thể tiếp tục gọi vốn ngay cả khi chưa ra mắt sản phẩm.

“Cứ nói với quỹ đầu tư là ngoài kia các dự án hạ tầng khác cũng đều như thế, vậy là dự án vừa được rót thêm tiền, vừa có thể trì hoãn ra mắt sản phẩm hết lần này đến lần khác”, ông nói.

Bất đồng quan điểm về kỹ thuật

Bên cạnh yếu tố kinh tế, bất đồng quan điểm về kỹ thuật cũng là lý do khiến các đội ngũ tiếp tục xây dựng những blockchain khác nhau.

“Chúng ta sẽ thiết kế môi trường thực thi như thế nào? Ai sẽ hưởng lợi từ MEV? Dùng oracle nào, chọn token nào làm gas? Đó là những câu hỏi mà ngành này chưa có câu trả lời thống nhất”, Donovan Choy nói. “Kỳ vọng các builder đồng thuận với nhau cũng như mong rằng 100 người sẽ đồng ý về menu chung cho một buổi buffet”.

Khi không ai chịu ai, mỗi người sẽ tự làm blockchain riêng theo ý mình, Donovan Choy gọi đó là “tự do kinh tế”, một điều bình thường trong môi trường mở.

Phân mảnh để tăng “băng thông” cho người dùng

Ngoài những lý do trên, một số chuyên gia cho rằng việc tách ra nhiều layer là cách đơn giản nhất để tăng số giao dịch trên giây (TPS).

“Nếu chỉ dùng một mạng, không thể phục vụ hết nhu cầu người dùng. Giống như thời Web2, máy chủ lớn không đủ mạnh, nên phải phân tán ra hàng triệu máy tính cá nhân. Blockchain cũng vậy, muốn tăng băng thông, thì phải chia tầng, chia lớp”, Jayant Krishnamurthy – CTO của Douro Labs, giải thích.

Ngành crypto đang tự làm khó mình

Những blockchain “chết mà không chịu chết”

Sự tồn tại quá nhiều blockchain tạo ra thế hệ những blockchain “chết mà không chịu chết” – hay còn gọi là zombie chain. Đây là những chain không còn ai dùng, không ai xây dựng thêm, nhưng token vẫn được giao dịch như bình thường. Nhà báo Jeff John Roberts của Fortune “điểm danh” một số zombie chain như Litecoin, Tron và EOS.

“Cái chết trong crypto rất im lặng. Nếu là một hợp đồng thông minh, bạn chết khi không ai tương tác với bạn nữa. Nếu là một blockchain, bạn chết khi không còn ai xây dựng trên đó”, Adam Goldberg – đồng sáng lập quỹ Standard Crypto, nói.

Albert Wenger – đối tác tại Union Square Ventures, cho rằng quá trình “thanh lọc” sẽ kéo dài, vì một số chain vẫn có vài người dùng, chưa hoàn toàn trở thành “thị trấn ma”.

Vấn đề là những chain như vậy vẫn thu hút được vốn, thu hút sự chú ý,  khiến người dùng khó phân biệt đâu là dự án thật, đâu là “xác sống”. Điều này khiến ngành crypto chậm lại, và cản bước cả những dự án có giá trị thật.

Người dùng kẹt giữa mê cung

Không chỉ tạo ra những zombie chain, tình trạng có có quá nhiều blockchain cũng khiến thanh khoản và người dùng bị chia ra nằm rải rác trong các hệ sinh thái.

Nhiều dự án, đặc biệt là meme coin, phải triển khai token của mình trên nhiều chain khác nhau để phục vụ tệp người dùng trên các chain đó. Cách làm này khiến một số token gần như không có thanh khoản, chỉ một giao dịch lớn cũng có thể làm cho giá biến động mạnh.

Tình trạng phân mảnh blockchain cũng khiến trải nghiệm người dùng trở nên rối rắm. Việc chuyển tài sản giữa các blockchain khác nhau, lẽ ra phải đơn giản, lại đòi hỏi người dùng phải cài nhiều ví, sử dụng các bridge phức tạp để chuyển tài sản giữa các chain, và trước đó còn phải swap sang token phù hợp cho việc bridge.

Có thể nói việc quản lý tài sản trên nhiều chain khác nhau là quá sức với người dùng phổ thông. “Chúng ta nghĩ blockchain giúp giải phóng người dùng, nhưng thực tế là đang ‘giam lỏng’ người dùng”, Altan Tutar – đồng sáng lập Nuffle Labs, nói.

Nhiều giải pháp như bridge hay cross-chain swap đã liên tục được tối ưu hóa để giải quyết vấn đề phân mảnh thanh khoản và người dùng, nhưng nhìn chung chưa có bước đột phá. Đặc biệt, sau hàng loạt vụ hack cầu nối vào năm 2022, chiếm đến 22% tổng giá trị bị đánh cắp toàn ngành, người dùng đã mất niềm tin vào các hệ thống này.

crypto active user

Khi khó “đi lại” giữa các blockchain, người dùng cũng không mặn mà sử dụng các sản phẩm on-chain. Theo ước tính của a16zcrypto, trong tổng số hơn 617 triệu người sở hữu crypto trên toàn cầu, chỉ khoảng 5 - 10% là thực sự dùng tài sản để tương tác với các hệ sinh thái.

Để tiến tới mass-adoption, ngành blockchain cần một trải nghiệm liền mạch, nơi công nghệ blockchain “ẩn mình” và không cản trở người dùng. Các chuyên gia gọi tầm nhìn này là “chain abstraction”.

Mục tiêu cuối cùng là mỗi người dùng chỉ cần sở hữu một tài khoản duy nhất, có thể kiểm tra số dư trên tất cả mạng lưới, thanh toán bằng bất kỳ loại tiền nào, và giao dịch cross-chain mượt mà – giống như cách chúng ta sử dụng ngân hàng truyền thống, nhưng vẫn giữ được quyền kiểm soát tài sản cá nhân.

Đọc thêm: Solana còn lại gì sau memecoin? "Bến đỗ" mới của Phố Wall

RELEVANT SERIES