On-chain ETH: Mạng lưới nhộn nhịp với trend NFT trên Ethereum
Ethereum là một đồng coin có vốn hoá lớn thứ #02 trong thị trường Crypto (sau Bitcoin) và có sức ảnh hưởng rất lớn đến thị trường DeFi. Bởi vậy, trong số On-chain Microscope này mình sẽ tiếp tục phân tích và đưa ra các dự phóng đối với ETH dựa trên các dữ liệu On-chain thời gian vừa qua.
Dữ liệu từ các sàn giao dịch
Số lượng ETH trên sàn giao dịch
Dữ liệu về số lượng ETH trên các sàn giao dịch cho thấy xu hướng hiện tại đang là đi ngang.
Xu hướng ETH trên sàn hiện tại đang đi ngang
Cụ thể số lượng ETH trên các sàn giao dịch hiện tại tăng nhẹ 1% so với số liệu vào 2 tuần trước, và so với đợt giá cả có sự giảm mạnh từ hồi tháng 5/2021 thì số lượng ETH trên các sàn giao dịch tính đến nay đã giảm 8%.
Con số này tương đương với khoảng 1.7 triệu ETH (~$4.1B tại mức giá $2,400/ETH) đã được rút ra khỏi sàn kể từ tháng 5/2021 đến nay.
Điều này chứng tỏ rằng dù giá cả tuy có sự sụt giảm thì nhu cầu sử dụng ETH trong các hoạt động ngoài sàn giao dịch vẫn đang tiếp tục gia tăng, các hoạt động này bao gồm:
- Sử dụng để giao dịch hoặc tham gia vào các nền tảng DeFi.
- Tham gia Staking ETH 2.0.
- Hoặc đơn giản là nhu cầu về lưu trữ dài hạn trong bối cảnh các sàn giao dịch đang chịu những rủi ro pháp lý rất lớn có thể khiến tài sản lưu trữ trên đó kém an toàn hơn.
ETH Exchanges Netflow
Nhìn chung trong khoảng thời gian 2 - 3 tháng trở lại đây chúng ta không nhìn thấy ETH được nạp ròng trên sàn giao dịch nhiều.
Số lượng ETH nạp rút trên sàn giao dịch
Bằng chứng ở việc như anh em có thể thấy thì số lượng cột hướng xuống dưới nhiều hơn hẳn số lượng hướng lên trên.
Ngoài ra, hãy tập trung vào chi tiết những khoảng thời gian nào chúng ta chứng kiến số lượng ETH được nạp lên sàn nhiều.
Số lượng ETH nạp lên sàn giảm dần trong các đợt điều chỉnh
Hầu hết những khoảng thời gian anh em thấy ETH được nạp lên sàn nhiều đó là những lúc giá cả có sự điều chỉnh. Và nhìn theo xu hướng rút ròng khi giá cả có sự điều chỉnh, chúng ta có thể thấy số lượng ETH được rút ròng mỗi khi điều chỉnh càng ngày càng giảm.
Điều đó chứng tỏ rằng nhiều khả năng lực bán về sau sẽ ngày càng giảm khi nhà đầu tư ngày càng tỏ ra bàng quan hơn với những sự điều chỉnh giá cả trong ngắn hạn.
ETH 2.0 Staking
Tiếp đến mình sẽ phân tích cho anh em những số liệu về tình hình Staking ETH 2.0 để xem niềm tin của cộng đồng đối với Ethereum đang diễn ra như thế nào?
Staking Ratio
Đây là số liệu về tỷ lệ ETH được Staking trong Smart Contract ETH 2.0 trên tổng cung của Ethereum.
Số lượng ETH tham gia staking tiếp tục gia tăng
Số lượng ETH được đưa vào Staking trong smart contract của ETH 2.0 tiếp tục tăng. Cụ thể, staking ratio hiện tại đạt 5.56%, tăng 0.12% so với khoảng thời gian 2 tuần trở lại đây, khi giá ETH chạm đáy dưới $1,800.
Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng về staking ratio (mình sẽ minh hoạ rõ hơn cho anh em trong phần staking inflow total) hiện tại đang giảm dần, lý do cho việc này có thể là:
- Reward cho việc staking ETH hiện tại đã giảm khá nhiều do cũng đã trải qua khoảng 9 tháng kể từ lúc ra mắt ETH 2.0 staking.
- Ngoài ra, hiện tại lượng ETH được staked đã lên tới hơn 6.5 triệu dẫn đến APY lúc này chỉ khoảng 6.1% và có thể sẽ không còn hấp dẫn với các nhà đầu tư như thời gian trước.
Reward cho việc staking giảm dần - Nguồn: ETH2 Calculation sheet
Staking Inflow Total
Số liệu này sẽ cho anh em biết lượng ETH tham gia Staking trong một khoảng thời gian cụ thể.
Tốc độ tăng trưởng staking ETH 2.0 giảm dần
Tracking số liệu về lượng ETH tham gia staking mới sẽ thấy rõ được chiều hướng đi xuống đang diễn ra một cách rõ ràng.
Ngoài lý do về APY giảm thì còn có thể giải thích bằng việc hiện nay đã có những dấu hiệu cho việc thị trường sôi động trở lại, giá cả tăng trưởng cũng như các giao dịch trên mạng lưới được thực hiện thường xuyên hơn dẫn đến nhu cầu tham gia Staking ETH 2.0 suy giảm.
Một số thông số trên mạng lưới trước EIP-1559
Số lượng Transactions trên mạng lưới
Số lượng Transactions trên mạng lưới có dấu hiệu tăng trưởng trở lại trong thời gian gần đây.
Số lượng Transactions có xu hướng tăng trở lại
Cụ thể, số lượng transactions daily (trung bình 7 ngày) hiện đang đạt mức 1.25 triệu, tăng khoảng 4.2% so với mức thấp khoảng 1.2 triệu trong tháng 7/2021.
Số lượng địa chỉ ví active
Số lượng địa chỉ ví Active trên Ethereum cũng đã tăng trưởng trở lại từ mức thấp được ghi nhận vào giữa tháng 7/2021.
Số lượng active addresses gia tăng
Hiện tại, trung bình mỗi ngày (7D MA) đang có khoảng 549,000 địa chỉ ví active, tăng trưởng 17.4% so với mức đáy được ghi nhận vào giữa tháng 7. Dấu hiệu khá tích cực cho thấy hoạt động trên mạng lưới Ethereum đang sôi động trở lại.
Xét về số lượng địa chỉ ví mới thì con số tăng trưởng không được như trên.
Tuy nhiên số lượng địa chỉ ví mới lại không chứng kiến sự hồi phục
Hiện tại, số lượng địa chỉ ví mới được thành lập trung bình một ngày là 81,000 tăng 10.5% so với 2 tuần trước.
Như vậy, với việc hiện tại đang có nhiều hệ sinh thái phát triển song hành với Ethereum với mức phí giao dịch rẻ và nhanh hơn thì nhu cầu đối với Ethereum dường như đến từ các users cũ nhiều hơn.
Gas Fee
Mức Gas Fee theo đó cũng tăng nhẹ.
Mức Gas Fee tăng trở lại
Con số trung bình để thực hiện một transaction trên Ethereum là $7.89 (tăng gần 50% so với khoảng thời gian giữa tháng 7 khi trung bình một transaction chỉ tốn $5). Ngoài việc tăng giá của ETH thì Gas Gwei gần đây cũng tăng là lý do khiến Fee tăng mạnh.
Mức Gas Gwei theo đó cũng chứng kiến sự tăng trưởng
Như anh em có thể thấy, hiện tại mức Gas Gwei trong 2 ngày đầu tháng 8/2021 đều diễn biến ở mốc 20 - 40 (thậm chí có thời điểm lên đến hơn 80).
Thêm một thông tin khác khá thú vị, đó là nếu mức Gas Gwei được duy trì như hiện tại thì cập nhật EIP-1559 sắp tới sẽ khiến lượng ETH được burned mỗi ngày rơi vào khoảng 2,000 - 4,000 ETH (theo Ultrasound.money).
Điều đó tương đương với 730,000 - 1,460,000 ETH được burned mỗi năm. So với mức inflation khoảng 4.2% (~4.9 triệu ETH mỗi năm) hiện nay thì chưa khiến mạng lưới ETH giảm phát, tuy nhiên nó cũng góp phần giảm tới gần ⅓ mức lạm phát hàng năm (chưa kể mức gas gwei cao hơn sẽ khiến lượng ETH được burned sẽ lớn hơn nữa).
Miner
Với cập nhật EIP-1559 thì các miner là đối tượng bị ảnh hưởng khá nhiều do thu nhập của họ sẽ bị giảm với cơ chế Burn Base Fee.
Transaction Fee hiện tại chiếm một phần khá lớn trong thu nhập của Miner
Tại thời điểm mình viết bài thì Transaction Fee trên mạng lưới chiếm tới 24.4% tổng thu nhập của các Miner. Trong những thời điểm thị trường sôi động nhất thì con số này có thể dao động từ 30% - 40% thậm chí lên tới hơn 50% như trong tháng 2/2021.
Như vậy với việc Burn Fee với các thông số được duy trì hiện tại sẽ ảnh hưởng tới Miner rất nhiều. Vậy liệu sẽ có một bộ phận Miner từ bỏ việc khai thác ETH?
Hashrate tăng trở lại
Dữ liệu về Hashrate (Hay độ khó khi khai thác ETH) cho thấy rằng hiện tại Hashrate đã tăng khoảng 12% so với đầu tháng 7/2021. Điều này chứng tỏ các Miner không những từ bỏ việc khai thác mà còn đang có dấu hiệu gia tăng.
Ngoài ra, theo như giả lập về Revenue with and without EIP-1559 của các Miner (Issue bởi Yorick Downe & Max Voltage) (Nguồn: EIP-1559 Resource) thì EIP-1559 sẽ giảm thu nhập của Miner từ 8% - 38% tuỳ theo mức Base Fee (Với lượng Base Fee chiếm 99% trên tổng Transaction Fee thì thu nhập của Miner mới bị giảm đi 38%).
Tóm lại, tác động của EIP-1559 tới Miner theo góc nhìn của mình như sau:
- Nhìn chung thu nhập sẽ bị giảm tuy nhiên nhu cầu về khai thác ETH vẫn không giảm (Hashrate tăng trở lại).
- Nhiều khả năng mức giảm thu nhập thực tế sẽ không đến ngưỡng 38% mà chỉ dao động trong khoảng 10% - 25%.
- Với cơ chế Burn ETH cũng như Gas ổn định hơn sẽ dẫn tới nhu cầu đối với ETH và DeFi trên Ethereum gia tăng. Từ đó bù đắp lại được sự suy giảm trong thu nhập kể trên.
NFT giúp mạng lưới trở nên sôi động hơn trước thềm EIP-1559
NFT và Play to Earn là các chủ đề rất hot trong khoảng thời gian gần đây và đó cũng là một trong những lý do khiến các giao dịch trên mạng lưới Ethereum trở nên sôi động trở lại.
Top Gas used by smart contract
Như anh em có thể thấy trong các smart contract trên Ethereum sử dụng nhiều Gas nhất trong 30 ngày vừa qua, thì Top 2 và Top 3 đã thuộc về Ronin Bridge của Axie Infinity và OpenSea - Nền tảng NFT Marketplace lớn nhất trên thị trường hiện tại.
Các nền tảng NFT thuộc top gas puzzlers trên mạng lưới - Nguồn: Etherscan
Lượng ETH được sử dụng làm phí giao dịch qua Ronin Bridge vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Gas Fee trên Ronin Bridge - Nguồn: Etherscan
Thậm chí con số Gas Fee vẫn tiếp tục tăng đạt ATH trong thời gian gần đây, bất chấp Trend NFT và Play to Earn đã diễn ra được một khoảng thời gian.
OpenSea cũng cho thấy diễn biến tương tự khi lượng Gas Fee tăng thậm chí gần đạt đỉnh vào hồi tháng 3/2021.
Gas Fee trên OpenSea - Nguồn: Etherscan
Như vậy, với sự tăng trưởng liên tục và chưa có dấu hiệu ngừng nghỉ của NFT trên Ethereum điểm hình là Axie Infinity và OpenSea đã khiến mạng lưới trở nên sôi động hơn.
CryptoPunk và một số NFT Collectibles khác
Ngoài Axie Infinity và OpenSea thì một số bộ sưu tập NFT cũng là lý do khiến mạng lưới Ethereum thậm chí có lúc tắc nghẽn trong khoảng thời gian gần đây.
Trước tiên là CryptoPunk - đây là một game NFT đời đầu, được phát triển trước cả CryptoKitties đã từng gây “bão” một thời. Trong khoảng thời gian gần đây, với sự phát triển của Trend NFT thì các “Old school” này có sự tăng trưởng vượt trội.
Volume giao dịch và giá trị của Crypto Punk tăng vọt
Một số số liệu thống kê từ Dune Analytics đã cho thấy độ hot của Crypto Punk:
- Selling Price trung bình lên tới hơn 50 ETH cho một Punk (hơn $100,000).
- Weekly Volume đạt ATH lên tới gần 50,000 ETH.
- NFT cao nhất được bán với mức giá 4,200 ETH (hơn $10M).
Ngoài ra còn một thông tin khá thú vị đó là từ khóa Crypto Punk lại được lên Twitter top trending ở mục Business and finance.
Ngoài Crypto Punk thì Stoner Cats NFT cũng là một chủ đề nóng trong tuần vừa qua. Dự án này được thu hút bởi việc có sự xuất hiện của Vitalik Buterin lồng tiếng cho một sản phẩm hoạt hình mà phải sở hữu Stoner Cats NFT thì mới có thể xem được.
Với đặc điểm đó thì không lấy làm lạ khi việc nhu cầu sở hữu NFT là rất lớn, các NFT này được bán hết trong vòng 35 phút, và một trong những lý do cho việc “bán chậm” như vậy đó là Gas Gwei được đẩy lên rất cao khiến việc Transactions bị Failed diễn ra thường xuyên.
Một giao dịch với 5.8 ETH Gas Fee nhưng vẫn Failed
Mức Gas Gwei khi đó cũng lên tới đỉnh điểm là 1,500 khiến mạng lưới trở nên tắc nghẽn.
Gas Gwei lên tới đỉnh điểm là 1,500
Một số suy nghĩ cá nhân của mình
Đối với mình, NFT như một bức tranh trừu tượng của một danh hoạ nổi tiếng, nó có thể cực kỳ có giá trị đối với các nhà sưu tập và những người hiểu biết về hội hoạ. Hoặc đơn giản chỉ là các nét vẽ nguệch ngoạc và chả có ý nghĩa hoặc giá trị gì.
Đối chiếu với Crypto Punk hay Stoner Cats, tại sao nhu cầu sở hữu với chúng lại cao như vậy? Theo mình có 2 nhu cầu chính:
- Nhu cầu của những nhà sưu tập thực sự (hay tương đương với những người am hiểu hội hoạ có sự hiểu biết về ý nghĩa của tác phẩm trong ví dụ kể trên của mình).
- Nhu cầu đầu cơ: Họ là những nhà kinh doanh nhận ra một số feature đặc biệt như có giọng nói của Vitalik Buterin trong NFT, họ sẽ mua trước và bán lại cho những người có nhu cầu thực sự muốn sở hữu với giá cao hơn để lấy lời.
Nhu cầu về đầu cơ thì hoàn toàn dễ hiểu, còn với nhu cầu sưu tập thì sao? Chắc hẳn anh em đều thấy đó là một thứ gì đó trừu tượng và khó hiểu hệt như các tác phẩm hội họa trong đời sống.
Tuy nhiên, nếu so sánh Crypto Punk hay Stoner Cats với một tác phẩm nghệ thuật, một bộ sưu tập tiền cổ hay những cổ vật thời xa xưa thì điều này hoàn toàn dễ hiểu:
- Crypto Punk là dự án NFT đời đầu ghi dấu ấn rất lớn cho sự phát triển của Ethereum cũng như NFT (tương tự những tác phẩm hội hoạ thời Phục Hưng hay những cổ vật) có ý nghĩa lịch sử rất lớn.
- Hay đối với Stoner Cats cũng tương tự như việc một người hâm mộ bóng rổ sở hữu một đôi giày có chữ ký của Lebron James hay Michael Jordan, chúng đều rất có giá trị với họ.
Tuy nhiên vấn đề anh em cần phải mở rộng ra hơn thế nữa:
- Như ví dụ mình kể trên, bóng rổ hay thời kỳ Phục Hưng là một thứ gì đó sẽ tồn tại vĩnh viễn trong lịch sử, hay ít nhất là mọi người tin vào việc đó. Và các dấu ấn nó để lại (như bức tranh hay đôi giày của huyền thoại bóng rổ) sẽ luôn có giá trị thậm chí còn gia tăng theo thời gian.
- Và ánh xạ qua Crypto Punk hay Stoner Cats cũng như thế. Với những đặc tính độc nhất cũng với niềm tin vào việc trường tồn của Ethereum, thì các nhà sưu tập sở hữu nó ngoài với nhu cầu của một Collectible cũng như một tài sản lưu trữ giá trị trong tương lai.
- Ngoài ra, thông qua việc này cũng có thể thấy Crypto đang dần đi vào văn hoá đại chúng.
Tóm lại, qua việc nhu cầu sở hữu các OG Ethereum Artifacts như Crypto Punk gia tăng đang chứng tỏ niềm tin của thị trường đối với sự phát triển dài hạn của Ethereum nói riêng và Crypto nói chung.
Tổng kết
Như vậy sau khi phân tích các dữ liệu On-chain về ETH mình có thể đưa ra cho anh em một số kết luận như sau:
- Số lượng ETH trên sàn giao dịch hiện tại tuy không tiếp tục sụt giảm nhưng cũng vẫn đang duy trì ở mức thấp. Các dữ liệu về việc nạp rút ETH trên các sàn giao dịch cũng cho thấy lực bán dường như đang giảm dần và các nhà đầu tư cũng trở nên bàng quan hơn với biến động giá trong ngắn hạn.
- Số lượng ETH tham gia Staking ETH 2.0 tiếp tục gia tăng nhưng tốc độ tăng trưởng lại giảm dần. Nguyên nhân có thể do nhu cầu về ETH để tham gia thị trường DeFi cũng như mức APY hiện tại đang giảm dần.
- Trend NFT đã góp phần rất lớn khiến cho mạng lưới Ethereum sôi động trở lại trước thềm EIP-1559.
- Nhiều khả năng thu nhập của các Miner sau khi triển khai EIP-1559 không sụt giảm nặng nề như nhiều người dự đoán. Trái lại, với các tác động tích cực bản cập nhật này mang lại thậm chí còn có thể giúp các Miner giữ nguyên thu nhập cũng như giúp giá cả ETH tăng trưởng.
- Ngoài ra, từ nhu cầu sở hữu các OG NFT trên Ethereum như Crypto Punk cũng cho thấy niềm tin của thị trường đối với sự phát triển dài hạn của Ethereum cũng như Crypto ngày càng gia tăng.
Hy vọng bài viết đã cung cấp thêm những góc nhìn về dữ liệu On-chain của ETH. Mình rất mong đây sẽ là một nguồn thông tin tham khảo hữu ích trong việc đầu tư của anh em.
Đọc thêm NEAR Foundation hợp tác Elliptic