SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Phân tích mô hình hoạt động BUSD & Paxos

Miếng bánh stablecoin dù được chiếm phần lớn bởi USDT và USDC, vẫn còn cái tên khác có vốn hóa thấp hơn nhưng vẫn “sáng cửa” vượt mặt hai đối thủ trên, đó là BUSD. Bài viết cung cấp thông tin về cách BUSD và công ty đứng sau là Paxos hoạt động.
Avatar
Khang Kỳ
Published Aug 26 2022
Updated Oct 10 2023
12 min read
thumbnail

Kiến thức trọng tâm:

  • Paxos không chỉ có BUSD, mà còn USDP và PAXG.
  • Paxos có tần suất kiểm toán khá thường xuyên cho các sản phẩm token được bảo chứng bằng tài sản.
  • BUSD mang lại giá trị cho Paxos thông qua hiệu ứng mạng lưới.

Tổng quan về BUSD và Paxos

Sơ lược về BUSD

BUSD là stablecoin hoạt động theo cơ chế dự trữ 100% bằng tiền pháp định và tài sản tương đương. BUSD là sản phẩm hợp tác giữa công ty Paxos và sàn giao dịch tiền điện tử hàng đầu hiện nay: Binance. Điều này cũng được thể hiện ở cái tên với “B” là viết tắt của Binance.

Sơ lược về Paxos

Có lẽ không cần giới thiệu nhiều về Binance, nhưng cái tên Paxos chắc hẳn sẽ có nhiều người chưa nghe đến. Paxos xây dựng các giải pháp blockchain để mã hóa, lưu ký, giao dịch và thanh toán tài sản cho các đối tác doanh nghiệp.

BUSD không phải stablecoin đầu tiên của Paxos. Trước đó, họ có stablecoin khác là PAX Gold (PAXG) hay PAX Dollar (USDP).

Paxos từng gọi vốn được 500 triệu USD từ các nhà đầu tư như Mithril Capital, PayPal Ventures… Ngoài ra, khách hàng của Paxos cũng là những công ty lớn như Mastercard, Paypal, Binance…

Dưới đây là một số cột mốc chính của Paxos:

  • 2012: Ra mắt sàn giao dịch itBit.
  • 2015: Công ty đầu tiên đảm bảo Điều lệ ủy thác của Bộ Dịch vụ Tài chính Bang New York cho Tài sản Kỹ thuật số.
  • 2018: Phát hành stablecoin được quản lý đầu tiên trên thế giới, PAX (hiện được đổi tên thành USDP).
  • 2019: Phát hành token được đảm bảo bởi vàng đầu tiên: PAX Gold.
  • 2019: Được SEC cấp phép thí điểm sử dụng blockchain để giải quyết các giao dịch chứng khoán.
  • 2021: Công ty tiền điện tử đầu tiên được sự chấp thuận sơ bộ cho điều lệ của Ngân hàng tín thác quốc gia.

Các sản phẩm của Paxos

Paxos bao gồm 5 sản phẩm chính là môi giới, Paxos Gold, USDP, lưu ký và sàn giao dịch iBit.

1. Môi giới

Sản phẩm môi giới của Paxos cung cấp cho các công ty khác khả năng mua bán, giữ hay gửi tiền điện tử trong ứng dụng của riêng họ. Cụ thể, khách hàng chỉ cần tích hợp API của Paxos vào ứng dụng và sử dụng, Paxos giải quyết phần còn lại như kĩ thuật, cung cấp thanh khoản…

Có thể xem đây là dịch vụ “bao trọn gói” cho những công ty truyền thống muốn tham gia crypto nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Đây là sự hợp tác đôi bên đều có lợi khi Paxos có thêm không chỉ người dùng là công ty, mà còn là khách hàng lẻ của những công ty đó.

Đổi lại, công ty nào thích nghi với tiền điện tử sẽ được khách hàng ưa chuộng hơn. Bởi vì với việc tiền điện tử dần phổ biến, người dùng có xu hướng đầu tư, nắm giữ crypto nhiều hơn.

Hiện tại, dịch vụ môi giới của Paxos đang hỗ trợ những tài sản phổ biến như: BTC, ETH, BCH, MATIC, LTC, LINK, UNI, AAVE, PAXG, USDP.

Paxos được bộ dịch vụ tài chính Bang New York xét là công ty uy tín, nên người dùng có thể tin tưởng sử dụng sản phẩm môi giới của họ.

2. Paxos Gold

PAXG là token được bảo chứng bởi vàng, trong đó một token đại diện cho một ounce vàng London Good Delivery.

Đây có lẽ là loại vàng thỏi được sản xuất phổ biến nhất. Theo những quy định của hiệp hội vàng thỏi London (LBMA), những thỏi vàng này là “bản vị vàng” của thế giới, với thành phần chứa ít nhất 99.5% vàng nguyên chất, có trọng lượng khoảng 400 ounce mỗi thỏi.

Người dùng sở hữu PAXG có quyền đổi sang vàng với sự giám sát của Paxos Trust. Vì PAXG gắn với vàng vật chất, nên giá trị token gắn với giá trị vàng thị trường theo thời gian thực.

PAXG giúp người dùng mua bán vàng dễ dàng như token thông thường, không cần ra cửa hàng. Ngoài ra, lưu trữ hay vận chuyển PAXG cũng dễ hơn vàng vật lý.

3. USDP

Trước đây, USDP có tên là Paxos Standard (PAX) vào ngày 24/8/2021, Paxos Standard đổi tên thành Pax Dollar (USDP). USDP hoạt động tương tự BUSD khi được bảo chứng bởi tiền pháp định là USD. Người dùng có thể redeem tỉ lệ 1:1.

Điểm khác biệt của USDP và BUSD là:

  • USDP do chính Paxos làm ra.
  • BUSD là sự hợp tác của Paxos và Binance.

Theo CoinGecko, USDP và BUSD ra mắt cùng nhau vào khoảng cuối năm 2018, nhưng vốn hóa BUSD hiện gấp 20 lần so với USDP. Điều này có thể do ảnh hưởng của cái tên Binance mà mình sẽ nói chi tiết ở phần sau.

4. Lưu ký

Lưu ký là dịch vụ trong đó một tổ chức tài chính thay mặt khách hàng nắm giữ tài sản. Tương tự, Paxos giám sát tài sản tiền điện tử như Bitcoin, tài sản vật chất như vàng và tài sản khác như chứng khoán.

Khi lưu ký, tài sản được giữ trong ví lạnh 100%. Dĩ nhiên người dùng phải trả phí cho việc lưu trữ này.

5. itBit

itBit là sàn giao dịch của Paxos. Khác với sàn phổ biến như Binance, OKX… itBit giống nơi trao đổi riêng dành cho người dùng của Paxos bởi vì itBit không có tên miền riêng. Để truy cập vào itBit, người dùng cần có tài khoản Paxos.

Số lượng cặp giao dịch trên itBit khá hạn chế, chỉ một số cặp phổ biến như: BTC/USD, ETH/USD, BCH/USD, MATIC/USD, LTC/USD,...

Phân tích mô hình hoạt động của BUSD và Paxos

Nói chung về Paxos, không riêng BUSD, các sản phẩm đều hướng đến thu hút nhiều người dùng là chính:

  • Môi giới giúp cộng đồng truyền thống sử dụng crypto dễ dàng.
  • Paxos Gold giúp người dùng tiếp xúc với vàng thuận tiên.
  • USDP là phương tiện giữ giá trị trong crypto.
  • Lưu ký là sản phẩm thiết yếu để các công ty yên tâm về giữ an toàn tài sản crypto.

Việc redeem và mint BUSD không tốn phí. Nhưng những hoạt động khác đều trả phí, thậm chí là mint và redeem USDP. Số tiền này chính là doanh thu của Paxos.

Cụ thể, với sàn iBit, dựa vào khối lượng giao dịch mà người dùng được giảm phí giao dịch như sau (một basic point - bp là 1/100 của 1%):

Hay ví dụ khác, khi mua bán PAXG trên tài khoản Paxos (nền tảng thứ ba không có phí này), bạn cần trả khoản phí nhỏ như sau:

Treasury của Paxos có gì?

Tương tự USDT và USDC, dự trữ của Paxos dùng để đảm bảo giá trị cho những stablecoin của họ, nghĩa là BUSD và USDP.

Tiền mặt dự trữ đều là USD mà các tổ chức gửi vào để mint stablecoin. Khoản tương đương tiền mặt là những khoản đầu tư có thanh khoản cao cùng các đặc tính sau:

  • Có khả năng chuyển thành tiền mặt nếu cần.
  • Ngày đáo hạn ngắn (nhỏ hơn 3 tháng) nhằm đảm bảo rủi ro nhỏ nhất về giá trị phòng khi lãi suất thay đổi.

Những khoản đầu tư này đều là US Treasury Bill, nên đảm bảo về mặt uy tín. Vậy phần này khác gì với 4% US Treasury Bill trong dự trữ? Đó là thời gian đáo hạn. Trái phiếu trong mục tương đương tiền mặt có thời gian đáo hạn là 3 tháng, ở mục US Treasury Bill là 4 tháng.

Nếu bạn đã đọc bài viết về mô hình hoạt động của USDTUSDC, sẽ thấy lượng dự trữ của họ có vài điểm khác nhau nếu so với BUSD. Các đặc điểm này là:

  • Lượng tiền pháp định.
  • Các khoản đầu tư.

Tiền pháp định của dự trữ BUSD nhiều nhất khi so sánh cả ba. Ngoài ra, BUSD là 96%Dự trữ của USDT và USDC đa dạng hơn BUSD khi có nhiều mảng đầu tư. Đó có thể là kim loại (vàng, bạc…), đầu tư vào công ty khác,... bên cạnh trái phiếu chính phủ.

Nhìn chung, khi so sánh về việc giữ giá trị stablecoin, USDT và USDC vẫn đảm bảo việc redeem. Tuy nhiên, với lượng tiền mặt lớn, cũng như chỉ toàn trái phiếu, BUSD có vẻ có lợi thế hơn trọng việc redeem stablecoin sang tiền pháp định, vì tài sản dễ thanh lý. Còn USDT và USDC có các khoản đầu tư nên đôi khi rút về tiền mặt lâu hơn.

Nói về kiểm toán, cả BUSD, USDP và PAXG đều được kiểm định bởi công ty Withum với tần suất mỗi tháng một lần cho mỗi sản phẩm.

BUSD mang lại lợi ích gì cho Paxos?

Tương tự USDC, người dùng không tốn phí trong việc mint hoặc redeem BUSD. Do đó, công dụng của BUSD đối với Paxos giống với USDC và Circle.

Đó là hiệu ứng mạng lưới (network effect). Khi người dùng sử dụng BUSD càng nhiều, vai trò của Paxos với crypto cũng ngày càng lớn. Từ đó, các sản phẩm khác của Paxos cũng được hưởng lợi gián tiếp nhờ tệp khách hàng sử dụng BUSD.

Hiệu ứng mạng lưới của USDT, USDC so với BUSD mang về cho công ty đứng sau có thể xem là tương đương. Tuy nhiên, Paxos với BUSD có lợi thế hơn vì đây là sản phẩm hợp tác với Binance.

Binance là sàn giao dịch tiền điện tử phát triển vượt bậc khi thành lập từ 2017 và mất 6 tháng để trở thành nền tảng có khối lượng giao dịch lớn nhất thế giới lúc bấy giờ. Không ngừng lại, Binance sau đó luôn giữ vững vị trí trong nhiều năm tiếp theo.

Điều này đạt được là do người đứng sau Binance là CZ, được biết đến với những nước đi thông minh trong công cuộc xây dựng Binance. BUSD là stablecoin mang thương hiệu Binance, nên có thể kì vọng về những chiến lược phát triển hiệu quả cho stablecoin này. Từ đó, Paxos có thể bước xa hơn trong tương lai nếu so với Circle hay Tether.

Tương lai của BUSD

Khác với USDT và USDC, BUSD tính đến nay chưa có bất kì lùm xùm nào (hoặc nếu có cũng nhỏ), làm ảnh hưởng đến sự phát triển của mình.

BUSD hiện là stablecoin top 3 về vốn hóa sau USDT và USDC. Một phần có lẽ do BNB Chain (trước đây là Binance Smart Chain) phát triển vượt bậc vào năm 2021 dưới bàn tay lãnh đạo của CZ.

Hiện đang có hơn 1,000 cặp giao dịch cho USDT và USDC ở nhiều sàn lớn nhỏ khác nhau. Nhưng BUSD chỉ thấy phần lớn ở các cặp giao dịch trên Binance và PancakeSwap - đều thuộc hệ sinh thái Binance.

Từ đó thấy được vị thế của USDT và USDC hiện tại liên quan lớn đến sự phát triển của cả crypto. Nên BUSD vẫn còn quãng đường dài để bắt kịp hai stablecoin trên.

Tiếp theo, ngoài việc cạnh tranh với đối thủ bên ngoài, BUSD cần phải hạn chế sự phát triển của “gà nhà” USDP. Đây chính xác hơn là vấn đề của Paxos hơn là BUSD vì USDP mới là sản phẩm của họ. Nên rất khó để cả hai cùng phát triển khi đi chung một ngách.

Ngoài ra, tương tự USDT và USDC, BUSD cần để mắt đến tiền kỹ thuật số ngân hàng Trung Ương (CBDC). Vì đứng sau CBDC là chính phủ, họ có thể ra mắt những điều luật nhằm “dọn đường” khi CBDC ra mắt.

Để hiểu rõ hơn về những thách thức và cơ hội mà CBDC mang lại cho stablecoin nói riêng và thị trường crypto nói chung, bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây:

Tìm hiểu thêm: CBDC là gì? Cơ hội thời đại của thị trường crypto

Lời kết

Là một trong những stablecoin vốn hóa lớn, BUSD là tài sản ít biến động về giá và đủ an toàn để người dùng lưu giữ giá trị. Ngoài ra, tiềm năng của BUSD vẫn còn lớn bởi không ai biết chiến lược sắp tới của CZ là gì.

Nếu có bất kì thắc mắc nào thì hãy để lại bình luận ở cuối bài, mình sẽ giải đáp cho anh em nhé!

Đọc thêm:  Phân Tích Mô Hình Hoạt Động DeFi Kingdoms (JEWEL)

RELEVANT SERIES