SEC đang cho các công ty crypto một lý do để tháo chạy khỏi nước Mỹ
Câu chuyện Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) thể hiện thái độ không mấy thiện cảm với crypto có lẽ đã quá quen thuộc với các nhà đầu tư trên thị trường. Điều này vô hình chung tạo nên nỗi sợ khi thấy bất kỳ trang tin nào có tiêu đề gắn tên SEC trong đó. Những doanh nghiệp phát triển theo ngành crypto sẽ luôn cảm thấy bất an về quy định tại Mỹ, khi đã có nhiều bên chịu ảnh hưởng nặng nề do bị SEC cáo buộc những vấn đề mà họ không lường trước được.
Vào cuối năm 2022, nền tảng cho vay Nexo tuyên bố sẽ rời khỏi thị trường Mỹ sau 18 tháng “đối thoại thiện chí” với cơ quan quản lý liên bang và tiểu bang. Theo CoinDesk, Binance - sàn giao dịch lớn nhất thế giới có thể đang tìm cách chấm dứt vài mối quan hệ với các đối tác kinh doanh Mỹ và xem xét lại khoản vốn đầu tư của mình tại đây. Phải chăng, các doanh nghiệp crypto đang dần loại bỏ sự ảnh hưởng của Mỹ trong chiến lược kinh doanh của họ?
Với tư cách là nhà sáng lập của một công ty, mọi luật sư chúng tôi gặp đều khuyên không nên cân nhắc đến thị trường Mỹ, do sự không chắc chắn về quy định về crypto tại quốc gia này
Boyd Cohen, CEO của nền tảng Iomob
Cộng đồng crypto không ưa chủ tịch SEC
Theo một cuộc khảo sát của Coinbase, có 20% người trưởng thành tại Mỹ sở hữu tài sản crypto. Ngay cả khi con số này không hoàn toàn chính xác, rõ ràng crypto vẫn luôn là mục tiêu mà các cơ quan quản lý của Mỹ không thể bỏ qua.
Chủ tịch SEC - Gary Gensler cho rằng, nhà đầu tư trong thị trường crypto dễ bị tổn thương và họ cần được bảo vệ nhiều hơn. Theo quan điểm của chủ tịch SEC, các quy định lưu ký tài sản được sinh ra để bảo vệ các loại tiền mã hóa và chứng khoán của nhà đầu tư. Do đó, ông Gensler một lần nữa ủng hộ đề xuất về việc mở rộng các quy định lưu ký tài sản đối với nhiều loại tiền mã hóa hơn.
Sàn giao dịch, nền tảng cho vay crypto không phù hợp để lưu ký. Chỉ một nền tảng giao dịch tiền điện tử tuyên bố đủ điều kiện lưu ký thì không có nghĩa tất cả đều như vậy. Khi các nền tảng trên thất bại, tài sản của nhà đầu tư thường trở thành một phần của công ty đó. Điều này sẽ khiến các nhà đầu tư phải xếp hàng dài tại tòa án.
Gary Gensler, Chủ tịch SEC
Ủy ban Cố vấn nhà đầu tư (Investor Advisory Committee) đã đề xuất mở rộng quy định năm 2009 vốn được xây dựng để giảm rủi ro ảnh hướng từ các hình thức Ponzi. Quy tắc mới được đề xuất sẽ yêu cầu các thỏa thuận bằng văn bản giữa cố vấn và bên tổ chức lưu ký, bổ sung yêu cầu đối với các doanh nghiệp nước ngoài có vai trò tương tự, đồng thời mở rộng hình thức bảo vệ đối với giao dịch.
Ngược chiến tuyến với ông Gensler, Hester Peirce - Ủy viên SEC lại thể hiện quan điểm phản đối quy tắc trên. Bà cho rằng, quy tắc bổ sung sẽ ảnh hưởng đến quyết định của các cố vấn và khiến họ ngừng tư vấn cho khách hàng về crypto.
Hai nhà lập pháp thuộc đảng Cộng hòa mới đây cũng đã lên tiếng chỉ trích các nguyên tắc do SEC đề ra. Họ cho rằng chúng sẽ khiến nhà đầu tư crypto có nguy cơ thua lỗ cao hơn. Vào ngày 2/3, Thượng nghị sĩ Cynthia Lummis cùng Hạ nghị sĩ Patrick McHenry lập luận, những quy tắc từ phía SEC có thể ngăn cản các thực thể được quản lý tham gia vào việc lưu ký crypto. Điều này hoàn toàn ngược lại với những gì cơ quan quản lý nên làm.
"In sum, the effect of SAB 121 is to deny millions of Americans access to safe and secure custodial arrangements for digital assets."
— Senator Cynthia Lummis (@SenLummis) March 2, 2023
⬇️⬇️ My letter with @PatrickMcHenry here:https://t.co/kEQKJMg4tC
Người dùng trên mạng xã hội Twitter thể hiện phản ứng gay gắt đối với SEC nói chung và chủ tịch Gary Gensler nói riêng. Mason Versluis - Nhà đầu tư sở hữu hơn 150 nghìn theo dõi cho rằng, chủ tịch SEC sẽ trở thành nguyên nhân cho sự sụp đổ của ngành công nghiệp crypto tại Mỹ sau những phát ngôn của ông kể từ giữa tháng 2/2023.
Tất cả đều là chứng khoán trừ Bitcoin
Gary Gensler, Chủ tịch SEC
Đọc thêm: Lời đe dọa của SEC cho toàn thị trường
Với những tuyên bố đi kèm cùng hành động trước đây của SEC, nhiều nhà đầu tư không cảm nhận được thiện chí của cơ quan này đối với thị trường crypto mà họ chỉ nhìn ra điều ngược lại.
Tuy nhiên, bên trong nội bộ SEC vẫn có những ý kiến ủng hộ crypto như Ủy viên Peirce phía trên và ông Gensler không phải nhà lập pháp. Những quan điểm của ông sẽ có tác động nhất định nhưng vẫn chỉ mang tính tham khảo, quyết định cuối cùng nằm ở Tòa án liên bang.
Chair Gensler may have prejudged that every digital asset aside from bitcoin is a security, but his opinion is not the law. The SEC lacks authority to regulate any of them until and unless it proves its case in court. For each asset, every single one, individually, one at a time.
— Jake Chervinsky (@jchervinsky) February 26, 2023
Thực tế, hiện pháp luật tại Mỹ vẫn chưa có định hướng rõ ràng về việc điều chỉnh crypto. Ngay sau khi Kraken đóng phạt 30 triệu USD về vấn đề chưa đăng ký dịch vụ stake, ông Gary Gensler một lần nữa thổi bùng ngọn lửa trong cộng đồng crypto trên Twitter bằng phát biểu sau trên CNBC:
Kraken biết cách đăng ký. Những người khác biết cách đăng ký, đó đơn giản chỉ là một biểu mẫu trên trang web của chúng tôi. Họ có thể đến và trò chuyện với nhân viên của chúng tôi
Jesse Powell - Giám đốc điều hành Kraken đã ngay lập tức đáp trả: “Ước gì tôi đã xem video này trước khi trả khoản tiền phạt 30 triệu USD và đồng ý đóng cửa dịch vụ vĩnh viễn tại Mỹ”.
Nhiều người dùng Twitter trong đó có luật sư Jason Gottlieb của Morrison Cohen cho biết, các dự án không thể đăng ký ngay cả khi họ muốn. Có rất nhiều dự án rất muốn đến để trò chuyện và đăng ký với SEC, nhưng khi họ làm vậy phía cơ quan phụ trách đã một mực từ chối.
Nếu một công ty đến SEC để đăng ký, điệp khúc điển hình sẽ là “Chúng tôi không chắc nên đăng ký công ty của bạn với tư cách gì”. Tệ hơn nữa, công ty đó có thể nhận được Thông báo Wells hoặc trát hầu tòa sau đó từ SEC
Rebecca Rettig, Giám đốc chính sách của Polygon Labs
Những nỗ lực của SEC liệu có ảnh hưởng tiêu cực sự phát triển của crypto tại Mỹ?
Tháng 2/2023 được ghi nhận là tháng bị pháp luật can thiệp vào nhiều nhất trong crypto. Xét trong danh sách, việc SEC bị nhắc tên nhiều lần đủ để cho thấy mức độ quan tâm của tổ chức đến thị trường crypto là lớn đến nhường nào. Trong đó, những các động thái gây tranh cãi hơn cả là vụ kiện có thể xảy ra của SEC với Paxos về stablecoin BUSD và việc đóng cửa dịch vụ stake của sàn giao dịch Kraken.
By most accounts, this was the most significant US regulatory crackdown on crypto in a single month ever. Likely more to come on that front. pic.twitter.com/kRhIMs67pZ
— Travis Kling (@Travis_Kling) March 1, 2023
Vụ việc với Paxos có lẽ tốn giấy mực hơn cả, khi điều này làm lay chuyển vị thế stablecoin có vốn hóa lớn thứ 3 thị trường của BUSD. Sau những cáo buộc từ SEC về khả năng vi phạm Luật Bảo vệ nhà đầu tư, Paxos đã phải ngưng đúc thêm BUSD. Điều này góp phần làm vốn hóa của BUSD lần đầu tiên giảm dưới 10 tỷ USD trong vòng 2 năm trở lại đây.
Trải qua nhiều vụ việc lớn nhỏ theo từng năm, tuy có nhiều ý kiến trái chiều khác nhau, nhưng phần lớn cộng đồng đều cho rằng SEC dường như đang trừng phạt các dự án được chọn thông qua việc quy định bằng cách thực thi thay vì đưa ra các quy tắc và hướng dẫn rõ ràng. Điều này sẽ gây khó khăn cho những doanh nghiệp muốn tuân thủ các quy định tại Mỹ nhưng không có một định hướng rõ ràng.
Trong khi ngành công nghiệp crypto có tính chất toàn cầu, các doanh nghiệp và dự án có rất nhiều lựa chọn khác bên ngoài Mỹ. Đã có những quốc gia thân thiện hơn với crypto hoặc có luật tương đối rõ ràng về ngành sẽ trở thành điểm đến thú vị hơn so Mỹ. Xét quanh châu Á, chúng ta có Singapore tương đối thân thiện với crypto, một Hong Kong đang tìm cách để trở thành trung tâm Web3 hay Dubai - nơi vừa tiết lộ khung pháp lý mới liên quan đến thị trường.
Không phải ngẫu nhiên, Cameron Winklevoss - Nhà đồng sáng lập của Gemini lại có nhận định cho rằng, đợt tăng giá tiếp theo có thể bắt nguồn từ phương Đông. Thực tế, để hoạt động crypto tại các quốc gia châu Á như Hong Kong hay Nhật Bản không hề đơn giản. Tuy nhiên, hai quốc gia trên có hệ thống pháp lý cung cấp khá rõ ràng về các quy tắc, điều này hỗ trợ doanh nghiệp có thể lường trước những gì cần chuẩn bị nếu phát triển tại đất nước mong muốn .
Luận điểm hiện thời của tôi là đợt tăng giá tiếp theo sẽ bắt đầu ở phương Đông. Đây như một lời nhắc nhở khiêm tốn rằng crypto là loại tài sản không bị bó buộc bởi bất kỳ quốc gia nào. Phương Tây, đặc biệt là Mỹ luôn chỉ có hai lựa chọn: nắm lấy cơ hội hoặc bị bỏ lại phía sau
Cameron Winklevoss, Nhà đồng sáng lập Gemini
Đọc thêm: Đợt tăng giá tiếp theo sẽ bắt nguồn từ Trung Quốc?
Nói qua cũng phải nói lại, Mỹ là nền kinh tế hàng đầu thế giới, nơi đây chắc chắn là nguồn thanh khoản mà bao dự án mong ước có được. Do đó, bất cứ động thái nào từ phía chính phủ Mỹ nhắm vào crypto không chỉ ảnh hưởng đến người dân xứ cờ hoa mà còn lan đến cả những nhà đầu tư trên toàn thế giới. Các nhà đầu tư trên khắp thế giới chắc hẳn đang rất khao khát các cơ quan của Mỹ tìm được tiếng nói chung, để hướng đến một bộ quy định cụ thể dành cho crypto.
Qua đó, các doanh nghiệp sẽ lường trước những gì họ cần chuẩn bị và nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ giảm đi phần nào sự hốt hoảng, có cái nhìn tích cực hơn mỗi khi có bất cứ cáo buộc nào được đưa ra.